Wednesday, January 4, 2017

Say Kho'i: "Bức xúc quá nên hơi lớn tiếng và có những lời lẽ không được hay. Kính mong cả nhà thông cảm bỏ qua."

Nguồn FB Say Kho'i

Chết bởi công an - Im hay nói?

Trước vụ việc chị Nguyễn Thị Thắm - một nhân chứng quay clip và đưa lên Facebook việc công an đánh chết nạn nhân Phạm Đình Toàn tại Bình Định vào ngày 3/1/2017 - sau đó bị công an ép buộc phải phủ nhận đoạn phim đó và rút xuống;

Hay trước việc một thanh niên (không nói tên) bị 4 CSCĐ đánh ngay trên đường phố Cần Thơ ngày 1/1/2017, đã nhờ bạn đưa hình ảnh còn đầy máu me trên tay, trên mặt lên Facebook;
Nhiều người trong chúng ta không khỏi tự hỏi: 
- Làm lớn chuyện như thế có thay đổi được gì không?
- Hay chỉ tổ rước họa vào thân? Nhất là lại chuyện của người khác chứ đâu phải mình là nạn nhân.
- Tóm lại, làm như thế lợi hay hại?

Lợi lắm chứ!
1- Cái lợi đầu tiên tại chỗ là khi nhiều người chung quanh thấy và hô hoán lập tức, thì thường công an dừng ngay bàn tay bạo hành. Đơn giản là vì chúng biết tiếng la hét của dân đồng nghĩa với nhiều máy điện thoại đang nhảy vào thu hình.
2- Cái lợi kế tiếp khi công bố các bằng chứng bạo hành là trả lại phần nào công lý cho các nạn nhân bị oan ức. Công an thường bôi nhọ họ tối đa sau khi sự việc xảy ra để chạy tội. Cụ thể như trong vụ anh Toàn bị đánh chết tại Bình Định, điều mà phía công an khó chạy tội là hàng trăm nhân chứng đã ngửi mùi rượu nồng nặc của 2 công an viên bị giữ tại trận.
3- Sự lên tiếng mạnh mẽ, tiếp tay nhanh chóng của người chung quanh là sức mạnh quí báu cho gia đình nạn nhân. Nếu không có sự ủng hộ tinh thần đó, thì chưa chắc chú ruột của anh Toàn đã dám nói lên tất cả sự thật bất chấp sức ép rất lớn hiện nay của công an Bình Định. Ông trình bày chi tiết: “Công an đã đánh cháu tôi gục tại chỗ, sùi bọt mép, bạn bè thấy vậy đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn nhưng Toàn đã chết trên đường đi”. Và hoàn toàn không có chuyện công an đưa nạn nhân đi bệnh viện như đăng trên báo đài nhà nước.
Cũng từ sự lên tiếng của người thân, bà con khắp nơi mới biết để tìm đến giúp đỡ gia đình nạn nhân lo việc tang lễ và lo cách kiếm sống tương lai.
4- Hình ảnh thủ phạm trong vụ việc một khi được quảng bá rộng rãi cũng có tác động giảm bớt mức bạo hành trong tương lai. Lý do là các hình ảnh này sẽ lan đến làng xóm, khu phố quanh nơi các thủ phạm sinh sống. Nhiều người biết gia đình chúng đang sống ở đâu và đang nợ máu nhân dân cỡ nào. Chính sự lo ngại của gia đình sẽ làm chùn bớt bàn tay bạo hành của từng công an viên.
5- Các chứng cớ rõ ràng của người dân cũng góp phần lớn đánh thức những ai còn mơ ngủ dưới khẩu hiệu "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Khi công an bất kể các chứng cớ, cứ ngang nhiên đưa ra những lý lẽ cực vô lý để bao che cho các thủ phạm, người dân thấy rất rõ nhà nước này là "của ai và vì ai". Các tranh luận suông không thuyết phục hiệu quả bằng các kinh nghiệm sống loại này, vì cảnh bạo hành tương tự có thể xảy đến cho cả gia đình họ, ngay ngày mai.
6- Và xa hơn một chút, sự tiếp tay của người chung quanh các nạn nhân góp phần giữ lại tính nhân bản trong cả xã hội. Khi tính người đang bị giết dần qua hệ thống giáo dục và cai trị cộng sản, những hành động đầy tình người, dù lớn dù nhỏ, đều quí giá và có tác động không nhỏ lên người chung quanh.
Nếu đồng ý với những điểm trên, thì cụ thể chúng ta có thể làm gì? Người viết xin thử đưa ra vài đề nghị sau đây để ít là làm tốt hơn những việc chúng ta đang làm:
- Trước hết, không ai có quyền phê phán các anh chị em chấp nhận thụt lùi dưới áp suất của công an. Những lên tiếng lập tức của những anh chị em này khi sự việc xảy ra đã rất đáng quí và đáng phục rồi. Chúng ta chỉ có một việc là càng phải lên tiếng mạnh hơn nữa tố cáo công an đang nỗ lực bịt miệng nhân chứng; tán phát các bằng chứng đã có xa rộng hơn nữa; và ngỏ lời giúp các bạn có bằng chứng nhưng chưa dám tung ra.
- Tập thể cư dân mạng cần chung sức để kình với khối báo đảng, bằng cách tung đồng loạt các dữ kiện từ nhân chứng, từ thân nhân, và các bài vở vạch trần sự gian dối, bao che của công an.
- Và cũng cần kín đáo hơn trong cách chuyển cho nhau các chi tiết liên lạc, đặc biệt khi cần xin số điện thoại người thân hay nhân chứng để truyền thông lề dân, truyền thông quốc tế phỏng vấn. Thường thì công an cắt ngay các số điện thoại này hoặc kéo đến tận nhà uy hiếp.
Đây là lúc "tình đồng bào" cần sống thật qua hành động. Xin tiếp tục theo dõi và cùng quảng bá thật lớn, thật rộng các thủ thuật gian ác kế tiếp của công an trong 2 vụ việc nêu trên. Xin tiếp tục cảnh giác và cùng túa vào quay phim khi thấy công an bạo hành bất kỳ nơi đâu.
(Vũ Thạch)

