Monday, March 20, 2017

Một lần nữa, tôi cầu xin tất cả chúng ta hãy thật tỉnh táo trước khi ấn nút share một thông tin gì đó, nhất là những thứ liên quan đến sức khoẻ, miếng cơm manh áo hay phẩm giá một CON NGƯỜI.


Một cô gái kém xinh kiếm sống bằng nghề đưa rước con nít đi học. Một ngày đẹp trời nọ, người ta quăng hình cô lên Facebook và dựng nên câu chuyện dàn cảnh cướp xe. Trong một chớp mắt, cô biến thành Hương-mắt-lồi. Hậu quả: cô không dám bước ra đường, bụng mang dạ chửa không biết lấy tiền đâu đi sanh nở. 
Hai dì hàng nước ở quận 10 kiểu giang hồ bỗ bã phì phèo thuốc lá. Một ngày trời cũng đẹp, được quăng hình lên, cũng Facebook. Ngay sau đó, hai dì hoá thành hai-mụ-Trung-Quốc-chuyên-bắt-cóc-trẻ-con. Hậu quả: dẹp tiệm. 
Mấy cô mấy chú ngoài Quảng vô Nam mưu sinh bằng nghề hủ tíu gõ, chịu thương chịu khó, hiền lành lam lũ bỗng một hôm biến thành những-kẻ-gian-ác-vô-lương khi đem trùn chỉ, chuột cống nấu nước lèo. Hậu quả: ngồi bó gối thẫn thờ "Tụi tui có làm gì nên tội mà ai cũng sợ vầy nè Trời?".
Một cô gái bán hàng online tử tế một chiều kia bị đối thủ lên Facebook biến mình thành con-đĩ-giựt-chồng-người. Hậu quả: ba má cô nhục nhã đóng cửa ở trong nhà, cô tự vẫn. 
Mấy nông dân trồng xoài bị đem sản phẩm của mình lên mạng, biến thành xoài-giả-Trung-Quốc. Hậu quả: xoài chín không ai mua, vừa hốt đổ, vừa khóc ròng. 
Một anh thầy giáo đã nghỉ dạy vài năm bỗng bàng hoàng nhận ra mình là kẻ-hiếp-dâm-con-nít, cái đứa con nít mình chưa hề gặp. Hậu quả: cả họ hàng nhà anh bị đem ra làm nhục, con cái anh bị nguyền rủa, bị đe doạ.
Và tất cả họ, đau đớn thay, lại không thể nào có một lời biện minh cho mình. Họ sụp đổ trước cơn cuồng nộ của cư-dân-mạng, những người đã tin, đã kết tội, đã phát tán cho cả nước biết rằng họ là những tội-đồ. Tai hoạ bỗng từ đâu đổ ập xuống bản thân và gia đình. Họ ngơ ngác kêu Trời "Tôi đã làm gì nên tội vầy nè?".
Cho dù bao biện bằng bất cứ căn cớ gì, tôi vẫn cho rằng kết tội một ai đó khi chưa nắm được rõ ràng những chứng cứ là một việc làm độc ác, hết sức độc ác. Chửi Cộng Sản rất nhiều nhưng rất đông trong chúng ta đang nuôi nấng máu-cộng-sản trong người mình. Đó là gì? Là đấu tố, là chụp mũ, là thiếu tôn trọng phẩm giá con người, là ngồi trên pháp luật,...
Xin thưa, ghét Tàu nhưng lại một lần nữa, chúng ta cũng ngập ngụa trong tư duy rất thiếu văn minh của kiếm-hiệp-Tàu. Đó là "thế thiên hành đạo", là "giết lầm hơn bỏ sót", là "mạng phải đền mạng, máu phải trả bằng máu",...
Tôi cho rằng điều không hay nhất của mạng xã hội là làm cho con người ta trở nên độc ác hơn mà không hề hay biết. Ở đó, người ta hồn nhiên để bản năng dẫn dắt mình, để cảm xúc lấn át lý trí. Có lẽ vì chúng ta tự huyễn hoặc rằng quá dễ dàng để trở nên đạo đức và cao quý bằng một cách thật đơn giản: hạ thấp, phán xét và kết tội kẻ khác. Những điều này, ngoài đời thực, đôi khi bị những chuẩn mực hoặc thể diện neo lại, ta không dám làm. 
Một lần nữa, tôi cầu xin tất cả chúng ta hãy thật tỉnh táo trước khi ấn nút share một thông tin gì đó, nhất là những thứ liên quan đến sức khoẻ, miếng cơm manh áo hay phẩm giá một CON NGƯỜI. 
Bởi, mạng là ảo nhưng tổn thương, đau đớn hay thậm chí cả những cái chết, là rất thật.
Hồng Hải

Chính quyền cộng sản VN bây giờ thèm tiền như con nghiện thèm thuốc.


