Sunday, July 3, 2016

500 triệu Mỹ kim và nỗi nhục

Người dân thu gom ốc biển chết ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 27/4/2016.
AFP

Kết quả điều tra vụ hải sản chết, biển chết ở miền Trung Việt Nam được chính phủ Cộng sản Việt Nam công bố lúc 5h chiều ngày 30 tháng 6 (sau hơn hai tháng rưỡi kể từ khi xảy ra vụ cá chết) được các báo trong nước tung hê, ca ngợi. Trong đó, mức đền bù thiệt hại do Formosa chịu là 500 triệu Mỹ kim cũng được xem như một “thành quả đấu tranh” mà ngành công an CSVN đã nỗ lực cùng với nhà nước, chính phủ và đảng CSVN mới có được. Nó xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo. Trong khi đó, thực hư câu chuyện này ra sao và nó có đáng để được ca ngợi hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Sức ép từ đâu?

Có những câu hỏi đặt ra lúc này, đó là: Vì sao phải đến ngày 30 tháng 6 mới có kết quả điều tra? Chính phủ CSVN đóng vai trò gì trong việc công bố kết quả điều tra cũng như “buộc thế” Formosa đền bù 500 triệu Mỹ kim? Và con số 500 triệu Mỹ kim này có giá trị gì?
Ở câu hỏi thứ nhất, vì sao phải đến 30 tháng 6 mới có kết quả? Thực ra, kết quả điều tra này đã có trước đó từ lâu chứ không phải mới có. Bởi những kết quả điều tra độc lập có sự hỗ trợ của giới chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là chuyên gia Mỹ đã cho kết quả hàm lượng Phenol, Cyanua và nhiều chất độc hại khác chiếm nồng độ quá mức cho phép ở ngưỡng nặng. Với kết quả này, đa số người dân Việt Nam có thể đồng ký đơn để kiện Formosa ra tòa trong nước và thậm chí tòa quốc tế.
Bên cạnh đó, có sức ép của giới khoa học Mỹ lên chính quyền Đài Loan, nhất là trong lúc nước này chuẩn bị hợp tác thử tên lửa với Mỹ tại Mỹ. Điều này buộc Đài Loan phải lên tiếng, Formosa Đài Loan phải bắn tiếng cho công nhân của họ tại Việt Nam như một thông điệp nhận lỗi và củng cố niềm tin của người lao động xứ Đài Loan đang sống xa nhà.
Và đến nước này thì Formosa Hà Tĩnh không thể tiếp tục cãi chày cải cối được nữa, họ phải nhận lỗi. Việc nhận lỗi của họ chẳng tốt đẹp gì bởi nó mang động cơ tránh tội, nhận lỗi để thoát tội. Và để được như vậy, phải có sự hợp tác của chính phủ Việt Nam, phải làm ra vẻ nguy hiểm, điều tra, công bố kết quả, tất cả là một màn kịch nhằm thăm dò thực hư kết quả độc lập. Khi kết quả độc lập từ phía nhân dân quá thuyết phục, Formosa và chính phủ Việt Nam lại diễn một màn kịch công bố kết quả điều tra để rồi “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại, kêu gọi nhânn dân mở lòng bao dung, độ lượng…”.
SAM_0825-400.jpg
Biểu tình tại Đài Loan phản đối công ty Formosa xả nước thải khiến cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Có một điều lạ là khi kết quả điều tra chưa được công bố, chưa biết ai đúng ai sai thì hà cớ gì Formosa Hà Tĩnh lại phải xin lỗi, nhận lỗi? Bởi video nhóm người trong hội đồng quản trị Formosa cúi đầu xin lỗi được quay vào ngày 28 tháng 6, trước khi công bố kết quả 2 ngày. Để rồi khi công bố kết quả xong thì chính phủ CSVN lại cho phát video đó cho báo chí theo dõi, tiếp sau đó đứng ra kêu gọi nhân dân phải mở rộng lòng bao dung, tha thứ cho Formosa, tuyên bố sẽ không truy tố, không kiện Formosa?!
Rõ ràng đây là vở kịch sau khi thấy nuốt không trôi thì đành phải chìa cho người khác một miếng lấy thảo! Vì không thể tiếp tục dấm dúi, ém nhẹm thông tin, bởi nếu tiệp tục thì lúc đó các tổ chức quốc tế sẽ hỗ trợ cho đại đa số những ngư dân mất trắng cùng giới trí thức Việt Nam để kiện Formosa. Và khi mọi chuyện trắng đen rõ ràng, Formosa phải chịu tội, chính phủ CSVN cũng chịu tội liên đới. Cuối cùng thì mọi chuyện vỡ lẽ, đảng CSVN không còn chỗ để chui trước quốc dân và quốc tế.

Một vở kịch để tiếp tục mị dân?

