Friday, July 15, 2016

Trung Quốc dọa thiết lập ADIZ trên Biển Đông

Thượng tướng không quân Trung Quốc Liu Shou-Jen giới thiệu bản đồ Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc vào ngày 02 tháng 12 năm 2013.
 AFP photo

Trung Quốc tuyên bố có quyền lập Vùng Nhận Diện Phòng Không ADIZ trên Biển Đông, nơi máy bay các nước khi đi qua phải tuân thủ một số qui tắc bên cạnh việc công bố kế hoạch bay và nhận diện máy bay.
Theo nguồn từ BBC, một ngày sau khi Tòa Trọng Tài Quốc Tế phán quyết không có căn cứ pháp lý về việc Trung Quốc giành hết chủ quyền trên Biển Đông bằng đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra, Trung Quốc đưa ra một tài liệu chính phủ để tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Khi  trình bày tài liệu này, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Lưu Chí Quân còn cho báo giới biết Bắc Kinh sẽ thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên Biển Đông nếu an ninh bị đe dọa.
Vẫn theo lời ông Lưu Chí Quân, việc lập ADIZ Vùng Nhận  Diện Phòng Không tại Biển Đông tùy thuộc vào mức độ đe dọa an ninh đối với Trung Quốc.
Năm 2013, Trung Quốc từng lập Vùng Nhận Diện Phòng Không trên vùng biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Điếu Ngư theo tiếng Hoa và Senkaku theo tiếng Nhật mà hai bên đều giành chủ quyền thuộc về mình.
Theo RFA

Thủ tướng VN và TQ hội đàm sau phán quyết biển Đông

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam 'phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông'. (Ảnh tư liệu)
Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau hôm nay, 14/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) ở thủ đô của Mông Cổ, hai ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện Bắc Kinh.
Đây được coi là cuộc gặp công khai đầu tiên giữa quan chức đôi bên sau phán quyết lịch sử, trao phần thắng cho Philippines hôm 12/7.
Theo bản tin ngắn của Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi Việt Nam “phối hợp với Trung Quốc cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
Trong khi đó, trang thông tin của chính phủ Việt Nam dẫn lời ông Phúc nói tại cuộc họp rằng, đôi bên nên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình”, và “thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.
Thủ tướng Việt Nam được trích lời nói thêm rằng Hà Nội “kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế”, đồng thời “coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc”.
Qua quan sát các thông tin đăng tải trên truyền thông hai nước, chưa rõ hai bên có trao đổi về phán quyết của Tòa Trọng tài hay không.
Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu kéo dài hai ngày ở Mông Cổ, với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia châu Á và châu Âu, sẽ khai mạc vào ngày mai, 15/7. Theo tin từ Philippines, tân tổng thống nước này sẽ không tới tham dự.
Đầu tuần này, ông Khổng Huyễn Hữu, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, đầu tuần này tuyên bố rằng ASEM “không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề biển Đông,” và vấn đề tranh chấp này không nên được đưa ra thảo luận.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm 12/7 đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Thủ tướng Việt Nam bắt đầu chuyến thăm tới Mông Cổ để dự Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu hôm 13/7.
Theo VOA

Liệu ngư dân có an toàn sau phán quyết của PCA?

Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng hôm 25/1/2016.
 AFP photo
Việt Nam hoan nghênh Tòa Trọng Tài PCA đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12 tháng Bảy liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc, mặt khác sẽ xem xét các bước đi tiếp theo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình, tái khẳng định như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ chiều thứ Năm ở Hà Nội.
Với câu hỏi về mối quan ngại là phán quyết của PCA khiến Trung Quốc có thể thực hiện thêm những động thái khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng, người phát ngôn Lê Hải Bình trả lời là Việt Nam đã đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời cũng đang xem xét các bước tiếp để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Ông nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi các bên kềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng DOC Bộ Qui Tắc Ứng Xử Trên Biển, không nên có những hành động làm tình hình thêm phức tạp.
Khi được hỏi về nguy cơ có thể xảy ra va chạm đối với ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển sau khi có phán quyết, ông Lê Hải Bình nói nhà nước luôn có biện pháp hỗ trợ để ngư dân có thể bám biển và duy trì ngư trường truyền thống lâu nay.
Hai ngày sau khi PCA đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh cho hạ cánh thành công 2 máy bay dân sự xuống hai đường băng do Bắc Kinh xây lấp trái phép gần đây trên đảo Vành Khăn và đảo Subi, đồng thời loan báo sắp tiến hành xây ngọn hải đăng thứ 5 trên một trong các đảo tranh chấp.
Việt Nam, qua lời phát ngôn nhân Lê Hải Bình, lên tiếng phản đối chuyện này, nói rằng Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Theo RFA