Đúng ra phải tăng liều để thỏa mãn cơn nghiện. Đằng này, ODA lại cắt viện trợ, ổng Trump thì ký sắc lệnh không cho Việt kiều gởi tiền về nước..... Trong khi đó, tài nguyên trong nước chẳng còn gì để bán, nội cái việc đào nhôm ở Tây Nguyên lên bán mà cũng lỗ cả mấy ngàn tỷ trong một năm, thì thôi rồi Lượm ơi !!!!
Chỉ có 500 tấn vàng trong dân thôi, mà lúc thì chính quyền đòi lôi ra, lúc khác thì đòi móc ra, bây giờ lại đòi đưa vào tài sản công... Thật hết chỗ nói!
Ừ, thì làm liền đi! Khỏi cần thăm dò dư luận chi cho tốn thời gian! Đã là bản chất thì không thể thay đổi đuợc, cho dù thời gian có tàn phai đi nữa phải không??
Móc ra đi, lôi ra đi, sung công đi.... Đụng đến tầng lớp trung lưu này cho bọn nó sáng mắt, sáng lòng ra. Bọn giàu có này một số thì ảo tưởng, một số thì giả vờ ngủ mê... Mà đã giả vờ ngủ thì không ai có thể đánh thức nó dậy được, trừ cách xông vào nhà lôi vàng của bọn hắn ra sung công. Haaaaaha!!!
Chỉ có bọn có quyền, có chức, có tay trong, có tay ngoài mới có vàng ký để dành. Còn dân đen bọn tui giỏi lắm mới tích cóp được vài thẻ lận lưng phòng khi ốm đau chứ đâu có nhiều? Chúng tôi đồng ý với ông Vũ Ngọc Nam - trưởng ban kiểm tra văn bản- sở Tư Pháp tpHCM, ủng hộ nhà nước móc vàng trong dân ra để sung công. Nếu không lôi đuợc vàng thì lôi những tài sản có giá trị tương đương như vàng, ví dụ: siêu xe, đất mặt tiền, lâu đài.... của bọn chúng. Cần thiết cho dân đen đấu tố như thời ccrđ năm xưa. Tôi sẽ xung phong tố giác đầu tiên cho. Haaaaaaha!!!!
Ngô Trường An