Chính vì nhìn thấy điều này nên đảng CSVN đã buộc phải diễn một vở kịch công khai thông tin kết quả điều tra. Mà trước khi công khai kết quả thì đã có một vở kịch khác, đó là tổ chức họp mặt giữa hội đồng quản trị Formosa Hà Tĩnh với giới chức các bộ, ngành để cho họ xin lỗi, cúi đầu nhỏ nước mắt để quay phim, tuyên bố đền bù… Sau đó hai ngày (30 tháng 6), khi đã công bố kết quả thì mới đem video này ra trình chiếu trước các con mắt báo chí nhằm làm cho họ có cái để tiếp tục mị dân.
Nhưng, vấn đề cốt lõi của việc phát video vẫn nằm ở chỗ đó là cái cớ để chính phủ CSVN biện hộ cho Formosa, tha bỗng cho họ cái tội mà lẽ ra chính phủ phải kiện họ ra tòa, thậm chí chính phủ và nhân dân phải đưa họ ra tòa quốc tế nếu họ không chịu nhận tội.
Đằng này, với một cái cúi đầu (mà trước đó là ngông nghênh, coi thường người Việt Nam) được bảo hộ với chính phủ Việt Nam, bỏ ra 500 triệu Mỹ kim để gọi là “đền bù, hỗ trợ” cho ngư dân tái sinh sống rồi sau đó thở phào thoát tội bởi đã có chính phủ Việt Nam che chở, đứng ra kêu gọi nhân dân hãy “mở rộng lòng vị tha, bao dung, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại…” để rồi hứa nhăng hứa cuội về việc xả thải, lại tiếp tục sản xuất…
formosa-622.jpg
Hình ảnh minh họa
Cuối cùng thì chẳng mất gì cả. Vì đầu tư tử tế thì mất gần 2,5 tỉ Mỹ kim để xử lý nước thải, bây giờ mất 500 triệu, sau đó lại hoạt động. Mà một khi biển đã chết, nồng độ độc tố đã đầy rẫy trong nước biển, tình trạng biển chết kéo dài đến 50 năm, như vậy có xả thêm vào biển thì cũng chẳng có ma nào dám lặn xuống khu vực có ống xả dưới biển mà kiểm tra. Kinh nghiệm về cái chết của các thợ lặn đã quá đủ để người ta sợ hãi, nhất là các chuyên gia Việt Nam lúc nào cũng sợ chết.
Vấn đề hiện tại, người ta bàn tán nhiều nhất lại xoay quanh chuyện chia tiền đền bù, khi ném một gói tiền lớn như vậy, chắc chắn sẽ có chuyện “quần cẩu tranh thực” trong bộ máy cầm quyền từ trung ương xuống địa phương, không chừng lại trừ một khoản lớn vào tiền gạo đã cứu trợ cho ngư dân mấy tháng nay! Thêm vào đó, khi mà gói tiền này đã bị xâu xé đã đời, tả tơi theo nguyên tắc chẻ tre, tiền là một cây tre, công việc của nhà nước là chẻ nó ra và chắc chắn nhân dân sẽ nhận được một mẩu tăm, thì nó vẫn là tre đấy thôi!
Đến đây, người ta dễ dàng nhận ra rằng những gì được tung hê trên báo chí hai ngày nay về kết quả điều tra cá chết cũng như số tiền 500 triệu Mỹ kim mà chính phủ CSVN đã buộc thế Formosa phải trả cho nhân dân Việt Nam chỉ là vở kịch quá tồi, quá lộ liễu. Và con số 500 triệu Mỹ kim chẳng có giá trị gì ngoài việc làm mập thêm đám tham quan đang chễm chệ trên đầu nhân dân.
Bởi nếu có trách nhiệm, ngay từ đầu, chính phủ CSVN phải nhiệt tình hơn gấp nhiều lần trong việc điều tra, công bố kết quả, đã không cho đám quan lại thành phố Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác kêu gọi, cổ xúy dân ăn cá.
Và nếu thực tâm coi trọng nhân dân, chính phủ CSVN đã phải cân nhắc giá trị giữa 500 triệu Mỹ kim với thu nhập của nhân dân miền Trung trong vòng 50 năm, đến khi biển hết độc, phải cần nhắc giữa sức khỏe của người dân, tương lai của người dân cũng như môi trường sinh sống, môi trường biển quê hương....
Nếu thực sự có cân nhắc, sẽ chẳng có chính phủ nào đủ ngu ngốc để ngửa tay nhận 500 triệu Mỹ kim mà đánh đổi tất cả như vậy, bởi nó sẽ chẳng giải quyết được gì cả ngoài việc giải quyết cho những cái túi tham đang chờ chực để đớp lấy khi người ta ném tiền ra trước mặt. Nói một cách nghiêm túc là Đài Loan và Formosa đã ném thẳng 500 triệu Mỹ kim vào dân tộc Việt Nam như ném một bao ốc cho đảng CSVN ăn để rồi lại dành phần đổ vỏ cho nhân dân!

Theo Viết Từ Sài Gòn/RFA

"Một số người Việt đang tiếp tay cho người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình"


Nguyên là Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch, ông Vũ Thế Bình chia sẻ: từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất khổ sở khi phải đích thân đi xử lý người Việt mình. Bởi chính người Việt của mình lại tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình. Vì thế, trong lúc này các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tay cho các hành vi trên.

