Friday, August 26, 2016

ĐƯỢC …

ảnh mang tính minh hoạ
Xe hơi xe đạp, có xe là được
Nhà lớn nhà nhỏ, có ở là được.
Ăn rau ăn thịt, có ăn là được
Áo đẹp áo xấu, có mặc là được
Tiền ít tiền nhiều, có xài là được
Dù giàu dù nghèo, bình an là được.
Vợ xấu vợ đẹp, yêu mình là được
Chồng già chồng trẻ, chung thủy là được
Ông xã về trễ, miễn về là được.
Bà xã cằn nhằn, thương mình là được
Con trai con gái, có con là được.
Cha già cha trẻ, có cha là được
Giảng dài giảng ngắn, giảng hay là được
Ngủ sớm ngủ trễ, đi lễ là được
Sống sao thì sống, lên Thiên Đàng là được.


Đỗ Minh Thăng

Pain is temporary - Pride is forever (Đau đớn là nhất thời - Tự hào là mãi mãi)



Marcel Nguyễn là vận động viên thể dục dụng cụ của đội tuyển Đức thi đấu tại Olympic Rio 2016, cùng đồng đội em góp công đưa đoàn Đức xếp hạng thứ bảy trên thế giới. Em tập thể dục dụng cụ với CLB Unterhaching từ năm lên 7. Năm 2005 em đoạt giải vô địch Đức môn xà kép. Từ đó đến nay em luôn xuất hiện trong các giải lớn của thế giới, đoạt hai huy chương bạc môn xà kép và thể dục tự do trên sàn tại Olympic London 2012.
Hình ảnh em từng xuất hiện trên trang bìa Thời báo Frankfurt và báo chí có nhiều bài bình luận về em: "Phải chăng nhờ mang hai dòng máu Việt Đức mà Marcel có được tài năng lớn và tinh thần thi đấu kiên cường đến thế?’’ em chân thành: “Môn thể dục dụng cụ vốn chỉ dành cho những người can đảm. Tôi may mắn được cha mẹ tôi rèn luyện tính can đảm từ bé.”
Điều đặc biệt thú vị là tại Rio 2016 bài trình diễn của Marcel đã mang tới cho môn xà kép của thế giới một mã chấm điểm mới mang tên “The Nguyen’ do động tác chuyền trên xà thật uyển chuyển và tiếp đất thật hoàn hảo – với quy định rằng những vận động viên nào làm được đúng chuẩn 'The Nguyen' như Marcel sẽ được cộng thêm 0,7 điểm.
Họ ‘Nguyễn’ thuần Việt đã lặng lẽ trở thành một mã của thể thao thế giới qua đứa con Đức – Việt từ Thế vận hội Rio như thế đấy.
FB Kim Chi

