Tuesday, August 30, 2016

Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam thăm Trung Quốc

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Phạm Trường Long (phải) bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch tại Bắc Kinh hôm 29/8/2016.
 AFP photo
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 29/8 đến 31/8.
Truyên thông Việt nam cũng như trang thông tin điện tử của chính phủ loan báo như trên và cho biết chuyến thăm Trung Quốc của Đại Tướng Ngô Xuân Lịch là theo lời mời của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn.
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Ngô Xuân Lịch trên cương vị Bộ trưởng Bộ quốc phòng.
Lịch trình chuyến thăm viếng Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được Văn phòng chính phủ cho biết là sẽ có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm là tướng Thường Vạn Toàn. Ngoài ra sẽ chào xã giao các vị lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc.
Như vậy đây là lần thứ hai trong năm nay lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội hai nước Việt Nam Trung Quốc gặp gỡ nhau.
Hồi tháng Ba năm nay, chính ông Thường Vạn Toàn cũng đã sang Việt Nam gặp người đồng cấp Việt Nam, lúc đó là Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Trong chuyến thăm đó hai bên đã cùng nhau nói rằng quân đội hai bên phải kềm chế tránh xung đột trên biển Đông, vì lợi ích của hai nước, của khu vực và của cả thế giới.
Hôm 12 tháng Bảy vừa qua, Tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở tại Hà Lan đã ra phán quyết rằng đường chín đoạn mà Trung quốc tự vạch ra trên biển Đông để tuyên bố chủ quyền của mình là vô giá trị.
Đường chín đoạn này còn gọi là đường lưỡi bò chiếm đến 90% diện tích biển Đông, bị các nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia phản đối. Philippines đã nộp đơn kiện lên tòa trọng tài cách đây ba năm, mặc dù Trung Quốc luôn nói rằng tòa này không có quyền tài phán trong việc tranh chấp chủ quyền của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa Trọng tài. Tuy vậy trong bản tin được Văn phòng chính phủ đưa ra vào ngày hôm nay, mặc dù có nhắc tới việc xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông giữa các nước tranh chấp, nhưng lại không nhắc gì về phán quyết về biển Đông của tòa trọng tài quốc tế.
RFA

Tiền gửi ở ngân hàng bị mất, trách nhiệm thuộc về ai?