Chai nước mắm của người Việt sau thảm họa cá chết

Một nhân viên đứng bên cạnh gian hàng nước mắm Long Hải được trưng bày tại một hội chợ sản phẩm chất lượng cao tại Hà Nội, ngày 29/3/2004.
 AFP photo
Kể từ khi biến cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh vùng biển miền Trung hồi đầu tháng 4 năm 2016 cho đến nay, bữa cơm hàng ngày của người Việt bị tác động như thế nào, đặc biệt những món ăn quen thuộc như mắm, muối, nước mắm…bị ảnh hưởng ra sao?
Người dân biết tin vào đâu?
Hàng triệu người ở Việt Nam dù giàu sang hay nghèo khó cùng có chung nỗi lo lắng khi bữa ăn hàng ngày của họ trong nhiều năm qua không được bảo đảm an toàn thực phẩm. Những món ăn được làm từ thực vật, ngũ cốc cho đến gia cầm, gia súc, thủy hải sản…hầu hết bị tiêm nhiễm hóa chất hay thậm chí những sản phẩm này bị chế biến giả mạo gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Sự lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm của dân chúng trong nước càng hoang mang đến mức khủng hoảng khi hàng trăm tấn cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; thậm chí hàng chục tấn cá nuôi trên các sông, hồ từ Bắc chí Nam cũng bị chết mà không biết lý do vì đâu.
Bây giờ đồ bán trong siêu thị ăn còn hồi hộp chứ đừng nói chi đến đồ bán bên ngoài. Đã vậy mà còn dịch bệnh tùm lum nữa.
- Cô Hai, Đồng Nai 
Trong suốt 3 tháng chờ đợi chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân cá chết, việc ăn uống hàng ngày của người dân luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Đa số người tiêu dùng chọn lựa cá và hải sản vì thịt bẩn tràn lan khắp nơi nhưng kể từ khi biến cố cá chết xảy ra, những sản phẩm này bị hạn chế một cách tối thiểu trong các mâm cơm gia đình. Cô Hai, một cư dân ở vùng Trị An, Đồng Nai chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng mỗi ngày đi chợ thì cứ bị ám ảnh là mình đang ăn những chất độc rồi khi nào sẽ ngã bệnh. Cô Hai nói:
“Lo chứ, chúng tôi lo lắm. Tự nhiên đột xuất rồi cá chết tùm lum hết trơn. Ăn thì dĩ nhiên buộc phải ăn rồi nhưng ăn trong tâm trạng âu lo. Ăn mà hồi hộp bị bệnh này bệnh kia mà biết khi nào nguồn nước bao giờ sạch lại được. Người dân đang hoang mang đủ thứ từ Bắc vô tới Nam, vô tới lòng hồ Trị An luôn rồi. Bây giờ đồ bán trong siêu thị ăn còn hồi hộp chứ đừng nói chi đến đồ bán bên ngoài. Đã vậy mà còn dịch bệnh tùm lum nữa.”
Cô Hai cũng như nhiều người dân ở Việt Nam, Đài RFA tiếp xúc, cho biết tránh không ăn cá thì còn có thể chứ làm sao mà không ăn muối hay nước mắm. Hai loại gia vị quan trọng này này cũng giống như cơm, không thể thiếu được.
Trước thông tin muối biển có thể bị nhiễm kim loại nặng cũng như hàng tấn cá chết không bị tiêu hủy mà được thương lái thu gom làm nước mắm, nhiều người đã mua mắm, muối và nước mắm để tích trữ ăn dần. Tuy nhiên, các sản phẩm nước mắm hiện được bán trên thị trường cũng khó để phân biệt đâu là nước mắm truyền thống hay đâu là nước mắm công nghiệp.
Nước mắm có còn an toàn?
000_HKG2004091513024.jpg-400.jpg
Một hãng nước mắm ở đảo Phú Quốc chụp ngày 14/9/2004. AFP photo