BỊ UNG THƯ KHI LÀM VIỆC Ở FORMOSA

Người dân phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh hầu như không ai không biết đến câu chuyện thương tâm của “cặp vợ chồng làm cho Formosa, cả vợ cả chồng đều bị ung thư”.
Anh là Lê Văn Lâm (SN 1969) và chị là Nguyễn Thị Hương (SN 1970). Gia đình anh chị hiện sinh sống tại xóm Ngâm, tổ dân phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Anh bị ung thư vòm họng, còn chị bị ung thư vú. Có điều đáng chú ý là cả hai vợ chồng trước đây đều từng làm nhân viên bảo vệ, trông coi một số trong hàng trăm kho hóa chất của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh.
Anh Lâm kể, anh chị vốn là người phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, sinh ra, lớn lên và thành gia thất đều ở đây. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn chặt với biển, họ chỉ làm các nghề liên quan tới biển như đi khơi, lặn, làm muối, buôn bán hải sản. Bản thân anh cũng theo tàu đánh cá nhiều năm, hoặc làm công nhân xây dựng bên Lào… Cho tới năm 2012, Formosa bắt đầu triển khai dự án ở Việt Nam, thì hai vợ chồng cùng vào làm cho một nhà thầu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Chẳng ai biết chính xác tên của nhà thầu đó là gì; hai anh chị Lâm-Hương cũng chỉ biết đến họ với vài thông tin ít ỏi: Đó là MC5 - một công ty của Trung Quốc, chủ lao động làm việc trực tiếp với anh chị là một người đàn ông Trung Quốc tên Lưu Hán, tầm 35-36 tuổi. Công ty có phiên dịch tiếng Trung, tuy nhiên Lưu Hán cũng nói được tiếng Việt, hình như trước kia từng lấy vợ là người Việt Nam, sống ở Hà Nội, sau bị vợ bỏ.
Và tất cả thông tin chỉ có thế. Hai anh chị làm nghề coi kho cho MC5. Công việc của hai vợ chồng là trực đêm, trông coi một số container hóa chất, bốn ống khói và hai ống thoát nước (?) của MC5 trong khuôn viên Formosa, từ 6h tối mỗi ngày đến 6h sáng hôm sau. Lương tháng của anh là 9 triệu đồng, của chị 6 triệu. Cả hai đều không ký hợp đồng lao động, và thậm chí không có giấy tờ nào để chứng minh rằng anh chị từng là nhân viên làm việc bên trong Formosa. Họ cũng có đóng 200.000 đồng Việt Nam cho MC5, khoản đó được gọi là “bảo hiểm lao động”, nhưng chỉ chi trả cho những người bị tai nạn (ngã, va chạm…) trong lúc làm việc. Giấy tờ về khoản tiền này, MC5 cũng cầm cả, anh chị không được giữ.
Khoảng tháng 6/2015, chị Hương thấy đau ngực, khó chịu trong người, đi khám thì phát hiện bị ung thư vú. Chị báo lại Lưu Hán. Ông này, theo lời kể của anh chị, chỉ “à thế à mấy câu rồi lờ đi”, coi như không có trách nhiệm. Chị nghỉ việc, ở nhà chữa bệnh. Được vài tháng thì anh cũng thấy ù tai, váng đầu … và bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư vòm họng. Tới đây thì MC5 xong phần công trình ở Việt Nam và “rút đi đâu không rõ”, anh tiếp tục làm cho Formosa tới tháng 5/2016 thì buộc phải nghỉ vì sức khỏe đã quá yếu.
Từ khi phát hiện bệnh đến nay, anh Lâm và chị Hương đều đã qua vài đợt hóa trị; chị phải cắt bỏ phần ngực bên trái. Hai vợ chồng nằm nhà cả ngày, mỗi tháng lại đến Bệnh viện Trung ương Huế 1-2 tuần để tái khám và điều trị. Nhiều đêm, anh chị mệt và đau không ngủ được, nhưng cái đau về thể xác còn không bằng nỗi đau và lo buồn cho tương lai của ba đứa con. Con gái học lớp 10 đã bỏ học để ở nhà chăm sóc cha mẹ, còn cậu con trai đang học đại học ở Vinh cũng định bỏ nhưng anh chị không chịu, cứ động viên con cố gắng nốt ba năm nữa.
Chi phí chữa bệnh cho mỗi người giờ đã lên tới cả trăm triệu, trong khi hai vợ chồng không còn nguồn thu nhập nào. Tất cả chỉ trông vào số tiền dành dụm được từ trước tới nay, và tiền giúp đỡ của những người hảo tâm. Hội liên hiệp phụ nữ phường Kỳ Phương có một lần quyên góp tiền của người dân địa phương, giúp đỡ anh chị được hơn 23 triệu đồng; nhưng “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đến giờ hai vợ chồng thực sự chỉ ngồi nhà, chờ đợi... Mỗi lần có khách đến, anh chị ra nói chuyện với vẻ mặt thẫn thờ, lo lắng, và cứ nói được vài câu là chị lại rân rấn nước mắt: “Con người ta còn được đi học, con mình thì bỏ học vì cha mẹ…”.
Nhà thầu “MC5” nào đó mà anh chị từng làm việc, giờ đã rút về nước hoặc chuyển đi đâu không rõ. Formosa Hà Tĩnh thì càng chẳng một lời hỏi thăm – có lẽ họ cũng không biết đến hai người lao động bị ung thư này. Hai vợ chồng đã làm việc gần bốn năm trời bên trong Formosa, tiếp xúc với nhiều hóa chất, thậm chí như anh Lâm khẳng định, với nhiều lần rò rỉ hóa chất, mà không có một thứ gì để tự bảo vệ mình: Không quần áo bảo hộ, không trang thiết bị bảo hộ, không hợp đồng lao động, không một khoản phụ cấp nào ngoài lương, không bác sĩ, không kiểm tra sức khỏe, khám chữa bệnh, không một chút thông tin cảnh báo hay hướng dẫn nào từ chủ lao động, và đương nhiên, không công đoàn.
Được hỏi, có nghĩ tới chuyện kiện Formosa để đòi bồi thường thiệt hại không, anh Lâm ngần ngừ: “Cũng khó, vì bảo hiểm lao động của họ chỉ chi cho những ai bị tai nạn, như là rớt, ngã hay va chạm gì đó thôi, còn chúng tôi bị bệnh”. Và, cũng không thể chứng minh căn bệnh ung thư của hai vợ chồng là do công việc coi kho hóa chất ở Formosa trực tiếp gây nên…
Đến giờ, có lẽ ai cũng đã thấy khoản tiền 500 triệu USD mà Formosa hứa bồi thường cho Việt Nam chẳng đủ bù đắp thiệt hại cho một thôn làm nghề biển ở Hà Tĩnh. Mà đấy là còn chưa kể tới thiệt hại của hàng chục nghìn dân địa phương không làm nghề biển, trong đó, có những người như vợ chồng anh Lâm - chị Hương này. Những người lao động không hợp đồng, không bảo hiểm, không thông tin… Ai bảo vệ quyền lợi cho họ?
* * *
Bạn đọc trong và ngoài nước, có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ anh Lê Văn Lâm và chị Nguyễn Thị Hương, xin gửi về địa chỉ:
Anh Lê Văn Lâm, xóm Ngâm, Tổ dân phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Hoặc về tài khoản của con trai anh chị là: Lê Công Tuấn, số tài khoản 711AC1006393, ngân hàng Viettin Bank.