 
Hai thủ quỹ của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại Hà Nội ngày 23/8/2012. Ảnh minh họa.
 AFP photo
Gần đây, tình trạng tiền gửi trong tài khoản của khách hàng biến mất xảy ra liên tiếp, song các Ngân hàng đều chối bỏ trách nhiệm. Phải chăng, đây là một lỗi trầm trọng của hệ thống Ngân hàng ở VN?
Dư luận nói gì?
Thời gian gần đây, báo chí ở VN liên tiếp đưa tin về tình trạng các khách hàng bị mất tiền, từ mấy chục triệu đến hàng chục tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng. Ví dụ, một khách hàng VietcomBank đã bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản; Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân ở Sài gòn đã bị mất 26 tỷ đồng tại Ngân hàng VPBank; hay việc một khách hàng khác ở Hà nội gửi hơn 4,2 tỉ đồng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thì số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác mà chủ nhân không hề hay biết v.v...
Từ Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, một nhà kinh doanh thực phẩm thấy rằng, đó là biểu hiện của lề lối làm ăn vô trách nhiệm của các Ngân hàng và điều đó đã khiến bà hết sức lo ngại. Bà nói với chúng tôi:
Hiện nay trong giao dịch điện tử thì khách hàng có thể không dùng chữ ký, tóm lại không chứng minh được cái hành vi hay ý chí của người gửi thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
- LS. Hà Huy Sơn 
“Khi thấy tình trạng Ngân hàng làm mất tiền của khách trong tài khoản, rồi còn bắt khách hàng tự chứng minh lỗi không thuộc về khách, rồi phải dính vào các vụ kiện cáo kéo dài và đùn đẩy thì người ta sẽ cũng có tâm lý như tôi là không muốn dính dáng tới. Có lẽ một vài ngày tới tôi sẽ chuyển tiền của mình sang một ngân hàng nước ngoài khác có chi nhánh ở VN.”
Theo TS. Nguyễn Quang A, một Ngân hàng khôn ngoan sẽ không nên có cách ứng xử như vậy, theo ông Ngân hàng phải tiến hành bồi thường và chấn chỉnh hệ thống của mình để giữ uy tín, tạo lòng tin cho khách hàng. Ông cho biết:
“Tôi nghĩ rằng nếu đúng là tiền của khách hàng gửi trong ngân hàng bị “bốc hơi” thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm 100%. Ngân hàng không được phép đổ cho hacker hay hệ thống của mình, bởi vì đấy là trách nhiệm của ngân hàng và phải đền bù cho họ, bất luận là ai làm sai. Ngân hàng với trách nhiệm nhận tiền gửi thì đấy là nghĩa vụ hàng đầu.”
Trả lời câu hỏi dưới góc độ luật pháp ở VN, đã quy định thế nào về trách nhiệm của các Ngân hàng đối với tiền gửi của khách hàng?
Theo LS. Hà Huy Sơn, khoản 22, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định “Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng, để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng”. Và theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước VN thì trách nhiệm của ngân hàng là “kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký….”. Theo ông, trong các vụ việc vừa xảy ra, trách nhiệm chính là thuộc về Ngân hàng. Ông giải thích:
“Theo luật thì những vụ việc này phải dựa vào các tình tiết cụ thể của vụ việc. Nhưng về quy định chung thì Ngân hàng nhận tiền của người gửi thì họ phải có trách nhiệm, tức là làm mất tiền mà không phải lỗi của người gửi thì Ngân hàng phải bồi thường. Đương nhiên phải tuân thủ các pháp luật của VN.”
Theo báo Thanh Niên, cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm đã khẳng định rằng "Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các NH trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của NH là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, NH trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó".