Doanh nghiệp Trung Quốc luôn tranh thủ mua chuộc doanh nghiệp Việt Nam
Nói về hiện tượng người Trung Quốc giới thiệu xuyên tạc về lịch sử Việt Nam thời gian gần đây, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam bức xúc; đã từ lâu những người làm du lịch Việt Nam luôn phải đối mặt với mới những trường hợp đó, có lúc rộ lên, có lúc chìm xuống, nhưng lần này thậm tệ hơn. Có một điểm dễ nhận thấy rất rõ là các doanh nghiệp Trung Quốc luôn luôn tranh thủ các điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam để mua chuộc các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian gần đây có vẻ như các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng đưa các tour giá rẻ sang Việt Nam với số lượng khách khá đông. “Họ đưa giá tour rất thấp, và để bù lỗ họ phải đưa khách vào các điểm mua, sắm, ăn chơi của họ. Công việc này chỉ có mỗi HDV mới có thể lùa khách vào được và việc này người Trung Quốc chỉ dùng người Trung Quốc mới hoàn hảo. Trước thì lén lút giờ đông quá thì họ công khai luôn”, đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội chia sẻ.
Trả lời báo chí về hiện tượng người Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong khi hoạt động hướng dẫn chui tại Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (TCDL) nói: Quan điểm của tôi là kiên quyết xử lý. Có thể là trục xuất nếu có tên tuổi người lao động Trung Quốc hoạt động trái phép, TCDL sẽ thông báo rõ với phía Trung Quốc để xử lý cá nhân này. Trong trường hợp Đà Nẵng xử lý quá thẩm quyền, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý tiếp theo, dứt khoát sẽ không bao che, dung túng.
Trục xuất một vài cá nhân, không giải quyết được vấn đề
Thế nhưng, theo ông Vũ Thế Bình, nếu chúng ta chỉ trục xuất một vài cá nhân thôi thì chưa phải là biện pháp để dẹp bỏ những hiện tượng này. Ở đây là cả hệ thống, chúng ta phải giải quyết cả gốc mới dẹp bỏ được nó.
Mỗi địa điểm chỉ chứa được một lượng khách nhất định, thực tế có những nơi khách Trung Quốc đến đông nghẹt, khiến các thị trường khách đến từ các quốc gia khác không chịu nổi phải bỏ đi. Vì thế, chúng ta không cân đối được, thì chúng ta sẽ tự tiêu diệt mình.
Ông Bình nói: Từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất khổ sở khi phải đích thân đi xử lý người Việt mình. Bởi chính người Việt của mình lại tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình. - ảnh Hữu Thắng
Ông Bình nói: "Từ lâu lắm rồi chúng tôi đã rất khổ sở khi phải đích thân đi xử lý người Việt mình. Bởi chính người Việt của mình lại tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc xuyên tạc lịch sử nước mình." - ảnh Hữu Thắng
Ông Bình đề xuất; trước hiện tượng này, Việt Nam nên quy định hạn ngạch riêng cho khách Trung Quốc để ngăn chặn những điều đang xảy ra gây bức xúc dư luận.
“Muốn đến Việt Nam anh sang chỗ khác, chứ không phải nhất thiết phải “nhồi” vào Nha Trang, hay Đà Nẵng như thế được. Chúng ta cần phải xử lý những HDV là người Việt Nam đang tiếp tay cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Một số HDV của Việt Nam bây giờ chỉ chăm chăm đến mấy đồng tiền thù lao của Trung Quốc để chỉ ngồi đó không nói gì, mặc cho người Trung Quốc nói bậy nói bạ về Việt Nam. Theo tôi, bây giờ, ngành du lịch cần kiểm tra cả HDV trong lúc hành nghề, nếu đưa khách đi mà không hành nghề thì các địa phương cũng cần xử lý ngay", ông Bình chia sẻ!
Trước hiện tượng có rất nhiều HDV “chui” người Trung Quốc đang hoành hành tại Việt Nam, mới đây TCDL đã liên tục có công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động lữ hành, hoạt động HDV. Cơ quan này yêu cầu các sở du lịch, sở văn hóa thể thao và du lịch xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nội dung công văn của TCDL nhấn mạnh; trong trường hợp, nếu phát hiện công ty lữ hành quốc tế vi phạm báo cáo ngay TCDL để cơ quan này thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Thu hồi thẻ HDV khi phát hiện HDV vi phạm. Yêu cầu các hiệp hội, câu lạc bộ du lịch không để các cá nhân, tổ chức là người nước ngoài lợi dụng bất chính. Phối hợp với các cơ quan công an, sở lao động thương binh xã hội các địa phương tăng cường kiểm tra xử lý những người lao động nước ngoài hành nghề trái phép trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường kiểm tra các dịch vụ du lịch, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, sử dụng tiền đồng trong giao dịch mua bán.
Riêng với Khánh Hòa, cơ quan này cũng yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh trái phép của người nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam tại các điểm tham quan phục vụ khách Trung Quốc.
Trao đổi với PV Dân trí về hiện tượng đau lòng trên, ông Vũ Thế Bình chia sẻ, việc đối phó với HDV chui là người Trung Quốc luôn luôn phức tạp và khó khăn, chúng ta phải có chế tài, bộ máy mạnh mẽ đi theo đó mới có thể ngăn chặn được việc làm sai trái này.
Bài: Thu Hà - Hữu Thắng
Ảnh: Hữu Thắng
Theo Dân Trí

Nước mắt cá sấu và 500 triệu đô la

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Formosa Hà Tĩnh sau cùng cũng đã nhận lỗi gây ra thảm họa môi trường, chấp nhận đền bù thiệt hại 11.500 tỷ đồng tương đương 500 triệu USD cho những ai bị ảnh hưởng. Nhưng những gì báo chí Việt Nam đưa tin về thảm họa môi trường ven biển miền Trung, từ đầu tháng 4 cho đến cuộc họp báo chiều 30/6, cho thấy số tiền nửa tỉ đô la chẳng thấm vào đâu so với những gì mà chất độc hại từ Formosa tàn phá môi trưởng biển, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