NHẠC VÀNG, NHẠC ĐỎ

Âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn, có tiếng nói riêng của từng thời đại và có tiếng nói của muôn đời. Âm nhạc đi vào lòng người một cách tự nhiên, không thể cưỡng bức. Cưỡng bức âm nhạc tệ hại ngang cưỡng dâm thô bạo. Theo tôi, chuyện cấm nhạc vàng tôn vinh nhạc đỏ hay ngược lại đều tệ hại như nhau! 
Nhạc vàng là tên dòng tân nhạc có từ thời thuộc Pháp, còn gọi là nhạc tiền chiến. Âm điệu chậm, buồn lãng mạn, vừa tiếp thu các điệu bolero, rumba, ballade, slow... của phương Tây vừa đậm đà âm hưởng dân ca Việt.
Màu vàng thời ấy mang nghĩa sang trọng. Nhưng quan điểm của người cộng sản sau cách mạng thì cho rằng đó là thứ nhạc ủy mị, yếu đuối (thậm chí vua dâm họ Mao còn kết tội nhạc dâm dục!). Đây là sản phẩm bình dân, đại chúng, nhưng người cộng sản lại cấm kị như một mặc cảm cội nguồn, tự coi thường nguồn gốc giai cấp của mình. Họ giống như anh nhà quê lên tỉnh học đòi, thấy cái gì của thị dân cũng hay và quay lại chửi vào cha mẹ mình rằng "thị hiếu có vấn đề". Họ dùng chữ “sến” (con sen) ghép thành “nhạc sến” chụp mũ lên dòng nhạc phản chiến của miền Nam trước 1975 với thái độ miệt thị và ra lệnh cấm không dưới một lần.
Dễ hiểu thái độ kì thị ấy xuất phát từ định kiến nhị nguyên giữa nhạc vàng và nhạc đỏ. Nhạc đỏ còn gọi là nhạc cách mạng, cũng ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh sau cách mạng. Nhạc đỏ thường theo điệu March (hành khúc), Valse, Slow Waltz hay Boston, Slow Ballad, Slow Surf, Blues, đến Chachacha, Disco, một số là các trường ca giai điệu phức tạp. Dòng nhạc này có ảnh hưởng từ Pháp, nhưng chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp từ Liên Xô và được xem là quý tộc, cao sang. Thì ra ngay sau khi nắm chính quyền, không ít người cộng sản rất nhanh thoát khỏi nguồn gốc đồng ruộng của mình, dù họ vẫn ngồi ỉa hố xí hai ngăn.
Đối với những tác giả âm nhạc lớn như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy, Văn Cao… thì không có chuyện kì thị, bởi họ có thể sáng tác cả hai dòng nhạc vàng lẫn nhạc đỏ tùy theo tâm trạng và thời cuộc. Chỉ có những kẻ tập tễnh như Nguyễn Lưu, Nguyễn Thụy Kha mới có cái máu kì thị kiểu khỉ mà không biết mình là khỉ.
Tôi không cực đoan bênh vực nhạc vàng xổ toẹt nhạc đỏ hay ngược lại. Dòng nhạc nào cũng có bài hay bài dở, và hiển nhiên có hay thì mới đi vào lòng người và sống lâu. Không có ông nhạc sĩ nào sáng tác ca khúc dở ẹc mà lại đi chửi thiên hạ vì sao không hát nhạc của ông ta, trừ phi ông ta bị tâm thần hoang tường.
Âm nhạc là tiếng lòng của con người. Ngôn ngữ âm nhạc không có biên giới. Ranh giới của nó chỉ có thể là lòng người trong mỗi thời đại, mỗi khoảnh khắc khác nhau chứ không phải là ranh giới giữa nhà quê hay đô thị, giữa ta hay địch, giữa miền Nam hay miền Bắc. Những năm chiến tranh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhạc đỏ cổ vũ lớp lớp thanh niên phơi phới niềm vui xung trận. Nhưng sau chiến tranh với bao nỗi buồn mất mát bi thương, nhạc vàng lại xâm chiếm hồn người. Các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, mặc dù mang danh “tâm lí chiến”, nhưng họ lại là những trí thức nhân văn, hiểu sâu sắc cái giá phải trả của chiến tranh nên mới để lại những tác phẩm không chỉ mang nỗi buồn thời đại mà còn mang nỗi buồn muôn thuở.
Không thể vì đố kị nhạc vàng đang chiếm ưu thế trên thị trường âm nhạc mà ra lệnh cấm một cách tùy tiện.
Kì thị nhạc vàng nhạc đỏ chỉ có thể sinh ra ở những cái đầu hoặc ngu xuẩn hoặc tâm thần phân liệt, vừa mặc cảm cội nguồn vừa ám thị hận thù không hóa giải được. Tôi tin những kẻ ấy chưa tham gia chiến tranh bao giờ nên mới hỏi câu ngớ ngẩn: chiến trường anh bước đi là chiến trường nào? Chiến trường là nơi diễn ra chiến tranh từ cả hai phía với bao mất mát tang thương chứ làm gì có chiến trường của ta hay địch?
Loại nhạc sĩ nấp bóng quyền lực, chỉ biết viết ca khúc với lời ca cổ vũ người ta chém giết, còn mình thì không mất sợi lông, lại còn được vinh danh bằng giải thưởng và tiền nên mới có đầu óc kì thị bệnh hoạn như thế. Không tin thì cứ kiểm tra lí lịch của mấy ông này xem.
Kích động thù địch, gây chia rẽ dân tộc không ai làm tốt hơn những ông nhạc sĩ nhân danh cách mạng này. Chủ trương chống thế lực thù địch là đúng, nhưng mưu toan kích động thù địch, gây chia rẽ dân tộc là một tội ác!
Chu Mộng Long

Get paid to share your links!