Ai chịu trách nhiệm?
000_Hkg8563083.jpg-400.jpg
Trụ sở chính Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Hà Nội ngày 10 tháng 5 năm 2013. AFP photo
TS. Nguyễn Quang A đã đồng tình với ý kiến của ông Cao Sỹ Kiêm. Khi chúng tôi đề nghị giải thích về Quỹ đền bù rủi ro của Ngân hàng theo quy định, ông cho biết:
“Quỹ đền bù rủi ro của ngân hàng là khoản tổng thu nhập trừ đi tổng chi phí hay còn gọi là lợi nhuận gộp, trong lợi nhuận gộp sẽ phải trích rất nhiều các quỹ để đề phòng phòng ngừa rủi ro. Nghĩa là lấy từ khoản lợi nhuận của ngân hàng để đền bù cho khách hàng, còn sẽ hạ hồi phân giải ai đúng ai sai về sau. Tôi nghĩ một cách hành xử đúng thì phải như vậy.”
Nói về hệ quả tình trạng xảy ra tràn lan như vậy, bà Nguyễn Thị Bích Ngà cho rằng, cách giải quyết của các Ngân hàng cho thấy, đó là sự trốn tránh trách nhiệm và theo bà cách hành xử này không sòng phẳng, có ảnh hưởng đến uy tín và rất nguy hiểm cho chính hình ảnh của họ. Bà cảnh báo:
“Các ngân hàng liên tục làm mất tiền của khách và hành xử vô trách nhiệm không chịu hiểu, bây giờ là thời của Kinh tế Thị trường, người ta sẽ có rất nhiều lựa chọn. Vì thế họ sẽ bị mất một lượng lớn khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng trong tương lai. Điều đó sẽ phá sản niềm tin, mà ngân hàng không có niềm tin thì chắc chắn sẽ phá sản rồi.”
Chúng tôi đã liên lạc tới Phòng Chính sách an toàn ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước VN để tìm hiểu về vấn đề này, thì được yêu cầu gửi văn bản để xem xét và trả lời.
Nói về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng vô trách nhiệm của hệ thống Ngân hàng ở VN hiện nay, là điều đã khiến cho khách hàng hết sức lo lắng và hoài nghi, thậm chí họ còn có tư tưởng tháo chạy, để bảo về tài sản của cá nhân. TS. Nguyễn Quang A khẳng định:
Tôi nghĩ rằng nếu đúng là tiền của khách hàng gửi trong ngân hàng bị “bốc hơi” thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm 100%. Ngân hàng không được phép đổ cho hacker hay hệ thống của mình...
- TS. Nguyễn Quang A 
“Đây là một lỗi hệ thống của hệ thống ngân hàng, song ngân hàng lại một bộ phận nhỏ nằm trong một hệ thống lớn. Về sâu xa thì cái hệ thống lớn đó đã quen cái chuyện chối bỏ trách nhiệm, nó là người đầu têu để phá hoại sự tin cậy của người dân với nhau. Chừng nào cái gọi là sự tin cậy chung ở trong xã hội không cao và bị hủy hoại, thì chừng đó sẽ không có sự phát triển bền vững và cái đó trở thành cái nguy hại.”
Trả lời câu hỏi, khách hàng cần phải làm gì khi bị rơi vào tình cảnh như vậy?
LS. Hà Huy Sơn giải thích:
“Theo luật thì phải xem người gửi tiền họ có lỗi hay không và vụ việc tranh chấp phải được đưa ra tòa án để giải quyết. Việc rút tiền ra khỏi ngân hàng mà không có bằng chứng khách hàng rút, thì Ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Hiện nay trong giao dịch điện tử thì khách hàng có thể không dùng chữ ký, tóm lại không chứng minh được cái hành vi hay ý chí của người gửi thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.”
Tại điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rõ: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Theo đó, Ngân hàng phải bồi thường trước cho khách hàng, sau đó có thể yêu cầu bồi thường hoặc yêu cầu cơ quan điều tra xem xét các cá nhân có liên quan đã gây thiệt hại cho ngân hàng.
RFA