84 ngày mới công bố nguyên nhân

Qua báo chí, đến chiều ngày 30/6/2016 tại Hà Nội, chính phủ Việt Nam đã mất 84 ngày mới chính thức công bố thủ phạm gây ra thảm họa môi trường ven biển miền Trung, chính là nhà máy luyện thép Formosa ở Vũng Áng Hà Tĩnh. Tất cả các báo mạng của Việt Nam đã ứng trực để tường thuật trực tiếp cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan.
Ngay sau cuộc họp báo ở Hà Nội, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã nói với Anh Vũ của Đài Á Châu Tự Do:
Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ việc phải có một hành động pháp lý, để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân cũng như làm sạch biển. 
-TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ rằng cuộc họp báo này thể hiện sự đạo diễn trong suốt trong thời gian vừa qua, đây là một quá trình phức tạp, mà chính phủ không có một phản ứng nhanh nhạy. Có lẽ đây lời hứa cũng như cam kết ban đầu của Formosa, mà tôi nghĩ số 500 triệu USD này nó sẽ gồm rất nhiều thứ, đáp ứng được những gì cho những người trực tiếp bị thiệt hại, là bà con ngư dân và những người có liên quan? Theo tôi còn có rất nhiều vấn đề phải xem xét. Tôi tin các cơ quan nhà nước VN sẽ phải tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại Formosa và đánh giá cụ thể các thiệt hại mà Formosa phải bồi thường. Theo tôi 500 triệu USD này chỉ là một phần nhỏ ban đầu mà thôi. Tôi ủng hộ việc phải có một hành động pháp lý, để đánh giá tất cả các thiệt hại để đòi Formosa phải bồi thường cho người dân cũng như làm sạch biển.”
Xem tường thuật của VietnamNet, người đọc báo nhận thấy một loạt các câu hỏi liên quan đến xử lý hình sự, truy tố Formosa hay trách nhiệm của chính quyền địa phương, có vẻ như chưa thỏa mãn các nhà báo đặt câu hỏi.
Theo VietnamNet Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nói, Việc Formosa đã nhận lỗi trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết trách nhiệm bồi tường hỗ trợ và không tái diễn. Việt Nam có câu "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại". Chính phủ Việt Nam luôn có thái độ rõ ràng về xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật Việt Nam nhưng đồng thời có chính sách khoan hồng, độ lượng để các nhà đầu tư nước ngoài vi phạm mà nhận lỗi thì được xem xét. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng đảm bảo họ hoạt động đúng luật và hiệu quả. Formosa đã nhận lỗi cũng như thể hiện thái độ trước vi phạm, nên việc đưa ra khởi tố là việc cân nhắc của Chính phủ. Nhân dân Việt Nam cũng độ lượng, khoan hồng, cao thượng.
000_CL89Q-622.jpg
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng, ảnh chụp chiều 30/6/2016 tại Hà Nội.
Người đọc báo không thấy Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trả lời thẳng vào câu hỏi của VnExpress: “khi Formosa vận hành đã kiểm tra xả thải như thế nào, Hà Tĩnh đã kiến nghị gì? Giờ Chính phủ đã xác định lỗi của Formosa, trách nhiệm của địa phương để xảy ra ô nhiễm như thế nào?”
Chính phủ Việt Nam từng bị giới trí thức phản biện cho rằng đã quá lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng một thảm họa môi trường ở cấp độ quốc gia. Tuy vậy tại thời điểm hiện nay, chiến dịch truyền thông báo chí đã thể hiện một vai trò tích cực, khi chính phủ công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.
Trước khi cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ diễn ra, VnExpress đã sớm đưa tin về việc Formosa đã nhận trách nhiệm xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, sau khi phía Việt Nam trưng ra các bằng chứng thuyết phục. Tờ báo đã phỏng vấn Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà, một nhân vật từng hứng chịu nhiều chỉ trích do các phát biểu trái ngược nhau giữa ông và thuộc cấp liên quan đến đường ống ngầm xả thải dài 1,5km của Formosa.

Lý do có thuyết phục?

