Wednesday, June 22, 2016

Sân bay Nội Bài bị chiếu laze uy hiếp an toàn bay


Máy bay bị chiếu tia laze khi cất hạ cánh rất nguy hiểmẢNH MINH HỌA L.QUÂN

Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia vừa đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sử dụng đèn chiếu laze vào tàu bay, uy hiếp an toàn hoạt động bay tại Nội Bài.
Theo báo cáo, thời gian qua khu vực lân cận Cảng hàng không quốc tế Nội Bài liên tiếp xảy ra hiện tượng sử dụng đèn chiếu tia laze vào tàu bay, uy hiếp nghiêm trọng hoạt động an toàn bay hàng không.
Cụ thể, hồi 19 giờ 40 phút ngày 2.6, khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện một số chuyến bay quân sự, Trung đoàn 921 phát hiện có hiện tượng sử dụng đèn chiếu tia laze tại khu vực xã Mai Đình, phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ngay sau đó, Cảng hàng không đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra khu vực này, nhưng không phát hiện đối tượng sử dụng.
Vào 22 giờ 4 phút ngày 11.6, tổ bay VN7168, chặng bay Đà Nẵng - Hà Nội đang thực hiện hành trình từ Đông sang Tây để tiếp cận hạ cánh phát hiện có đèn chiếu tia laze hướng 280 độ về phía Tây, cách Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khoảng 40 km. Một chuyến bay khác mang số hiệu VN 1554 từ Cam Ranh -Hà Nội lúc 21 giờ 50 phút ngày 12.6 khi đang tiếp cận hạ cánh phát hiện tại vị trí khoảng 5 - 6 km, cách đầu đường cất hạ cánh 11R (từ phía bên phải trục đường cất hạ cánh 11R khoảng 300 m, lúc tàu bay đang ở độ cao khoảng 365,76 m) có hiện tượng đèn laze màu xanh chiếu lên buồng lái.
Mới đây nhất, lúc 20 giờ 39 phút ngày 14.6, tổ bay VJ174, chặng bay thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội phát hiện có đèn laze màu xanh chiếu vào tàu bay vị trí hướng 265 độ, cách Đài chỉ huy Nội Bài khoảng 27 km về phía Tây.
Theo Ủy ban An ninh hàng không dân dụng, việc chiếu tia laze vào tàu bay khi đang cất hoặc hạ cánh trên tuy chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có thể gây tổn thương mắt phi công, làm mất phương hướng, mất quyền kiểm soát tạm thời tàu bay, uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không dân dụng, vi phạm các quy định của quốc tế và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
Ủy ban này cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố thành phố Hà Nội yêu cầu công an địa phương khẩn trương tổ chức nắm tình hình, rà soát các điểm cao trên địa bàn nơi các đối tượng có thể lợi dụng để chiếu đèn tia laze vào khu vực sân bay, tàu bay khi tàu bay cất/hạ cánh. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phối hợp với các địa phương có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn hành vi sử dụng đèn chiếu tia laze.
theo Thanh Niên online Mai Hà

LÃNH ĐẠO NHƯ.....

Lãnh đạo Cộng sản nói chung từ lớn đến nhỏ từ già đến trẻ,...chúng có thể khác nhau về giớ tính, khác nhau về chức vụ, cấp bậc... nhưng nhìn chung chúng đều có một số đặc điểm chung là: chúng vô trách nhiệm; chúng coi mạng người như cỏ với rác; đặc biệt là khi xảy ra chuyện, chúng không bao giờ nhận trách nhiệm mà chúng gây ra. Ngược lại, chúng luôn lấy lí do này lí do nọ để trốn tránh trách nhiệm. Ngành y luôn đòi hỏi những người không những có tài mà còn phải có đức đi đôi, nhưng nghe ông lãnh đạo bệnh viện này phát biểu, không biết trong tương lai sẽ có bao nhiêu mạng người bị chết trong cái bệnh viện ông ta quản lí nữa đây? sau đây là bài báo được đăng trên Tuổi trẻ online

Sao chưa tư vấn đã chích thuốc bỏ thai?


