Thursday, July 14, 2016

Formosa hết sai dưới biển lại sai trên bờ




Nghe có đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường, nhiều người dân đến trang trại của ông Lê Quang Hòa - giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh - để xem nơi chôn chất thải của Formosa - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Ông Võ Tá Đinh cũng khẳng định sở đã chỉ đạo chấm dứt ngay hợp đồng chôn lấp rác giữa Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh với Formosa.
Formosa thừa nhận sai
Theo ông Đinh, phía Formosa báo cáo 100 tấn chất thải chôn lấp ở trang trại ông Lê Quang Hòa (giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh) là bùn thải công nghiệp thông thường.
Qua kiểm tra cho thấy việc Formosa ký hợp đồng vận chuyển xử lý bùn thải với Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh trong khi đơn vị này không có chức năng xử lý chất thải công nghiệp là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hiện Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh đã tiếp nhận, vận chuyển, xử lý hơn 260 tấn bùn thải từ Nhà máy Formosa (trong đó bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt là 77,39 tấn, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp là 189,44 tấn).
Formosa còn ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với Công ty TNHH môi trường Phú Hà từ tháng 8-2015 đến nay với khối lượng 145,4 tấn.
Theo hợp đồng được ký với Formosa, Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh sẽ thực hiện việc thu gom vận chuyển và xử lý bùn bánh của tổ xử lý nước thải công nghiệp của Formosa. Trong hợp đồng, phía đơn vị xử lý phải đưa bùn bánh đến các khu xử lý chất thải trong tỉnh Hà Tĩnh đã được cấp phép hoạt động, đồng thời cùng đơn vị chủ rác thải đến hiện trường kiểm tra. Nghiêm cấm tự ý vứt bỏ hoặc xử lý không đúng với quy định.
Tuy nhiên, ông Võ Tá Đinh cho biết Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh không chuyển giao số bùn thải đã tiếp nhận của Formosa cho đơn vị có chức năng xử lý khác mà tự chôn lấp tại vị trí chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền là sai hoàn toàn.
Ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ngày 13-7, các sở, ban ngành chức năng đã báo cáo bước đầu quá trình vào cuộc xử lý 100 tấn bùn thải của Formosa được chôn trái phép ở Kỳ Trinh.
Theo ông Thắng, hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo cảnh sát môi trường tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Formosa hết sai dưới biển lại sai trên bờ
Đoàn cán bộ của Bộ TN-MT kiểm tra trang trại chôn lấp 100 tấn chất thải của Formosa - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Lấy mẫu xét nghiệm độc lập
Chiều 13-7, đoàn Bộ TN-MT kiểm tra việc chôn lấp rác thải của Formosa tại trang trại của giám đốc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh.
Trước khi vào kiểm tra hiện trường chôn 100 tấn chất thải của Formosa trái phép, đoàn Bộ TN-MT đã làm việc với một số cơ quan chức năng Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, đoàn của bộ nghe báo cáo tình hình về vụ chôn lấp chất thải, trước mắt yêu cầu địa phương này phải khoanh vùng và cô lập điểm chôn chất thải, nếu có vấn đề gì thì phải nhanh chóng bốc chất thải đi nơi khác để xử lý.
Tại hiện trường hố chôn 100 tấn chất thải, ông Nguyễn Thượng Hiền - cục trưởng Cục Quản lý chất thải Bộ TN-MT - cho biết bộ sẽ lấy mẫu đánh giá độc lập. Trên cơ sở này bộ sẽ có kết luận chất thải của Formosa chôn ở phường Kỳ Trinh là chất gì thì mới đưa ra phương án xử lý.
“Tinh thần của bộ trưởng là chỉ đạo làm quyết liệt ngay vụ việc. Đoàn của bộ 
vào đây để phối hợp với địa phương tổ chức làm rõ” - ông Hiền khẳng định.
Theo ông Hiền, thứ nhất, đoàn của bộ vào để kiểm tra, xác minh xem chất thải có phải là bùn thải từ sinh hoạt hay bùn thải từ công nghiệp của Formosa. Sau đó đoàn sẽ sớm xác định rõ các hàm lượng, thông số ô nhiễm bao nhiêu so với quy chuẩn cho phép. Nếu đó là chất thải độc hại thì sẽ có giải pháp xử lý.
Thứ hai, phải xem đơn vị xử lý nguồn thải có chức năng xử lý chất thải của Formosa hay không. Nếu trường hợp có thì việc chôn lấp chất thải như thế là không đúng quy định.
Ngoài ra, phải làm rõ trách nhiệm của chủ nguồn thải (Formosa), đó là xem chủ nguồn thải ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải có chức năng xử lý không. Nếu đơn vị xử lý chất thải không có chức năng thì chủ nguồn thải phải chịu trách nhiệm liên đới.
Sáng cùng ngày, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã vào Hà Tĩnh phối hợp với một số cơ quan chức năng để điều tra vụ 100 tấn chất thải được phát hiện chôn lấp ở trang trại Kỳ Trinh.
Người dân lo ngại
Chiều 13-7, hàng chục người dân phường Kỳ Trinh đã kéo đến trang trại của ông Lê Quang Hòa - nơi được chôn lấp 100 tấn chất thải của Formosa. Bà Nguyễn Thị Vân, ở khối phố Quyền Thượng, xã Kỳ Trinh, nói: “Dân chúng tôi không ngờ trang trại của ông Hòa này lại là bãi tập kết rác thải công nghiệp Formosa. Trang trại này lại ở vùng thượng nguồn của hồ Mộc Hương khiến chúng tôi lo ngại nó gây ảnh hưởng đến hồ và nước ngầm”. Còn ông Nguyễn Văn Dũng ở khu phố Quyền Thượng bày tỏ mong muốn chính quyền sớm bốc số rác thải này đi nơi khác và xử lý môi trường ở khu vực này.
Ông Võ Tá Đinh cho biết đã buộc Công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh cam kết bằng mọi giá không để số chất thải này gây ảnh hưởng ra bên ngoài như người dân lo lắng.
VĂN ĐỊNH/Tuổi Trè online