Phật giáo và dân tộc

Phật tử
 Photo courtesy of phatgiaoaluoi.com
Có không ít nhận định rằng Phật giáo Việt Nam hiện nay không dấn thân vào các sinh hoạt xã hội hay kinh tế, chính trị của đất nước và điều này khiến hình ảnh của người Phật tử được xem như chỉ biết thuần thành trong phạm vi tu tập và quên đi vấn đề nhập thế mà nhà Phật đã truyền bá cách đây hàng ngàn năm.
Có thể nói hiện nay Chùa Giác Ngộ là một trong vài nơi hiếm hoi vẫn giữ tông chỉ nhập thế và truyền bá Phật pháp qua các hoạt động giáo dục, hoằng pháp, văn hóa và từ thiện lẫn chính trị. Trong bài thuyết giảng khóa tu “Ngày an lạc” với sự tham gia của hơn 650 tu sinh cùng Tăng đoàn chùa Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã huấn từ những gì mà Phật tử thường hiểu lầm từ bấy lâu nay:
“Trải qua nhiều thế kỷ, người ta cứ nghĩ Phật giáo là tôn giáo tu rục, tu rị, đó là một cái nhìn rất thiển cận và sai lầm về tính đa diện của đạo Phật minh triết và đạo đức.
Trải qua nhiều thế kỷ, người ta cứ nghĩ Phật giáo là tôn giáo tu rục, tu rị, đó là một cái nhìn rất thiển cận và sai lầm về tính đa diện của đạo Phật minh triết và đạo đức. 
- Thượng tọa Thích Nhật Từ 
Nói một cách nôm na Phật giáo bao gồm: thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan, tu tập quan và giải thoát quan. Việc đánh giá sai lầm của một số quần chúng chỉ liên hệ đến một phương diện trong nhóm vừa nêu, đó là: tu tập quan. Còn các phương diện rất quan trọng mà đức Phật đóng góp cho tư tưởng của nhân loại đó là: thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan qua hệ thống triết học đặc biệt của Ngài mà hầu như giới chính trị giới kinh doanh, giới tri thức, giới bình dân ít biết đến.
Một phần là do đạo Phật bị ảnh hưởng bởi nghi thức đọc tụng được sử dụng trong các chùa chỉ chọn lọc vài ba kinh tín ngưỡng lại được diễn đạt bằng ngôn ngữ Hán-Việt vốn rất xa lạ với cộng đồng Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài.”
Lý do gì khiến Phật tử Việt Nam trở nên co lại trong khuôn viên tu tập và quên đi sự khổ nạn của chúng sinh, điều mà Đức Phật răn dạy từ xưa?
Người Phật tử còn nhớ tháng 5 năm 1994 khi giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức cứu trợ đồng bào bão lụt miền Tây thì chính quyền ra lệnh bắt phái đoàn gồm 60 tăng ni và 300 Phật tử. Trong vụ này Hòa thượng Thích Quảng Độ bị kết án năm năm, Thượng tọa Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban và cư sĩ Nhật Thường bị ba đến năm năm tù.
Điều này đã gây chấn động lương tâm người theo đạo Phật và đồng thời ngăn cản mọi ý nghĩ hoạt động xã hội trong giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giải thích lý do người theo phật giáo hững hờ với xã hội, Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết:
“Người ta cứ nói rằng 80-90% Phật tử Việt Nam là con số rất lớn nhưng tại sao lại không có một tiếng nói nào để nói lên tiếng nói bảo vệ nhân quyền hay bảo vệ môi trường, môi sinh cho bà con đồng bào?
Tôi thay mặt cho Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước, sự thực trong nước đứng về phía Phật giáo thì có tới hai tổ chức. Tổ chức Phật giáo của nhà nước lập nên là Giáo hội Phật giáo quốc doanh thì gần như 80-90% tăng ni Phật tử từ sau năm 1975 thì họ đàn áp triệt tiêu gần hết giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất truyền thống đã có lâu đời ở Việt Nam, họ quốc doanh hóa hết rồi họ bắt các nhà sư Việt Nam phải nằm trong Mặt trận Tổ quốc coi như đa phần đã bị quốc doanh hóa hết rồi.”
Vụ Formosa nổ ra như một trái bom gây thảm họa cho môi trường biển miền Trung nơi có giáo phận Vinh nằm trải dải trên hầu hết các nơi bị tác động trực tiếp đến giáo dân cũng như dân chúng. Ngày 17 tháng 8 trong dịp lễ Đức mẹ hồn xác lên trời, hơn bốn chục ngàn giáo dân trong giáo phận đã tập trung tham dự thánh lễ và diễu hành ôn hòa chống lại Formosa đã trực tiếp gây hại cho người dân. Bài giảng của Giám mục Nguyễn Thái Hợp cũng gây tiếng vang cho cả nước về tấm gương dấn thân của lãnh đạo tôn giáo trước vấn đề chung của dân tộc.