TTO – Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi đọc thông tin một thai phụ không được bác sĩ thông báo, tư vấn về việc bỏ thai chết lưu sau khi siêu âm. Sau khi y tá tiêm thuốc chị mới biết đó là thuốc bỏ thai.
Lãnh đạo bệnh viện cho biết y tá tiêm thuốc cho thai phụ là người đang học việc và không biết y tá đó tên gì.
Bệnh viện cũng khẳng định các bác sĩ, y tá đều xử lý không sai. Vấn đề sai sót khi không đưa bệnh nhân đi siêu âm bằng xe đẩy và chưa tư vấn cho bệnh nhân và người nhà đã được lãnh đạo bệnh viện họp và kiểm điểm kíp trực.
Nên tư vấn cho bệnh nhân và người nhà
TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các thai phụ, cho biết bà không đánh giá về mặt chuyên môn nhưng về quản lý có những điểm chưa thật sự hợp lý trong trường hợp này.
Theo TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy, vấn đề tư vấn cho bệnh nhân và người nhà rất quan trọng bởi tất cả những can thiệp như uống, tiêm, đặt, truyền dịch… đều xâm hại đến cơ thể bệnh nhân.
Khi bác sĩ tư vấn và nhận được sự đồng ý của bệnh nhân thì mới được thực hiện. Theo BS Huỳnh Thị Thu Thủy, bỏ qua khâu tư vấn là một sai sót lớn.
Quan điểm của BS Lê Quang Hào (Viện Dinh dưỡng quốc gia) là việc bỏ thai là một quyết định rất lớn đối với thai phụ và người nhà. Do đó, phải hỏi ý kiến và thảo luận cụ thể cùng với thai phụ và người nhà trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có quyền biết được tình trạng của mình, của thai nhi như thế nào. Khi người mẹ và người nhà bệnh nhân chưa biết tình trạng thai nhi thế nào mà y tá đã đến tiêm thuốc bỏ thai là không đúng quy trình.
Đồng tình với quan điểm này, BS Phạm Quý Trọng (ĐH Y dược TP.HCM) cũng cho rằng dù biết thai chết lưu nhưng bác sĩ vẫn nên thông báo, tư vấn và hỏi ý kiến bệnh nhân trước khi tiến hành những động tác điều trị khác.
“Những thủ thuật xâm lấn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh đều phải có sự đồng ý của bệnh nhân, người giám hộ hoặc người nhà bệnh nhân trước khi bác sĩ tiến hành, trừ khi đó là trường hợp cấp cứu và bệnh nhân không tự xét đoán được”, BS Phạm Quý Trọng nói.
BS Huỳnh Thị Thu Thủy phân tích cụ thể trong trường hợp quá nguy cấp như bệnh nhân ra huyết ồ ạt, nguy hiểm đến tính mạng thì các bác sĩ có thể xử lý nhanh chóng để cứu bệnh nhân.
“Còn nếu bệnh nhân không rơi vào tình trạng cấp cứu, vẫn còn tỉnh táo thì nhiệm vụ bác sĩ là phải thông báo tình trạng thai nhi thế nào, đưa ra những tư vấn về phương pháp điều trị và bệnh nhân có quyền lựa chọn của mình. Đây là khâu không thể thiếu trong quá trình xử lý”, BS Huỳnh Thị Thu Thủy chia sẻ.
Mặt khác, BS Huỳnh Thị Thu Thủy cho rằng khi phân công người chích thuốc phải biết rõ đó là ai và trách nhiệm thế nào vì bất kể loại thuốc nào cũng có thể gây sốc, dị ứng… lên bệnh nhân.
Bệnh nhân rất cần bác sĩ nói chuyện
Từ kinh nghiệm của mình, TS.BS Huỳnh Thị Thu Thủy cho rằng lời nói của bác sĩ với bệnh nhân và người nhà là vô cùng cần thiết. Những lời bác sĩ nói thường được bệnh nhân lắng nghe rất chú tâm như thể “nuốt từng câu từng chữ”.
“Khi thăm khám, chỉ cần một vài câu nói của bác sĩ cũng có thể giúp bệnh nhân an tâm phần nào. Ngược lại, bệnh nhân sẽ có sự thắc mắc, lo lắng. Một vài phút thông báo tình trạng bệnh, trò chuyện, tư vấn, an ủi hoặc chia sẻ… là những liệu pháp tinh thần tốt cho cả bệnh nhân và người nhà, bên cạnh việc chữa trị bằng chuyên môn thuốc thang”, BS Huỳnh Thị Thu Thủy nói.
Theo BS Lê Quang Hào, bác sĩ phải tôn trọng bệnh nhân và xem họ “còn hơn thượng đế” khi thăm khám, trò chuyện và tư vấn bởi mỗi bệnh nhân là một hoàn cảnh, một nỗi niềm riêng và họ đặt niềm tin rất lớn vào bác sĩ điều trị cho mình.
BS Phạm Quý Trọng đánh giá việc trò chuyện, tư vấn, hỏi ý kiến bệnh nhân và người nhà của họ là việc phải làm để đảm bảo ý nghĩa về mặt nghề nghiệp, y đức và cả luật pháp.
“Về mặt nghề nghiệp, những tác động lên người bệnh nhân đều phải trong tình trạng thoải mái và có sự ưng thuận. Về mặt luật pháp, trước khi bác sĩ thực hiện thủ thuật, cần phải có chữ ký đồng ý từ phía bệnh nhân hoặc gia đình bệnh nhân. Có khi về chuyên môn anh không sai nhưng cũng không có nghĩa anh đúng về quy trình làm việc”, BS Phạm Quý Trọng phân tích cụ thể.
http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20160622/sao-chua-tu-van-da-chich-thuoc-bo-thai/1121722.html

