Tuesday, September 6, 2016

Hải cảng chiến lược Chân Mây sắp rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?

Cảng Chân Mây và những vị trí xung yếu chung quanh. Ảnh: Lê Anh Hùng
Cảng Chân Mây là một cảng nước sâu nằm ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ được mũi Chân Mây Đông của dãy Hòn Dòn che chắn nên vùng nước xung quanh cảng biển với độ sâu tới 14m vốn kín gió và lặng sóng này đã trở thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền tránh trú gió bão.
Khu vực Chân Mây - Lăng Cô là một vị trí hiểm yếu về an ninh quốc phòng, bởi nó là một dải đất hẹp nằm dưới chân đèo Hải Vân, chưa kể trên tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa bàn này còn có hai đèo núi hiểm trở khác là đèo Phú Gia và đèo Phước Tượng.
Là nơi tàu thuyền neo đậu an toàn nên vịnh Chân Mây rất thuận lợi cho tàu chiến đổ bộ. Ngoài ra, khu vực xung quanh đó còn là một địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng, khi chỉ một lực lượng quân đội vừa phải là đã có thể chia cắt đất nước thành hai phần. Vì thế, trong suốt hai cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) và lần thứ hai (1954-1975) tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa lực lượng đổ bộ với lực lượng chống đổ bộ của các bên tham chiến.
Năm 1966, tàu chiến cùng lực lượng thuỷ quân lục chiến và xe tăng Mỹ đã đổ bộ vào vịnh Chân Mây.
Ngày 19/1/1947, tàu chiến Pháp đã đổ bộ ở bãi biển Cảnh Dương. Được trọng pháo từ tàu chiến ngoài khơi yễm trợ, một lực lượng trên 5.000 quân Pháp đủ các quân binh chủng đã tiến vào càn quét toàn bộ khu vực.
Xa hơn, tháng Tư năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đã đi thuyền ra đóng ở vũng Chu Mãi (tức Vịnh Chân Mây) để đại binh tiến đánh quân Tây Sơn qua cửa Tư Dung (Tư Hiền).
Do tầm quan trọng về mặt an ninh quốc phòng của Chân Mây - Lăng Cô đối với Việt Nam như thế nên thật dễ hiểu khi Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, luôn tìm mọi cách để đặt được chân vào vùng đất này.
Ngày 8/10/2015, VOA đã đăng bài “Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Lăng Cô - Thừa Thiên Huế?”, trong đó chúng tôi đã vạch trần âm mưu của tập đoàn Trung Nam Hải khi lập một công ty ma ở Singapore rồi lấy pháp nhân của doanh nghiệp ma này để đầu tư xây dựng một khu du lịch nghỉ dưỡng rộng hàng trăm ha ở đây.
Đặc biệt, mới đây chúng tôi còn phát hiện ra một công ty có bóng dáng của Trung Quốc đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây. Dự án có diện tích 12 ha, tổng mức đầu tư hơn 846 tỷ đồng, chiều dài cầu cảng trong giấy phép là 270m (nhưng chúng tôi tìm hiểu tại thực địa lại lên đến 400m), do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ ngày 26/9/2015, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 9/2018. Đây là hải cảng tổng hợp, cung cấp các dịch vụ hậu cần cảng đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 DWT ra vào bốc dỡ hàng.
Dự án đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và đóng cọc thử. Ảnh: Lê Anh Hùng
Dự án đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và đóng cọc thử. Ảnh: Lê Anh Hùng
