Friday, June 17, 2016

Thời gian Việt Nam trở thành 1 Hy Lạp thứ 2 sẽ không còn xa nữa



TTO - Mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn song bội chi ngân sách năm 2014 vượt hơn 36.145 tỉ đồng so với mức Quốc hội quyết định, nhiều khoản chi không có trong dự toán.
Thu - chi ngân sách, tay làm chẳng đủ hàm nhai
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là 1 trong 5 dự án mà trong năm 2014 Chính phủ đã cấp phát vốn trên 6.200 tỉ đồng thay vì cho vay lại nhưng không xin ý kiến Quốc hội - Ảnh: Hữu Khoa
Ngày 15-6, tiếp tục phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo về quyết toán ngân sách năm 2014.
Có một số điểm đáng lưu ý: bội chi ngân sách vượt hơn 36.000 tỉ đồng, nhiều khoản chi không có trong dự toán…
Đặc biệt, 10.000 tỉ vốn đáng lẽ vay về để cho vay lại nhưng Chính phủ lại cấp phát cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), thể hiện kỷ luật ngân sách không nghiêm.
Việc chi vượt dự toán nhìn lại là khuyết điểm nhưng nhìn sâu cũng là thành tích, vì cần nhìn cả quá trình khi trước đây, công tác giải ngân vốn ODA rất chậm, hiện đang còn chưa giải ngân được lên tới 22 tỉ USD
Bộ trưởng ĐINH TIẾN DŨNG
Kỷ luật không nghiêm: chi trước báo sau
Báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho thấy: mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn song thu ngân sách quyết toán 877.697 tỉ đồng (tăng 12,1%, tương đương 94.997 tỉ đồng so với dự toán). Chi ngân sách quyết toán 1.114.767 tỉ đồng (tăng 10,7%, ứng với 108.067 tỉ đồng).
Đáng chú ý: bội chi quyết toán là 260.145 tỉ đồng, vượt 36.145 tỉ đồng so với mức Quốc hội quyết định, bằng 6,61% GDP thực hiện.
Lý do vượt chi hơn dự toán được ông Dũng giải thích là do tăng chi từ vốn ngoài nước 36.952 tỉ đồng (gồm cả một số nhiệm vụ chi thường xuyên), chủ yếu cho các dự án cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nên giải ngân cao hơn dự kiến và tăng chủ yếu cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi.
Chỉ ra một loạt bất cập trong điều hành thu chi ngân sách năm 2014, trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận: việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.
Cụ thể, đến nay Chính phủ chưa báo cáo thường vụ Quốc hội về việc đã giải ngân vượt dự toán 36.952 tỉ đồng, trong đó có 10.782,7 tỉ đồng do chuyển đổi vốn ODA từ hình thức cho vay lại cấp phát tại một số dự án của VEC.
“Theo quy định tại điều 49 Luật ngân sách nhà nước, trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán lớn, Chính phủ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán và báo cáo Quốc hội.
Thực tế, Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng đã đề nghị Chính phủ thực hiện đúng quy định này. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về số tăng giải ngân vốn ODA vượt dự toán.
Vì vậy, để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định tại khoản 2 điều 55 Hiến pháp và quy định của Luật ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị loại ra khỏi quyết toán chi ngân sách năm 2014 vốn ngoài nước 36.952 tỉ đồng” - ông Hải cương quyết.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình: khoản tiền 10.782,7 tỉ đồng được cấp phát cho năm dự án đường cao tốc gồm Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN10-P8: 1.255 tỉ đồng, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VNXV-1 & VN10-P7: 6.231 tỉ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây gói thầu VN13-P5: hơn 861 tỉ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu VN13-P4: gần 1.600 tỉ đồng, Nội Bài - Lào Cai: 838 tỉ đồng.