TL.

Công ty của con giám đốc sở làm giả hồ sơ

TTO - Công ty do ông Trương Đăng Vũ Thụy, con trai ông Trương Đăng Tuyến - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa đã làm giả nhiều hồ sơ về du lịch.
Ngày 21-6, ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - đã ký quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế đã cấp cho Công ty TNHH thương mại và du lịch Silent Bay (gọi tắt là Silent Bay, trụ sở tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do có nhiều vi phạm.
Đây là công ty do ông Trương Đăng Vũ Thụy, con trai ông Trương Đăng Tuyến - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Khánh Hòa (vừa nghỉ hưu tháng 4-2016), làm giám đốc (Tuổi Trẻ ngày 14-6).
Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết các sai phạm của Silent Bay là: sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; sử dụng người nước ngoài làm việc tại công ty không tuân thủ những quy định của pháp luật; không thực hiện chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định; không làm thủ tục đổi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế khi thay đổi người đại diện theo pháp luật; không cung cấp được xác nhận kinh nghiệm của người điều hành...
Trước đó vào tháng 2-2016, ông Wang Tao - phó tổng giám đốc Công ty du lịch quốc tế Chengdu (Trung Quốc) - có đơn gửi Bộ Công an và UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ can thiệp việc người của Silent Bay đòi tiền “bảo kê” 500.000 USD trong một hợp đồng đưa 300.000 khách Trung Quốc đến Nha Trang trong năm 2016, trong đó Silent Bay đảm bảo cung cấp chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thủ tục tạm trú hợp pháp, an toàn cho đội ngũ hơn 90 hướng dẫn viên và nhân viên người Trung Quốc.
Liên quan đến vụ việc này, thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo UBND tỉnh gấp rút kiểm tra hoạt động của Silent Bay, đồng thời xem xét ông Trương Đăng Tuyến có vi phạm Luật phòng chống tham nhũng hay không trong việc để vợ và con trai góp vốn, điều hành công ty trên khi ông còn là giám đốc sở.
theo Tuổi Trẻ  online, DUY THANH

