Thursday, July 28, 2016

Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại...

Một nhóm 162 người Việt tị nạn từ một chiếc thuyền nhỏ bị chìm gần bờ biển Malaysia. Các chuyến bay của người tị nạn Việt bắt đầu sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.

Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber… cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam (VN).

Ra đi vì môi trường sống

Một người quen qua facebook báo tin sắp đến Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống, định cư theo diện hôn nhân. Một người quen trong nghề, thuộc thế hệ đàn em trong giới truyền hình, hỏi ý kiến tôi về việc có nên bỏ tất cả công việc, sự nghiệp ra đi bây giờ theo diện đầu tư kinh doanh ở nước ngoài hay vài năm nữa liệu có còn kịp. Và một chị bạn thân đang tính liều đến mức trước hết là đi Mỹ theo diện du lịch, rồi sang đó tìm đường tính tiếp.
Cả ba đều không phải là những người nghèo hay đang có cuộc sống khó khăn, thất bại ở VN, trái lại, họ có tiền, có công việc, cuộc sống vật chất phải nói là khá thoải mái.
Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở VN ngày càng tệ khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển… nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp, giết, hiếp ngày nào cũng xảy ra với mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho người dân một sư hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi, những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được tôn trọng… Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa - thời gian đảng cộng sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.
Đây không phải là lần đầu, ngược lại, không biết bao nhiêu lần, tôi chứng kiến những người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ VN. Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!
Thực tế, kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc, người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi, và trong suốt 40 năm qua, dù có khi ồ ạt, có khi lặng lẽ, nhưng dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại.
Giai đoạn 1976-1980, chủ yếu là người miền Nam, chủ yếu vì lý do chính trị, tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, rúng động thế giới với những bi kịch thương đau của bao phận người bị chết đuối, bị giết, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, gia đình tan đàn xẻ nghé… trên hành trình tìm đến tự do. Và hai chữ “thuyền nhân” (boat people) gắn liền với giai đoạn đau thương đó.
Đến khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với nhà nước VN, mở ra những con đường ra đi chính thức theo diện HO, con lai, đoàn tụ gia đình, và các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á lần lượt đóng cửa không tiếp nhận người Việt tỵ nạn nữa, thì dòng người ra đi theo con đường vượt biển mới dần dần chấm dứt (trong vài năm gần đây lại có hiện tượng vượt biển sang Úc nhưng thường là bị chính phủ Úc trả về, không chấp thuận cho ở lại).
Nhưng người Việt lại tìm được cho mình những con đường khác. Bây giờ thành phần ra đi đa dạng hơn, ở cả ba miền đất nước, chủ yếu vì lý do kinh tế, nhưng rải rác cũng có những trường hợp ra đi vì lý do chính trị. Người ta đi bằng con đường xuất khẩu lao động, ban đầu là “xuất khẩu lao động” sang các nước XHCN sau đó mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait, cho tới châu Phi… Thực chất là một kiểu buôn người công khai, được nhà nước cho phép.
songchiblog-400.jpg
Cựu Ceo FPT Trương Đình Anh mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc. Courtesy of vtc.vn
Cho đến nay thì VN có khoảng trên dưới 600.000 lao động ở nước ngoài, hàng năm đem lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho VN. Người ta đi bằng con đường hôn nhân, làm việc, đầu tư kinh doanh, du học rồi tìm cách xin việc và ở lại, đi du lịch và trốn ở lại bất hợp pháp trên nước người…
Bài báo “Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài”(Vietnam Finance) viết:
“Phần lớn người Việt di cư sang các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.
… Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung - cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội… đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng.”