Để loại bỏ ‘nhóm lợi ích bán nước hại dân’

Theo dõi báo chí chính thống “lề phải” những ngày vừa qua, tôi thấy rất thú vị vì báo chí trong nước phê phán rất mạnh mẽ những hiện tượng tiêu cực, bất công xã hội, tấn công cả những nhân vật quyền cao chức trọng, đề cập cả những vấn đề đụng chạm đến thể chế chính trị. Ngôn từ sử dụng thậm chí giống như báo chí “lề dân” ở hải ngoại hoặc trên các mạng xã hội.
Trong số những bài đó, có một bài nổi bật khiến tôi chú ý, đó là bài “Nhận diện nhóm lợi ích bán nước, hại dân” của tác giả Xuân Dương trên báo Giáo Dục ngày 26/7/2016. Tác giả đã thẳng thắn chỉ ra “nhóm lợi ích” quyền lực cao nhất nước đang “bán nước”, “hại dân”, “biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân”,…
Lòng dân căm phẫn
Bản thân tôi là một nạn nhân của một chế độ tư pháp bất công cũng cảm thấy một chút an ủi khi cuối cùng báo chí nhà nước đã công nhận rằng nhóm lợi ích đầy quyền lực đã “biến Nhà nước thành công cụ trấn áp nhân dân”, trong đó không chỉ có gia đình tôi mà còn hàng triệu người dân bị mất đất, bị xử oan, bị bắt bớ vì các lý do chính trị, tôn giáo, vì thực hành các quyền căn bản của con người.
Tác giả Xuân Dương còn quyết liệt hơn nữa khi kết luận: “Để bảo vệ Tổ quốc, để đoàn kết toàn dân, để xây dựng một thể chế chính trị ‘do dân và vì dân’ cần tiêu diệt những kẻ bán nước, hại dân đó!”
Để giải thích hiện tượng này, có lẽ tựa đề bài báo “Nhân đạo quá, nhân đạo không chịu nổi!” của tác giả Đào Tuấn trên báo Lao Động ngày 23/7/2016 nói rõ hơn cả tâm trạng của nhân dân Việt Nam hiện nay: không chịu nổi.
Chính là như thế, người dân Việt Nam hiện nay đã hết chịu nổi với tình trạng “dân làm chủ” là hình thức, còn “đảng [cộng sản] lãnh đạo” và “nhà nước quản lý” thì quá yếu kém, tồi tệ, bất công.
Hai ngọn cờ đã gãy
Hai ngọn cờ mà đảng cộng sản đưa ra để tạo tính chính danh cầm quyền là “độc lập dân tộc” và “chủ nghĩa xã hội” đã thất bại thảm hại.
Độc lập dân tộc sao được khi phải nhượng cho Trung Quốc hai ngọn Giả Sơn và Lão Sơn mà quân đội Việt Nam đang trấn giữ vào năm 1999, khi để mất đảo Gạc Ma năm 1988, còn các liệt sỹ, cựu chiến binh trong các cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược thì bị quên lãng.
Lực lượng vũ trang, an ninh có suy nghĩ gì khi biết những thông tin này không?
Về kinh tế thì đến 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng cao và ngày càng nặng nề.
Các khái niệm như “chủ nghĩa xã hội”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đến bây giờ các vị giáo sư, tiến sỹ “đáng kính” trong Hội đồng lý luận trung ương vẫn còn tranh cãi nhau về ý nghĩa của nó là gì.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây còn đặt ra một câu hỏi gây nhíu mày về tính “công bằng” của chủ nghĩa xã hội mà đảng cộng sản rêu rao vài chục năm nay: “Chúng ta phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”.
Một sỹ quan an ninh mà tôi có dịp tiếp xúc cũng công nhận với tôi rằng anh thấy xấu hổ khi là một đảng viên cộng sản. Anh cảm thấy tội lỗi khi phải im lặng trước hiện trạng đất nước, bởi vì “đồng chí” trong đảng cộng sản bây giờ nghĩa là đồng lõa phi pháp với những kẻ “bán nước hại dân”.
Ba phạm trù quyền lực
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra trên BBC vào ngày 21/7/2016 "...Cần có một cuộc đại cải cách toàn diện thì may ra Việt Nam có lối ra. Còn nói rằng mình chọn người này không chọn người kia, thì cuối cùng mình chỉ chọn những người đã được chọn rồi thì làm sao có quốc hội thực sự của dân được."
Trọng tâm của cuộc “đại cải cách toàn diện” này bắt buộc phải giải quyết tận gốc vấn đề chính trị của Việt Nam, liên quan đến những thành tố quan trọng nhất của quốc gia, ngoài thành tố lãnh thổ thì đó là nhân dân, pháp luật và chính quyền.
