Thursday, August 18, 2016

Thảm hoạ Formosa Hà Tĩnh: Tội ác mang tên Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Sự vô cảm, vô trách nhiệm khó chấp nhận của nhà lãnh đạo tối cao
Thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra bắt đầu bùng phát ở Miền Trung từ đầu tháng 4/2016. Vụ việc chấn động nhân tâm này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người Việt, khiến công chúng trong cả nước đi từ bất ngờ đến hoang mang lo lắng và phẫn nộ.
Trong bối cảnh đó, ngày 21 & 22/4/2016, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Những tưởng người đứng đầu hệ thống chính trị ở Việt Nam sẽ thăm hỏi, động viên hàng vạn đồng bào bỗng nhiên bị lâm vào cảnh dở sống dở chết trước khi đưa ra những quyết sách hợp tình, hợp lý nhằm giải quyết hậu quả, ổn định tình hình. Nhưng không, trong suốt hai ngày trời trên đất Hà Tĩnh, ngài TBT đã không hề hé răng lấy nửa lời về thảm hoạ khủng khiếp đó, chẳng thèm ngó ngàng gì đến đám dân đen khốn khổ trong khi vẫn điềm nhiên đến Vũng Áng để “kiểm tra tiến độ” dự án Formosa Hà Tĩnh.
Rời khỏi Hà Tĩnh, ông ta lại tiếp tục im thin thít về vụ việc. Hơn ba tháng sau, trong Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp diễn ra ngày 18/7, lần đầu tiên ông ta mới nhắc đến sự vụ đang khiến dư luận sục sôi kia khi phát biểu: “Sự cố cá chết… gây khó khăn cho công tác bầu cử” (!). Câu phát ngôn lạnh lùng, vô cảm đó nhanh chóng trở thành đề tài đàm tiếu của dân chúng.
Sự bàng quan, vô cảm đến mức không thể chấp nhận được của nhà lãnh đạo quốc gia lại càng khiến người ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông ta trong vụ thảm hoạ môi trường thế kỷ này.
Ai là “cha đẻ” của Formosa Hà Tĩnh?
Như báo chí nhà nước đã loan tải, ông Võ Kim Cự, nguyên Phó Chủ tịch và về sau trở thành Chủ tịch UBND rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, là một nhân vật chủ chốt liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Vai trò của ông Võ Kim Cự đã được báo chí nói đến nhiều; vì vậy trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin không bàn thêm. Tuy nhiên, theo mục (a) khoản (2) Điều 37 “Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư” của Nghị định 108/2006/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư” do Chính phủ ban hành ngày 22/9/2006, việc phê duyệt dự án Formosa Hà Tĩnh thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, ngày 4/3/2008, PTT Hoàng Trung Hải đã ký công văn hoả tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”. Ngày 6/6/2008, ông Hoàng Trung Hải lại ký tiếp công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Dự án Formosa Hà Tĩnh hoàn toàn nằm trong phạm vi chức trách của ông Hoàng Trung Hải. Vì thế, không chỉ là người ký hai văn bản quan trọng nhất đưa đến sự ra đời của dự án, ông ta còn dành cho nó hàng loạt ưu đãi “vô tiền khoáng hậu”: miễn thuế tài nguyên với hoạt động hút cát san nền; chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH cho áp dụng cơ chế đặc thù, linh hoạt để đáp ứng việc đưa lao động nước ngoài vào dự án Formosa; cho phép Formosa hoàn tất các thủ tục theo quy định để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và hộ gia đình công nhân thuê hoặc mua, v.v. Vai trò của ngài PTT phụ trách kinh tế lớn đến mức tháng 6/2014, Formosa Hà Tĩnh còn gửi thẳng công văn cho ông ta để đề xuất thiết lập đặc khu kinh tế gang thép, mà không thèm gửi cho bất kỳ ai khác.
Trên thực tế, ông Võ Kim Cự chỉ là một phó chủ tịch tỉnh; một mình ông ta không thể đủ sức cho ra đời một dự án khổng lồ liên quan đến nhiều bộ ngành trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục với hàng loạt ưu đãi chưa từng có như thế. Đúng hơn, ông ta chỉ là một tay sai đắc lực nhằm thực hiện ý đồ của cấp trên. Xin dẫn ra đây hai bằng chứng: (i) Ngày 15/1/2008, Formosa gửi “Thư bảo đảm xin đầu tư xây dựng dự án cảng Sơn Dương và khu liên hợp gang thép tại Hà Tĩnh” cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mặc dù đây là thư gửi cho Thủ tướng ở Hà Nội nhưng ngay hôm sau, từ Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký công văn số 102/UBND/CN2 gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án của Formosa; và (ii) Mặc dù bị công khai tố cáo nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng từ năm 2014 đến nay, nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, và ở tuổi 59 chuẩn bị nghỉ hưu, ông ta vẫn trở thành Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam và Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV.