Hào Hưng Huế là công ty con của Công ty TNHH Hào Hưng, một doanh nghiệp có trụ sở ở Quận 11, Tp Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là mặc dù đãlọt vào TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với hơn hai chục chi nhánh trên khắp cả nước, nhưng thông tin về Hào Hưng lại rất bí ẩn. Người ta chỉ biết đó là một công ty của người Hoa, do một người Hoa là Thang Văn Hoá làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc, với khách hàng chủ yếu là từ Trung Quốc. Tháng 7/2015, một công ty con khác của Hào Hưng là Hào Hưng Quảng Ngãi đã mua một lúc 141 xe đầu kéo và xe tải do Trung Quốc sản xuất. Còn báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 21/10/2015 thì viết rõ Hào Hưng là doanh nghiệp của Trung Quốc.
Không chỉ ở Chân Mây, từ năm 2012, thông qua Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Ngãi, Hào Hưng còn đầu tư xây dựng một bến cảng chuyên dùng khác tại Dung Quất, Quảng Ngãi. Dự án với diện tích đất sử dụng khoảng 23ha và tổng vốn đầu tư trên 711,6 tỷ VNĐ này sắp sửa hoàn thành và đi vào hoạt động. Chưa hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Hào Hưng Hải Phòng đã có hệ thống bến bãi riêng ở Hải Phòng, còn Công ty TNHH Hào Hưng Long An thì đang xúc tiến đầu tư xây dựng bến cảng ở Cần Thơ.
Đầu tư vào hải cảng đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài, lên tới hàng chục năm, và nguy cơ thua lỗ là rất cao. Vì thế, hầu như không một doanh nghiệp tư nhân nào mặn mà với việc đầu tư xây dựng hải cảng, nhất là trong bối cảnh ngân hàng không muốn cho vay do thời gian hoàn vốn quá dài. Việc Hào Hưng đầu tư xây dựng một loạt bến cảng lên đến hàng ngàn tỷ VNĐ như thế quả là một dấu hiệu không bình thường.
Chỉ mới mấy năm trước, Hào Hưng còn quảng cáo trên nhiều trang mạng là nhà cung cấp cát sông và dăm gỗ với tổng số nhân lực vỏn vẹn 5-10 người. Vậy nên, người ta phải dùng từ “thần kỳ” để mô tả tốc độ phát triển nhanh như tên lửa của họ. Không còn nghi ngờ gì, đằng sau sự phát triển đó chắc chắn phải là một thế lực siêu khủng.
Một hoạt động không kém phần nguy hiểm nữa của Hào Hưng là họ đang thuê đất trồng rừng nguyên liệu ở nhiều địa bàn trên cả nước, đặc biệt là tại những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Chẳng hạn, theo Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 12/10/2015, UBND tỉnh Cà Mau đã cho Hào Hưng thuê hơn 63ha đất tại xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tức ngay bên bờ biển cực nam của Tổ quốc, trong thời gian 49 năm. Kiểm soát được vị trí đó, Trung Quốc có thể giám sát được mọi động tĩnh của quân đội Việt Nam cả trên đất liền lẫn trên biển ở xung quanh khu vực, đồng thời phối hợp với các dự án kinh tế trá hình khác mà họ đã và đang tìm cách thực hiện tại những vị trí xung yếu như Vĩnh Tân (Bình Thuận), Hồ Tràm(Bà Rịa - Vũng Tàu), Duyên Hải (Trà Vinh), Nhiệt điện Sông Hậu và Nhà máy Lee & Man VN (Hậu Giang), v.v. để tạo thành một chuỗi căn cứ quân sự liên hoàn hòng bao vây và chia cắt Nam Bộ khi hữu sự.
Sống bên cạnh một người hàng xóm to xác, bẩn tính và chưa giờ nguôi tham vọng thôn tính mình từ hàng ngàn năm nay, Việt Nam cần phải luôn đề cao cảnh giác với đủ mọi mưu ma chước quỷ của họ. Vì thế, việc để cho một công ty mang bóng dáng Trung Quốc và đầy bí ẩn như Hào Hưng đầu tư vào những vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng như Chân Mây, Dung Quất, Hải Phòng, Cần Thơ hay Cà Mau… tiềm ẩn những hiểm hoạ vô cùng nguy hại cho tương lai đất nước.
Lê Anh Hùng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sắp thăm Trung Quốc