Vai trò người lãnh đạo
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, theo chúng tôi được biết ngay từ khi dự án bauxite Tây nguyên được xét duyệt thì Giáo hội đã có văn bản chính thức phản đối và kêu gọi nhà nước phải ngưng ngay dự án này. Vụ Formosa cũng vậy, theo Hòa thượng Thích Không Tánh xác nhận thì Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng đã lên tiếng chống đối từ những ngày đầu.
Tuy nhiên sự phản đối lẻ loi của Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất so với sự im lặng gần như hoàn toàn của 80% Phật tử và tăng lữ Việt Nam còn lại là một thách đố lương tâm của người Phật tử thuần khiết cũng như các vị lãnh đạo tinh thần khác, cố kêu gọi sự tham gia vào nguy cơ của toàn xã hội trong các vấn đề đang diễn ra tác động đến cuộc sống người dân.
Câu hỏi “Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc” một lần nữa được đặt ra trong bối cảnh nguy cấp hiện nay. Ông Trương Nhân Tuấn nhà nghiên cứu Biển Đông cũng là người khơi mào cho câu hỏi này cho biết nhận xét của mình dưới lăng kính của một Phật tử:
“Vấn đề phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc có thể nhìn từ nhiều phía.
Nhìn từ dân chúng, thì dân Việt Nam đa số theo Phật giáo. Những ngày lễ tết, hay ngày rằm, hay Vu lan vừa rồi ta thấy chùa nào cũng đông nghẹt Phật tử. Ta cũng thấy chùa, thiền viện... mới xây cất ở khắp nơi mà cái nào cũng nguy nga, tráng lệ như cung điện. Chùa nào, tu viện nào cũng đông đảo tín hữu. Tôi cũng thấy một số chùa đã trở thành trung tâm du lịch, thu hút nhiều khách viếng thăm.
Ở điểm này thì tôi thấy lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã dùng tôn giáo làm món hàng kinh doanh. Họ đã đưa những thứ xa hoa, thế tục vào chùa, vào tu viện để câu khách. Chùa, tu viện vốn là nơi thanh tịnh, lại trở thành nơi thế tục. Những gì xấu xa trong xã hội đều thấy trong chùa.
Ở điểm này thì tôi thấy lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã dùng tôn giáo làm món hàng kinh doanh. Họ đã đưa những thứ xa hoa, thế tục vào chùa, vào tu viện để câu khách.
- Ông Trương Nhân Tuấn
Tức là, ở cái nhìn này, phật giáo đã bị phàm tục hóa, nếu không nói là chính trị hóa. Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã biến phật giáo vn thành liều thuốc an thần, khiến cho Phật tử vô cảm trước mọi vấn đề của đất nước, dân tộc”
Nhìn sang vai trò của người lãnh đạo Phật giáo hiện nằm dưới sự chỉ đạo của tổ chức Mặt trận Tổ quốc, ông Trương Nhân Tuấn chia sẻ:
“Ở cái nhìn của người lãnh đạo tinh thần. Những vấn nạn lớn của dân tộc như vụ ô nhiễm biển ở miền Trung, hay nạn hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, đã làm cho hàng chục triệu người dân Việt Nam lâm vào cảnh nghèo khó, khốn cùng. Đây là một vấn đề của đất nước, tức cũng là vấn đề của những người lãnh đạo tôn giáo.
Ở đây ta có thể kết luận là lãnh đạo phật giáo có cùng thái độ với lãnh đạo Cộng sản. Cả hai đều chối bỏ, hay trốn tránh trách nhiệm của mình. Tôn giáo có trách nhiệm về tinh thần trong khi lãnh đạo Cộng sản có trách nhiệm về chính trị.
Ta còn có thể có những kết luận nặng nề hơn, khi thấy cảnh ông Hồ, ông Đỗ Mười được phong thành bồ tát, được đưa vào thờ trong chùa. Đây là một sự sỉ nhục đến đạo phật và toàn thể Phật tử.
Dưới cái nhìn này thì Phật giáo rõ ràng đã tách rời khỏi dân tộc”
Báo chí soi rọi những điều đang xảy ra trên đất nước không khác gì một bức tranh với nhiều hình ảnh đối nghịch nhau, trong đó cảnh sống khó khăn chật vật của người dân đang bị ảnh hưởng trực tiếp từ miền Trung với Formosa, miền Tây với những cánh đồng khô hạn và miền Bắc với bão lũ hiện nay, khác xa với cảnh ăn chơi trác táng xảy ra trên các tụ điểm giải trí và không ít đồng tiền phung phí vào mê tín, dị đoan đang phân hóa mãnh liệt đời sống của người dân từ thành thị tới thôn xóm xa xôi của đất nước.
Theo RFA

