Buổi làm việc ngày 23/09/2017 với an ninh bộ, thành phố tại phường 5 quận 11, nói chung là cũng nhẹ nhàng, ngoại trừ chiêu phủ đầu các anh dọa nạt, xưng mày tao, bắt tôi cởi giày, cởi tất, cởi nịt, ơn trời là cũng đến thế thôi.
Các anh yêu cầu tôi nghiêm chỉnh tại cơ quan pháp luật. Tôi hỏi: tôi làm gì không nghiêm chỉnh, mà đúng là tại cơ quan, sao các anh lại chửi thề, xưng mày nói tao, lại hăm dọa đánh người.
Tôi đòi quyền liên lạc với người thân, quyền được mời luật sư. Các anh bảo, phải làm sai gì mới phải mời luật sư. Không hiểu các anh vô tình hay cố ý chứng tỏ sự hiểu biết của mình.
Mong chờ đã lâu, tôi cũng đã có cơ hội thảo luận với các anh một số vấn đề.
Đa nguyên đa đảng
Với cách tổ chức quốc hội như hiện nay, 90% là đảng viên, 10% người ngoài đảng, các anh sẽ không có cơ hội đổi mới thể chế, mà mọi việc sẽ ngày càng tệ hơn. Hiến pháp hiện nay, chỉ là hiện thực các điều lệ đảng thì đổi mới kiểu gì.
Việc chống tham nhũng và minh bạch hóa thông tin
Người ta chống tham nhũng, thực ra rất đơn giản là thực thi nghiêm chỉnh luật tiếp cận thông tin, tự do ngôn luận, báo chí. Trong khi luật tiếp cận thông tin vừa ban hành có hiệu lực vào 1/7/2018, các anh vẫn thòng thêm 1 câu: tại Điều 3 khoản 5 "Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác.". Với điều không rõ ràng này, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bị ghép tội.
Ví như vấn đề Formosa, nếu như lúc đầu công bố công khai cái DTM (báo cáo tác động môi trường), cho các nhà khoa học xem xét, phản biện, thì hậu quả có nặng nề thế không?
Luật biểu tình
Một lần nữa, tôi khẳng định, việc chưa có luật biểu tình là do sự chậm trễ của các anh, không có nghĩa là chúng tôi không có quyền biểu tình. Các anh ra luật đi, chúng tôi và các anh sẽ theo luật mà làm.
Những nỗi bức xúc, đè nén của người dân lâu ngày, nó càng bùng phát dữ dội mà không cần ai kích động cả, vì nó liên quan đến cái người ta ăn, cái người ta thở, một nhà máy nhiệt điện ở Cần Giuộc được xây lên, các anh sẽ thấy chuyện đó, các anh có cho con mình đi nước ngoài học không, tại sao vậy. Các anh muốn duy trì sự ổn định bằng cách dồn nén những bức xúc đó, thì càng về sau, sẽ càng nghiêm trọng hơn thôi, và lúc đó chẳng cần ai kích động đâu.
Các anh bảo người ta nhận 300 nghìn để đi biểu tình, hãy ra công viên hay quán café khảo sát ngẫu nhiên cùng với tôi, coi bao nhiêu người tin điều đó. Các anh xem thường người dân mình đến thế sao?
Các anh bảo thể chế nào cũng có ưu có khuyết, vận động cho sự thay đổi sẽ dẫn đến sự hỗn loạn. Tôi hỏi các anh, ngày xưa Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, đã làm gì ở Sài Gòn để sinh viên tràn xuống đường. Các anh bảo xã hội nào cũng có xung đột, mâu thuẫn. Tôi đồng ý, thế thì tại sao các anh không thể ngồi xuống, cùng thảo luận với chúng tôi để tìm cách giải quyết. Các anh bảo ở Trung Đông hỗn loạn, tôi nói các anh hãy nhìn qua Đài Loan, hay Serbia, các anh có biết sự khác nhau là gì không, hãy nhìn vào những điểm tích cực?
Việc chúng tôi làm, là mong muốn xã hội tốt hơn, mọi người biết luật, hành xử đúng mực. Ví như cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2014, dẫn đến cảnh đốt phá, đánh người, doanh nghiệp thiệt hại, nhà nước thì phải đền bù bằng ngân sách, người quá khích phải đi tù, tổn thương. Chúng tôi không hề muốn những điều đó.
Với cơ chế của cách anh hiện nay, lấy gì đảm bảo một người khi có quyền lực trong tay, sẽ không bị tha hóa. Có thể lúc đầu anh ta có lí tưởng, có khát vọng, nhưng khi có quyền lực trong tay, không thể trong đợi anh ta tự giác hành động vì lợi ích cộng động, quốc gia, hay dân tộc.
Con người, suy cho cùng, bao giờ cũng đi từ lợi ích bản thân, gia đình, tổ chức đoàn thể, rồi mới đến cộng đồng. Thế thì, phải làm thế nào, chỉ cần đơn giản là cộng đồng có quyền chi phối lợi ích cá nhân. Hay nói cách khác, cá nhân làm việc vì lợi ích cộng đồng, anh ta sẽ được trả công thích đáng, cho bản thân anh ta, gia đình, tổ chức của anh ta. Bằng ngược lại, cộng đồng sẽ thông qua lá phiếu, sa thải anh ta, thất nghiệp, mất thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, gia đình, hay tổ chức. Trong khi người dân ta có quyền đó không?
Các anh vô cớ thu giữ 2 điện thoại của tôi cùng sim, và bảo tôi trở lại làm việc để nhận lại vào chiều thứ 3, 26/9/2017. Nhưng sau khi nghĩ kĩ, các anh tự ý thu thì hãy tự mang trả cho tôi, không có lí do gì tôi phải lên bộ công an để thông đồng với việc làm trái phép của các anh.
Cuối cùng, sau buổi làm việc với các anh, giúp tôi càng vững tâm hơn trên con đường của mình, để không bao giờ từ bỏ, cho đến chết.
SON B. NGUYEN