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến sân bay Chubu Centrair International tại thành phố Tokoname, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 26/5/2016.
Thủ tướng Việt Nam sẽ chính thức sang thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15 tháng 9 tới đây.
Tin cho biết ông Nguyễn Xuân Phúc công du Hoa Lục lần này theo lời mời của người tương nhiệm Trung Quốc, Lý Khắc Cường. Và là chuyến thăm lân bang Trung Quốc đầu tiên trong cương vị thủ tướng Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội chợ Trung Quốc- ASEAN và hội nghị thượng đỉnh thương mại vầ đầu tư Trung Quốc- ASEAN lần thứ 13 diễn ra ở Nam Ninh.
Mới hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Lý Khắc Cường cũng có cuộc gặp tại Ulan Bator, Mông Cổ khi tham dự hội nghị cấp cao Á- Âu lần thứ 11.
Thống kê cho thấy từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục trong 11 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Trung vào năm ngoái là 66,6 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc hơn 32 tỷ đô la.
Hiện Trung Quốc là nước đứng thứ 9 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng hai năm nay, số dự án đầu tư còn hiệu lực của Trung Quốc ở Việt Nam là hơn 1300 dự án với tổng vốn hơn 10 tỷ đô la Mỹ.
theo RFA

NGƯỜI BỊ BẮT TỪ CHỐI LUẬT SƯ - CÂU CHUYỆN MÀ AI CŨNG NÊN BIẾT ĐỂ PHÒNG NGỪA RỦI RO

Cách đây khoảng một tháng, tôi tiếp nhận vụ việc của một người phụ nữ đi kêu oan cho con trai đang bị bắt giam. Được sự cho phép của chị ấy, tôi xin kể lại câu chuyện và hi vọng ai đọc sẽ hiểu để tránh rơi vào "cái bẫy" này.
[Với dáng vẻ khắc khổ, chị ấy kể, con chị sinh ra ở Campuchia nhưng sống ở Việt Nam. Do hoàn cảnh khó khăn nên học chưa đến lớp hai, chữ viết lúc đúng, lúc sai.
Chị tiếp, con chị có quen và yêu một cô gái qua mạng, hai người đã nhiều lần "tự nguyện". Tuy nhiên, bất chợt cô gái đó gọi cho con chị bảo đến gặp vì nhớ. Khi đến thì bị bắt, công an bảo con chị ký vào tờ giấy gì đó sẽ thả về nhưng thực tế, đó là giấy nhận tội.
Liên tiếp các ngày sau đó, công an gọi chị lên nói là bồi thường cho cô gái kia 100 triệu sẽ được giảm nhẹ. Chị không chấp nhận và đến gặp nhờ tôi bảo vệ.
Sáng nay, khi vào thăm con, chị tá hỏa gọi điện báo con chị nói: "chú công an bảo thuê luật sư làm gì, luật sư có làm được gì đâu và hướng dẫn con chị viết đơn từ chối luật sư, con chị không biết nên viết. Rồi chị ấy khóc và viết lá đơn gửi đến tôi như dưới đây].
Câu hỏi đặt ra, tại sao công an không muốn có luật sư từ giai đoạn điều tra. Cá nhân tôi cho rằng, theo quy định của luật pháp, nếu luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra thì, khi hỏi cung, buộc phải mời luật sư và lúc đó, việc ép cung và mớm cung (nếu có) sẽ không xảy ra. Đây là vụ án kêu oan, nên do sự thiếu hiểu biết, con trai chị ấy từ chối luật sư (dù lúc đầu khóc lóc kêu mẹ đi tìm luật sư).
Tôi có thể dự đoán được trong thời gian đợi lần thăm nuôi tiếp theo, việc tích cực "lấy lời khai" sẽ diễn ra vì, lúc này luật sư chưa thể tham gia được và đây là điều hết sức bất lợi cho người bị bắt giam.
P/s: Tôi trách cô gái kia sao nỡ nhẫn tâm đến thế...