“Thực tế các khoản vốn trên đã ghi thu ghi chi vào năm 2014, vì vậy đề nghị cho phép báo cáo Quốc hội để quyết toán khoản chi này vào năm ngân sách 2014. Còn việc chi vượt dự toán nhìn lại là khuyết điểm, nhưng nhìn sâu cũng là thành tích. Vì cần nhìn cả quá trình khi trước đây, công tác giải ngân vốn ODA rất chậm, hiện đang còn chưa giải ngân được lên tới 22 tỉ USD” - ông Dũng giãi bày.
Thu - chi ngân sách, tay làm chẳng đủ hàm nhai
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong 5 dự án mà trong năm 2014 Chính phủ đã cấp phát vốn thay vì cho vay lại hàng trăm tỉ đồng nhưng không xin ý kiến Quốc hội - Ảnh: Tuấn Phùng
Làm đúng Hiến pháp, đừng có du di!
Qua nghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu có một thực tế đáng buồn là chi luôn vượt dự toán. Có tình trạng doanh nghiệp thì chuyển giá, còn cơ quan tài chính thì chuyển nguồn, chuyển hạch toán hàng nghìn tỉ đồng.
Do vậy, ông Lý tha thiết yêu cầu “cần phải nghiêm túc thực hiện đúng Hiến pháp, đúng luật, không có du di”, vì Hiến pháp đã quy định các khoản thu chi ngân sách nhà nước phải được dự toán.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng năm 2014 công tác quản lý ngân sách có nhiều tiến bộ, công khai, minh bạch hơn.
“Đây là năm đầu tiên thực hiện Hiến pháp. Chi cũng theo đúng dự toán, Quốc hội đã phê duyệt bội chi 224.000 tỉ đồng thì dứt khoát là 224.000 tỉ đồng chứ không thể lên đến 260.000 tỉ đồng được. Đây là thể hiện đúng kỷ luật kỷ cương tài chính.
Trường hợp Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán ngân sách nhà nước khoản chi ngân sách tăng hơn 36.000 tỉ đồng vào năm 2014 hoặc 2015 hay năm 2016 là quyền Quốc hội. Trước hết, Chính phủ phải có tờ trình Quốc hội.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với một số khoản chi không đúng dự toán trước đây nhưng Quốc hội vẫn “thương” mà cho qua, nhưng lần này không thể “thương” được nữa.
Và bà Ngân đã giao Ủy ban Tài chính - ngân sách phải có báo cáo thẩm tra chính thức quyết toán ngân sách năm 2014 để trình phiên họp đầu tiên Quốc hội khóa XIV diễn ra tháng 7 tới.
Bà Ngân cũng đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp thu về việc khoản bội chi hơn 36.000 tỉ đồng không tính vào ngân sách năm 2014 và có thể tính vào những năm sau.
Phải chỉ rõ địa chỉ lãng phí
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2015 Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ mua sắm tài sản công, nhất là xe công, chỉ mức mới 611 ôtô với tổng giá 603 tỉ đồng...
Đóng góp cho báo cáo, bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng cần phải chỉ rõ những địa chỉ làm tốt, tiết kiệm để khen thưởng và xử lý những người làm sai, lãng phí tài sản nhà nước.
Bà Nga cũng nêu: vừa qua báo chí, dư luận nêu Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy xơ sợi Đình Vũ... gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, bà đề nghị “cần phải có báo cáo cụ thể”.
“Quốc hội nên yêu cầu báo cáo cụ thể về mấy dự án này, trách nhiệm của người đứng đầu, của người đầu tư. Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị này đã luân chuyển đi đâu, làm gì khi để xảy ra lãng phí tại các dự án trên” - bà Nga 
kiến nghị.
Cùng quan điểm với bà Nga, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng báo cáo cần phải chỉ rõ những địa chỉ lãng phí, chứ nêu chung chung là một số địa phương dẫn đến tình trạng chưa thấy được trách nhiệm.
Đặc biệt, việc lãng phí trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải làm rõ.
Kinh phí còn lại từ 2015: 15.460 tỉ đồng
Trong chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2015 là 5.460 tỉ đồng, cộng với 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp.
Như vậy, tổng nguồn lực của ngân sách trung ương đến hết năm 2015 là 15.460 tỉ đồng.
Theo Tuổi Trẻ online, LÊ THANH