Cá biển miền Trung chứa độc chất Cyanur, Cadimi

Một cảng cá ở thành phố ven biển miền Trung Đà Nẵng ngày 2/6/2009.
AFP photo
Những độc chất Cyanur, Cadimi vẫn được phát hiện trong nhiều mẫu cá biển ở miền Trung, nơi bị nhiễm độc bởi hóa chất thải ra từ nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Truyền thông trong nước hôm nay loan tin về cuộc họp báo của Cục An toàn Thực Phẩm, Bộ Y Tế vào chiều hôm qua. Thông tin được nêu ra tại cuộc họp là tỷ lệ số mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng được cơ quan chức năng phát hiện là hơn 25% vào tháng 7; đến trước ngày 22 tháng 8 vừa qua, giảm xuống chỉ còn 5,5%.
Còn theo báo cáo kết quả của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia gửi cho Bộ Y tế thì trong 9 mẫu cá mà Chi cục An toàn Vệ sinh Thực Phẩm Hà Tĩnh gửi ra vẫn phát hiện Cadimi, Cyanur trong một số mẫu.
Hôm nay, ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn Thực Phẩm, Bộ Y tế lên tiếng cho rằng bộ này sẽ chịu trách nhiệm trước thủ tướng về vấn đề sức khỏe của người dân. Vào đầu tháng 9 sẽ công bố kết quả đợt 1 về độ an toàn của thủy hải sản. Hôm qua, cơ quan này nói chậm nhất là vào cuối tháng 8 sẽ thực hiện việc này.
Theo RFA

VN có dám công khai hành động đưa tên lửa ra Trường Sa?

