Wednesday, March 8, 2017

Chúng ta còn lại gì?

Ngày mai bước đi ngoảnh lại nhìn hôm nay, hôm nay ngơ ngác nhìn hôm qua, rồi bâng khuâng tự hỏi chúng ta còn lại gì?
"Gia tài của mẹ, một bọn lai căng. Gia tài của mẹ, một lũ bội tình. Gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài của mẹ là nước Việt buồn", 52 năm trước Trịnh Công Sơn đã thốt lên như thế, hơn nửa thế kỷ sau, mọi thứ còn tệ hơn hôm qua.
Dạy run sợ bằng dùi cui, dạy yếu hèn bằng ảo tưởng, dạy ngu dốt bằng ngụy biện, dạy vô tâm bằng hạnh phúc. Học tàn nhẫn bằng đắng cay, học cúi đầu bằng hối tiếc, học thản nhiên bằng mỏi mệt, học bật khóc bằng gượng cười. Để rồi trơ cằn cỗi trong một thân xác còng queo, dáo dác tìm thực tại, cuống quít tìm ngày mai.
"Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…"

Thành công, đại thành công, dù con đường lên thiên đường chưa thấy, nhưng hướng ngược lại đã vẽ xong. Thành công khi tạo ra một thế hệ cúi cầu nhàn nhạt, đôi ba con én lạc giữa rừng chim non chưa ra ràng và đám diều hâu ngỡ đại bàng, thì làm nên mùa xuân ước vọng sao được.
Chúng ta còn lại gì ngoài những thứ được nhét vào bất chấp?
Bui An

Bàn về chữ Điếm

Ở đây tôi không bàn về nghĩa gốc của từ này mà bàn về nghĩa hay được dùng trong ngôn ngữ thời nay. 
Nhân vụ Đoàn Thị Hương, nhiều người cao giọng tỏ vẻ khinh bỉ nghề bán trôn nuôi miệng, tôi có vài suy nghĩ về việc này, các bạn cùng bàn cho thấu đáo sâu sắc hơn nhé. 
Viết đối với tôi là quá trình suy ngẫm, sự rèn luyện tư duy để đi đến nhận thức cao hơn, sự sai lầm là hoàn toàn có thể bởi góc nhìn hạn chế. 
Đĩ, điếm thường chỉ những người bán dâm, tức là bán một thứ rất riêng tư để lấy tiền. Nhưng có thực là cái nghề ấy đáng bị khinh bỉ đến thế hay không? 
Xin nói trước là ở đây tôi không ám chỉ một cá nhân hay một tập thể nào, stt này hoàn toàn mang tính suy ngẫm nghiêm túc về tất cả những sự mua bán ở đời.

Vậy trước hết chúng ta bàn về chứ "điếm" nói chung.
1. Chính trị: Có những lời hứa về một tương lai huy hoàng cho đất nước để kêu gọi dân chúng hy sinh, máu có thể đổ tràn bởi lời hứa ấy nhưng thực tế khi ngớt tiếng súng thì lại không phải vậy. Ở đây có thể gọi đây là dạng điếm chính trị. Tức là bán lòng tin để có được quyền lực xong rồi dùng quyền lực để bóc lột thay vì phụng sự dân chúng. 
Việc mua bán quyền chức cũng là một dạng điếm chính trị. Dùng quyền để bán chức cho một kẻ nào đấy mà không cần biết tới năng lực, tâm đức của kẻ mua. 
Hình ảnh xếp hàng chờ ngoài cửa quan chức có thể minh hoạ được nhóm này.