Trí thức công cụ của một chế độ đã gây ra cuộc chiến tranh VN không có quyền lên tiếng

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chúc mừng các sinh viên tốt nghiệp Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) ở TP.HCM ngày 14/12/2013. Ngoại trưởng Kerry và Bí thư Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập Đại học Fulbright Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Như mọi người đã biết, nhân chuyến thăm Việt Nam 3 ngày vào cuối tháng 5 vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã chính thức được thành lập ngày 25-5-2016 như món quà giáo dục tặng cho Việt Nam, không phải của chính phủ Hoa Kỳ mà của một tổ chức thiện nguyện tư nhân hoạt động bằng tiền học phí và quỹ đầu tư phi lợi nhuận do Ông Bob Kerrey, một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam đứng đầu và là người góp nhiều công sức trong việc vận động, quyên góp tài chánh nhiều năm qua để hình thành được FUV hôm nay.
Thế nhưng, ngày 1-6-2016, bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà trí thức từng là chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại trong Quốc hội và Chính phủ CSVN, đã phản bác một cách đầy hận thù việc ông Bob Kerrey giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam. Ngày 2/6 một ngày sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh nổ phát súng quan điểm hận thù trên mạng Zing News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ở Hà Nội đã tuyên bố rằng, sự kiện ông Bob Kerrey, người từng chịu trách nhiệm trong một vụ thảm sát thời kỳ chiến tranh, được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright, cần được xem xét phù hợp với xu thế quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Như vậy là đã có sự phản đối mang tính cá nhân và nhà cầm quyền CSVN cũng đã gần như chính thức bầy tỏ thái độ không muốn Ông Bob Kerrey là người đứng đầu Đại học Fulbright Việt Nam. Lý do được đưa ra là vì trong cuộc chiến Việt Nam cựu chiến binh này, vào năm 1969 đã chỉ huy một toán biệt kích tấn công vào làng Thạnh Phong ở tỉnh Bến Tre, nơi đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Việt khởi phát cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam (Bến Tre đồng khởi tháng 12-1960). Vì trước đó có tin mật báo về một phiên họp của các nhân vật quan trọng thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một công cụ phát động và thực hiện cái gọi là “cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam”. Trong cuộc tấn công này đã gây ra cái chết cho 23 thường dân, ngoài ý muốn của lực lượng tấn công. Mặc dầu không cố tình gây ra vụ thảm sát, nhưng sau này, nhiều lần trên báo chí Hoa Kỳ, ông Bob Kerry tỏ ra ân hận và nói rằng sự việc xảy ra ám ảnh ông suốt đời. Và ông tự nhủ mình sẽ làm mọi việc có thể, mà thực tế Ông đã làm được nhiều việc đáng kể để giúp đỡ Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, mà việc thành lập FUV là một điển hình.
Đúng ra, cá nhân Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một trí thức công cụ của chế độ đương quyền tại Việt Nam, không có quyền lên tiếng phê phán về những tội ác do đối phương gây ra trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng kéo dài hơn 20 năm (1954-1975). Bởi vì trong quá khứ, đảng cầm quyền và chế độ đương quyền kế tục quyền bính quốc gia, chính là thủ phạm đã gây ra cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn này, trong đó Hoa Kỳ cũng như các quốc gia đồng minh khác tham gia cuộc chiến chỉ đóng vai trò đồng minh trợ giúp cho một bên (Việt quốc) chống lại cuộc xâm lăng của bên kia (Việt cộng), tương tự như vai trò của Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ Việt cộng phát động cuộc chiến thôn tính Miền Nam, nhuộm đỏ cả nước.