Từ ‘thông tin tình báo’…
Vào tháng 8/2016, hãng tin Anh Reuters đã đẩy thể chế đối ngoại của Việt Nam vào thế không hề êm dịu khi dẫn từ một “thông tin tình báo”, cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) vào tháng 6/2016 bác bỏ “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông, những tờ báo thuộc phái “Diều hâu” của Trung Quốc như Hoàn cầu Thời Báo một lần nữa như muốn phát điên, nhưng lần này không sẵn sàng lao vào công kích PCA, mà hằn học đe dọa Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” khi đưa tên lửa ra Trường Sa.
Vậy có đúng là Việt Nam đã “sai lầm khủng khiếp” vì đưa tên lửa ra quần đảo Trường Sa? Hay đây chỉ là một tin tức thiếu căn cứ hoặc đậm cảm tính?
Yếu tố đầu tiên đáng tin cậy là trên Reuters, bài phóng sự đặc biệt của phóng viên Greg Torode đã dẫn nguồn tin từ giới chức phương Tây, gồm các nhà ngoại giao và quan chức quân đội (không biết của nước nào) về những giàn phóng của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, không có thông tin cho biết Reuters từng bị sai sót hoặc bị “hố” khi đưa những tin tức quan trọng về chính trị và quân sự quốc tế.
Tuy nhiên vẫn có những chuyên gia trên thế giới tỏ ra hoài nghi về độ xác thực của tin tức nóng rẫy nói trên. Ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nói ông không thể xác nhận mà cũng không phủ nhận tin của Reuters nói rằng Việt Nam đã triển khai giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác ra Trường Sa. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài VOA-Việt ngữ hôm 12/8, ông Poling nói:
“Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì về các giàn phóng tên lửa của Việt Nam. Tất cả những gì mà chúng ta có là một bản tin duy nhất của Reuters dẫn lời các giới chức không cho biết danh tính, nói rằng Việt Nam đã chuyển tên lửa ra đó. Chúng tôi không có hình ảnh vệ tinh nào khả dĩ có thể xác nhận thông tin ấy. Và dù cho tin này có thực đi chăng nữa, nếu các giàn phóng được che kín thì lẽ dĩ nhiên là chúng tôi không thể xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh là có các giàn phóng tên lửa ở đó.”
Nhưng chuyên gia này lại nêu ra một số câu hỏi cùng cách lật ngược vấn đề đáng chú ý: “Tôi chỉ có thể nói Việt Nam không chối bỏ là họ đã triển khai các giàn phóng tên lửa hoặc các hệ thống tên lửa khác tới Trường Sa. Họ chỉ nói rằng bản tin của Reuters không chính xác. Liệu ý của họ là Reuters không chính xác bởi vì bản tin tường thuật sai về loại tên lửa được sử dụng, hoặc vì các số liệu của Reuters không chính xác, nhưng điều đó không thay đổi sự thực là, có leo thang quân sự trong khu vực bởi vì Trung Quốc đã xây đủ các hangar (tức các nhà chứa máy bay) cho các phi đoàn của họ trên 3 đảo. Thì cũng dễ hiểu thôi nếu các nước khác cũng đòi chủ quyền Biển Đông cảm thấy họ cần phải tăng cường khả năng phòng thủ của họ.”
Vào đúng ngày 17/2 năm 2016, như một cách kỷ niệm 37 năm ngày khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc đã bố trí phi pháp 8 tên lửa đất đối không HQ-9 và 1 hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh do hãng ImageSat International (ISI) chụp đã chứng minh rất rõ vụ việc này.
Chuyên gia Poling đã nói lời thanh minh thay cho Việt Nam. Quả thực, nếu hồi năm 2015 phía Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, có lẽ gì mà Việt Nam không thể làm điều tương tự ở phía ngược lại?
Đến khẩu khí ‘lạ’ của tướng Vịnh
Mặc dù chưa thể khẳng định được hoặc rất khó khẳng định về sự hiện diện của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa, nhưng lại có một cơ sở khác cho thấy độ xác tín cao hơn về sự hiện diện này: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, nói với Reuters tại Singapore hồi tháng Sáu rằng Hà Nội không có giàn phóng tên lửa hay vũ khí như thế tại Trường Sa nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào.
"Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi," ông Vịnh gián tiếp xác nhận.
Có thể giới quan sát quốc tế không mấy biết đến cái tên Nguyễn Chí Vịnh. Nhưng nhiều người ở Việt Nam lại đã hiểu rõ thái độ lấp lửng cố hữu dài của viên tướng 3 sao này. Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, tướng Vịnh còn bị một số dư luận cho rằng “có yếu tố thân Trung Quốc”. Biểu hiện rất dễ nhận ra của Nguyễn Chí Vịnh là trong hầu hết những cuộc “đối ngoại” với giới quân sự và các lãnh đạo Bắc Kinh, ông Vịnh luôn sử dụng một loại văn phong mô tả bầu không khí “Bốn tốt” lẫn “Mười sáu chữ vàng”, thậm chí cả vào lúc tàu hải cảnh Trung Quốc công khai tấn công các tàu cá và giết hại ngư dân Việt Nam.
Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters tại Singapore, "Di chuyển bất kỳ loại vũ khí nào đến bất kỳ khu vực vào bất kỳ lúc nào trong vùng lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi là quyền hợp pháp của chúng tôi" là một khẩu khí “lạ” của tướng Vịnh. Nghĩa là trước đây viên tướng luôn rụt cổ về quan điểm đối ngoại chưa từng có những ngôn từ như thế.
Chính khẩu khí mới nhất của tướng Vịnh đã củng cố thêm cơ sở về sự hiện diện, hoặc ít ra trên phương diện nghi binh chiến thuật, của những giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa.
Và Việt Nam sẽ còn phải làm gì?
Có ‘phục hồi nhân phẩm’?
Nếu đã công khai đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm để từ đó khống chế một phần Biển Đông, Trung Quốc sẽ chẳng mấy ngần ngại chọn Việt Nam như một mắt xích yếu nhất và hèn nhất trong khu vực những quốc gia Đông Nam Á để tạo nên một cuộc xung đột quân sự mang tính răn đe đối với Mỹ và những nước còn lại, đặc biệt sau phán quyết PCA quá bất lợi cho tác giả của “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Nghịch lý trớ trêu và cay đắng là dù được xem là quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu nhất Đông Nam Á, nhưng Việt Nam còn lâu mới vươn kịp thế đứng thẳng của nhà nước Philippines khi dám kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã thắng kiện.