TQ dọa rút khỏi Công ước Luật biển nếu có phán quyết bất lợi về Biển Đông

Ảnh tư liệu: Tàu tuần duyên Trung Quốc rượt đuổi một tàu Việt Nam (không có trong hình) ngoài khơi Biển Đông.
Các nguồn tin ngoại giao hôm 20/6 cho hay Trung Quốc đã nói với các nước châu Á rằng nước này có thể rút khỏi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển để đáp trả nếu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đi ngược lại quan điểm của Trung Quốc. Dự kiến tòa sẽ đưa ra phán quyết trong vài tuần tới.
Trong khi đó, cũng hôm 20/6, Thủ tướng Campuchia Hunsen nói nước này sẽ không ủng hộ bất cứ phán quyết nào của Tòa Trọng tài ở La Haye về việc Philippines khiếu nại các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Hunsen phát biểu như vậy tại một lễ tốt nghiệp ở Phnom Penh. Đây là lần đầu tiên ông đứng về phía Trung Quốc một cách rõ ràng về vấn đề này, cho dù lâu nay Campuchia vẫn được coi là thân Trung Quốc.
Trước đó, có tin Tổng thống đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte nói sẽ không có đối thoại song phương giữa Philippines và Trung Quốc trong vòng hai năm tới về tranh chấp ở Biển Đông. Tin này được cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói với báo chí hôm 17/6.
Trong vụ kiện của Philippines, Trung Quốc quan tâm nhiều nhất đến phán quyết về việc áp dụng đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc dùng để phân giới một cách mập mờ và đòi chủ quyền đối với hầu hết vùng biển có tranh chấp.
Philippines đã nộp đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye vào năm 2013 để bác bỏ giá trị của đường phân giới này.
Theo các nguồn tin, Trung Quốc cho rằng kết quả tệ hại nhất sẽ là việc tòa căn cứ vào Công ước về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để phán quyết rằng tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với Biển Đông là không có cơ sở pháp lý quốc tế và bác bỏ giá trị của đường lưỡi bò. Trung Quốc đã nói với các nhà ngoại giao của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á rằng nước này không loại trừ khả năng rút khỏi công ước nếu điều đó xảy ra.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết sẽ không có lợi cho Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Vùng biển này là nơi có nhiều tranh chấp giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS năm 1996. Lâu nay nước này vẫn nói sẽ không chấp nhận hay tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa trọng tài, đồng thời khẳng định tòa không có thẩm quyền về vụ việc.
Ngược lại, hành động khiếu nại của Philippines được nhiều nước hậu thuẫn, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Việt Nam không công khai ủng hộ song nêu quan điểm rằng Việt Nam quan tâm đến vụ khiếu nại và đề nghị tòa lưu ý đến những quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam.
Mặc dù vụ khiếu nại được nhiều bên quan tâm, song có một thực tế là Tòa Trọng tài ở La Haye không phân xử về những tuyên bố chủ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông mà chỉ phân xử về các quyền hải dương gắn với các tuyên bố đó.
Các chuyên gia cho rằng tòa có thể tuyên bố đường lưỡi bò không có hiệu lực pháp lý hoặc chất vấn về nó theo những cách thức buộc Trung Quốc phải làm rõ cơ sở pháp lý, điều mà Trung Quốc vẫn né tránh. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng tòa có thể sẽ phán quyết rằng một số đảo nhân tạo do Trung Quốc xây không có quyền đòi có lãnh hải xung quanh.
Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền buộc thực thi các phán quyết. Nhưng nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Trung Quốc có nguy cơ bị tổn hại về uy tín và bị xa lánh trong khu vực nếu họ bỏ ngoài tai phán quyết của tòa và tiếp tục đòi chủ quyền.
Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, nước này có thể tìm cách trừng phạt Philippines, như áp dụng những biện pháp không chính thức để hạn chế khách du lịch hoặc hàng hóa nhập khẩu.
Nguy cơ lớn nhất là Trung Quốc phản ứng mạnh đối với một phán quyết bất lợi và quyết định leo thang những tham vọng quân sự của họ ở Biển Đông bằng cách tuyên bố quyền kiểm soát bầu trời trong vùng hoặc tìm cách xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough mà Philippines đã đòi chủ quyền.
Để đề phòng những phản ứng hung hăng hơn của Trung Quốc, Mỹ đã đưa nhiều thiết bị quân sự đến khu vực, bao gồm các việc tàu sân bay và chiến đấu cơ ghé thăm Philippines. Thông điệp gửi đi là bất cứ động thái gì của Bắc Kinh trên bãi cạn Scarborough cũng sẽ gặp sự đáp trả đáng kể của Mỹ.
Theo VOA, Japantimes.co.jp, Ft.com, Thestar.com, Asia.nikkei.com

Người dân trong chế độ chủ nghĩa xã hội

Mảnh vỡ rúm ró, và biến dạng của chiếc máy bay tuần thám CASA 212 8983 của cảnh sát biển Việt Nam.