Ai cũng biết, sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Việt Nam có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của một cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu (cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Nếu đảng và nhà cầm quyền CSVN sau khi thống trị được một nửa nước Miền Bắc, đã không tình nguyện làm tên lính xung kích cho cộng sản quốc tế, phát động và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam thuộc chính quyền quốc gia, để mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc Đỏ Nga-Hoa…Nếu đảng CSVN biết khôn ngoan hơn, chỉ tìm cách tranh thủ viện trợ kinh tế, tài chánh, khoa học kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước “Xã hội chủ nghĩa anh em” để xây dựng thành công chế độ “xã hội chủ nghĩa ưu việt” của mình trên Miền Bắc, cạnh tranh hòa bình để giành thắng lợi sau cùng với chính quyền quốc gia trong chế độ dân chủ pháp trị “Việt Nam Cộng Hòa” ở Miền Nam; thay vì nhận viện trợ vũ khí, đạn dược và các phương tiện giết người của ngoại bang, với quyết tâm củng cố và xây dựng Miền Bắc thành “hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa” để phát động và tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, thì cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” đã không xẩy ra và đã không có thảm cảnh sát hại hàng triệu người Việt Nam trên cả hai chiến tuyến; và tất nhiên cũng không có các cuộc thảm sát những người dân vô tội, không có các tội ác trong chiến tranh do các bên tham chiến gây ra.
Nếu xét tính chất các vụ thảm sát thì dù do bên nào trong cuộc chiến gây ra đều là tội ác. Nhưng xét về trách nhiệm của kẻ gây ra thảm sát sẽ không bị kết án như một tội ác chiến tranh, nếu chủ thể đã hành động ngay tình đúng theo thầm quyền, trách nhiệm và tình thế chiến đấu, với hậu quả không thể tiên liệu được. Trường hợp cựu chiến binh Bob Kerrey khi chỉ huy một đơn vị chiến đấu tấn công vào làng Thạnh Phong ở Bến Tre để tiêu diệt một đầu não cũa đối phương là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của một chỉ huy đơn vi quân đội, theo lệnh cấp trên đã thực hiện nhiệm vụ tấn công một mục tiêu đối phương trà trộn trong dân vốn là một trong những chiến thuật “dùng dân đỡ đạn” mà đối phương thường dùng để lẩn tránh. Cuộc tấn công này đã gây ra cái chết cho hơn 20 thường dân là ngoài ý muốn của toán biệt kích, Bob Kerrey chỉ huy không thể bị kết án, nhưng do lương tâm của một con người chân chính tự cảm thấy hối tiếc, ray rứt do mặc cảm tội lỗi vì đã vô tình gây ra những cái chết cho người dân vô tội.
Nếu nhìn lại cuộc chiến hơn 20 năm (1954-1975) đã kết thúc hơn 40 năm qua (1975-2016),đã có biết bao vụ thảm sát nhiều người dân vô tội do cả hai phía gây ra. Nhưng điều đáng nói là nhiều vụ thảm sát do phía gây chiến (Việt cộng) thực hiện còn khủng khiếp hơn nhiều so với vụ thảm sát do toán biệt kích dưới quyền chỉ huy của Bob Kerrey gây ra tại làng Thạnh Phong, Bến Tre. Một trong những vụ gây kinh hoàng là các cấp chỉ huy chính trị quân sự của cộng sản Bắc Việt, trước khi rút chạy khỏi thành phố Huế đã ra lệnh tàn sát khoảng 5000 người ở Huế trong cuộc tổng tấn công các đô thị Miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Trong số này, phần đông là những người dân vô tội bị giết chỉ vì tình nghi có liên hệ gia đình với quân, cán chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam lúc bấy giờ. Theo nhân chứng, vật chứng tồn tại đến nay, tất cả đã bị xử bắn và chôn chung trong những ngôi mồ tập thể. Ngoài ra, Việt Cộng còn đêm đêm bắn hỏa tiễn vào các thành thị đông dân cư hay đặt chất nỗ những chỗ đông người để khủng bố nhằm gây hoang mang, rối loạn cho đối phương (VNCH) dù họ biết chắc là sẽ có nhiều người dân vô tội phải chết oan. Nếu xét về tính chất các vụ thảm sát này thì ở mức độ tàn ác cao hơn nhiều so với những vụ mà quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh tham chiến đã gây ra. Nếu xét về trách nhiệm của những kẻ bên gây chiến gây ra các vụ tàn sát thì đã đủ yếu tố cấu thành tội ác chiến tranh. Vì những kẻ thủ ác, dù nhận lệnh của cấp trên hay tự ý hành động đều là tri tình, chủ động, biết rõ hậu quả nghiêm trọng của việc làm. Do đó, cả kẻ chủ mưu (đảng và nhà cầm quyền CSVN) chánh phạm và tòng phạm (là những kẻ trực tiếp thủ ác) đều phải bị lên án và kết tội. Nếu đưa ra xét xử trước công lý về tội ác chiến tranh, cả chủ mưu, chánh phạm và tòng phạm còn bị gia trọng về hình phạt vì tội ác gây ra cho những người cùng huyết thống (dân tộc Việt), khác với tội ác chiến tranh do ngoại chủng gây ra. Vậy mà cho đến nay, việc những nạn nhân của các vụ thảm sát này chưa có ai khởi động tố quyền đối với những kẻ thủ ác, trước một tòa án hình sự quốc tế có thẩm quyền đã là dấu hiệu của sự tha thứ, hòa giải dân tộc.