LS Lê Ngọc Luân

THỨ CẦN THAY ĐỔI

Để thay đổi được một nền chính trị hoặc thể chế của một đất nước, chúng ta buộc lòng phải thay đổi trước hết và tiên quyết ở tư tưởng. Tư tưởng được tạo nên bởi ý thức hệ, và từ đó, những kẻ có quyền đã xây dựng nên pháp luật theo ý chí của mình và cũng bởi ý thức hệ của người dân như đã là một sự đồng thuận (tương đồng) với điều đó, nên quyền lực chính trị cứ vậy mà thi hành để cai trị xã hội.
Xã hội thay đổi không phải bởi pháp luật, bởi hệ tư tưởng sẽ quyết định loại thể chế tồn tại của một nền chính trị, mà chính trị lại là thứ quyết định đến sự tồn tại (lập pháp) hoặc thực thi (hành pháp và tư pháp) của luật pháp - lập ra thế nào và thực thi ra sao, tất cả phụ thuộc vào chính trị, cái nôi sản sinh ra nó.
Nên pháp luật không phải là công cụ để thay đổi và đem lại sự văn minh của một quốc gia, trước khi có luật pháp, chúng ta phải thay đổi tư tưởng của người dân, và ngay cả những kẻ cai trị nắm trong tay quyền lực mà đang thực thi luật pháp một cách tuỳ tiện và bất chấp, mà đặc biệt chỉ dành cho dân chúng nhưng loại trừ chúng. Luật pháp không phải công cụ để thay đổi mà chỉ là lý do để khiến cho sự thay đổi sẽ xảy ra, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi và chỉ khi bất công xã hội đã bị thực thi một cách triệt để nhân danh luật pháp mà đẩy dân chúng đến đường cùng không còn lựa chọn nào khác.
Để thay đổi xã hội, ta phải thay đổi tư tưởng, muốn thay đổi tư tưởng, ta phải thay đổi nền giáo dục quốc gia. Và điều đó là một công cuộc khó khăn và lâu dài, bởi thứ khó thay đổi nhất đó chính là tư tưởng của con người, mà đây là ý thức hệ của cả một xã hội được bảo vệ liên tục, miệt mài và mạnh mẽ qua hàng thập kỷ. Vì đấu tranh để thay đổi tư tưởng và nhận thức, từ cả hai phía, phía người dân và phía nhà cầm quyền, nên không thể khác, người đấu tranh cần có tri thức sâu, rộng và có nhân tâm thực sự dành cho xã hội, con người, chứ không phải vì bất kỳ mục đích nào khác cho bản thân hoặc bị thúc đẩy bởi một lợi ích vật chất nào khác. Và phải luôn chọn đứng về phía bị đối xử bất công, nếu không bạn, hoặc là một kẻ cơ hội, hoặc là đã chọn đứng về phe áp bức (Desmond Tutu). Điều đó chỉ làm cho xã hội thêm rối ren và tồi tệ hơn.
Vì công cuộc đấu tranh dai dẳng và khó khăn ấy, mà ông Nelson Mandela phải ngồi tù 26 năm để đem lại công bằng cho Nam Phi - ông cũng đã hoàn thành khoá học luật và làm luật sư trong chính giai đoạn bị giam cầm này; ông Mahatma Gandhi phải kiên trì cả đời để đòi độc lập cho dân tộc Ấn Độ từ và khỏi đế quốc Anh; bà Aung San Suu Kyi phải ngồi tù hơn 20 năm để thay đổi nền chính trị độc tài của Myanmar; mục sư Martin Luther King cũng phải ra vào chốn lao tù hết lần này qua lần khác và thậm chí bị ám sát năm 1968 khi đã đem lại các Đạo luật về Dân quyền và Luật về bầu cử cho người da đen trước đó vài năm - ông đã hy sinh khi đã hoàn thành "giấc mơ" cao cả của mình cho chính những bất công trong lòng xã hội hiện đại Mỹ; ông Fukuzawa Yukichi phải miệt mài viết sách và truyền bá những tư tưởng tiến bộ về dân quyền, giáo dục và khoa học của Tây phương vào lòng xã hội Nhật thời kỳ Minh Trị và là một nguyên do mang tính cốt lỗi đưa nước Nhật trở thành cường quốc như ngày nay.
Vì, trong tâm khảm họ đã luôn có một tư tưởng để sống:
Ký dĩ vi nhân, kỷ dũ hữu
Ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa
- Lão Tử.
(Càng vì người, mình càng có thêm
Càng cho người, mình càng nhiều thêm).