Bọn lãnh đạo Cộng Sản- chúng biết rõ hàng giả, hàng nhái vào Việt Nam và được bài bán công khai trong các siêu thị. Thế mà chúng không tịch thu, xử phạt những người bán hàng giả, hàng nhái, nhưng chúng vẫn câm họng để cho hàng giả hàng nhái tiếp tục có mặt ở các siêu hay cửa hàng để lừa gạt người dân. Nặng hơn nữa là chúng câm họng để cho bọn sản xuât những thực phẩm giả để đầu độc người dân điển hình như vụ URC vừa qua. Hơn nữa, chúng còn biết cả những hàng giả hàng nhái này được đưa vào Việt Nam bằng đường chính ngạch. Vậy hỏi cảnh sát biên phòng của những cửa khẩu biên giới Việt - Trung không bị mù hay sao mà không biết đó là hàng giả, hàng nhái? Hay là cảnh sát những cửa khẩu đó "ăn no" rồi nằm co mà ngủ nên không biết?

Hàng giả, hàng nhái vào VN đều từ Trung Quốc

17/06/2016 08:06 GMT+7

TTO - Phần lớn các sản phẩm giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào VN bằng đường chính ngạch lẫn buôn lậu qua các cửa khẩu. 
Tại hội thảo “Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và giải pháp” do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại TP.HCM ngày 16-6, báo cáo của Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết mỗi năm cơ quan này phát hiện khoảng 700 vụ việc liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó phần lớn là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.
Phần lớn các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được đưa vào VN bằng đường chính ngạch lẫn buôn lậu qua các cửa khẩu. Nhiều loại hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng quốc tế thậm chí còn được bày bán công khai trong các siêu thị.
Theo các chuyên gia, ngoài việc điều chỉnh và hoàn thiện khung pháp lý, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao ý thức bảo vệ giá trị nhãn hiệu và cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vi phạm.

H.NHUNG

World Bank kêu gọi Việt Nam cải cách hệ thống hộ khẩu


Sổ Hộ khẩu và sổ Tạm trú.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm qua kêu gọi Việt Nam cải cách hệ thống hộ khẩu để cho phép người dân được tiếp cận tốt hơn tới các dịch vụ công và công ăn việc làm.
Báo cáo mới về vấn đề dịch vụ xã hội và di dân do World Bank và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng khuyến cáo chính phủ giảm sự khác biệt trong dịch vụ công và tiếp cận việc làm đối với những cư dân có hộ khẩu và những người chưa có hộ khẩu.
Báo cáo tổng hợp dữ liệu từ cuộc điều tra nhân khẩu năm 2015 cho thấy có ít nhất 5,6 triệu người tại 5 tỉnh được điều tra không có hộ khẩu, trong đó 36% là dân ở Sài Gòn và 18% là ở Hà Nội. Phần đông trong số họ làm việc ở lĩnh vực tư nhân, đặc biệt là ở các hãng sản xuất và công ty nước ngoài. Họ không được tiếp xúc đầy đủ với các dịch vụ công như trường học công, bảo hiểm y tế, và thậm chỉ cả đăng ký xe máy. Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc của World Bank tại Việt Nam cho biết nghiên cứu này cho thấy hệ thống hộ khẩu ở Việt Nam đã tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ hội đối với người dân Việt Nam.
Chế độ hộ khẩu đã bắt đầu từ khoảng 50 năm về trước như là biện pháp để kiểm soát an ninh, kinh tế và người di cư. Theo ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn thích hợp cho việc quản lý xã hội Việt Nam nữa.
Theo RFA

Từ ‘khủng hoảng Bob Kerry’ đến tình huống của Bí thư Thăng

Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (trái).