2. Buôn thần bán thánh: Lợi dụng lòng tin, sự yếu đuối về tâm lý của người dân ít học để kiếm lợi. Ấy là điếm tâm linh.
3. Dùng từ "tình yêu" để chăn dắt đối tượng lên giường, có những phụ nữ bán cả cuộc đời để lấy một người giàu có khi trong lòng không có tính yêu, ấy là điếm tình, điếm đời (tức là bán cả đời), dạng điếm này cũng có thể gọi là điếm mồm khi mà lời nói luôn thể hiện điều con tim không có.
4. Giả vờ có tình cảm bạn bè để kiếm lợi cho bản thân ấy là điếm bạn.
5. Giả vờ thương xót người thiệt thòi xấu số, kêu gọi từ thiện để kiếm lợi cho bản thân ấy là điếm thiện.
6. Bạn Nguyễn Việt Đức nhắc tới điếm bút. Tức là những kẻ có tri thức, biết suy ngẫm, biết đúng sai nhưng bẻ cong ngòi bút để viết những điều không đúng sự thật, ca ngợi cường quyền để kiếm lợi, để yên thân.
Đặc điểm của tất cả các loại điếm nói trên là dối trá, bán đi những thứ không phải của mình, bán đồ giả trong khi điếm thân xác lại bán đi một thứ đúng là của họ và là đồ thật. Trong khi điếm chính trị, điếm tâm linh, điếm bạn, điếm tình, điếm thiện gây thiệt hại cho một hay nhiều người, thậm chí hàng triệu người thì điếm thân xác không gây ảnh hưởng tới ai cả. Đấy là một mua bán công bằng, thuận mua vừa bán.
Trong một xã hội quen sống bằng những giá trị bề mặt, đạo đức giả thì người ta chỉ có thể lên án những gì yếu thế, ở đây là thành phần "vô sản" không có gì ngoài thân xác để bán còn những thứ điếm nhiều tiền quyền thì phải lờ đi cho yên thân.
Vậy trong các loại điếm, điếm nào đáng khinh bỉ, đáng lên án nhất? Riêng tôi thì chẳng hề coi khinh điếm thân xác. Họ phục vụ cho một nhu cầu có thật và rất cần thiết của con người.

Chau Doan

8/3 - TÔI VIẾT CHO NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI MẸ CÓ CON BỊ XÂM HẠI

Điều đương nhiên, thường đến ngày này, nhằm vinh danh công lao, đức hi sinh của người Phụ Nữ, ai ai cũng dành cho các chị, các Mẹ những lời chúc tốt đẹp và hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, hôm nay, tôi sẽ viết về nỗi đau của người Mẹ có con bị xâm hại ở Vũng Tàu, đó là chị Trần Thị Thu Thủy.
Cách đây mấy phút, tôi đau đớn khi đọc được ý kiến của một người mà tôi không biết, họ cho rằng, chị muốn được nỗi tiếng nên làm to sự việc lên. Đọc dòng chữ ấy, tôi phải lắng đọng một hồi lâu mới đủ bình tỉnh để phản hồi lại rằng: "Đây là sự nhẫn tâm đến tàn nhẫn".
Mong chị đừng suy nghĩ nhiều về điều đó.
Tôi biết, trước khi về Việt Nam, chị có thời gian sống khá dài ở một đất nước văn minh và có nền luật pháp tiến bộ (Singapore). Khi phát hiện con gái bị xâm hại, chị đã nghĩ, vì tương lai của trẻ thơ, luật pháp Việt Nam cũng sẽ xử lý thích đáng người nào gây ra điều tồi tệ ấy.
Đó cũng là lý do giúp chị có thêm sức mạnh để vượt lên nỗi đau khi quyết định đứng dậy đòi lại quyền lợi cho giọt máu của mình. Và tôi biết, chị đã khóc, khóc rất nhiều khi đêm xuống phải chứng kiến cảnh hoảng sợ của con gái...Tận cùng nỗi đau, là chị "buộc" phải "lắng nghe" lời kể ngây thơ của con khi bị xâm hại.
Cách đây mấy ngày, chị đang ở một nơi rất xa Việt Nam, lúc nói chuyện, một lần nữa nước mắt lại rơi, có lẽ, niềm tin của chị dường như đã cạn và tôi thấy mình thật có lỗi.
Tôi cũng kể cho chị nghe câu chuyện mới diễn ra chiều ngày hôm qua thôi, một người Phụ Nữ (cũng là thân chủ của GOLD KEY trong vụ việc khác). Chị ấy tâm sự rằng, con gái bị người chồng đối xử tệ bạc và chị phải bỏ ra 100 triệu để người chồng cho con gái trở về sống với mình. Sự mòn mỏi, đau khổ của người Mẹ trải dài theo năm tháng nhưng may mắn là mọi thứ đến nay đều ổn.
Chị à ! cuộc đời dù thế nào, tôi tin vẫn luôn tốt đẹp. Đau khổ, nếu có, chỉ là "cơn gió thoảng qua".
Vụ án rồi sẽ đi về đâu, hãy để thời gian trả lời nhưng trong hành trình này, chị không một mình. Dù hiện tại hay tương lai, chắc chắn, mọi người sẽ nhớ, biết ơn tấm lòng, đức hi sinh và sự dũng cảm của một người Mẹ như chị.
Nhân đây, cho phép tôi thay mặt tất cả thành viên Hãng luật GOLD KEY gửi đến chị lời cảm ơn vì những việc mà chị đã hành động để đòi lại quyền lợi cho con gái và xa hơn là các nạn nhân bị xâm hại khác trong vụ án. Chắc chắn, chị là một trong những Thân Chủ mà chúng tôi sẽ nhớ mãi trên con đường hành nghề luật sư của mình sau này.
Cuối cùng, tôi gửi đến chị câu nói của ai đó mà tôi đã được đọc: "Người Mẹ luôn là nơi che chở khi giông tố cuộc đời ập đến với đứa con của mình".
Hãy mạnh mẽ lên nhé chị.
Sài Gòn, ngày 07/03/2017 
LS Lê Ngọc Luân