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng trong hiểm hoạ Hoàng Trung Hải
Ngày 7/5/2007, tức trước thời điểm Quốc hội khoá XII thông qua thành phần nhân sự Chính phủ khoá mới gần 3 tháng, một số đảng viên cao cấp đã gửi Tâm Huyết Thư tố cáo lý lịch mờ ám của ông Hoàng Trung Hải đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng các ủy viên Trung ương Đảng khác. Lúc bấy giờ ông Hoàng Trung Hải là Bộ trưởng Công nghiệp và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử vào chiếc ghế Phó Thủ tướng trong Chính phủ nhiệm kỳ tới. Những người soạn thảo bức thư, trong đó có ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương, Trưởng đoàn Thẩm tra Lý lịch ông Hoàng Trung Hải, đã khẳng định: Ông Hoàng Trung Hải là người dân tộc Hoa bởi bố ông ta tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc, chứ không phải người Kinh như trong bản lý lịch man trá của ông ta.
Các tác giả bức Tâm Huyết Thư đã dùng những lời lẽ hết sức thống thiết để đề nghị các cấp lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị ngăn chặn một hiểm họa vô cùng lớn cho đất nước – đó là việc một người Hán trá hình được giao nắm giữ những vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy.
Vậy nhưng, bất chấp tất cả, ngày 2/8/2007, Quốc hội khoá XII do ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch vẫn phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, vị trí quan trọng thứ hai trong Chính phủ, theo sự đề cử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa hết, từ ngày 21/4/2008 đến nay, tác giả bài viết này – Lê Anh Hùng – đã 75 lần gửi đơn thư qua mạng Internet tới đầy đủ các cơ quan hữu quan ở Việt Nam để tố cáo PTT Hoàng Trung Hải những tội ác khủng khiếp như giết người, buôn bán ma túy, trùm băng đảng, cung cấp tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia cho nước ngoài…
Do vụ tố cáo của tôi không được giải quyết nên ngày 2/12/2012, nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh đã được khởi công xây dựng với sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị tố cáo là tay sai đắc lực của ông Hoàng Trung Hải và đã ngồi xổm lên pháp luật khi bảo lưu thời hạn cho Formosa thuê đất 70 năm.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội của mình, không phê chuẩn ông Hoàng Trung Hải vào vị trí Phó Thủ tướng do những sai phạm đã được nêu trong bức Tâm Huyết Thư thì chắc chắn sẽ không có Formosa Hà Tĩnh cũng như hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác trên đất Việt Nam mà “tác giả” chính là ông Hoàng Trung Hải.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện đúng chức trách Chủ tịch Quốc hội khóa XII và Tổng Bí thư Đảng CSVN khóa XI, yêu cầu giải quyết vụ tố cáo của tôi một cách đúng pháp luật thì tất cả các dự án kinh tế nguy hiểm do ông Hoàng Trung Hải “đạo diễn”, trong đó có Formosa Hà Tĩnh, đều phải bị rà soát lại và tạm ngưng.
Với tư cách người đứng đầu Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu trách nhiệm chính khi ông Hoàng Trung Hải không những không bị xử lý mà còn lọt vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII và trở thành Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Điều này cũng có nghĩa là hiểm hoạ Formosa Hà Tĩnh không thể được giải quyết rốt ráo chừng nào ông Nguyễn Phú Trọng còn ngồi trên chiếc ghế Tổng Bí thư.
Formosa Hà Tĩnh là thảm hoạ môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Không những thế, nó còn là đại hiểm hoạ về kinh tế và đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Hậu quả do nó gây ra sẽ còn ảnh hưởng nặng nề tới nhiều thế hệ người Việt trong hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm nếu dự án nguy hiểm này vẫn tiếp tục tồn tại. Về mặt quân sự, nó chẳng khác gì mũi dao gí vào yết hầu đe doạ sự tồn vong của đất nước. Nó là chiến tích ngoạn mục của tập đoàn cướp nước Trung Nam Hải, thông qua “con ngựa thành Troy” Hoàng Trung Hải, song lại là tội ác muôn đời không thể gột rửa của bè lũ Việt gian tay sai mà TBT Nguyễn Phú Trọng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Lê Anh Hùng