Dấu hiệu mới nhất và rõ ràng nhất về tình huống mà Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đang lậm vào là vụ “khủng hoảng Bob Kerry.” Bài phỏng vấn ông Thăng - thể hiện quan điểm ủng hộ ông Kerry giữ chức chủ tịch Hội đồng tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam do báo Tuổi Trẻthực hiện với tựa đề “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” – đã bị chính Tuổi Trẻ và hàng loạt báo khác gỡ xuống, và “thay thế” bằng bài viết “Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ” của bà Tôn Nữ Thị Ninh – người quyết liệt đào bới quá khứ thảm sát người dân Việt của Bob Kerry.
Điều đáng lo ngại đối với Đinh La Thăng là trong vận hành nội bộ đảng cầm quyền ở Việt Nam từ trước tới nay, hiếm có chuyện bài của một ủy viên bộ chính trị bị gỡ bỏ.
Phải chăng Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng đang lâm vào một tình huống chông chênh?
Phá sản “3 tháng phải giảm tội phạm”
Vẫn còn khá sớm để đánh giá hiệu quả trong công tác chỉ đạo và điều hành của Bí thư Thăng. Nhưng có khá nhiều sự việc được ông thực hiện trong thời gian 4 tháng “cầm tay chỉ việc” của ông ở TP.HCM đã được mô tả là “đầu voi đuôi chuột”.
Trước hết, công tác dưới khẩu hiệu “3 tháng phải giảm tội phạm” của Đinh La Thăng đã hầu như phá sản. Tại Sài Gòn - nơi giấc mơ “trở lại Hòn ngọc Viễn Đông” của Bí thư Thăng bị coi là hoang tưởng - vẫn liên tiếp xảy ra những vụ cướp táo tợn sau 3 tháng “quyết liệt” ấy. Giới công an quen hành dân nhưng ít dám trị cướp tại thành phố này đành thúc thủ mô tả trong báo cáo: khi bị phát hiện bọn cướp sẵn sàng chống trả bằng dao, súng với nạn nhân và lực lượng chức năng.
Một vụ việc điển hình được một tờ báo nhà nước đăng tải cho thấy rõ tinh thần phá sản vừa nêu: Ngày 27/5, anh Rachid (34 tuổi, quốc tịch Marốc) cùng vợ Trần Thị Thu Trang (37 tuổi) và con gái 2 tuổi đi ôtô về đậu trước hầm chung cư Phúc Yên, quận Tân Bình ở Sài Gòn. Vừa bước xuống xe, người vợ bị hai thanh niên đeo khẩu trang, mặc áo mưa, đội nón bảo hiểm chạy xe máy áp sát giật phăng chiếc bóp. Chị Trang đuổi theo chụp được áo mưa khiến chúng ngã nhào. Anh Rachid vội đặt con gái xuống, lao đến ôm tên cướp vật ngã. Trong lúc giằng co, người đàn ông bị một trong hai đối tượng dùng vật nhọn đâm trúng vùng mặt và ngực, mất nhiều máu. Hai kẻ cướp lên xe tiếp tục bỏ chạy, người đàn ông nước ngoài cố gắng đuổi theo nhưng đã bị 2 đồng bọn của cướp đi cùng cản lại. Cuối cùng, 4 kẻ cướp tẩu thoát thành công!
Còn khá nhiều vụ cướp táo tợn và dã man mà báo chí và người dân ghi nhận, nhưng không thấy công an “báo cáo”…
Một kết quả không thể hiện trên bất cứ thông báo nào là nếu vào thời điểm đầu tháng 2/2016 khi hàng loạt du khách nước ngoài đã bị cướp tấn công và giật đồ và Ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng chỉ đạo “3 tháng phải giảm tội phạm” đối với Công an thành phố TP.HCM, thì hơn 4 tháng sau đó, “từ nay tôi sẽ dành toàn tâm toàn ý cho TP.HCM” vẫn giậm chân tại chỗ.
Nếu có thể, hãy tự trách mình trước khi chỉ trích người khác. Sau thời gian đầu “lên đồng” về hiện tượng Bí thư Thăng, giờ đây nhiều dư luận và cả báo chí bắt đầu “hồi tố” nhân vật này. Được nâng đỡ bằng cả một trào lưu “thế và lực” hùng hậu từ Tổng bí thư Trọng sau đại hội 12, cùng tư thế “Bình Nam chính ủy” nhằm chống nạn cát cứ của 15 năm “triều đại Lê Thanh Hải”, Bí thư Đinh La Thăng đã “la” quá nhiều trong khi hành động thực tại lại tỏ ra là một nốt giáng hoàn toàn bất tương xứng.
Vào lúc này, một số cán bộ hưu trí đang nêu nghi vấn: ngay khi mới chân ướt chân ráo về Sài Gòn nhậm chức và chưa kịp nắm tình hình nơi đây, ông Thăng đã đưa ra một chỉ đạo về giảm tội phạm, nhưng lại không hề cụ thể hóa về phải giảm những loại tội phạm nào, tỷ lệ giảm bao nhiêu, hay hình thức kỷ luật đối với cơ quan công an nếu “không hoàn thành nhiệm vụ”. Kết quả là mặc dù “đồng loạt ra quân trấn áp tội phạm”, công an thành phố này vẫn chỉ đạt thành tích tiêu biểu nhất là đàn áp và đánh đập dã man hàng trăm người dân xuống đường biểu tình vì môi trường vào tháng 5/2016, còn tội phạm chỉ tạm lắng khoảng một tháng, sau đó lại tiếp tục nhởn nhơ và lộng hành hơn. Thậm chí người dân còn có cảm giác là đám cướp giật chuyên nghiệp đã nắm thóp rằng chẳng bao lâu chỉ đạo của Bí thư Thăng sẽ bị cho “chìm xuồng”.
Sau một thời gian được “truyền cảm hứng” (như cách dùng từ của Bí thư Thăng trong cuộc tiếp xúc đối ngoại đầu tiên với đại diện các cơ quan lãnh sự tại TP.HCM), nhiều người đang thật sự nghi ngờ vào tương lai phục hồi “Hòn ngọc Viễn Đông” của ông. Với một thành phố mà chính ông Thăng còn phải nêu ra khuyến nghị phục hồi loại hình đội Săn bắt cướp (SBC) có từ thời mới “giải phóng”, sẽ mất bao nhiêu thập kỷ để thành phố này trở về Sài Gòn trước năm 1975?