Vậy thì, cá nhân Bà Tôn nữ Thị Ninh, một trí thức công cụ của chế độ đương thời mà trong quá khứ đã là thủ phạm gây ra cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam, không có tư cách và quyền lên tiếng kết án các hành vi tội ác trong chiến tranh do bất cứ ai gây ra. Người có tư cách và quyền lên tiếng chỉ có thể là nhân dân dân Việt Nam, những nạn nhân của cuộc nội chiến ý thức hệ do hai công cụ bản xứ là đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt (đóng vai trò xung kích, phát động chiến tranh) và chính quyền quốc gia Miền Nam (đóng vai trò ngăn chặn, đẩy lùi). Vì cả hai công cụ bản xứ này đều đã nhận viện trợ nhân lực, tài lực, vũ khí đạn dược và những phương tiện giết người của ngoại bang để sát hại anh em, sát hại nhiều người dân vô tộ và làm tan hoang đất nước; có khác chăng một bên là công cụ tri tình cho ngoại bang (Việt Cộng: tình nguyện, chủ động làm công cụ…) bên kia là công cụ ngay tình (Việt Quốc: bị ép buộc làm công cụ…). Vì vậy, cả hai công cụ tri tình hay ngay tình này đều không có quyền lên tiếng về các tội ác của bất cứ ai gây ra trong chiến tranh do vô tình hay cố ý.
Giờ đây, cuộc nội chiến đã kết thúc hơn 40 năm qua (1975-2016) nhân dân Việt Nam, người có tư cách và quyền lên tiếng về những tội ác do các bên tham chiến nội thù (Việt Cộng-Việt Quốc) hay ngoại nhân (Hoa Kỳ và đồng minh – Liên Xô và Trung Quốc), thì đã thể hiện qua thực tế sinh động theo chiều hướng “đẩy lùi quá khứ đen tối, hướng đến tương lai tốt đẹp”. Nhân dân Việt Nam đã nồng nhiệt đón tiếp Tổng thống Barack Obama như một cứu tinh, với tình cảm chân thành, trong chuyến đi ba ngày tại Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua. Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã được thể hiện qua các hoạt động hợp tác song phương nhiều mặt, hiệu quả trong hơn hai thập niên qua (1995-2016). Tất cả đều đi theo chiều hướng chung phù hợp với ý nguyện của nhân dân Việt Nam, đối với Hoa Kỳ, quá khứ hận thù chỉ nên ghi nhớ như một kinh nghiệp, để hiện tại cùng hợp tác hành động hướng đến tương lai tốt đẹp cho cả đôi bên.
Thật là nghịch lý và trái với thực tế khi trí thức công cụ của chế độ Tôn Nữ Thị Ninh và người phát ngôn Bộ Ngoại Giao của chế độ Lê Hải Bình, lại chống lại việc cựu chiến binh Bob Kerrey làm người đứng đầu Đại Học Fulbright ở Việt Nam, vì cho rằng ở vị thế này “sẽ gợi lại những đau thương mất mát mà người dân Việt Nam phải trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không gì có thể bù đắp được”, chỉ vì Bob Kerrey là người có trách nhiệm về một vụ thảm sát trong chiến tranh. Nghịch lý vì không lẽ trách nhiệm và ảnh hưởng hành vi thảm sát của một cá nhân cựu chiến binh Bob Kerrey lại lớn hơn trách nhiệm và hành vi của pháp nhân “đế quốc Mỹ” trong chiến tranh. Trái với thực tế vì giờ đây sau chiến tranh, từ vị thế đối phương Hoa Kỳ đã trở thành đối tác với Việt Nam và sự xuất hiện của ba vị Tổng thống Hoa Kỳ trong vòng 20 năm qua (1995-2016) đã được đảng và chính phủ CSVN đón tiếp trang trọng và được nhân dân Việt Nam nồng nhiệt đón chào chân tình, tuyệt nhiên không thấy “phản cảm” nào của quá khứ. Vậy không lẽ sự xuất hiện của cá nhân cựu chiến binh Bob Kerrey lại gây “phản cảm” trong nhân dân Việt Nam đến độ không thể giữ vị thế đứng đầu Đại học Fulbright, một quà tặng cho nhân dân Việt Nam do một tổ chức phi chính phủ thực hiện mà Ông Kerrey là người có công đầu.
Không hiểu trí thức công cụ Tôn Nữ Thị Ninh và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chế độ đương quyền nghi sao mà đã có lời nói, hành động nghịch lý, trái chiều như vậy.
Thiện Ý