Khi người dân vào thế yếu thì việc cười trước đau khổ của kẻ mạnh, kẻ có quyền lực và nhất là khi những kẻ ấy giống như những kẻ áp bức thì điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được.

Giống như vụ Yên Bái, vụ các cán bộ trường Đảng, việc nữ trung uý công an tử nạn vì tai nạn giao thông lại làm xuất hiện những stt kiểu "trời có mắt, cho chết, đáng đời..."
Khi người dân vào thế yếu thì việc cười trước đau khổ của kẻ mạnh, kẻ có quyền lực và nhất là khi những kẻ ấy giống như những kẻ áp bức thì điều ấy hoàn toàn có thể hiểu được. Cười cũng là một vũ khí để chống lại cường quyền và để giải toả phần nào sự uất ức. 
Cười không có tội và là dịp để người dân thể hiện tình cảm thực của họ. 
Chỉ có điều tôi không tin là 100% cán bộ nhà nước hay 100% công an là xấu. Rất nhiều người trong họ chỉ là một bánh răng thụ động trong một bộ máy khổng lồ ì trệ.

Ở đây, tôi không giả vờ mình là kẻ có lòng từ bi quảng đại gì và tôi cũng không che dấu một điều là nếu nạn nhân là một người dân thường thì tôi sẽ cảm thấy thương xót hơn. Lý do bởi dân Việt đã đau khổ quá nhiều và cũng đang là một dân tộc có vị thế thấp trên thế giới về mọi mặt. Thực tế này là do việc điều hành đất nước kém cỏi, đạo đức, cái tâm và tầm thấp của giới cầm quyền.
Tôi không trách người dân khi họ tỏ lòng hả hê nhưng với tư cách là những người đấu tranh cho một xã hội dân chủ, văn minh thì các bạn nên có một thái độ đúng mực hơn.
Nếu không rạch ròi đúng sai, có ứng xử công bằng mà lúc nào cũng chỉ nhìn thấy hai phía địch ta thì đấy là cực đoan, mà chính sự cực đoan đã đưa đất nước vào một cuộc nội chiến đau lòng suốt bao năm.
Ứng xử cực đoan như vậy và việc kêu gọi hận thù là rất gần với nhau. Khi hận thù thì lý trí mất và con người dễ biến thành một loài thú có tư duy và sẵn sàng chém giết man rợ.
Đừng hiểu lầm tôi đang cố chứng tỏ mình "cao" hơn các bạn về điều gì đó. Ở đời này, cao thấp chỉ là ảo tưởng bởi bạn "cao" hơn tôi về cái này, tôi lại "cao" hơn bạn về cái khác. 
Tôi khâm phục sự đấu tranh dũng cảm của các bạn nhưng không phải vì thế mà bất cứ cái gì các bạn làm tôi cũng phải vỗ tay.

Điều chúng ta hướng đến trong xã hội này là sự công bằng, văn minh, rạch ròi đúng sai. Tôi viết đây với sự chân thành và trân trọng, mong suy nghĩ của mình có ích chứ không vì mục đích gì khác.
Chau Doan

Get paid to share your links!