Ai sẽ “tiến về Sài Gòn”?
Ngày càng nhiều cán bộ hưu trí “càm ràm” về chuyện Bí thư Thăng “đi đâu cũng báo, chỗ nào cũng báo” - ý nói ông Thăng đã tìm cách đánh bóng mình một cách quá thô thiển bằng việc kéo theo một đội ngũ phóng viên làm tin, viết bài, ghi hình và tung hứng cho ông trong nhiều cuộc làm việc với quận huyện.
Tấm hình nổi bật nhất cho thủ thuật đánh bóng trên là Đinh La Thăng - quần áo tinh tươm và tóc tai bóng mượt - “dọn rác” trên bờ kênh giữa một rừng ống kính của các phóng viên đã được thông báo trước về ngày giờ và địa điểm xuất hiện của Bí thư thành ủy.
Nếu nhìn lại, tinh thần phá sản của “3 tháng phải giảm tội phạm” chỉ là một câu chuyện nhỏ. Nhiều câu chuyện nhỏ khác như vụ bí thư hỗ trợ nông dân Củ Chi tiêu thụ sữa, bí thư nghe trực tiếp điện thoại của dân, bí thư đòi cách chức trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Hóc Môn… mà kết quả tuy chưa đến mức thất bại nhưng thành công cũng chẳng thấy đâu đã dần xác nhận đánh giá trước đó của một cựu cán bộ có thâm niên dày về công tác nhân sự: Đinh La Thăng là người có nhiều sáng kiến nhưng lại thiếu óc tổ chức thực hiện, là người thiếu tầm nhưng lại thích mơ mộng khoa trương, là người không biết dùng người nhưng lại bị hành hạ bởi căn bệnh ảo tưởng chính trị.
Không những bộc lộ nhiều dấu hiệu kém thành công trong chỉ đạo, người được Tổng bí thư Trọng đặc cách điều động vào TP.HCM với một trong những nhiệm vụ tối khẩn là chống tham nhũng, lại vừa vấp phải lực cản 15 năm quá khứ: Lê Trương Hải Hiếu - con trai của “triều đại Lê Thanh Hải” kéo dài suốt một thập kỷ rưỡi ở Sài Gòn - dù trước đây không trúng Ban chấp hành đảng bộ TP.HCM tại kỳ đại hội đảng thành phố này vào tháng 10/2015, đã đột ngột được chỉ định bổ sung vào ban chấp hành này vào tháng 5/2016, bồi thêm một vết nhơ không chỉ cho bí thư thành ủy cũ mà cả với bí thư thành ủy mới.
Chỉ mới hơn 4 tháng về Sài Gòn, nhưng sự va vấp với dàn nhân sự cũ của “Anh Hai” (cựu bí thư Lê Thanh Hải) đang khiến phát sinh dư luận về chuyện “Thành ủy làm thay Ủy ban”, hoặc tệ hơn là “Thăng không biết làm việc”. Nghe nói một số ông bà hưu trí - những người còn giữ ảnh hưởng ở mức độ nào đấy đối với lớp cán bộ đương nhiệm và đang chịu tác động nào đó của vài cán bộ khuất nhiệm - đang tụm năm tụm ba chỉ trích người vẫn còn bị xem là “tân bí thư” của TP.HCM.
Những câu chuyện mang tính thất bại như thế, dù mới chỉ là khởi đầu và tạm thời, đang bắt đầu gây ảnh hưởng từ không nhỏ đến phần nào nghiêm trọng đối với vị thế chính trị của Đinh La Thăng, không những ở Sài Gòn mà cả trong Bộ chính trị.
Bài phỏng vấn Bí thư Thăng “Vượt lên thù hận, chúng ta mạnh mẽ hơn” bị gỡ bỏ bởi một tờ báo nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của bí thư thành ủy TP.HCM, đã phát ra tín hiệu bất ổn, thậm chí rất bất ổn chính trị đối với ông Thăng. Dư luận đang ồn ào về chuyện ai là người chỉ đạo gỡ bài. Tất nhiên, nhân vật trưởng ban Tuyên giáo trung ương có thẩm quyền và đã quen làm chuyện “gỡ đục” như thế. Nhưng trong bảng tổng sắp Bộ chính trị, thứ hạng của bí thư thành ủy TP.HCM và trưởng ban tuyên giáo trung ương là gần ngang nhau. Như vậy có khả năng nhân vật “quyết” việc gỡ bài của Đinh La Thăng phải là một cấp cao hơn.
Phải chăng người cùng họ với Bí thư Thăng - Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư và cũng là nhân tố tích cực trong các cuộc “hội thảo lý luận giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc”? Hay còn “cao” hơn nữa?
Nhưng dù gì, cứ với đà này và nếu tình hình chỉ đạo của ông Thăng không được cải thiện trong thời gian tới, hoặc bản thân ông chẳng nắm được gì mà chỉ toàn “cưỡi ngựa xem hoa” cùng những mệnh lệnh “trên trời” - như bình phẩm cười buồn của nhiều người, có thể hình dung một tương lai không mấy sáng lạn chờ đợi ông: rất có thể một nhân vật khác sẽ được điều động vào Sài Gòn làm bí thư thành ủy thay cho Đinh La Thăng.
Một trong những nhân vật vẫn còn tiềm năng “tiến về Sài Gòn” là Võ Văn Thưởng - người đã phải nín lặng nhường vị trí bí thư TP.HCM cho Đinh La Thăng và giờ đây đang khá lặng lẽ trong chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo trung ương mãi tận Hà Nội.
Một trí thức ở tận hải ngoại là Trần Hồng Tâm đã nhận xét: “Tính nhân văn của ông Thăng không bằng Võ Văn Thưởng. Khi biểu tình nổ ra tại Quảng Ngãi, ông Thưởng không dùng dùi cui, hơi cay, côn đồ hay cảnh sát. Ông Thưởng giản dị gặp dân, lắng nghe những lời khao khát”…
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Theo VOA, Phạm Chí Dũng