TIẾNG KHÓC DÂN LÀNH

ảnh minh hoạ

Anh nằm bất động trên chiếc cáng, nơi nhà xác bệnh viện. Mặc cho người thân gào thét gọi tên, mặc cho cha anh khóc ngất bên mình anh cũng không trả lời. Lúc này, họ không cần anh nói nhiều, họ chỉ cần anh thở lên một hơi thở để họ khỏi lịm dần trong sự thật đau đớn. Nhưng người chết rồi thì làm sao có thể thở được nữa. Anh chết thật rồi, họ buộc phải tin vào điều đó.
Một cái chết tức tưởi và oan khiên, xác của anh rồi ngày mai sẽ không được toàn vẹn. Ngay cả khi chết rồi thì thân xác ấy cũng không được bình yên. Bởi, anh bị công an đánh chết, và điều đương nhiên là anh sẽ bị mổ xẻ cơ thể này ra để điều tra và kết luận, dù bao nhiêu con mắt chứng kiến rõ ràng những kẻ mặc áo công vụ kia đã đánh anh chết theo cách nào. Người thân anh sẽ phải chấp nhận sự thật ấy khi họ cần công lý cho anh.
Những hình ảnh ấy đã từng in rất sâu trong đầu óc tôi, những đường chỉ nối liền thịt da, những vết bầm máu và từng cơ quan nội tạng của bố mình qua hình ảnh khám nghiệm tử thi mà tôi được thấy. Vì vậy mà ngày hôm nay tôi thương cảm cho gia đình anh vô cùng. Họ cũng sẽ phải chịu đựng sự giằng xé nội tâm, sự đau đớn trong uất ức như tôi đã từng cảm thấy. Nhưng nếu những người ở lại không có can đảm đương đầu, thì anh sẽ ra đi một cách bất mình và oan uổng.
Người dân vùng quê ai cũng đều biết trò bầu cua quen thuộc. Anh chơi hay không cho đến lúc này không công quan trọng đâu. Anh đánh cược bầu cua bằng tiền thì anh đáng phải chết hay sao? Cả cái đất nước này, hàng triệu con người đang công khai cờ bạc trên sóng truyền hình mỗi ngày thì sao đây?
Coi như phá ổ bạc là công vụ thì không lẽ đánh dân cũng là công vụ? Điều nực cười là cho dù người dân có bị đánh chết dã man thế nào và cố gắng vật lộn đấu tranh cho công lý đến đâu thì hầu như tội danh cao nhất xưa nay mà những kẻ giết người lãnh nhận vẫn chỉ là "làm chết người trong khi thì hành công vụ".
Chắc chắn rằng anh và gia đình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là nạn nhân kế tiếp của công an. Buổi tối ngày 2/1/2017 là một buổi tối định mệnh chia lìa anh và gia đình. Anh Đặng Phạm Toàn đã bị 6 con người trong tổ tuần tra công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đánh hội đồng đến chết trước sự chứng kiến của người dân nơi đây.
Thế nhưng một lần nữa ngành công an lại cho chúng ta thấy rõ sự khốn nạn và trơ trẽn đến tột cùng, như vô số những vụ án trước đây, họ tuyên bố vô can và đòi xử những người dân đang bức xúc trước tội ác. Ông giám đốc công an Bình Định Nguyễn Bá Nhiên, ông phó giám đốc công an Bình Định Nguyễn An Ninh khẳng định với báo chí sẽ làm rõ những ai đã đánh 2 kẻ giết người mặc áo công vụ trong clip trên mạng ngày hôm nay. Họ nói không ai đánh anh cả, anh tự ngã chết đấy chứ! Họ đã thản nhiên chọc mù mắt người dân, những con người chứng kiến sự việc bằng quyền lực và sự vô sỉ.
Hôm qua là họ đánh chết người, hôm nay là họ điều tra, ngày mai là họ kết án.
Tôi là một người từng trải, trải cả về nỗi đau mất mát lẫn những bước đi tìm pháp lý khi người thân bị công an đánh chết. Tôi thực sự rất muốn đến tận nơi để chia sẻ với gia đình anh về những bước đi của mình để giành lấy thứ công lý nhơ nhuốc ở cơ chế này. Nó nhơ nhuốc nhưng ít ra tôi còn được chạm lên nó sau bao 3 năm tranh đấu, còn đỡ đau thương hơn biết bao hoàn cảnh chết trong u uất của oan khiên.
Nếu người nhà của các nạn nhân bị công an đánh chết đọc được bài này tôi xin mọi người hãy lắng nghe tôi. Hãy làm đơn mời Pháp Y Quân đội khám nghiệm cho người thân của mình, không để Pháp Y công an tiến hành khám nghiệm. Gia đình không ký vào đồng ý thì công an sẽ không có quyền tự khám nghiệm. Và lỡ đã ký rồi thì cũng có quyền yêu cầu khám nghiệm lại. Hãy vào tận nơi, hãy quay lại, hãy ghi âm tất cả. Hãy tìm cho mình ngay một luật sư có tâm trong lúc này để hướng dẫn đường đi, như luật sư Đôn người đã từng đứng lên bảo vệ một nạn nhân trước đây.
Hãy để xác người thân lại để họ có thể chứng kiến được giây phút sự thật về cái chết của họ được rõ ràng qua chứng nhận Pháp Y. Nếu muốn người nhà được nhắm mắt hãy lấy nước mắt rửa mặt mỗi ngày, nhắc nhở bản thân phải kiên cường lên để rồi một ngày khi có được Pháp Y sẽ tự tay ném nắm đất xuống nấm mồ lạnh lẽo.
Người dân không có quyền lực, nhưng có nước mắt. Nước mắt hoặc sẽ khiến chúng ta rơi vào địa ngục của bóng tối, sự yếu đuối trong tang thương, hoặc sẽ vực chúng ta dậy, trở thành vũ khí để cho ta sức mạnh chống lại bất công và bạo quyền.