Formosa Hà Tĩnh trong thời gian dài đã nói dối, chối trách nhiệm đưa độc chất chưa qua xử lý ra biển. Nhưng vì đâu đến ngày 28/6 họ mới chính thức nhận lỗi và gởi thư tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong cuộc phỏng vấn của VnExpress, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tâm sự là ông vừa trải qua 84 ngày căng thẳng. Theo lời ông, kết quả xét nghiệm của các nhà khoa học cho thấy hơn 50% mẫu cá chết thu được có chứa phenol, cyanur và trong vùng chỉ có nhà máy luyện than cốc của Formosa Hà Tĩnh thải ra phenol và cyanur.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói với VnExpress, Formosa Hà Tĩnh không thể chối cãi vì phía Việt Nam đã đưa ra 53 hành vi mà họ vi phạm, từ các sai sót trong thiết kế, thi công xây dựng cho đến vận hành. Nhưng phát hiện quan trọng nhất lại là việc từ ngày 1/4 đến ngày 5/4, lượng điện tiêu thụ giảm bất thường, chỉ bằng 15% so với ngày trung bình, khiến các nhà điều tra Việt Nam tập trung vào nghi ngờ có vấn đề trong quá trình vận hành chạy thử của Formosa Hà Tĩnh. Vẫn theo lời Bộ trưởng Trần Hồng Hà kể lại với VnExpress, sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh, cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.
Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dễ bỏ quên khoản ấy… 
-GS Lê Huy Bá
Trả lời câu hỏi của VnExpress, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích về việc nếu chỉ xả thải không qua xử lý trong vòng 5 ngày, thì tại sao lượng độc tố lại có thể gây thảm họa kéo dài từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế. Ông Bộ trưởng tiết lộ, các nhà khoa học đã mất nhiều thì giờ mới xác định được là chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại như phenol, cyanur vào nó. Nó giống như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khóa của vấn đề.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng biện giải cho lý do chậm trễ, khiến Chính phủ không thể sớm công bố nguyên nhân và thủ phạm vụ xả thải chất độc chưa qua xử lý ra môi trường. Theo lời ông Bộ trưởng, Chính phủ tiên liệu đến một vụ kiện ngược từ Formosa và phải đền bù hậu quả. Đến nay sau gần ba tháng, các nhà khoa học mới xác định được đâu là nguyên nhân chính, đâu là nguyên nhân mang tính chất cá biệt ngẫu nhiên.
Giải thích về độc tố Formosa xả thải chưa qua xử lý ra môi trường biển, liệu có thuyết phục được các nhà khoa học độc lập hay không. Trả lời Gia Minh Đài Á châu Tự do, ngay sau cuộc họp báo chiều 30/6, Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP. HCM, nhận định:
Về mặt khoa học thì phenol, cyanur tác động rất nhanh có thể giết sinh vật, con người, cá một cách nhanh chóng. Ngoài ra nguy hiểm của độc chất kim loại nặng chưa thấy báo cáo; hoặc họ bỏ qua hay sao!? Theo tôi còn có các chất crom 3, crom 6, thủy ngân, cadimi… vì trong quá trính súc rửa, sản xuất thép thế nào cũng có. Mà đó mới nguy hiểm lâu dài… kim loại nặng lắng xuống lớp trầm tích đáy biển, đáy bờ biển. Bỏ quên việc làm sạch đáy biển mà đó là điều rất nặng nề không phải dễ mà làm được. Ngoài ra rạn san hô bị hỏng. Tôi sợ dễ bỏ quên khoản ấy…”
Ngay sau cuộc họp báo chiều 30/6 ở Hà Nội, báo Thanh Niên Online đã ghi nhận ý kiến của một số người dân, nạn nhân của vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Tờ báo trích lời ngư dân Nguyễn Quang Đô, cư trú ở Gio Linh Quảng Trị, người qua thảm họa môi trường đã từ vị trí một chủ tàu đánh cá gần bờ công suất 75 CV, trở thành lao động kéo cá ở cảng Cửa Việt để tạm mưu sinh. Ông Đô nói, ngư dân chờ đợi quá lâu, bây giờ Chính phủ tìm ra thủ phạm thì ngoài trừng trị thích đáng còn phải tính đến việc bồi thường thiệt hại cho họ. Ngư dân thiệt đủ điều, tôm cá đánh bắt về rẻ như bèo chẳng ai mua… những con tàu nằm bờ mãi, lâu ngày không ra biển thì nó cũng tự hỏng thôi.
Gần đây báo chí đưa tin có đến 1 triệu người của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp về thảm họa môi trường biển. 500 triệu USD không phải là số tiền đủ để phục hồi môi trường biển, chưa kể 500 ha rạn san hô bị ảnh hưởng hoặc hủy diệt hoàn toàn. Có người nói vui, 500 trăm triệu USD chia cho 1 triệu người thì mỗi người được 500 USD. Dĩ nhiên là nói đùa, nhưng cho thấy số tiền của Formosa quá nhỏ, bồi thường các nạn nhân còn chưa đủ nói gì chi phí cho việc phục hồi môi trường ven biển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức ngày 7/4/2016 thì nội các của ông đã rơi ngay vào cuộc khủng hoảng môi trường cấp độ quốc gia qua vụ Formosa Hà Tĩnh. Đồng thời chính phủ do ông lãnh đạo còn phải đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn thiệt hại 15.000 tỷ đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Gần đây nhất là hai vụ rơi máy bay quân sự liên tiếp khiến 10 sĩ quan thiệt mạng.
Tuổi Trẻ Online ngày 30/6 đưa tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở đầu phiên họp thường kỳ Chính phủ, kết nối trực tuyến tới 63 Tỉnh-Thành phố với một loạt câu hỏi. Đó là sau nhiều sự kiện vừa qua, Chính phủ rút ra được bài học gì cho quản lý đất nước, quản lý xã hội, cho công tác điều hành.
Riêng về thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi, Chính phủ rút ra bài học gì cho công tác bảo vệ môi trường?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dễ dàng tìm được câu trả lời mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu trên VnExpress. Đó là: “Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam phải có lựa chọn. Chúng ta không thể để tình trạng chấp nhận ngành công nghiệp thép hay bất cứ ngành công nghiệp nào có nguy cơ ô nhiễm mà phải đánh đổi môi trường. Đó là trách nhiệm của chính quyền, không chỉ vì sinh mạng của người dân bị đe dọa mà còn vì tương lai lâu dài của cả quốc gia.”
Theo Nam Nguyên/ RFA

"Sao các bạn lại còn rước Formosa về?"