Trung Quốc đe dọa nguy cơ xung đột tại Biển Đông

media

Ảnh : Wikipedia
Các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye đã làm cho Trung Quốc tức tối. Hôm nay, 13/07/2016, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa nguy cơ xung đột xẩy ra tại Biển Đông và tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này.
Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), được AFP trích dẫn, thì các phán quyết của Tòa chỉ là một « tờ giấy đáng vứt bỏ » và khẳng định « quyền » của Bắc Kinh thiết lập « vùng nhận dạng phòng không – ADIZ » ở Biển Đông.




Vẫn theo quan chức này, việc thiết lập vùng phòng không ở đây chỉ còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa nhắm với Trung Quốc.
Năm 2013, Trung Quốc đã lập vùng phòng không bao phủ một khu vực rộng lớn ở biển Hoa Đông, giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Dự án này đã bị công luận quốc tế lên án.
Cũng trong ngày hôm nay, Bắc Kinh còn công bố Sách Trắng tái khẳng định tính chính đáng của các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Bắc Kinh vẫn lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác khu vực Biển Đông và điều này thể hiện qua bản đồ « đường 9 đoạn ». Tuy nhiên, hôm qua, Tòa Án Trọng Tài Thường Trực đã cho rằng bản đồ này không có cơ sở pháp lý.
Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), thì cho rằng các phán quyết của Tòa phá hoại hoặc làm suy giảm quyết tâm của các nước muốn tiến hành đàm phán hoặc tham khảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Theo đại sứ Trung Quốc, các phán quyết của Tòa « chắc chắn là gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu » tại Biển Đông.
Theo RFI

Hãy chứng tỏ Đảng không thuần phục Trung Quốc

Người dân Philippines và công dân Việt Nam tại Philippines vui mừng trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông sáng 12/7/2016.
 AFP PHOTO
Sự kiện Tòa trọng tài thường trực PCA ra phán quyết Biển Đông không phải của Trung Quốc dấy lên làn sóng mừng rỡ và tràn trề sinh lực trong hai ngày nay, phản ứng lại với dã tâm của gã khổng lồ phương Bắc chừng như tưới vào mảnh đất khô hạn Việt Nam niềm hưng phấn mới, có khả năng đâm những chồi non hy vọng cho giải pháp Biển Đông.
Người dân hào hứng chia sẻ những thông tin mà họ có được như món quà quý giá trong cơn khát cháy bỏng được nhìn thấy phản ứng từ khuôn mặt thật của một đất nước vốn mang điều tiếng đối với Việt Nam trong nhiều ngàn năm qua.
Không hẳn chỉ là Biển Đông, Việt Nam có niềm vui lớn hơn nhiều, đó là sự vẹn toàn lãnh thổ, là cơ hội thoát Trung, là hãnh diện được nhận mình là người Việt Nam không cộng sản đối với thế giới.
Đảng thuần phục Trung Quốc?
Thật vậy, nếu nói kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam không ai khác hơn Trung Quốc thì không có gì sai trái. Lịch sử chứng minh rằng chỉ mới đây thôi, vào năm 1979 khi Việt Nam chưa vui trọn niềm vui thống nhất thì cả miền Bắc phải chịu cảnh dày xéo man rợ của đoàn quân Đặng Tiểu Bình tràn xuống dạy cho Việt Nam một bài học về tình đồng chí. Bài học ấy kéo theo những hệ lụy mà Đảng Cộng sản Việt Nam phải chạy theo Đảng Cộng sản Trung Quốc anh em để cố giữ cho bằng được vai trò lãnh đạo đất nước bất kể cái giá phải trả cho cuộc mua bán quốc gia không những bằng máu của dân lành mà còn bằng tim óc, trí tuệ của nhiều thế hệ theo sau.
Chỉ một dúm người đếm không hết trên mười đầu ngón tay đã thao túng cả một đất nước có truyền thống đánh Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm hết triều đại này sang chế độ khác. Kết quả là sự im lặng cam chịu với một đất nước mới hôm qua tàn sát dân mình không thương tiếc. Lịch sử gọi đó là Hội nghị Thành Đô. Và lịch sử còn đó với các văn kiện chưa công khai nhưng cả thế giới đều biết như đã được đọc nó.
Đọc ư, bằng cách nào?