Vụ 2 máy bay SU-30MK2 và CASA 212 bị rơi cũng như cái chết của anh Trần Quang Khải và 9 người lính vẫn còn đang mất tích trên những chuyến bay đó khiến cả nước bàng hoàng. Rất nhiều người đã gọi sự ra đi của những người lính không quân này là một “sự hy sinh” dù chưa hề biết nguyên nhân tại sao máy bay rơi, như một sự ám chỉ về một cuộc chiến mơ hồ đang diễn ra ngoài biển khơi.
Từ xưa đến nay, hình tượng người lính trong chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng rất đẹp đẽ. Đài VTV có hẳn một chương trình Chúng tôi là chiến sĩ được tổ chức và lên sóng hàng tuần để khán giả được gặp gỡ và tiếp xúc với những người lính đang vất vả ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, các các bộ cấp cao nhà nước, các cơ quan báo chí đã qua kiểm duyệt được phép ra quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thăm viếng lính biển đảo như một niềm vinh dự lớn lao. “Người chiến sĩ công an”, “anh bộ đội cụ Hồ” cao cả đến mức trở thành ước mơ tuổi nhỏ của bất cứ đứa trẻ Việt Nam nào. Và cái chết của các anh, cũng đẹp và đáng trọng hơn người khác. Ngày 21/06, ngày nhà báo Việt Nam, một nhà báo đã chính thức bị tước mất thẻ nhà báo và đình chỉ chức vụ, chỉ vì lỡ sử dụng từ “tan xác” để miêu tả chiếc máy bay CASA, bị cho rằng quá tàn nhẫn và phản cảm trong không khí “quốc tang.”
Những người lính, người chiến sĩ không quân, hải quân kia, họ đáng thương hay đáng trách khi mà trong những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, tôi không thấy bóng dáng một cuộc tập trung đội quân nào? Khi mà trong những năm gần đây, hơn 4000 tàu cá bị đâm, 2000 ngư dân Việt đã thương vong, trong đó có những người bị chết khi đang đánh cá ngoài khơi, chiếc “tàu lạ” chỉ cách đất liền 500 hải lý giết chết các ngư dân đó chưa bao giờ được tìm hiểu, và cũng không còn được nhắc đến nữa? Cá chết trắng bờ, ngư dân vẫn hoang mang ròng rã hàng tháng trời, có những người buộc phải rời bỏ biển khơi để kiếm sống.
Việt Nam tự hào là quốc gia của biển cả, của tôm cá. Cứ đến mùa du lịch, hàng chục ngàn lượt khách từ các nước phát triển đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển xanh sóng vỗ và thưởng thức hải sản đánh bắt tươi ngon ngay bờ. Nhưng buồn thay không chỉ cá, mà chính người dân đã và đang chết ngay trên vùng biển của đất nước, bằng cách này hay cách khác. Ta đọc tin tức về những người lính hy sinh trong thời bình, trên mặt biển của Tổ quốc nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi, rằng họ đang “hy sinh” vì ai, và vì điều gì vậy? Nếu sự ra đi của họ là có ý nghĩa, thì cái chết của biết bao người dân nơi biển cả mênh mang là vô nghĩa hay chăng?
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nghi vấn đã được đặt ra về nguyên nhân khiến 2 chiếc máy bay rơi xuống biển đến từ phía quân đội Trung Quốc, quốc gia đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam tại biển Đông. Từ sự kiện đặt giàn khoan 981 đến việc đất nước láng giềng quân sự hóa, đưa máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa, động thái từ phía lãnh đạo Việt Nam là sự im lặng nhún nhường. Dẫu đúng hay sai, những nghi vấn đó thỏa mãn “quyền được biết” của công dân đang sinh sống trên một đất nước có chủ quyền. Vì cớ gì, mà tất cả người dân đất Việt buộc phải nhỏ những giọt nước mắt thương cảm cho “sự hy sinh” không rõ đầu cuối của những người lính quân đội của nhân dân “trung với Đảng”?
Tháng 5/2016, sau sự kiện cá chết Formosa, cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam) quyết định phạt 140 triệu đồng vì bài viết “Nhân dân mãi mãi là người đến sau” của nhạc sĩ Tuấn Khanh được đăng tải trongNông Thôn Ngày Nay, Câu chuyện “Lời than thở của các loài cá” trên báoThế Giới Tiếp Thị cũng ngay lập tức bị xóa bỏ trên blog cá nhân của nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong đó ông viết: “Nhân dân mãi mãi là người đến sau. Và đến chỉ để nhận biết sự thiệt hại hay tai ương đang rót xuống đầu mình, xuống gia đình mình […] Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác.”
Theo Blog "Trong Lòng Hà Nội"