Australia bực bội vì Việt Nam hủy lễ tưởng niệm trận chiến Long Tân

Cựu chiến binh Australia tại lễ tưởng niệm lần thứ 40 của trận chiến Long Tân ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Việt Nam, ngày 18/8/2006. (Ảnh tư liệu)
Chính phủ Australia mới đây cho hay họ “thất vọng sâu sắc” về việc nhà chức trách Việt Nam chỉ báo trước 11 giờ về quyết định hủy lễ tưởng niệm 50 năm trận chiến Long Tân.
Hơn 1000 cựu chiến binh và gia đình đã chuẩn bị cho buổi lễ hôm 18/8 ở Việt Nam. Chính phủ và các nhóm cựu chiến binh đã dành 18 tháng để chuẩn bị.
Tuy nhiên, giờ đây chính phủ Australia hiểu rằng chỉ có những nhóm nhỏ được đi vào khu tưởng niệm cùng với một ban đại diện chính thức trong đó có các đại sứ của Australia và New Zealand.
Lúc này, Thủ tướng Malcolm Turnbull đang cố tiếp xúc với người đồng cấp phía Việt Nam. Ngoại trưởng Julie Bishop cũng đã tìm cách liên lạc với bộ trưởng ngoại giao của Việt Nam để khiếu nại về vụ việc này.
Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Cựu chiến binh Dan Tehan tức giận mô tả quyết định hủy buổi lễ và cách thông báo gấp gáp như vừa xảy ra là “một cú giáng làm đau lòng”. Ông nói ở Canberra hôm 16/8: “Tôi cho rằng đây không nên là cách đối xử với bạn bè”.
Ông Tehan nói Việt Nam đưa ra lý do hủy lễ là vì “những sự nhạy cảm sâu sắc” về trận chiến.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng Dan Tehan cho rằng quan điểm của chính phủ Australia là quyết định của Việt Nam không liên quan đến vấn đề nào khác trong quan hệ song phương. Ông nói: “Việc này chỉ liên quan đến Long Tân, không liên quan đến khía cạnh nào khác trong mối quan hệ”.
Báo chí Australia đưa tin cảnh sát địa phương ở Long Tân, gần thành phố Hồ Chí Minh, đã đóng cửa khu tưởng niệm có hình chữ thập. Một nhóm phóng viên của hệ thống truyền thông ABC đã bị chặn lại khi chỉ cách khu tưởng niệm 200 mét. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia nói họ được biết các nhóm nhỏ vẫn có thể được vào.
Australia đã dự định lấy buổi tưởng niệm ở Long Tân làm hoạt động chính trong số các buổi tưởng niệm để vinh danh các cựu chiến binh của nước này trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trận Long Tân diễn ra ngày 18/8/1966 và được coi là một trong những trận đánh khốc liệt nhất của lính Australia trong chiến tranh Việt Nam. 105 lính Australia và New Zealand đã đối đầu với hơn 2.000 lính Bắc Việt và Việt Cộng ở một khu đồn điền cao su. Tổng cộng 18 lính Australia và ít nhất 245 lính Việt Nam đã thiệt mạng trong trận này.
Theo VOA