Đây: bằng những chuỗi dữ kiện mà Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện trong suốt bao nhiêu năm, sau khi văn bản lấy “lấy nước đổi ghế” được ký kết, qua cách đối xử thuần phục phương bắc bởi sự lệ thuộc đã gắn vào tim óc của Đảng.
Đảng liên tục giữ im lặng trước những hành vi sai trái của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam, những sinh linh cặm cụi mưu sinh trên những chiếc ghe mỏng manh luôn bị người bạn vàng của Đảng rình rập như mèo vờn chuột.
Đảng cười nói, ký kết hết văn kiện này tới văn bản khác tô đậm tình đồng chí môi hở răng lạnh, bất kể sau những chữ ký ấy là biển đảo mất dần và bất kể lòng dân ngày càng lìa xa Đảng.
Đảng tham dự các hội nghị quốc tế về Biển Đông với tư thế của một đất nước không hiểu niềm đau của một dân tộc bị xâm lược. Đảng vuốt ve sự kiêu hãnh về sức mạnh Trung Quốc với niềm tin mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ xoa đầu Đảng và ban bố ân huệ được ngồi trên vai của nhân dân thêm vài chục năm nữa ít nhất cho tới khi nào Trung Quốc chưa bộc lộ hết truyền thống vắt chanh bỏ vỏ.
Đảng tự nguyện làm trái chanh cho Trung Quốc vắt miễn sao đổi lại sự ổn định vốn là kim chỉ nam của bất cứ Đảng cộng sản nào trên thế giới.
000_D28R1-400.jpg
Nhà hoạt động chống Trung Quốc Lã Việt Dũng tại bệnh viện với vết thương băng trắng trên đầu do bị côn đồ tấn công hôm 10/7/2016. AFP PHOTO
Trái chanh ấy là Bauxite Tây nguyên, là Vũng Áng, là hàng ngàn công trình lớn nhỏ khắp đất nước mà Trung Quốc toàn quyền sử dụng như trên đất nước của họ.
Trái chanh ấy là những làn sóng nhập cư người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam vô điều kiện, là dòng thác du lịch dơ bẩn, là hàng hóa độc hại, là văn hóa xấu xí và thậm chí những giỏ rác có nhãn mác hoa ngữ.
Vì ổn định, Đảng sẵn lòng sách nhiễu, tấn công người dân của mình với những ai xem Trung Quốc là mầm mống gây ra tai họa. Trung Quốc được Đảng hết lòng cưu mang và hết lòng bảo vệ bởi Đảng và Trung Quốc như anh em thật sự chứ không còn là câu chữ tuyên truyền.
Tuy nhiên, để sống còn trong sự sôi sục của nhân dân, Đảng phải hóa trang cho mình những lý thuyết mờ ảo về cách hành xử, nếu không lòng dân không dễ gì để yên cho Đảng ổn định. Một trong những lý thuyết ấy là sự chọn lựa thông minh của Đảng, lèo lái trước một thằng khổng lồ có dã tâm nuốt đất nước Việt bằng mọi cách.
Đảng lập lờ cho thấy khi lạnh nhạt lúc nồng thắm trong quan hệ tay đôi với Trung Quốc nhằm gây niềm tin cho Bắc Kinh thấy rằng sự hèn yếu của Đảng là có thật để từ đó tương kế tựu kế âm thầm chống lại bất cứ mưu hèn kế bẩn nào của Trung Quốc muốn mang ra áp dụng với Việt Nam. Đảng gọi đó là dĩ dộc trị độc.
Nhưng có lẽ do lâu quá sống trong màn kịch vụng về đầy chất độc ấy nên Đảng nhiễm độc và nhập vai luôn lúc nào không biết. Những hành xử ban đầu được xem là đóng kịch nay đã thành thói quen, thành thuộc tính và chúng không còn là kịch nữa, thay vào đó là thành khẩn, là ước muốn được phục vụ hết lòng cho Trung Quốc.
Sự lo sợ của Đảng
Điều Đảng lo nhất vẫn là sự lật lọng của Trung Quốc qua hành vi vắt chanh bỏ vỏ.
Còn một cơ hội chót thoát nỗi lo có thật ấy đó là nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống mau quên, Đảng hãy lợi dụng cơ hội này mà sửa sai nếu còn chút ưu tư về sự lật lọng của người bạn vàng Trung Quốc.
Hãy thôi đóng kịch, hãy tự lột xác chứng tỏ bản lãnh của mình, hãy đồng hành cùng với dân tộc giương cao lá cờ thoát Trung qua phán quyết của Tòa PCA. Hãy quên ghế, quên Đảng vốn chỉ là một nhúm lý thuyết phù du và cùng nhân dân tiến về phía trước, phía của tương lai Việt Nam thay vì tương lai Trung Quốc.
Hoan nghênh PCA chưa đủ. PCA không phải là thần dược nhưng nó có khả năng trợ giúp nếu Đảng thật sự muốn về nguồn. Hãy lấy PCA làm chiếc thuyền nan quay đầu vào bờ trước khi quá muộn.
Cơ hội này không đến lần thứ hai. Nếu nó đến sẽ có hình dạng khác: Sự phán quyết của nhân dân thay vì đồng hành với Đảng.
Cánh Cò