Trung Quốc mở tuyến tàu du lịch ra Biển Đông

Một bản sao quy mô thu nhỏ một tàu chở hàng của hãng tàu COSCO tại trụ sở chính của công ty ở Bắc Kinh.

Báo chí Trung Quốc đưa tin hôm 21/6 rằng hãng tàu COSCO của nhà nước sẽ khai trương các chuyến tàu du lịch tới Biển Đông vào tháng sau, trong đó tuyến đầu tiên là từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam ra quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974 sau một trận hải chiến với Việt Nam Cộng Hòa.
Việt Nam và Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa. Trung Quốc gọi quần đảo này là Tây Sa.
Trong một tuyên bố gửi đến hãng tin Reuters, hãng COSCO nói việc phát triển các dịch vụ du lịch ở Biển Đông là một phần trong chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc cũng như là trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc đòi chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông. Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines,và Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với một số phần của vùng biển.
COSCO cho hay sau khi khai trương tuyến đường đến Hoàng Sa, hãng sẽ phát triển các tuyến khác ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, rồi dần dần mở rộng thành các tuyến du lịch quốc tế. Hãng cho hay đây là nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia đầu tiên của Trung Quốc về tàu du lịch biển.
Tin cho hay chiếc tàu phục vụ du lịch hiện nay của COSCO đủ chỗ cho 400 khách. Họ phải là công dân Trung Hoa lục địa và chưa bao giờ có hành động chống chính quyền. Giá vé từ vài trăm đôla cho giường tầng cho đến hàng ngàn đôla cho phòng riêng loại tốt nhất.
Cho đến cuối ngày 21/6, không có tin tức về phản ứng của Việt Nam về việc mở tuyến du lịch kể trên.
Theo VOA, Reuters, Straitstimes, Ft.com

THẤY GÌ QUA HAI VỤ MÁY BAY RƠI?