Mọi thành phần trong xã hội

Không chỉ dân thường bỏ nước ra đi, những năm sau này, số lượng người thành đạt, có chức vụ trong xã hội, kể cả quan chức cũng ra đi ngày càng nhiều. Người dân ra đi vì không có niềm tin vào chế độ, vào nhà cầm quyền. Quan chức ra đi để bảo vệ tài sản tham nhũng, ăn cắp được sau bao nhiêu năm. Chất xám, trí tuệ, và tiền bạc, tài sản của dân của nước bị các quan tham và những kẻ lừa đảo mang theo, ồ ạt chảy sang nước khác.
Đó là chưa kể số quan chức vẫn còn ở lại trong nước, vẫn tiếp tục làm việc, hưởng lợi, vơ vét nhưng đã “chân trong chân ngoài”, âm thầm chuẩn bị đường rút cho mình bằng cách cho vợ con hoặc người thân đi trước, mua nhà cửa cơ sở vật chất, làm ăn sẵn hoặc đã mua quốc tịch ở một nước tư bản phát triển.
Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, tỷ phú bất động sản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group, Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV vì bị phát hiện có 2 quốc tịch VN và Malta (chồng bà Hường, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng MaritimeBank nhiệm kỳ 2012-2016 cũng đã có quốc tịch Malta) chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu quan chức, doanh nhân thành đạt đã mua quốc tịch nước khác mà không ai biết. Hay câu chuyện cựu Ceo FPT Trương Đình Anh, người đặt nền móng và xây dựng FPT Telecom, FPT Online, mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc.
Với những người tài ra đi, là nỗi buồn chảy máu chất xám. Với những quan chức tham nhũng, đại gia lừa đảo ra đi, là nỗi lo số tài sản tiền bạc của nhân dân bị thất thoát không biết làm sao lấy lại.
Dù là dân thường hay quan chức, dù họ ra đi vì bất cứ lý do nào, điều đó chứng tỏ một sự thật chua chát là trong suốt hơn 40 năm qua, tuy thống nhất được quê hương và giành được độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản VN đã thất bại trong việc điều hành quản lý đất nước; thất bại trong việc xây dựng VN trở thành một quốc gia độc lập - tự do - hạnh phúc đúng với câu khẩu hiệu có khắp nơi và trên mọi giấy tờ hành chính, nơi mà người dân cảm thấy gắn bó, muốn cống hiến và muốn sống từ đời này sang đời khác; thất bại trong việc tạo nên niềm tin cho người dân vào năng lực của nhà cầm quyền và tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của họ.
Điều đó cũng chứng tỏ cuộc “cách mạng tháng Tám 1945” với mục đích lật đổ chế độ phong kiến thực dân, xây dựng chế độ mới XHCN hay cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với danh nghĩa “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” đã hoàn toàn thất bại; đồng nghĩa với sự hy sinh xương máu của hàng triệu con người là lãng phí, khi thành quả là một chế độ độc tài, bán nước hại dân, một quốc gia bị tụt hậu về nhiều mặt, bị tàn phá đến cạn kiệt, còn người dân thì phải bỏ nước tha phương.
Song Chi

Chuyện ít biết về bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”


Bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” do họa sĩ Trần Lương thiết kế, được Tổng cục Bưu điện phát hành vào ngày 19/1/1988. Gồm 2 mẫu tem không tràn lề khuôn khổ 43 x 32 mm, có các giá mặt 10 đồng và 100 đồng, bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” thể hiện hình ảnh “Đội Hoàng Sa” - hải đội dưới thời Nguyễn có nhiệm vụ đo đạc, canh giữ chủ quyền Việt Nam trên vùng biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cùng hình ảnh hai quần đảo này trên các tấm bản đồ cổ.

Theo nghiên cứu của nhà sưu tập tem Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp, mẫu tem “Hoàng Sa và Trường Sa trên các bản đồ cổ”, mẫu tem thứ hai của bộ tem này thể hiện hình ảnh của 2 bản đồ cổ: phần bản đồ lớn bên trái tem là bản đồ của nhà hàng hải Hà Lan tên Jan Huyghen van Linschoten (1563–1611) vẽ 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hình lá cờ đuôi nheo với tên I. de Pracel; và phần bản đồ nhỏ bên phải tem là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn mang tên “Đại Nam nhất thống toàn đồ” với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông được vẽ thành một dải 29 hòn đảo với tên chung “Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa”.
FB Lịch sử Việt Nam qua ảnh

Khi tất cả đều “đúng quy trình”

Ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã khẳng định Cục Hải quan TPHCM đã làm đúng quy trình, không có sai phạm khi để lọt 229kg heroin từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tới sân bay Đài Loan.
 Courtesy of kenhtretho.vn
Gần đây, khi lý giải về những vụ việc nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, hay của công dân thậm chí là cả tính mạng của không ít người thì các cán bộ có trách nhiệm đều lên tiếng khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng quy trình.

