Wednesday, June 29, 2016

Chiều 30 tháng 6 công bố nguyên nhân cá chết

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải đáp thắc mắc thông tin về nguyên nhân cá chết trong buổi họp báo chiều 2/6/2016.
Courtesy of cand.com.vn

Văn phòng Chính phủ sẽ họp báo vào chiều 30/6 ở Hà Nội để công bố nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở biển miền Trung. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói như vậy trên báo chí chính thức ở Việt Nam.
Theo lời ông Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan sẽ chỉ rõ thủ phạm cùng nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Cũng trong cuộc họp báo này, Chính phủ sẽ biện giải việc tại sao chậm trễ công bố nguyên nhân cũng như các bước xử lý, khắc phục và thông tin môi trường biển có an toàn hay không.
Trước đó, một số nhà khoa học, người dân địa phương cùng báo chí và mạng xã hội, đặt nghi vấn nhà máy luyện thép Formosa đã xả thải hóa chất độc hại ra môi trường biển làm cá chết hàng loạt ở Vũng Áng Hà Tĩnh, sau đó dòng hải lưu đã đưa chất độc xuống bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sự kiện này được cho là một thảm họa môi trường chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Theo RFA

Úc phá hủy hai tàu Việt Nam đánh cá trái phép


media

Một tàu cá Việt Nam bị phá hủy. Ảnh minh họa.REUTERS
Ba mươi ngư dân Việt Nam bị bắt vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của Úc ngày 28/06/2016 bị tòa tuyên những bản án treo, hai tàu cá bị phá hủy.



Hai chiếc tàu này bị khám xét ngày 02/06/2016 tại một khu bảo tồn ở Biển San Hô, phía bắc nước Úc. Những bộ đồ lặn và sáu tấn hải sâm vốn được người châu Á ưa chuộng, đã bị tịch thu.
Tại tòa án Darwin, tất cả các ngư dân đều nhìn nhận là đã vi phạm các quy định về đánh cá và luật bảo vệ môi trường. Tòa tuyên những bản án treo từ hai tháng đối với các thủy thủ, và bảy tháng cho các thuyền trưởng.
Ông Peter Venslovas, thuộc Cơ quan quản lý ngư trường Úc tuyên bố : « Việc đánh cá bất hợp pháp đe dọa sự tồn vong của nguồn lợi biển nước Úc. Các bản án và việc phá hủy tàu như một thông điệp cứng rắn gởi đến những ai muốn đánh cá trái phép trong vùng biển của Úc ».
Báo chí địa phương cho biết hôm nay một chiếc tàu của Papua New Guinea cũng bị chận bắt trong vùng biển nước Úc, cơ quan chức năng phát hiện nhiều hải sâm và vi cá mập trên tàu.
Úc đã tăng cường các phương tiện giám sát, và công việc đấu tranh chống đánh cá trái phép đã mang lại kết quả. Trong khoảng thời gian 2015-2016, chỉ có 17 chiếc tàu vào đánh cá bất hợp pháp bị chận bắt, trong khi cách đây 10 năm có đến trên 360 vụ.

Theo Thụy My/ RFI

Trung Quốc : Phó tổng biên tập tạp chí của đảng Cộng sản tự sát



Phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tự sát, theo tin từ báo chí Trung Quốc ngày 28/06/2016. Nhiều giả thiết đã được đưa ra, từ đấu đá nội bộ cho đến vấn đề tự do ngôn luận hay tham nhũng.

Thiết Chí (Zhu Tiezhi), 56 tuổi, cây bút tiểu luận nổi tiếng về lý luận của ĐCSTQ và là phó tổng biên tập tạp chí Cầu Thị (Qiushi), đã treo cổ trong bãi đậu xe ở tầng hầm tòa nhà nơi đặt trụ sở tờ báo.











Tạp chí uy tín Tài Tân (Caixin) dẫn lời một người bạn của ông Chu Thiết Chí cho biết, ông bị trầm cảm vì các xung đột ý thức hệ trong đảng, giữa phe cải cách và phe bảo thủ ngày càng quyết liệt.
Trong một bài báo, ông viết nếu ĐCSTQ không giải quyết các vấn đề thực chất, « thì các tranh luận về ý thức hệ sẽ trở thành những bài diễn văn sáo rỗng, phương hại đến sự tin cậy lẫn nhau giữa đảng và chính phủ đang lãnh đạo nhân dân ».
Từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền cuối năm 2012, chính quyền luôn hạn chế việc tranh luận. Đối với ông Chu Thiết Chí, một nhà trí thức không thể từ bỏ tính liêm chính, độc lập và quan điểm của mình. Nhưng theo tạp chí Tài Tân, « ưu tư này không phù hợp với những lời cổ vũ các cán bộ đảng viên phải đoàn kết, tuân thủ các chủ trương của đảng ».

Trang web của Nhân dân Nhật báo hôm Chủ nhật 26/6 có đăng một tin ngắn về cái chết của ông Chu, nhưng không giải thích nguyên nhân khiến ông tự sát hôm 25/6. Nhiều báo chí khác của Trung Quốc đã đưa lại tin này, nhưng hầu hết đã rút xuống hôm nay.
Các phương tiện truyền thông Hoa ngữ ở nước ngoài cố gắng lý giải về vụ ông Chu Thiết Chí phải tìm đến cái chết, nêu ra mối quan hệ giữa ông và Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), từng là cố vấn thân cận của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao). Ông Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc đã nhận hối lộ và lén lút thu thập bí mật nhà nước.
Hai tuần trước khi bị thất sủng, ông đã cho đăng trên tạp chí Cầu Thị một bài viết dài trong đó dẫn tên Tập Cận Bình 16 lần, nhằm cố bày tỏ lòng trung thành. Lệnh Kế Hoạch bị cho là đã đốc thúc ông Chu Thiết Chí cho đăng sớm, trong khi tờ Cầu Thị rất thận trọng kiểm soát nội dung. Cơ quan chống tham nhũng của ĐCSTQ hồi tháng 10/2015 lên án tạp chí Cầu Thị là « bỏ rơi kiểm duyệt chính trị » và quy trình biên tập để đăng các bài báo của những người thân cận.
Theo Thụy My/RFI

Get paid to share your links!