Để thay đổi tư tưởng, hãy đọc sách và khuyến khích mọi người đọc sách, vì tôi chưa biết tác hại của việc này như thế nào, nhưng tôi tin một cách chắc chắn rằng, bạn sẽ biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và có nhiều sự chọn lựa hơn người khác.
Và bởi vậy, xã hội ắt hẳn không phải thay đổi vì một vài người, nhưng hoàn toàn có thể vì một vài người mà thay đổi.

Luân Lê

Sinh viên Sư Phạm gây ấn tượng với thông điệp “Con Sâu Gặm Tiền” ám chỉ “CSGT” trong cuộc thi SV 2016


CTV Danlambao - Các sinh viên trường đại học Sư Phạm Hà Nội đã gây ấn tượng khi ám chỉ “CSGT” là “Con Sâu Gặm Tiền” trong chương trình truyền hình SV 2016 - một sân chơi khá nổi tiếng dành cho sinh viên cả nước.
Trong tập 9 phát sóng ngày 28/8/2016, các sinh viên Sư Phạm Hà Nội đưa ra câu đố liên quan đến đề tài chống tham nhũng, với hình ảnh gợi ý là 2 con sâu bên cạnh một đồng tiền bị đục khoét.
2 đội chơi còn lại sẽ phải liên tưởng và đưa ra đáp án chính xác nhất dựa trên những gợi ý từ bức ảnh đưa ra.
Sinh viên trường Đại học Y đưa ra câu trả lời là: “Thèm tiền nhỏ dãi, ăn mãi rồi cũng hết", trong khi đại học Sư Phạm Hà Nội 2 đưa ra đáp án “Đục khoét”.
Sau đó, các bạn trẻ trường Sư Phạm Hà Nội đưa ra đáp án cuối cùng là dòng chữ “Con Sâu Gặm Tiền” được viết trên 4 tấm bìa trắng do 4 sinh viên cầm theo thứ tự.
Sáng tạo hơn, những sinh viên này còn lần lượt di chuyển để khi ghép lại, những chữ cái đầu tiên đã hiện ra thành “CSGT” - một từ viết tắt mà ai cũng biết là dành cho “Cảnh Sát Giao Thông”.
Dư luận đồng tình, báo đảng bực tức
Toàn bộ diễn biến đã được phát sóng rộng rãi trên kênh truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV3).
Tuy vậy, báo chí nhà nước khi đưa tin về vụ việc thì lại tỏ thái độ phản đối, thậm chí bực tức vì cho rằng các bạn trẻ đang nhắm đến lực lượng cảnh sát giao thông.
Trang mạng Kênh 14 dẫn lại ý kiến cho rằng việc làm trên là “không hợp lý” trong một sân chơi dành cho sinh viên cả nước.
“Nó có thể làm lệch lạc suy nghĩ và mang những ý nghĩ tiêu cực vào bộ phận khán giả là giới trẻ", người này nói. Thậm chí, có ý kiến còn ra vẻ dạy đời khi cho rằng việc làm của những bạn trẻ trên là “nông nổi” và “dại dột”.
Trong khi đó, dư luận trên các mạng xã hội hầu hết đều bày tỏ thái độ thán phục vì sự thông minh, dí dỏm của các bạn sinh viên sư phạm – những thầy, cô giáo tương lai của đất nước.
Đa số các ý kiến cũng bày tỏ sự ủng hộ và đồng tình đối với các bạn trẻ vì đã can đảm chỉ ra một trong những “con sâu” tham nhũng và bị căm ghét nhiều nhất, đó chính là lực lượng cảnh sát giao thông.
Một khi sinh viên đã biết dùng trí tuệ để lên tiếng trước những bất công, áp bức trong xã hội thì tương lai đất nước vẫn còn nhiều hy vọng.
05.09.2016
CTV Danlambao