BÀ THÊU


Chiều nay, ngày 17.08.2016, tôi vào dự cung cùng kiểm sát viên vụ án của bà Cấn Thị Thêu. Gặp Bà lần nào cũng với nụ cười tươi và tiếng nói sang sảng, rất đanh cứng và nhanh nhẹn.
Bà nói, việc bắt giữ người không đúng luật tố tụng hình sự, khám xét và thu giữ tài sản là điện thoại cũng không lập biên bản, bà nói việc quy cho bà tới 4 tiền sự là không đúng vì 4 ngày bị xử phạt hành chính đó đều sai sự thật.
Bà nói, thường là dứt khoát, tiếng trong và khoẻ, rắn rỏi và khá chắc chắn về những gì mình đã nói, nên hoàn toàn thống nhất với nhau về các tình tiết cho dù kiểm sát viên có hỏi kiểu vòng vo, đánh lạc hướng thì Bà vẫn chỉ có một câu trả lời như vậy. Và tôi biết đó ắt hẳn là sự thật. Vì dù là thiên tài, cũng không bao giờ nhớ được những sự kiện logic mà nhất là khi bị hỏi ngược tiến trình sự việc hoặc thẩm vấn chéo các nội dung, tình tiết.
Bà nói, lần này Bà rất bình tâm và bình thường, không như lần bị bắt trước. Bà cũng nói, với bà, chỉ cần các luật sư bảo vệ sự thật, còn lại, bản án như thế nào không quan trọng. Vì bà vô tội. Tôi chỉ cười nhẹ mà phụ thêm: chỉ sợ toà lại đuổi luật sư ra ngoài vì bào chữa rõ ràng quá thôi.
Buổi hỏi cung không diễn ra với nhiều câu hỏi, chỉ đủ để làm rõ thêm một vài điều, tình tiết, sự việc liên quan ngày Bà bị bắt.
Vụ án này khiến tôi nhớ đến bà Vũ Thị Hải ở Ninh Bình cũng bị bắt và xét xử về tội danh như bà Thêu. Tuy nhiên, bằng hai quyết định xử phạt hành chính trái luật, mà đó lại là yếu tố cấu thành cần thiết của mặt khách quan của tội phạm, nhưng bà Hải vẫn bị kết tội với 15 tháng tù giam thật nghiệt ngã.
Chúng ta phải hiểu, dù kể cả một người mà có hành vi phạm tội đi nữa, nhưng chúng ta không thể chứng minh bằng những chứng cứ và thủ tục hợp pháp thì hoàn toàn không thể kết tội bằng một căn cứ bất hợp pháp, vì bản án tạo lập nên từ một thứ bất hợp pháp thì không bao giờ hợp pháp được cả.
Đó chính là công lý cốt lõi của một nền tư pháp văn minh thực sự.
FB Lê Luân

Đức cha Nguyễn Thái Hợp "Bị cộng sản chê là điều đáng quý, bị cộng sản khen mới là điều đáng sợ"

ảnh chụp bài báo chụp mũ và xuyên tạc về những gì Ngài- Đức cha Nguyễn Thái Hợp giảng
Cũng giống như Đức cha Ngô Quang Kiệt, cộng sản bắt đầu chiến dịch đấu tố và chụp mũ Đức cha Nguyễn Thái Hợp. Ngoài những trò hèn này ra, cộng sản chẳng làm nên trò trống gì. 
Bị chụp mũ, đấu tố nhưng Ngài-Đức cha Nguyễn Thái Hợp không lấy đó làm sơ sệt mà Ngài chỉ dùng câu nói đơn giản "Bị cộng sản chê là điều đáng quý, bị cộng sản khen mới là điều đáng sợ" để trả lời chúng-bọn bồi bút hèn hạ ngu dốt tay sai của cộng sản. Ngay từ cái tiêu đề là đã bộc lộ bản chất ngu của chúng rồi từ Giám Mục mà chúng dám "hạ" chức của Ngài xuống còn Linh Mục thì điều gì mà chúng chẳng dám cắn bừa.
link bài báo :http://vntb.org/linh-muc-nguyen-thai-hop-dang-lam-meo-mo-hinh-anh-cong-giao.html
câu trả lời của Ngài
ảnh internet

TL.

Get paid to share your links!