Nhà máy thép Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 4/12/2015.
Bạn có biết, ban đầu FORMOSA định đặt nhà máy thép ở Vân Lâm (Yunlin), Đài Loan (năm 2007) nhưng làn sóng phản đối của báo giới, xã hội dân sự và một số người có trách nhiệm trong các cơ quan môi trường của Đài Loan đã chặn đứng thành công dự án này.
Năm 2008, FORMOSA chuyển dự án sang một nước khác, nghèo hơn, nơi họ có thể cắt giảm được các chi phí về môi trường.
Dự án ngay lập tức được Chính phủ nước đó chấp nhận, trong một tiến trình xét duyệt hồ sơ dự án nhanh bất thường.
Bạn có biết đó là nước nào không?
Chính là Việt Nam.
Khoảnh khắc tôi nhớ nhất khi ở cùng đoàn làm phim Taiwan PTS ở Hà Tĩnh là khi một thành viên trong đoàn hỏi tôi:
'Dân Đài Loan chúng tôi đã phản đối quyết liệt để dừng dự án nhà máy thép của FORMOSA vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của nó.
Sao các bạn lại còn rước nó về?’
Lúc ấy, và ngay cả lúc này, chưa bao giờ tôi thấy mình có lỗi đến thế với mảnh đất nơi mình sinh ra, lớn lên.
Giá mà ngay khi FORMOSA dự định đầu tư vào Việt Nam, tôi và nhiều người nữa tìm hiểu thật kĩ thông tin về tập đoàn này, và làm hết sức mình, dành hết tâm trí của mình đấu tranh quyết liệt với các cấu kết quyền-tiền để ngăn chặn dự án như những người bạn Đài Loan đã làm, thì dẫu có thành công hay không, tôi cũng không phải chịu cảm giác có lỗi này.
Tôi thành thật cảm thấy phần lỗi của mình trong thảm họa này. Có lỗi với mảnh đất này, với các thế hệ tương lai sau này.
Nhưng dẫu vậy tôi vẫn phải khẳng định rằng:
Ai, tổ chức nào rước FORMOSA về, cấp phép nhanh kinh ngạc, ký hợp đồng giao đất 70 năm cho nó mới là kẻ phải chịu trách nhiệm lớn nhất đối với nhân dân, với quê hương xứ sở.
70 năm tới, hàng chục triệu người sẽ phải sống trong nơm nớp lo sợ, không biết thảm họa lúc nào sẽ tái diễn.
70 năm tới, cư dân địa phương sẽ chết dần chết mòn vì ô nhiễm nước, không khí - như những gì đã và đang xảy ra với người dân sống xung quanh nhà máy FORMOSA Đài Loan ở hai huyện Vân Lâm và Chương Hóa. Cư dân địa phương nơi đây đang tiến hành thủ tục kiện FORMOSA đòi đền bù chi phí chữa trị ung thư và mai táng cho người thân của họ đã chết vì những bệnh được cho là có liên quan tới khí thải của tập đoàn này. [2]
70 năm tới, đất nước sẽ phải song hành với một trong những tập đoàn tai tiếng nhất thế giới về gây ô nhiễm môi trường, đã từng bị trao giải Hành Tinh Đen 2009, và đã từng chấp nhận việc vi phạm, nộp phạt để tiếp tục vận hành vì số tiền phạt quá nhỏ so với khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc vi phạm.
'Sao lại rước FORMOSA về?' - Câu hỏi cứ văng vẳng bên tai tôi.
Theo Nguyễn Anh Tuấn/RFA