Đường lưỡi bò là bất hợp pháp : Đòn quá nặng cho Trung Quốc !


media


REUTERS/Romeo Ranoco
Phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông được nhiều báo Pháp đề cập đến hôm nay 13/07/2016. Đề tài này cũng chiếm khá nhiều giấy mực trên các báo tiếng Anh ở châu Á hoặc Âu, Mỹ.
Thông tín viên Le Figaro trong bài «Tòa án Trọng tài Quốc tế bác yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông» nhận xét đây là một đòn đau cho Bắc Kinh. Les Echos qua bài viết « Đối với La Haye, Bắc Kinh chẳng có quyền gì tại Biển Đông » cho rằng đây là một sự lăng nhục mà Trung Quốc phải chịu đựng.





Le Figaro nhắc lại, Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua tuyên bố Trung Quốc «không có quyền lịch sử» trên hầu hết diện tích Biển Đông. PCA nhận định các hành động của Bắc Kinh trong khu vực này là « bất hợp pháp », khẳng định đã « làm trầm trọng thêm tranh chấp », và xâm hại đến môi trường. Trung Quốc bác bỏ phán quyết, tiếp tục nêu ra « quyền lịch sử » và chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông cáo của Tòa án Trọng tài Quốc tế nêu rõ : « Tòa nhận định rằng không có bất cứ cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn lợi trong các vùng biển bên trong ‘‘đường 9 đoạn’’. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế », tức khu vực 200 hải lý xung quanh, đặc biệt là việc ngăn trở hoạt động đánh cá và tìm kiếm dầu khí. Tòa án cũng không công nhận các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền là « đảo », như vậy « không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ».
Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông
Bắc Kinh vốn tẩy chay phiên tòa, ngay lập tức cho rằng phán quyết là « vô giá trị », vi phạm luật quốc tế, « không chấp nhận cũng không nhìn nhận quyết định ». Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhai lại luận điệu là người Hoa đã hoạt động từ hơn hai ngàn năm qua trên Biển Đông, nên có quyền lịch sử trên 90% diện tích vùng biển chiến lược này. Nhưng Les Echos cho biết, đường lưỡi bò trải rộng trên 2.000 km kể từ miền nam Trung Quốc, liếm sát duyên hải Việt Nam, Philippines…đã bị tòa tuyên là « không có bằng chứng nào cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này ».
Manila hoan nghênh phán quyết, nhưng vẫn kêu gọi « kiềm chế và chừng mực ». Tuần trước, chính phủ của tân tổng thống Rodrigo Duterte cho biết hy vọng nhanh chóng mở đối thoại với Trung Quốc sau quyết định của Tòa án Trọng tài Quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ các nguồn lợi thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp.
Tuy vậy theo Le Figaro, còn phải xem có hội đủ các điều kiện cho một cuộc đối thoại như thế hay không. Bắc Kinh nhấn mạnh « sẵn sàng tiếp tục giải quyết một cách hòa bình những bất đồng thông qua thương lượng và tham vấn trực tiếp với các Nhà nước liên quan », không thông qua trung gian, và « tôn trọng các sự kiện lịch sử cũng như luật quốc tế ». Nhưng Manila khó thể bỏ qua phán quyết trọng tài theo đòi hỏi của Bắc Kinh, và bản án này còn mở ra cánh cửa cho các quốc gia ven biển khác đang lo sợ trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Bắc Kinh còn toan đối phó với sự hăng hái bảo vệ đồng minh của Washington, khi khẳng định « tôn trọng tự do hàng hải và hàng không » trong khu vực, nơi các chiến hạm của Hải quân Mỹ tuần tra với lý do nhằm bảo đảm các quyền trên. Hoa Kỳ hoan nghênh phán quyết của PCA như « một đóng góp quan trọng cho giải pháp », còn chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk có mặt tại Bắc Kinh hôm qua đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ quốc tế.
Tờ báo nhắc lại, để xác quyết các yêu sách, Trung Quốc đã mở rộng các đảo nhỏ và rạn san hô, thiết lập các phi đạo, hải cảng và các cơ sở khác mà mới nhất là bốn ngọn hải đăng trên một rạn san hô cộng với một hải đăng khác đang xây dựng. Tòa án Trọng tài Quốc tế nhận định Trung Quốc đã làm tranh chấp thêm gay gắt, đồng thời « gây ra những thiệt hại không thể hồi phục cho môi trường biển ». PCA khiển trách Bắc Kinh đã để các ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài rùa biển khổng lồ và các sinh vật quý hiếm khác, bằng các phương tiện đã xâm hại nghiêm trọng các rạn san hô và hệ sinh thái.
Phán quyết của Tòa Trọng tài làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh
Trong bài « Tại Biển Đông, Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye tuyên bố Bắc Kinh đã sai trái », nhật báo La Croix ghi nhận không có gì là ngạc nhiên khi phán quyết thuận lợi cho Manila trong hầu hết các vấn đề bất đồng với Bắc Kinh về Biển Đông, bị chính quyền Trung Quốc bác bỏ.
Từ nhiều tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phản đối thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Quốc tế trong vụ này, đặt dấu hỏi về tính độc lập và khách quan của tòa. Tất cả cho thấy tuy phán quyết mang tính ràng buộc, vẫn có thể không được thực thi.
Trong phán quyết dày đến 501 trang công bố hôm qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế khẳng định« đường 9 đoạn » tự vẽ chỉ mới xuất hiện trên các bản đồ Trung Quốc từ năm 1940 « hoàn toàn không có căn cứ pháp lý ». Không có bất kỳ đảo nhỏ, đá, rạn san hô nào ở Trường Sa được công nhận là « đảo » để có được vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh, theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc có ký kết.
Theo La Croix, phán quyết của tòa đã làm tăng áp lực ngoại giao lên Bắc Kinh.