Việt Nam ‘công nghiệp hóa’ với bia và ‘hiện đại hóa’ bằng xổ số

Khoảng 30% chi tiêu của tỉnh Thừa Thiên-Huế là nhờ nguồn thu từ… bia, 70% còn lại là thu tiền sử dụng đất và chu cấp từ… trung ương!
Ðó là thống kê do Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên-Huế công bố và tỉnh này không phải là trường hợp cá biệt. Chi tiêu của chính quyền nhiều tỉnh tại Việt Nam đang trông chờ vào các nguồn thu từ bia, rượu, tiền sử dụng đất và xổ số.
“Dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng CSVN,” sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã giúp ngành công nghiệp bia rượu và xổ số đạt được những thành tựu vượt bậc!
Hồi đầu năm nay, tại đại hội lần thứ năm của Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam, đại diện hiệp hội này long trọng thông báo, “dù gặp nhiều khó khăn vì kinh tế suy thoái nhưng ngành bia, rượu, nước giải khát vẫn phát triển.”
Chỉ tính riêng năm 2015, “sản lượng bia đạt 3.4 tỉ lít/năm, tăng 40%, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít, sản lượng nước giải khát đạt 4.6 tỷ lít.” So với năm 2010, sản lượng bia tăng 40%, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp 18% và sản lượng nước giải khát tăng 50%.
Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam khoe, từ 2011-2015, các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội này đã nộp cho ngân sách 30,000 tỉ đồng, tương đương 3% tổng thu ngân sách quốc gia. Nếu tính riêng đóng góp cho ngân sách từ bia thì số tiền đó là 26.000 tỉ/30,000 tỉ mà Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã nộp cho công quỹ.
Cũng theo Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước Giải Khát Việt Nam, năng lực hiện tại của Việt Nam trong sản xuất bia là 4.8 tỉ lít/năm, “có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, có sức cạnh tranh khi Việt Nam đang hội nhập.”
Bởi chi tiêu trông vào sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, trong vài năm gần đây, chuyện chính quyền một số tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở thương mại, dịch vụ chỉ được bán bia, rượu do nhà máy bia, rượu đặt tại tỉnh nhà sản xuất không còn là chuyện lạ.
Trên bình diện thế giới, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về tiêu thu bia, rượu và ở bình diện quốc gia, ăn nhậu trở thành tệ nạn càng ngày càng trầm trọng trong toàn lãnh thổ, phổ biến ở tất cả các giới, các độ tuổi, đặt ra hàng loạt vấn nạn nghiêm trọng về y tế, văn hóa-xã hội.
Cũng “dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng CSVN,” ngoài giải tỏa-thu hồi đất ở khắp nơi để cho chủ đầu tư các dự án thuê, kiếm tiền từ những khoản liên quan đến “sử dụng đất,” xổ số đã trở thành một thứ công cụ mà chính quyền các tỉnh tận dụng để tạo ngân sách, duy trì hoạt động. Cũng đầu năm nay, Bộ Tài Chính Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, doanh thu từ hoạt động xổ số trên toàn quốc trong năm 2013 khoảng 59,000 tỉ đồng, trong năm 2014 là 63,000 tỉ đồng, trong năm 2015 khoảng 70,000 tỉ đồng. Nguồn thu dù lớn nhưng theo Bộ Tài Chính Việt Nam, đóng góp cho ngân sách của hoạt động xổ số chỉ khoảng 1/3.

Không thể để mất khoản lợi béo bở từ xổ số về tay chính quyền các tỉnh, tháng trước, Bộ Tài Chính Việt Nam cho khai trương Vietlott – liên doanh giữa Bộ Tài Chính Việt Nam với tập đoàn Berjaya của Malaysia – được quảng cáo là “xổ số kiểu Mỹ” hơn hẳn “xổ số kiểu truyền thống.”
Bởi sự “tài tình, sáng suốt” của “đảng bộ, chính quyền, hộại đồng nhân dân” các tỉnh tại Việt Nam chỉ quẩn quanh ở khai thác bia rượu, phê duyệt dự án kiếm tiền từ cho thuê đất, bán tài nguyên và xổ số nên cho đến hết năm ngoái, 80% tỉnh, thành phố ở Việt Nam vẫn không cân đối được thu-chi, phải ngửa tay nhận trợ cấp từ trung ương. Trong đó có cả Ðà Nẵng – thành phố lớn thứ ba ở Việt Nam, nơi hệ thống chính quyền được xem là có năng lực hơn những chỗ khác.
Năm ngoái, tổng thu của Ðà Nẵng chỉ được 11,661 tỉ đồng – thua xa khoản tiền mà Tổng Công Ty Rượu-Bia-Nước Giải Khát Sài Gòn (SABECO) nộp cho ngân sách (13,000 tỉ đồng). Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu Ðà Nẵng tiếp tục bán đất để lấy tiền xây cầu, làm đường, dựng cao ốc,… thì chỉ ít năm nữa sẽ chẳng còn gì để bán.
Cũng cần lưu ý là so với “đảng bộ, chính quyền, hội đồng nhân dân” các tỉnh thì Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN, chính phủ, Quốc Hội không sáng suốt hơn, không may là họ lại không có cấp “trên trung ương” để xin hỗ trợ nên họ đành vay khắp nơi ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam.
Năm ngoái, tổng nợ của chính quyền Việt Nam là 2,607,960 tỉ đồng. Do nguồn thu không đủ để chi tiêu nên nếu may mắn thì năm nay, chính quyền Việt Nam sẽ chỉ vay thêm gần 400,000 tỉ đồng nữa, nâng tổng nợ của Việt Nam lên mức chừng ba triệu tỉ đồng. (G.Ð)