Việt Nam-Đất nước của những thằng hèn

Người dân xuống đường biểu tình tại Hà Nội với biểu ngữ "Ai đầu độc biển miền Trung?", ngày 1/5/2016.
Thế rồi, chuyện gì phải đến cũng đã đến. Sau hơn 3 tháng mong mỏi chờ đợi, cái kết thúc thật không nằm ngoài dự đoán và không lấy gì làm bất ngờ với nhân dân chúng tôi: 500 triệu đô la và màn kịch xin lỗi của những tên hại dân hại nước, làm giàu trên quê hương và xương máu của đồng bào Việt Nam.
Còn những thằng hèn lãnh đạo thì cứ trâng tráo và lươn lẹo trước những nỗi đau và mất mát của dân tộc.
Sau 3 tháng loay hoay đối phó, tìm đủ mọi phương án, huy động hơn trăm nhà khoa học trong một đất nước có hàng ngàn tiến sĩ giấy, sử dụng lực lượng vũ trang hùng hậu để uy hiếp và đe nạt dân đen, những thằng hèn trên đất nước Việt Nam cuối cùng cũng phải thừa nhận Formosa là thủ phạm gây ra thảm hoạ cá chết tại Miền Trung lây lan kéo dài trên cả nước. Đây là điều mà dân đen chúng tôi đã biết lâu rồi, từ khi cá nổi lềnh bềnh trên biển, dạt vào trong đất liền và lên từng mâm cơm của ngư dân nghèo Việt Nam. Thủ phạm mà các thằng hèn loay hoay tìm kiếm, lươn lẹo để chứng minh thì dân chúng tôi đã biết từ khi những người thợ lặn hy sinh tính mạng mình để tìm ra cái ống xả thải của Formosa.
Vậy mà những thằng hèn như các ông phải đợi đến hơn 90 ngày mới xác minh được thủ phạm khi dân chúng tôi chỉ nhìn qua đã biết. Để rồi chiều qua, với màn kịch cúi đầu và 500 triệu đô la bỏ túi, các ông, các bà nghĩ là dân chúng tôi sẽ cho qua và Formosa vẫn tiếp tục hoạt động, xả thải làm huỷ hoại môi sinh Việt Nam ư?
500 triệu ấy có đủ để đền bù thiệt hại khi ngành thuỷ hải sản phải thất thu khi hàng trăm tấn thuỷ hải sản xuất khẩu đi EU, Châu Úc, Châu Mỹ bị trả về?
500 triệu ấy có đủ để đền bù cho những thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam khi du khách quốc tế ngày càng e sợ khi đến nước này?
Và 500 triệu ấy có đủ đền bù cho những huỷ hoại về môi sinh của Việt Nam phải gánh chịu trong những năm tháng tiếp đây mà không biết khi nào mới có thể khôi phục lại hoàn toàn?
Đau xót hơn nữa là 500 triệu ấy các ông có tính đến những thiệt hại mà ngư dân các tỉnh Miền Trung bị thiệt hại hơn 3 tháng qua hay không? Trong khi ngư dân vẫn chưa dám ra biển để đánh bắt và thuỷ hải sản họ ăn hàng ngày liệu có phải là những tấn hàng bị trả về vì nhiễm độc từ nước xả Formosa? Chưa kể nguồn nước và môi trường bị tàn phá, các rặng san hô ngầm đã chết và nước biển thì đã thấm đủ độ độc hại.
Hay để tôi trả lời cho những thằng hèn các ông là 500 triệu ấy chỉ để bịt mõm những tham quan như các ông có thừa quyền hành và bạo lực để đàn áp người dân hiền hòa chúng tôi!
500 triệu ấy làm gì đến được đến tay dân đen chúng tôi khi mà các ông cứ ra rả nói rằng đã hỗ trợ 5 triệu cho những ngư dân nghèo bị thiệt hại cách nay 3 tháng mà trên thực tế nó còn chưa đến tay họ. Các ông chỉ giỏi tuyên truyền mị dân chứ bòn rút trên xương máu đồng bào thì các ông thuộc loại có tiếng tăm trên thế giới.
Tôi thấy Formosa còn đỡ hèn hơn khi họ còn dám đứng lên nhận tội để tiếp tục mua chuộc lũ hèn nhằm phá nát, huỷ hoại môi sinh Việt Nam vì lợi nhuận chứ những tên hèn các ông nợ dân chúng tôi một lời xin lỗi khi dám vu khống chúng tôi là “thế lực thù địch” và dám vu khống cả Trời gây thuỷ triều đỏ trong khi các ông không dám thừa nhận nguyên nhân cá chết tại Miền Trung là do nhà máy Formosa gây ra.
Để rồi, sau khi công bố thừa nhận thủ phạm là Formosa, nhận đủ 500 triệu vào tay, những tên hèn lại tiếp tục sâu xé và chia chác trên sự đau khổ và đói nghèo của người dân Việt Nam. Nếu dân đen chúng tôi không làm lớn chuyện, không xuống đường biểu tình ôn hoà thì chắc chắn các ông chẳng có được 500 triệu để chia chác. Formosa vẫn còn đó, rồi một ngày xấu trời bất chợt máy phát điện bị hư tiếp, chúng lại tiếp tục xả chất độc ra để huỷ hoại Việt Nam.
500 triệu để mua sự tồn tại của một tập đoàn là kẻ thù, là thủ phạm và sẵn sàng thả độc bất kỳ lúc nào để giết hại dân tộc Việt Nam.
Thủ phạm đã nhận tội, sao những thằng hèn có đủ quyền hành trên đất nước này không đuổi cổ bọn chúng ra khỏi giang sơn Việt Nam? Lấy 500 triệu xong đuổi bọn chúng khỏi đất nước này thì may ra các ông bà còn đỡ hèn. Chứ lấy 500 triệu xong thủ phạm vẫn cứ trơ ra như thế thì các ông bà thật quá hèn. Tội của Formosa một thì tội của những tên hèn trên đất nước này phải gấp trăm, gấp ngàn lần vì các ông bà bao che và thông đồng để huỷ hoại môi trường Việt Nam, hãm hại ngư dân Việt Nam và bán rẻ đất nước Việt Nam để lấy 500 triệu bỏ túi riêng.
Tôi nhìn thấy những ngày tháng u ám tiếp theo của dân tộc Việt Nam khi có quá nhiều thằng hèn trên đất nước này.
Sài Gòn 1/7/2016
Theo Antoine Cuong/VOA