Sinh viên Việt Nam điều tra ‘vùng đất chết’ Vũng Áng

Ngư dân kéo thuyền thúng vào bờ ở Đà Nẵng.
Một sinh viên ở trong nước đã cho đăng một đoạn clip về đời sống của người dân ở Hà Tĩnh sau thảm họa cá chết, thu hút sự chú ý của cư dân mạng.
Đoạn phim ngắn của sinh viên trường Cao đẳng Truyền hình có tựa đề “Cuộc sống của ngư dân sau vụ cá chết: Vì đâu nên nỗi?”
Lời bình của phóng sự tham gia một cuộc thi phim ngắn của trường này có đoạn:
“Trước đây, hơn 400 chiếc thuyền to nhỏ đua nhau rẽ sóng ra khơi, nhưng giờ chúng chỉ nằm im lìm bất động như một vùng đất chết. Biển những ngày qua vắng lặng, bãi cát không một dấu chân người. Cái tĩnh lặng mênh mông của mặt biển là sự im lặng chờ ra khơi của người dân xã Kỳ Lợi. Cuộc sống chật vật của người dân vùng biển khi phải lo miếng cơm manh áo của gần 900 hộ dân làm nghề biển giờ không biết phải đi về đâu, và tương lai của những đứa trẻ vùng biển cũng trở nên xa xăm”.
Hiện chưa rõ đoạn video, mà trong đó không có bất kỳ ý kiến nào của chính quyền địa phương, được thực hiện khi nào.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với tác giả của đoạn phim ngắn để phỏng vấn.
Đoạn phim trích dẫn một số ý kiến của người dân, trong đó có bà Phan Thị Yến ở thôn Đông Yên, Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chỉ đích danh nguyên nhân gây cá chết.
“Chị khẳng định đấy là Formosa. Từ thủa ông bà tới giờ, từ ‘thảo thiên lập địa’ tới giờ, bão lụt, bão tố hay đủ thứ, chưa có một con cá nào nhỏ mà chết hết”.
Đoạn video đang được nhiều người chia sẻ, và bình luận trên mạng xã hội.
Một người tên Đỗ Hiền viết: “Cẩn thận kẻo không ra trường được vì cái phóng sự ‘thật’ này’, trong khi một người khác tên Quac viết: “Phóng sự chân thực và ý nghĩa. Chắc vào thời điểm thực hiện phóng sự này, bạn đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại từ chính quyền địa phương! Chúc mừng bạn”.
Không chỉ có sinh viên, vừa qua cũng có một số nhà hoạt động xã hội tới “vùng biển chết” ở miền Trung để thực hiện các phóng sự video về đời sống của ngư dân.
Theo VOA

Get paid to share your links!