Thuy Truong

Con yêu

Bố vẫn nói với con gái, bố không tin vào cái nền giáo dục này, vì nó chỉ dạy con trẻ những điều dối trá. Với mục đích là "ngu dân để trị" nên một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, trường lớp sẽ chỉ đào tạo ra một lớp người mà có lẽ phần lớn trong đó, từ "ngợm" cũng sẽ không lột tả được đầy đủ.
Nhưng vì trót sinh con ra ở nơi đây, bố biết vậy nhưng cũng không thể để cho con thất học được. Khi con đi học, bố không cho con đi học thêm một buổi nào, không bao giờ đến nhà giáo viên của con và thậm chí thường xuyên đến trường xin cho con không phải ... đi thi học sinh giỏi. Bố chỉ khuyến khích con học hỏi về kỹ năng sống và tiếng Anh để sau này khi đi học nghề nghiệp cho đời mình, con sẽ bứt được ra khỏi cái nền giáo dục này, một thứ mà bố chưa tìm được từ để tả về nó.
Con đúng là con của bố, con đã học hết các cấp phổ thông một cách êm ả, cho dù con thường xuyên bị thầy cô giáo ghét vì thái độ của bố. Mười hai năm tuổi niên thiếu của con đã trôi qua và giờ đây, con lại bắt đầu chuẩn bị hành trang cho một chuyến du học nơi đất khách quê người. Một chuyến đi mang theo cả nỗi âu lo và niềm tự hào của bố.
Có lẽ giờ đây con cũng đã hiểu, tại sao bố lại dạy con như thế. Bố luôn tin rằng với những gì con cảm nhận được, con sẽ có những bước đi vững chãi, đi bằng đôi chân của mình để đến được những nơi mà con muốn đến.
Yêu con !.

Nghịch lý phụ nữ Việt Nam

Họ, một mặt, 
- Đòi được nam giới tôn trọng, mặt khác, họ luôn muốn được nhận quà đắt đỏ từ đàn ông và đi ăn với đàn ông không bao giờ trả tiền.
- Muốn hưởng tài sản từ cha mẹ đồng đều như anh em trai mình, mặt khác, họ luôn dành phần tài sản lớn hơn cho con trai.
- Phiền trách cha mẹ thương anh em trai của mình hơn, mặt khác, họ vui mừng hơn khi chào đón một đứa con trai ra đời.
- Tủi thân vì không được tôn trọng như anh em trai trong gia đình, mặt khác, họ không coi viêc phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của mình.
- Đòi nam nữ bình quyền, mặt khác, họ khinh rẻ và gay gắt với phụ nữ hơn với nam giới trong gia đình và trong các mối quan hệ xung quanh.
- Đau khổ vì không được chồng tôn trọng, mặt khác, họ không tự tin với cuộc sống độc lập hoặc không dám suy nghĩ và hành động độc lập với chồng.
- Công kích quyền gia trưởng của cha hoặc chồng, mặt khác, họ không đủ năng lực để ra quyết định trong cuộc sống gia đình.

P.S: Mình là một feminist nha.
Huỳnh Thục Vy

Get paid to share your links!