Giới lãnh đạo Việt Nam lúc nào cũng co rúm trước Trung Quốc như thỏ trước sói. Cay đắng không kém là sau phán quyết PCA, cho đến nay Việt Nam vẫn giữ thái độ im lặng đậm nét nhược tiểu cùng tư thế đánh võng không ngừng nghỉ giữa Trung Quốc, Mỹ và cả Nga. Phụ họa cho tâm thế á khẩu ấy là một luận điểm không chê vào đâu được của giới ngoại giao và tuyên giáo Việt: “Tọa sơn quan hổ đấu” và “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”.

Chuỗi logic của tư thế ẩn nấp tối đa như thế đã dẫn đến hậu quả là Hà Nội cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam bị một vố đau điếng: ai đó đã bật mí về những giàn phóng tên lửa mà Việt Nam đang giấu giếm cho Reuters và buộc Việt Nam phải lộ diện trước cú phủ đầu hờm sẵn của Trung Quốc.
Bây giờ thì chẳng còn trốn đi đâu được!
Ngay bây giờ, thái độ hèn nhược của Việt Nam chỉ có cơ may “phục hồi nhân phẩm” nếu chính thể này dám đứng lên và công khai xác nhận hành động đưa tên lửa ra Trường Sa, nếu quả có việc ấy.
Phạm Chí Dũng

Phẩm giá của ông Bộ trưởng Bộ TNMT qua những phát ngôn và hành động.