Dưới triều đại Tập Cận Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách hết sức hung hăng tại Biển Đông. Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo tại khoảng sáu thực thể, thiết lập các cơ sở hạ tầng quân sự như radar, phi đạo…và tuần duyên tăng cường hiện diện tại các vị trí chiến lược, gây căng thẳng với các láng giềng. Lâu nay đứng ngoài quan sát, rốt cuộc Hoa Kỳ đã phải phản ứng vào mùa thu năm 2015 bằng cách gởi các khu trục hạm đến. Từ nay cho đến 2019, 60% hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Để tránh bị cô lập ngoại giao, Trung Quốc đã vận động được Nga và Ả Rập Xê Út ủng hộ, cùng với một số nước châu Phi như Niger, Lesotho, Togo, Angola, Madagascar, Papua-New Guinea. Ngược lại, khối G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada) hỗ trợ Philippines bằng cách liên tục nhấn mạnh sự quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh hàng hải.
Khúc ca khải hoàn khiêm tốn của Manila
La Croix nhận xét, cho dù ngay sau phán quyết đã diễn ra một cuộc biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc, chính phủ Philippines vẫn tỏ ra thận trọng trong các tuyên bố chính thức. Phát ngôn viên chính phủ nói rằng mọi việc còn cần phải thảo luận, ngoại trưởng Perfecto Yasay hoan nghênh La Haye nhưng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngược lại, báo chí Philippines hân hoan nhấn mạnh « chiến thắng » trước Bắc Kinh và « phán quyết lịch sử » này.
Trang web china.org của Trung Quốc lại có cách diễn giải khác. Trong bài « Phán quyết La Haye : Ôn ào để chẳng đi đến đâu », trang mạng này khẳng định càng gần đến ngày phân xử, trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh, quan điểm của Manila bắt đầu lung lay, qua đề nghị chia sẻ nguồn lợi và thương thảo dù có thắng kiện. Ông Rodrigo Duterte dường như nay đã hối tiếc về quyết định kiện ra Tòa án Trọng tài của người tiền nhiệm Benigno Aquino.
Tờ báo đe dọa trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 06 đến 08/09/2016 tại Vientiane (Lào), sau thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc) từ 04 đến 05/09, Bắc Kinh sẽ có dịp chất vấn Manila về những bất nhất trong quan hệ song phương từ thời bà Gloria Arroyo cho đến nay. Trung Quốc cũng sẽ giới thiệu một lộ trình hợp tác thực tiễn, và đặt lại vấn đề Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Và trước đó, ASEAN cần đưa ra thông điệp hòa giải rõ ràng trước Trung Quốc nhân hội nghị ngoại trưởng lần thứ 49 của khối này từ 21 đến 26/07.
Theo Le Monde, sự khiêm tốn của Philippines là do thực tế trước mắt : các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp không vì phán quyết mà biến mất, và lực lượng tàu quân sự hùng hậu của Trung Quốc vẫn tiếp tục nghênh ngang, tuy quyết định của La Haye sẽ khiến Hải quân các nước phương Tây sẽ tuần tra thường xuyên hơn tại Biển Đông.
Trung Quốc sẽ hùng hổ hay hòa dịu ?
Bài viết đăng trên trang mạng của Le Monde « Bắc Kinh tức giận sau khi thua cuộc ở Biển Đông » qua phán quyết của tòa trọng tài nhận định, tuy thất bại đã được đoán trước, nhưng năm vị trọng tài ở La Haye đã giáng cho Trung Quốc một đòn quá nặng về tính hợp pháp của« đường 9 đoạn ».
Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng sau cái tát này, Bắc Kinh sẽ ra chiêu trả đũa. Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh khẳng định : « Trung Quốc đã chuẩn bị cho một phán quyết bất lợi, nhưng giọng điệu bản án tệ hại hơn dự kiến. Phán quyết này sẽ được các thế lực nước ngoài sử dụng để đối phó với Trung Quốc, và như vậy Bắc Kinh sẽ tăng cường năng lực quốc phòng ».
Giả thiết được đưa ra nhiều nhất là thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông xung quanh các đảo nhân tạo, và quân đội Trung Quốc nhờ các phi đạo mới có thể cho các chiến đấu cơ xuất kích bất kỳ lúc nào. South China Morning Post cho rằng quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất trước ADIZ Biển Đông sẽ là Việt Nam.
Tuy Bắc Kinh chưa nêu ra một hành động phản công cụ thể nào, nhưng các nhà phân tích lo ngại cơn sốt sẽ tăng lên trong khu vực, nơi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, nhất là xung quanh các đảo nhân tạo, để khẳng định quyết tâm không nhượng bộ. Reed Foster thuộc IHS Jane nhận xét : « Việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự giúp Trung Quốc kiểm soát trên thực tế nhiều mảng của Biển Đông ».
Theo Les Echos, về lâu về dài, phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế hôm qua dù sao cũng khiến Bắc Kinh tỏ ra hòa hoãn hơn một chút với các nước láng giềng để tránh vô số các vụ kiện nhục nhã trước các tòa án quốc tế.
Ấn Độ hân hoan, Úc chuẩn bị vào cuộc
Trang mạng indiaexpress.com của Ấn Độ vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.
Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.
Bài viết đăng trên trang mạng của Viện Chiến lược Úc nhận định, Bắc Kinh đã nỗ lực rất lớn và thành công trong việc phá hoại sự đoàn kết giữa các nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Nhìn từ phía Úc, phán quyết hôm qua khiến người ta nhớ lại tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2016 của Úc, khẳng định « lợi ích quốc phòng chiến lược thứ nhì trong một khu vực an ninh gần gũi, bao gồm vùng biển Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ».
Nói cách khác, lợi ích chủ yếu của an ninh quốc gia lại nằm trong một khu vực hoàn toàn bị Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Tác giả nhắc nhở, đừng quên rằng Úc đang chi ra 89 tỉ đô la để chỉnh đốn Hải quân. Cho dù chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể khoanh tay ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành, và các đồng minh trong khu vực như Úc sắp tới sẽ được cầu viện đến nhằm đảm bảo tự do hàng hải.
Theo Thụy My/RFI

Get paid to share your links!