Về nhân dân, dân phải thực sự nắm quyền làm chủ đất nước, bắt đầu bằng các quyền quan trọng nhất như trưng cầu dân ý, phúc quyết hiến pháp, tự do ứng cử - bầu cử, và quyền tư hữu. Những quyền làm chủ này phải hiện thực và bình đẳng đến từng người dân cụ thể chứ không phải chỉ trên khẩu hiệu hay giấy tờ. Nói cách khác, dân quyền phải hiện thực.
Về pháp luật, hiển nhiên rằng cần phải xây dựng nhà nước pháp quyền: mọi người bình đẳng trước pháp luật, không ai được độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật như tình trạng hiện nay. Nền pháp luật chuẩn mực đó phải bắt đầu từ bản hiến pháp của toàn dân để đảm bảo dân quyền và giới hạn quyền lực của chính quyền.
Về chính quyền, đặc điểm quan trọng nhất của nền dân chủ là lãnh đạo phải do dân bầu ra qua bầu cử tự do và công bằng, có định kỳ. Nghĩa là chính quyền phải chính danh. Hay nói cách khác, chính quyền phải chính trực với bản hiến pháp và pháp luật chuẩn mực đó, chính trực với nhân dân.
Ba phạm trù quyền lực này liên quan chặt chẽ với nhau như ba chân kiềng của nền dân chủ: dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực. Theo tôi, để cuộc “đại cải cách” sắp tới thật sự “toàn diện” thì cần phải giải quyết triệt để ba vấn đề này. Không thể tiếp tục chấp nhận ba yếu tố giả dối “dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” mà đảng cộng sản đưa ra nữa. Vì thật ra quyền lực chỉ tập trung vào tay một đảng, hoàn toàn không có “dân" và “nhà nước".
Khi đó, nhân dân sẽ đoàn kết với nhau trên cơ sở một nền pháp luật chuẩn mực, và cùng nhau hậu thuẫn cho một chính quyền do dân bầu ra. Đó mới là cơ sở vững chắc để đoàn kết dân tộc. Và dân tộc có đoàn kết thì mới có thể bảo vệ lãnh thổ trước nạn ngoại xâm đã và đang gặm nhắm bờ cõi.
Vụ tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống mạng của các sân bay của Việt Nam chiều ngày 29/7, gây nguy hiểm đến an toàn bay, cho thấy cuộc chiến đã hiển hiện ngay trên các đô thị của đất nước chứ không phải chỉ ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biên giới hay vùng Tây Nguyên đang khai thác bô-xít nữa.
Điều kiện sắp chín muồi
Vậy làm thế nào để có thể tiến hành “đại cải cách toàn diện” khi Nhà nước đã trở thành “công cụ trấn áp nhân dân” của những kẻ “bán nước hại dân”?
Lê-nin, bậc thầy của người cộng sản, đã nêu ra ba điều kiện để một cuộc cách mạng thành công. Đó là nhà cầm quyền không thể cai trị theo kiểu cũ được nữa, nhân dân không chịu đựng nổi nữa, và có một tổ chức chính trị lãnh đạo dẫn dắt cách mạng.
Hiện tại, rõ ràng nhà cầm quyền không kiểm soát tình hình được như trước nữa. Người dân công khai phản kháng trên các mạng xã hội như Facebook, công khai kêu gọi nhau xuống đường biểu tình, công khai tẩy chay bầu cử, công khai đi đòi những người bị bắt giữ vô cớ, trái pháp luật…
Về lòng dân thì như trên đã nói, báo nhà nước cũng đăng: “không chịu nổi”.
Như vậy, hai điều kiện đầu của cách mạng đã có ở Việt Nam, chỉ còn một điều kiện cuối cùng là phải xuất hiện một tổ chức chính trị có uy tín, đông, mạnh để lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là lý do tại sao các lãnh đạo đảng cộng sản luôn nhắc nhở quân đội, công an: ”Tuyệt đối không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập”.
Theo tôi quan sát trên mạng xã hội, đã có nhiều tổ chức chính trị không cộng sản xuất hiện ở Việt Nam. Khi bầu cử tự do ở Miến Điện đã có tới 92 đảng ra tranh cử. Việt Nam có lẽ sẽ có nhiều hơn con số đó. Nhưng đảng nào sẽ đi vào lịch sử như đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Miến Điện?
Hãy là người Việt đoàn kết