Đúng quy trình?

Hẳn chúng ta ai cũng còn nhớ vụ việc vào năm 2013, khi lực lượng chức năng của Đài Loan đã phát hiện, thu giữ 600 bánh heroin có trọng lượng tới 229 kg, trị giá khoảng 300 triệu USD, được cất giấu trong 12 loa thùng trên chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tới sân bay Đào Viên (Đài Loan). Vụ việc một lượng ma túy hơn 200 kg dễ dàng vượt qua tất cả các hệ thống kiểm tra tối tân bằng người, bằng máy móc tinh vi và cả chó nghiệp vụ của cơ quan An ninh và Hải quan Việt Nam là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Vậy mà ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã khẳng định "xanh rờn" rằng Cục Hải quan TPHCM đã làm đúng quy trình, không có sai phạm.
Hay như vụ việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi ở Đắk Lắk bị cưa chân oan, nguyên do Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin "có sai sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu xảy ra đã không được xử trí kịp thời" theo như kết luận của Sở Y tế Đắk Lắk. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này vẫn một mực nhận định rằng bệnh viện đó không vi phạm quy trình khám chữa bệnh (!?) Tương tự như thế, trong ngành y tế đã có rất nhiều những trẻ nhỏ vô tội đã chết sau khi tiêm phòng vắc xin và những người có trách nhiệm trong ngành y tế vẫn khẳng định là họ thực hiện đúng quy trình.
Nghiêm trọng hơn, ở khu vực miền Trung trong những năm trước đây, vì lợi ích cục bộ của một vài nhà máy thủy điện người ta đã bỏ qua chức năng căn bản của những hồ chứa nước, đó là khả năng điều tiết lũ. Để tăng công suất phát điện cho những nhà máy, chủ doanh nghiệp đã xả lũ hết sức tùy tiện, điều đó gây ra hậu quả hết sức thảm khốc. Riêng năm 2014, theo thống kê đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ. Mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 1.271 ngôi nhà và ngập 425.573 ngôi nhà. Vậy mà điều trần trước Quốc hội lãnh đạo Bộ Công thương vẫn khẳng định rằng, thủy điện miền Trung đã xả lũ đúng quy trình.
Trong vấn nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay cũng vậy. Những người đứng đầu các cơ quan nhà nước thường nói “đúng quy trình” nhằm để biện minh cho việc việc bổ nhiệm người thân hay tay chân của mình và cũng là cách để họ phủ nhận người tài vào các vị trí lãnh đạo.
ZVN_3_1.jpg
Nữ sinh Lê Thị Hà Vi ở Đắk Lắk bị cưa chân oan. Courtesy of tiepthithegioi.vn
Như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh một doanh nhân ở Đông Âu trở về, đã được cất nhắc làm lãnh đạo của Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), là một người phải chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3,2 ngàn tỉ đồng của công ty này. Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (TW) thì ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm trong việc đã để PVC “thua lỗ triền miên, thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niền tin của nhân dân với Đảng và nhà nước”. Vậy mà không biết nhờ phép màu nào mà ông Trịnh Xuân Thanh lại được "ưu ái" điều động về giữ các chức vụ khác ở Bộ Công Thương. Rồi sau đó lại được lãnh đạo tỉnh ủy Hậu Giang xin đích danh về giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh. Chưa hết, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 vừa qua, ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử ĐBQH với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất của tỉnh Hậu Giang. Vậy mà khi vụ việc vỡ lở, một số các bộ của Ban Tổ chức TW, Bộ Công thương và tỉnh uy Hậu Giang vẫn khăng khăng rằng quá trình bổ nhiệm ông Thanh làm đúng quy trình.
Mới nhất là thảm họa môi trường ở khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ, do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của hàng triệu người dân sống ở khu vực này và thiệt hại kinh tế có thể đến 1.000 tỷ USD. Khi vụ việc vỡ lở thì người ta mới té ngửa về việc làm ăn tắc trách của các lãnh đạo nhà nước ở các cấp, đặc biệt là vai trò của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm chính. Điển hình là báo cáo đánh giá tác động của Dự án Formosa hầu như không được đề cập tới. Vậy mà, dưới nhan đề "Ông Võ Kim Cự nói về Formosa: Băn khoăn, nhưng đúng quy trình!", trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông tối 25/7/2016, ĐBQH Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã khẳng định như vậy, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ông và lãnh đạo Hà Tĩnh trong vụ việc liên quan đến Formosa. Ông Võ Kim Cự còn khẳng định rằng cho đến lúc này "Không Bộ nào không đồng ý chọn Formosa", chưa hết, ông Cự còn được người ta phê chuẩn làm Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội mà bất chấp sự bức xúc của người dân.