Đội cứu hộ Việt Nam đã tìm thấy một số mảnh vỡ thuộc về chiếc máy bay tuần thám CASA 212 dùng để tìm kiếm chiến đấu cơ mang số hiệu SU30-MK2 bị rơi hôm 14 tháng 6.
Chuyện đến lúc này mới nói có vẻ như hơi muộn. Nhưng đến thời điểm bây giờ mới có thể nhìn bao quát được trong chừng mực nào đó về vụ hai chiếc máy bay (SU-30 MK2 và CASA 212) cùng với một người tử nạn và chín người mất tích. Có những câu hỏi đặt ra lúc này: Máy bay của quân đội Việt Nam bị bắn? Hệ thống kĩ thuật của hai chiếc máy bay này có vấn đề? Đâu là hướng điều tra?
Ở câu hỏi thứ nhất, máy bay quân đội Việt Nam bị bắn? Một phần xác của chiếc CASA 212 cho thấy rằng không phải tự nhiên mà nó rơi tan tành từng mảnh, giày nổi trôi, áo phao lênh đênh và vụn vỡ, không tìm thấy người như hiện tại. Nếu bị bắn thì ai bắn? Chắc chắn rằng quân đội Mỹ, Phillipines, Ấn Độ, Brunei, Indonesia không thể bắn. Vì chiếc SU này không nằm trong vùng cấm bay của họ, chiếc CASA 212 cũng không nằm trong vùng cấm bay của họ. Nếu có một vụ bắn, khả năng do quân đội Trung Quốc bắn là rất cao.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng máy bay trục trặc kĩ thuật và tự phát nổ. Vấn đề trục trặc kĩ thuật, tự phát nổ có thể do hai nguyên nhân: bị rút ruột trong quá trình bảo trì, những linh kiện tốt đã bị rút đi để bán và thay vào đó là những linh kiện tương đương do một quốc gia không có uy tín hay chuyên môn trong sản xuất những linh kiện này nhưng lại có khả năng làm hàng nhái?! Và cũng không loại trừ khả năng thứ hai là đã có gián điệp cài cắm trong các khu quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong các đội bảo trì quân khí cụ của quân đội Việt Nam. Bởi hiện tại, những quyết định mờ ám của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dành cho người Trung Quốc cũng như tính ngang ngược của họ trước toàn thể quốc dân Việt Nam cũng cho thấy có một vấn đề gì đó hết sức không bình thường trong quan hệ Việt – Trung.
Và nếu như không có gián điệp Trung Quốc cài cắm trong bộ phận bảo trì cũng như quân đội Việt Nam thì ngay cả thói quen rút ruột công trình, rút ruột linh kiện khí tài, tham nhũng và gian lận trong tài chính của giới quan chức quân đội cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệ rạc của hệ thống khí tài Việt Nam mặc dù nó được mua với giá hàng triệu, hàng tỉ đô la nhưng công năng của nó có khi chỉ là một con số rất nhỏ bởi nó đã bị rút ruột, tráo đổi quá nhiều trong quá trình nhập cảng và bảo trì. Khả năng này cũng không thấp bởi thứ văn hóa rút ruột vô tội vạ của hầu hết quan chức từ quân đội đến công an cũng như hành chính, giáo dục, y tế… tại Việt Nam hiện nay.
Ngay cả khẩu phần ăn của bộ đội cũng bị rút ruột đến mức đáng sợ. Tiêu chuẩn mỗi ngày ăn của người lính bộ đội hiện nay có chỉ số trung bình là 84 ngàn đồng, bên cạnh đó có thêm phần tự sản xuất để tăng cường dinh dưỡng trong các đơn vị. Tuy nhiên, hầu hết các bộ đội đã giải ngũ đều có kinh nghiệm đau lòng về chuyện chén cơm trong quân đội. Những chuyện kể của họ luôn mang nỗi ám ảnh của đói và thèm ăn, nợ nần căng tin, đến khi ra quân thì khoản tiền nhà nước trả lương bộ đội suốt ba năm trời không đủ trả nợ, phải xin thêm tiền gia đình. Và hầu hết các chuyện kể đều cho thấy bữa cơm của bộ đội Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi “canh toàn quốc và nước mắm đại dương”. Nghĩa là không có gì trong bữa ăn ngoài một bát canh lỏng, lèo tèo vài cọng rau và một bát cá thừa nước thiếu cái.
000_BV1W9-622.jpg
Máy bay Sukhoi Su-30MK2 của không quân Việt Nam tại sân bay quân sự Biên Hòa, Đồng Nai hôm 21/10/2015.