Trước hiểm họa ngoại xâm, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn,... đe dọa không gian sinh tồn của dân tộc, người Việt đoàn kết - tiếng nói của đại thể người Việt - cần nối vòng tay lớn với nhau, cùng nhau lên tiếng, cùng nhau hành động để thiết lập “dân quyền hiện thực, pháp quyền chuẩn mực, chính quyền chính trực” ở Việt Nam.

Chỉ khi đó, những kẻ “bán nước hại dân” mới không còn chỗ hoành hành trên đất nước này.
Chỉ khi đó, đất nước này mới có nền tảng vững chắc để trường tồn.
Tham khảo:
Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”
http://giaoduc.net.vn/gdvn-post169682.gd

Nhân đạo quá, nhân đạo không chịu nổi!
http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/nhan-dao-qua-nhan-dao-khong-chiu-noi-575675.bld

Nguyễn Tiến Trung

Sau biển gầm là rừng núi thét!

ảnh minh hoạ
Vụ án 3 quan chức cấp tỉnh ở Yên Bái bị bắn chết đang là đề tài bàn luận nóng hổi. Bao nhiêu câu hỏi "vì sao" đang được đặt ra.
Vì sao xảy ra cuộc thanh toán nhau này? Vì sao các quan chức đồng chí cộng sản với nhau ở cấp khá cao lại thù oán nhau đến mức giết nhau tàn bạo như thế? Vì sao dư luận nhân dân lại có vẻ dửng dưng không tỏ ra xúc động, cảm thông với các nạn nhân và gia đình họ, cũng như với đảng cầm quyền và nhà nước như các nhà lãnh đạo cao nhất công khai bày tỏ? Vì sao lại có thái độ vui mừng, hài lòng trong một số blog tự do, coi đó là sự thanh toán lẫn nhau giữa các "nhóm lợi ích riêng tư" ganh ăn tức ở với nhau, “đáng đời” bọn quan tham như sâu bọ lúc nhúc tệ hại?
Phải chăng vụ án phản ánh sự suy đồi đạo đức trong đảng cầm quyền đã đạt đến đỉnh điểm để cán bộ cầm quyền ngang cấp coi nhau như kẻ thù? Ở cơ sở, đảng viên công an đạp giày vào mặt đảng viên xuống đường chống bành trướng, nay đảng viên cấp cao hơn giết nhau. Cũng đã có một số nghi án cán bộ cấp cao nhất giết nhau, như tướng Phạm Quý Ngọ bị thủ tiêu khi là nhân chứng sống trong vụ án Đại tướng Trần Đại Quang bị cáo buộc nhận 1 triệu đôla của Phạm Chí Dũng do chính nghi can này khai báo. Cứ cái đà này thì các đồng chí lãnh đạo ở cấp cao nhất có thể thịt nhau như chơi, khi đảng suy thoái không sao ngăn chặn nổi.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã vội vàng chỉ thị cho các dư luận viên lên tiếng trên báo chí lề phải, mắng mỏ dư luận là "bất lương vô đạo", vô cảm, thậm chí còn hả hê trước cái chết bi thảm của 3 quan chức, trong đó 2 người được làm tang lễ cấp cao.
Đáng chú ý là qua vụ án này niềm tin của dân với đảng càng tỏ ra sa sút, nên có hoài nghi dai dẳng là có gì không đúng sự thật trong những tin tức do công an điều tra và tuyên huấn đưa ra để giấu nhẹm, bịt kín vụ án này. Tại sao những viên đạn đầu tiên lại không có ai nghe thấy, khi các cán bộ đã tụ tập đông đảo để chờ họp ở sát đó? Hung thủ bắn chết ngay ông bí thư tỉnh ủy rồi ung dung đi ra cách đó 150 mét còn chào hỏi mọi người rồi mới vào phòng khác bắn chết ông trưởng ban tổ chức rồi tự bắn vào mình. Rõ ràng là những sự kiện trên thực tế rất khó có thể diễn ra như vậy!
Và vì sao các bác sỹ khám nghiệm đã thắc mắc về tin tức nói rằng thủ phạm tự bắn vào đầu mà viên đạn lại xuyên từ sau gáy ra trước. Vậy thì rất có thể nghi phạm cũng chỉ là nạn nhân của một hung thủ bí mật nào khác. Rồi lại còn câu hỏi vì sao chính quyền tuyên bố không khởi tố vụ án vì kẻ gây án đã chết, để rồi ngay sau đó lại tuyên bố sẽ khởi tố?
Còn nhớ vài ngày trước đó, trong buổi gặp các đảng viên cao cấp nhất đã nghỉ hưu, ông Đinh Thế Huynh, ủy viên thường trực Ban Bí thư, và chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trấn an các đồng chí của mình rằng "Niềm tin đối với đảng đang được củng cố và nâng cao". Với phát biểu này, Ông Trọng cho thấy không những là “lú lẫn” mà còn nói sai sự thật, cố tình nhắm mắt bịt tai trước sự thật là niềm tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền đã sa sút đến mức tận đáy rồi, một điều mà ai cũng nhận ra.