Đúng quy trình - Sự vô trách nhiệm của nhà nước ở Việt Nam

Việc hàng loạt vụ việc nhạy cảm gần đây thường được người những có trách nhiệm giải thích là “đúng quy trình” đã cho thấy, những phát ngôn như vậy của các quan chức lãnh đạo là chuyện hết sức phổ biến, nó đồng nghĩa với việc “chúng tôi (Nhà nước) không chịu trách nhiệm”. Đây không chỉ là sự vô trách nhiệm của bộ máy nhà nước ở Việt Nam mà còn là sự coi thường nhân dân, mà còn là biểu hiện xa dân. Trong lịch sử loài người, quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị trị cũng khó có thể tìm thấy trường hợp tương tự như ở Việt Nam hiện nay.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa, quy trình là một danh từ để chỉ trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc nào đó. Như vậy cụm từ “đúng quy trình” cho thấy cái quy trình quản trị nhà nước ở Việt Nam không phải để phục vụ người dân như quy định của Hiến pháp. Mà cái quy trình này luôn được những người trách nhiệm trong bộ máy nhà nước tận dụng nhằm để chối tội và trốn tránh trách nhiệm trước người dân. Như ông Nguyễn Sỹ Cương Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bức xúc khi cho rằng:
"Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm.".
Đó là nguyên nhân vì sao trong buổi thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội vào sáng ngày 25/7/2016, khi đánh giá về thực trạng của bộ máy nhà nước ở Việt Nam, ĐBQH Bùi Việt Phương tỉnh Ninh Bình đã thốt lên: "Bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì" khi nói về bộ máy công chức hiện nay.
Điều đó đã cho thấy, ở Việt Nam hiện nay cái quy trình mà ban lãnh đạo của Đảng CSVN đang sử dụng để quản trị và điều hành đất nước chỉ là thứ quy trình để hại người dân mà thôi!
Kami

Nhân viên cửa khẩu VN viết từ "Fuck you" vào hộ chiếu TQ

Một số báo Trung Quốc đưa tin nhân viên cửa khẩu tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất của Việt Nam đã viết những từ chửi tục vào hộ chiếu của một khách Trung Quốc.
Khách này là một phụ nữ mang họ Trung, nhập cảnh hôm 23/7. Chị này kể lại: “Nhân viên cửa khẩu đã giữ hộ chiếu của tôi khoảng 3 phút, và khi tôi nhận lại nó, tôi thấy người ta viết ‘F*ck you’ (cụm từ chửi thề tiếng Anh) trên 2 trang có in đường 9 đoạn”. Chị Trung bày tỏ thất vọng về hành vi của các viên chức Việt Nam.
Tin cho hay Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Hồ Chí Minh nói với báo chí rằng đại sứ quán của họ đang xử lý vụ việc. Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc đã từ chối bình luận về vụ này.
Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp gay gắt về Biển Đông, nơi Trung Quốc đã đưa ra đường 9 đoạn để đòi chủ quyền. Việt Nam không công nhận đường này.
Kể từ năm 2012, các hộ chiếu Trung Quốc đều in bản đồ có đường 9 đoạn ở một trang. Trong những tháng gần đây, một số cửa khẩu Việt Nam đã không chấp nhận hàng trăm hộ chiếu này, bằng cách cấp visa trên những tờ giấy rời thay vì dán hoặc đóng dấu vào hộ chiếu.
Theo VOA/People's Daily Online, Mashable.com​


Get paid to share your links!