Đáng sợ nhất là chuyện của một cậu lính phòng không, đang tại ngũ kể cho tôi nghe
“Ngày 30 tháng Tư năm nay, nghe nói đơn vị cháu được cho 10 triệu đồng để ăn lễ, cả đơn vị gần hai trăm bốn chục lính và chỉ huy, tính ra mỗi đứa cũng được hơn trăm ngàn đồng, nghe mừng lắm. Vì nếu mang tiền đó đi mua lợn về mổ thịt và nhà lính tự nấu ăn thì chơi vô tư. Thế mà các chỉ huy cho mua hai chục con vịt xiêm về làm thịt, đánh tiết canh. Mấy phần nạc dành cho cấp trên, tụi cháu chỉ được ăn xương xẩu, đầu cánh cổ, cháo và một ít tiết canh… Biết là mình bị ăn chặn rồi đó nhưng không dám nói!”
Thử hỏi, với cái đà ăn chặn một cách lộ liễu và trơ trẽn như các cấp chỉ huy quân đội Việt Nam hiện tại, với đà tham nhũng và rút ruột như hiện tại thì sức mạnh quân đội Việt Nam liệu có còn? Hơn nữa liệu người lính bộ đội có còn đủ dũng khí, sức mạnh để mà chiến đấu? Một quân đội mà lính tráng thì gầy nhom, thiếu ăn, chỉ huy thì bụng mỡ, bước đi núc ních như mang theo hủ hèm như vậy thì sức mạnh nằm ở đâu?
Đó là chưa muốn nói đến hệ thống khí tài Việt Nam là một thuộc hệ kĩ thuật Liên Xô và xã hội chủ nghĩa. Nó vẫn còn khá lạc hậu và lạc điệu so vối hệ thống khí tài của Mỹ. Nếu bây giờ Việt Nam mua một hệ thống khí tài hiện đại từ Mỹ, phải tốn ít nhất cũng ba đến năm năm mà làm quen, tập dượt và bảo trì. Trong tình hình hiện tại, khi mà kẻ thù lăm le bờ cõi, thời gian từ ba đến năm năm là khoản thời gian đủ dài để kẻ thù xâm chiếm, án cứ và cát cứ. Cơ hội đánh bại kẻ thù là không có.
Và có một câu hỏi nữa: Tại sao đường bay Hà Nội – Sài Gòn phải đổi tuyến, không bay ra biển Đông kể từ khi hai máy bay của quân đội bị mất tích? Phải chăng quân đội Trung Quốc đã chính thức cát cứ vùng trời Việt Nam và bay trong đất liền là thái độ lựa chọn của kẻ thua cuộc, mà cũng có thể là kẻ đã chấp nhận kết quả mua bán của mình?
Nếu thật sự có được một cuộc điều tra về vụ rơi và mất tích hai chiếc máy bay của quân đội trong tuần qua trên biển Đông, ngay trong vùng biển Việt Nam, thì việc điều tra này phải được tiến hành trên diện rộng, từ vấn nạn tham nhũng, hối lộ của giới chóp bu Cộng sản cho đến các chỉ huy cấp cao của quân đội và các nhân viên bảo trì máy bay. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra cả lịch trình và giờ bay thực của các phi công quân đội. Bởi riêng chuyện của phi công Khải, với 3000 giờ bay, kinh nghiệm thuộc vào hàng sư sãi nhưng lại bị chết trong tình trạng dù quấn lấy người là chuyện hết sức bất thường! Bởi cái chết đã phạm vào những lỗi rất cơ bản của một phi công theo phân tích của giới chuyên môn.
Và thực sự, cái chết cũng như sự mất tích của mười người trong không quân Việt Nam trong tuần qua cũng cho thấy sự yếu kém không thể tha thứ được của không quân Việt Nam cũng như quân đội Việt Nam. Đó là chưa muốn nói đến một câu hỏi khác: Vì sao Việt Nam từ chối Mỹ giúp đỡ tìm kiếm các máy bay mất tích? Vì sao trước đó họ cũng từ chối Mỹ giúp đỡ điều tra vụ cá chết ở bờ biển miền Trung?
Trong khi đó, họ lại rước vào biển Việt Nam 4 tàu hải quân, hai tàu tìm kiếm cứu nạn và hai tàu hải cảnh của Trung Quốc cùng với hai máy bay quân sự? Nguyễn Chí Vịnh thì tuyên bố:
“Mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không có gì thay đổi, vẫn tin tưởng nhau, vẫn anh em…”
Rõ ràng, sau vụ cá chết và máy bay tử nạn, có vẻ như những gương mặt bán nước dần lộ diện và họ cũng tự phơi bày bản chất của họ một cách thách thức, trơ tráo, coi thường nhân dân, thậm chí là xem nhân dân như một bầy cừu trong đòn roi bạo lực của họ! Thật đáng buồn!
Theo Blogger Viết Từ Sài Gòn

Get paid to share your links!