Xin nêu một gợi ý để rộng đường dư luận. Trên mạng Ba Sàm mới có bài viết của FB Ben Nguyen rất đáng chú ý. Đó là bài báo dài nhiều kỳ với nhiều ảnh chụp, nhan đề Bản danh sách đen của nhóm nhà báo Đỗ Doãn Hồng. Bài báo cho biết, từ năm 2014 tại vùng hồ Thác Bà thuộc các huyện Lục Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp tài nguyên rừng, một đặc sản hầu như duy nhất của Yên Bái. Rừng Yên Bái bạt ngàn là rừng già lâu năm, đầy cây cổ thụ 200 và hơn 100 năm, đường kính thân 1 mét 6, chu vi hơn 3 mét, cao cỡ 30 mét, gồm các loại gụ, sến, lim, thông, giá trị có cây lên đến 300 tỷ đồng. Vùng Thác Bà rộng 23.400 héc ta, sát sông Chảy, chứa gần 4 tỷ khối nước, với hàng nghìn hòn đảo. Tài nguyên rừng già đúng là mõ vàng khổng lồ của tỉnh Yên Bái. Từ xưa nói rừng là "vàng" quả không sai.
Mấy chục năm nay trong vùng rừng bạt ngàn cây cổ thụ quý này âm thầm diễn ra một cuộc tranh dành nguồn lợi to lớn là gỗ quý. Lâm nghiệp và kiểm lâm trở thành hai ngành công tác rất béo bở, và đã diễn ra một cuộc đấu tranh sống mái giữa ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và kiểm lâm cùng các cơ quan hành chính, công an, tư pháp. Ghê gớm nhất là ngoài số hàng chục vạn nhân viên quan chức các ngành trên còn có hàng vạn tên "lâm tặc" từ dưới miền xuôi và các tỉnh xung quanh kéo đến. Chúng là bọn hung đồ táo tợn ranh ma, tạo nên phe nhóm riêng, mua chuộc cơ quan hành chính, cơ quan đảng, cơ quan công an, lâm nghiệp, kiểm lâm, tư pháp, giao thông tạo nên một cuộc nội chiến rối rắm phức tạp, khi thì hợp tác khi thì tranh dành nhau quyết liệt. Lâm tặc có mặt trong ủy ban, tỉnh và huyện ủy đảng CS, trong Công an, tư pháp, trong lâm nghiệp và kiểm lâm, trong dân quân, trạm gác cửa rừng, trong thuyền bè nối liền hàng nghìn đảo nhỏ để chặt gỗ, chuyên chở gỗ đi mọi hướng, bán gỗ gần xa. Một số nhà báo trẻ xông xáo ngay thật ưa mạo hiểm đã có những phóng sự kỳ thú nhưng bị "kiểm duyệt" vì không ít quan chức cấp cao tham lợi, tự biến mình làm tay chân cho bọn lâm tặc ma quỷ, tự mình biến chất thành lâm tặc, làm giàu vô kể, coi rừng là “tự nhiên”, có nghĩa là vô chủ.
Có tin không nói rõ nguồn cho biết tại khu vực Hồ lớn Thác Bà đang có một dự án ODA cực lớn nhằm xây dựng một cơ sở cai nghiện cho dân nghiện cả nước, và một dự án hoành tráng hơn về "hậu cai nghiện", một trường dạy nghề quy mô hiện đại, một vùng du lịch sinh thái hàng đầu, do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trương. Đây cũng là một chìa khóa để có thể giải mã tận gốc gác vụ án này. Sẽ có nhiều quan chức với động cơ riêng muốn ỉm vụ án này đi, vì những lẽ trên.
Thật không hẹn mà nên, nếu vụ đại án Formosa - Plastics Hà Tĩnh là tiếng gầm của biển cả kêu cứu khi đang bị cái chết đe dọa, vụ đại án Yên Bái là tiếng thét vang động kêu cứu của núi rừng cả nước ta. Hải tặc và lâm tặc đang ngang nhiên hoành hành theo kiểu mafia hiện đại giữa thời cộng sản thoái trào, tàn phá tận gốc tài nguyên vô tận của nước ta, làm cuộc sống dân ta điêu đứng từ miền sông biển đến khu núi rừng.
Vụ án Yên Bái có nguyên nhân gần xa từ đó.
Các nhà báo yêu nước, các nhà luật học, các chiến sỹ dân chủ nhân quyền trong các tổ chức xã hội dân sự hãy sát cánh cùng toàn dân lương thiện tham gia cuộc giải mã và đại phá hai vụ án siêu nghiêm trọng này để cứu nước, cứu dân, qua việc cứu rừng vàng biển bạc của Tổ quốc thân yêu.
Bùi Tín

Nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM tuyên bố bỏ đảng Cộng sản

Áp phích kêu gọi cử tri đi bầu cử trên đường phố Hà Nội, 22/4/2016.
Ông Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, vừa gửi thư cho chi bộ đảng Cộng sản nơi ông cư ngụ để thông báo về quyết định “từ bỏ Đảng” kể từ ngày 26/8 vì “không thể chấp nhận một tổ chức đoàn thể đang hoạt động trong đất nước Việt Nam mà không chấp hành luật pháp Việt Nam”.
Trong thư, ông Võ Văn Thôn, 76 tuổi, cho biết ông đã bị quận ủy quận 3 đề nghị kiểm điểm về việc tự ra ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố, không chấp hành các quy định trong đảng.
Ông Thôn cũng cho biết trong thư rằng ông đã báo cáo xin ý kiến của chi bộ. Sau khi chi bộ biểu quyết, có 6 ý kiến đồng ý và không có ý kiến không đồng ý. Nhưng sau khi ông nộp đơn tự ứng cử, đảng ủy phường, thường vụ quận ủy đã mời ông Thôn ra phường và khuyên ông rút đơn vì “tuổi cao sức yếu”.
Trả lời đài VOA, ông Thôn cho biết:
“Đảng – mình vô một tổ chức nào đó - mục đích là một phương tiện để mình hoạt động, thực hiện một việc gì đó. Ví dụ như trước đây chúng tôi tham gia [đảng Cộng sản] để giải phóng đất nước độc lập, thống nhất. Còn bây giờ chuyện đó đã hoàn thành rồi. Bây giờ nếu có gì vui vẻ thì cũng ở chơi cho vui, còn nếu hổng vui vẻ thì ra, chứ bây giờ đâu còn mục đích gì nữa đâu”.
Trong thư gửi chi bộ đảng, ông Võ Văn Thôn nói ông bị “ép buộc kiểm điểm” về việc tự ứng cử mà ông cho là thi hành đúng quy định của luật pháp nhà nước Việt Nam, và việc kỷ luật ông là “thể hiện Đảng không tôn trọng pháp luật nhà nước Việt Nam”.
Ông Võ Văn Thôn từng giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 3 và Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM.
Theo VOA

Get paid to share your links!