Hồi cuối tháng 6 năm nay, báo giới trong nước đăng tải thông tin mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm, trong đó số liệu thống kê cho thấy có đến 75% là hàng công nghiệp. Trong khi nước mắm truyền thống là loại nước mắm lọc ra từ hỗn hợp cá và muối được ủ trong thời thời gian từ 6 đến 12 tháng thì nước mắm công nghiệp bao gồm nước, tinh chất cá hoặc hương cá, đường, muối, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt…Và chất lượng của các sản phẩm nước mắm công nghiệp chưa hề có cuộc thanh tra chuyên đề nào trong hơn 10 năm qua, theo lời của chánh Thanh tra Bộ Y Tế, ông Đặng Văn Chính.
Nước mắm được sản xuất ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là sản phẩm nước mắm được các nhà phân phối nội địa yêu chuộng. Tám mươi phần trăm nước mắm Phú Quốc bán dạng nguyên liệu nhưng khách hàng mua về, trước khi bán ra thị trường có chế biến gì thêm thì không ai biết. Trao đổi với Hòa Ái qua điện thoại, anh Duyệt, một chủ cơ sở sản xuất nước mắm nhà thùng ở Phú Quốc cho biết suốt thời gian sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc đắt hàng:
“Đợt này ở Phú Quốc, tụi em bán tốt lắm. Mọi nơi đổ về Phú Quốc mua. Em bán cho Thành phố Hồ Chí Minh là nhiều nhất. Các cơ sở đóng chai đều mua của tụi em nhưng về đến Thành phố Hồ Chí Minh có pha chế hay không thì em không rõ nhưng nước mắm của tụi em là làm từ cá cơm.”
Mặc dù anh Duyệt cho biết sản lượng cá cơm ở vùng biển Kiên Giang không có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển miền Trung nhưng bà Nguyễn Thị Thanh, chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, nói rằng trong tương lai nguồn nguyên liệu cá cơm ở vùng biển này để làm nước mắm có xu hướng giảm.
Tự làm nước mắm tại nhà
Trong khi người dân tại Việt Nam loay hoay trong mớ bòng bong liên quan đến loại muối và nước mắm nào thực sự bảo đảm an toàn chất lượng thì cộng đồng người Việt hải ngoại có xu hướng tự làm nước mắm để ăn. Chúng tôi liên lạc với ông Tiến Nguyễn, ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, là người làm nước mắm trong nhiều năm. Ông Tiến cho biết vì sống ở vùng biển có nhiều cá nục nên ông tự câu và tự làm nước mắm. Quá trình làm nước mắm không khó, cứ 4 phần cá và 1 phần muối, ủ trong một cái hũ kín, để ngoài sân khoảng một năm là có nước mắm thơm, ngon, nguyên chất để dùng.
Các cơ sở đóng chai đều mua của tụi em nhưng về đến Thành phố Hồ Chí Minh có pha chế hay không thì em không rõ nhưng nước mắm của tụi em là làm từ cá cơm.
- Anh Duyệt, Phú Quốc
“Tôi thấy ở chợ bán lẻ giá khoảng 2 USD/1 pound thì một chai 20 lít thì cần khoảng hơn 30 pounds cá, tức là khỏang 60 USD. Thêm một số muối thì tổng cộng khoảng 65 USD. Khi lọc ra thì nước mắm nhất được khoảng 3 lít. Còn nước mắm nhì là đổ thêm nước hòa với muối vào chai đó thì lọc được thêm 5 lít nữa. Nước mắm nhất thì ngon lắm. Nước mắm nhì thì ăn cũng được mà nêm cũng được. Nếu ai tiết kiệm lắm thì làm thêm nước mắm ba nhưng tôi nghĩ 2 lần là đủ. Tức là khoảng 7, 8 lít nước mắm tốn chừng 60 USD thì một lít nước mắm không tốn bao nhiêu tiền.”
Ông Tiến cho biết thêm trong mấy tháng qua kể từ khi cá chết hàng loạt tại Việt Nam, nhiều người Việt từ khắp nơi đã kết nối, liên lạc với ông qua Facebook, hỏi thăm cách tự làm nước mắm như là một cách an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho gia đình.
Hòa Ái xin được kết thúc bài phóng sự này với lời chia sẻ vui của nhiều người rằng khía cạnh tích cực duy nhất từ thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên có lẽ là nhờ đó mà cách làm nước mắm truyền thống của người Việt không bị mai một về sau.
Theo RFA

Get paid to share your links!