Tập Cận Bình nổi cơn điên?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tình hình biển Đông đang nóng lên từng ngày. Tại Việt Nam, cá tôm chết trắng bờ biển, nhiều người chết vì lặn sâu tìm hiểu tình hình nước biển bị nhiễm độc, dân đau ốm hàng vạn vì ăn phải cá tôm nhiễm độc nặng. Rồi lại máy bay rơi đúng lúc phía Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trong vùng, máy bay tìm kiếm cũng rơi với 9 sỹ quan chỉ huy và chuyên viên chết oan trái.
Lãnh đạo đảng và Nhà nước hứa hẹn tháng 6 sẽ công khai kết quả điều tra nguyên nhân cá chết hàng loạt và sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Nay tháng 6 sắp hết, nhưng họ vẫn cứ im thin thít.
Nguyên nhân thực sự là ở đâu? Đã có rất nhiều phán đoán và đồn đãi. Có những phán đoán rất có cơ sở. Vì lãnh đạo của TQ đang lo sợ khi tình hình biển Đông đang xấu đi, âm mưu chiến lược độc chiếm biển Đông là mưu đồ lớn nhất hiện nay của họ đang bị ngăn chặn và lên án. Hoa Kỳ đã thực hiện cuộc chuyển trục chiến lược sang Châu Á – Thái Bình Dương, liên minh quân sự toàn diện với Nhật Bản, Philippines, kết thân với Indonesia, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Miến Điện, Việt Nam... hình thành thế bao vây có hiệu quả, đẩy TQ vào thế cô lập và bị động cả về chính trị, quân sự và ngoại giao.
Trung Quốc có vẻ hoảng hốt khi Tòa Án Quốc tế ở la Haye cho biết ngày 7/7 này sẽ công bố kết luận Vụ án biển Đông do Philippines khởi kiện 2 năm nay, và tiết lộ cho biết Philippines thắng kiện vì cung cấp đầy đủ một hồ sơ có 7.000 trang tài liệu về chứng cứ lịch sử, trong khi phía TQ từ chối đến tòa để tranh tụng và cũng không cung cấp tài liệu gì có giá trị, ngoài những khẳng định mang tính chất vũ đoán vô căn cứ.
Chính quyền Tập Cận Bình rất lo sợ vì kết luận của Tòa Án Trọng tài Quốc tế là có giá trị pháp lý quốc tế rất cao, được Liên Hiệp Quốc thừa nhận, cả thế giới tôn trọng. Tập vốn là kẻ rất chăm lo đến tư thế quốc tế, đến danh dự quốc gia vốn đã cực thấp trên trường quốc tế. Tập cũng có thói tự ái rất nặng nề. Hai tháng trước, khi bị sách báo Hồng Kông tiết lộ về ‘’5 cuộc phiêu lưu tình ái’’ của mình, Tập đã cho bắt cóc nhà xuất bản sách về Trung Quốc để hạch tội. Sau đó Tập bị một vố nặng hơn nữa là Quốc Dân Đảng thân Trung Cộng ở Đài Loan thất bại lớn trước đảng Tân Dân chủ của bà Thái Anh Văn, người muốn xóa bỏ phương châm ‘’Một nước- hai chế độ’’. Phản ứng duy nhất của Tập là lại tập trận chĩa 3 ngàn tên lửa sang Đài Loan dọa dẫm.
Và nay là mối nhục tháng bảy/2016 sẽ tới, khi Tòa án Quốc tế kết luận là Philippines thắng kiện, nước TQ thua Kiện, cái lưỡi bò 9 đoạn trên biển Đông bị cắt đứt. Rất có thể Tòa án này sẽ kết luận thêm rằng đảo Scarborough cách Philippines 120 hải lý và cách xa TQ 500 hải lý là thuộc chủ quyền của Philippines.
Tập lên cơn điên là phải lắm. Cơn điên thường đi đôi với cơn liều. Do đó mà các đảo họ chiếm của Việt Nam và Philippines đã được gia cố vững chắc, thành hệ thống căn cứ quân sự ngày càng rộng lớn, với doanh trại, hầm ngầm, sân bay, trạm rađa, đèn biển, cảng sâu. Và sáng kiến mới nhất là Trung cộng xây dựng lực lượng dân quân trên biển, bao gồm hàng chục vạn ngư dân được huấn luyện quân sự, trang bị súng ống trên hàng ngàn thuyền đánh cá, đi kèm là hàng ngàn tàu quân sự cỡ nhỏ do bộ đội địa phương cấp huyện, cấp tỉnh chỉ huy, thành một lực lượng du kích trên biển vươn xa, vừa vơ vét tôm cá vừa khẳng định chủ quyền trên những vùng biển rộng lớn không giới hạn.
Và cuối cùng là thao diễn quân sự đi cùng là động viên hải quân tái ngũ, thao diễn quân sự, bắn đạn thật trên biển, và rất có thể là nhân đây áp dụng luôn cuộc chiến tranh điện tử đang ở thời kỳ thí nghiệm. Trên máy bay đâu cũng là máy móc điện tử, rađa đưa đường chỉ lối, điện tử thông báo, truyền tin, điện tử xác định tọa độ đường bay. Hai máy bay VN bị rơi có thể là do chiến tranh điện tử, còn gọi là chiến tranh của các con số.
Trong khi tình hình căng thẳng cực kỳ ở biển Đông thì chỉ có Hà Nội là bất động, nhưng lòng dân thì sôi sục. Lòng dân là gì? Là phải công bố tình trạng Tổ quốc lâm nguy. Phải khẩn cấp động viên quân sự, gọi quân trừ bị. Quân đội Công an phải được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Phải lập tức họp Hội đồng Quốc phòng - An ninh, họp Quốc hội khẩn cấp, quyết định liên minh với Hoa Kỳ và mọi nước ủng hộ VN chống bành trướng như Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Miến Điện, Liên Âu. Một cao trào yêu nước, cao trào bảo vệ Tổ quốc, cao trào đoàn kết dân tộc sẽ lập tức xuất hiện, buộc kẻ thù phải lo sợ, bị động đối phó hay phải nằm im nuốt hận để chờ thời.
Theo Bùi Tín/ VOA

Get paid to share your links!