ảnh internet

Tại hội nghị Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sáng ngày 22/8/2016 ở Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ TNMT - ông Trần Hồng Hà trả lời trước báo giới: “biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố”. (1)
Đây là câu nói vô trách nhiệm nhất của một quan chức đầu ngành môi trường. Toàn bộ quyết tâm lẫn niềm tin chính trị của ông Bộ trưởng cuối cùng đều trông chờ vào tự nhiên, vào quy luật của đất trời.
Còn nhớ ngày 28/4/2016, sau khi thảm hoạ cá chết xảy ra đã 3 tuần tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ông Trần Hồng Hà trong buổi làm việc tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có lời “nhận khuyết điểm” trước sự chậm trễ, lúng túng của các cơ quan chức năng cùng ngành. Ông Bộ trưởng thậm chí còn mạnh miệng khẳng định: “Đặc biệt là đối với pháp luật VN thì hệ thống xả thải, ống thải ngầm là không cho phép... ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát” (2)
Kết quả của việc “nhận khuyết điểm” của ông Bộ trưởng là Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh nối gót ca bài ca “tự kiểm điểm”. Kỷ luật ai bây giờ khi ông Nguyễn Phi Quang - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho rằng: “Để đưa ra hình thức kỷ luật cần phải có sự phân cấp. Trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thường vụ tỉnh ủy thì tỉnh ủy sẽ xem xét để Ủy ban kiểm tra vào cuộc. Những đơn vị, cá nhân thuộc ủy ban tỉnh, các sở, ủy ban huyện... thì tùy theo thẩm quyền sẽ tự xử lý” (3)
Pháp luật có quy định rất rõ rang giờ đã trở thành mớ giấy lộn sau màn “nhận khuyết điểm” và “tự kiểm điểm” của các quan chức.

Khi cơn giận dữ của người dân nguôi dần trong sự im lặng kéo dài khó hiểu của hệ thống cai trị, một lần nữa ông Bộ trưởng Bộ TNMT lại trỗi lên ghi công với tâm sự “Tôi vừa trải qua 84 ngày căng thẳng nặng trĩu”. Cũng trong bài phỏng vấn này, ông Trần Hồng Hà thừa nhận: “chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt.” (4)
Không có giải pháp, không có câu trả lời cụ thể cho toàn dân khi nào tắm biển được, khi nào cá ăn được, và khi nào thì đời sống của người dân mới trở lại được bình thường.
Lại thêm vài tháng chờ đợi, cuối cùng ông Bộ trưởng quyết định cởi trần tắm biển dưới mưa để cứu lấy “phẩm giá của biển”. (5) Và rất tiếc, hành động “tắm cho dân tôi tin” của ông không thể khẳng định rằng biển đã an toàn khi chất độc vẫn tiếp tục tìm thấy trong các mẫu cá được đưa đi xét nghiệm. (6)
Câu hỏi đặt ra ở đây, khi các quan chức kéo nhau diễn trò mở hội nghị, phát động phòng trào làm sạch biển, kêu gọi người dân ăn cá, tắm biển tại Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Không một ai đến tận Vũng Áng để tận mắt xem dân sống ra sao, khổ sở với đống gạo cứu trợ mốc meo và thiếu nước sạch sinh hoạt thế nào?
Với tuyên bố “Chúng ta có thể khẳng định rằng, môi trường tự nhiên cũng như biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố” của ông Bộ trưởng Bộ TNMT, các cơ quan chức năng, các trung tâm và viện nghiên cứu môi trường nên tự giải tán bởi không cần phải làm gì do có "cơ chế tự nhiên kiểu tự làm sạch, tự đào thải".
Từ hành động “nhận khuyết điểm” trước sự chậm trễ, lúng túng của các cơ quan chức năng cùng ngành cho có lệ bước sang chẳng cần phải làm gì cả trước hệ luỵ của chất thải Formosa vì môi trường sẽ tự phục hồi quả là một bước tiến... nhảy vọt. Có gì thì lôi "đồng chí" biển ra mà kiểm điểm nếu nó chậm trễ, lúng túng trong "quy trình" phục hồi.
Sau phi vụ mặc cả “500 triệu đô”, một lần nữa công chúng được thấy rõ sự vô trách nhiệm của quan chức trong khi xử lý thảm hoạ thảm hoạ môi trường. Các phát biểu vô trách nhiệm, phản khoa học tương tự sẽ còn diễn ra dài dài bởi cơ chế đảng nằm ngoài quy định của pháp luật.
Một lần nữa, người ta có thể nhận thấy phẩm giá của ông Bộ trưởng chỉ là con số âm qua các phát ngôn và hành động thực tế.
Tại sao là con số âm? Nó sẽ khá hơn âm, sẽ ở con số 0 nếu ông ta không nói gì cả, không buông lời “biển miền Trung hoàn toàn có thể tự làm sạch, tự đào thải độc tố” và không cởi trần xuống tắm biển để... cứu lấy “phẩm giá của biển” và cũng để lộ ra cái phẩm giá cần phải che giấu của mình.
- Mẹ Nấm -


Link tham khảo:


Get paid to share your links!