Trịnh Kim Tiến

BẢO HIỂM XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

 
Mình có đứa cháu ở quê vào Sài Gòn đi làm cho công ty tư nhân. Nó đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng khoảng 1 triệu, tính ra 19 năm là khoảng 220 triệu …
Mới đây công ty nó giải thể, nó mới 38 tuổi chưa đủ tuổi về hưu nên xin rút hết tiền Bảo hiểm xã hội kiếm tí vốn ra làm ăn riêng. 
Nó nộp đơn lên BHXH quận xin rút 1 lần và người ta thanh toán cho nó được 52.360.000 đồng coi như được khoảng 25% tổng số tiền nó đã đóng, chưa tính tiền lãi suất tiết kiệm…

Trong khí đó bạn nó vào Sài Gòn cùng 1 chuyến tàu với nó nhưng bạn nó có ông bác xin cho làm bộ đội chuyên nghiệp trong 1 doanh trại quân đội ở Sài Gòn. Cô ta nói là bộ đội nhưng chỉ làm tạp vụ cho ban chỉ huy, sáng khoảng 8 giờ vào đun ấm trà, lau dọn bàn ghế tí rồi về nhà nấu cơm ăn, ngủ trưa ...chiều gần 3 giờ vào làm 1 tý rồi 4 h là về đón con. 
Cô ta được cấp đất, có nhà cửa đàng hoàng và lương hiện nay theo quân hàm là hơn 6 triệu chưa tính các khoản chia chác do đơn vị cho thuê mặt bằng nữa... thì tháng cũng hơn 10 triệu …
Cô ta đủ 20 năm công tác là về hưu, lương hưu cũng cỡ hơn 5 triệu, ngoài ra còn trợ cấp khi về hưu hơn 180 triệu nữa…

Rõ ràng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động các doanh nghiệp tư nhân đóng vào là chỉ nuôi bọn doanh nghiệp nhà nước, bọn bộ đội, công an về hưu….
Thế mới thấy là so với thực dân Pháp và CS thì không biết thằng nào bóc lột dân tận xương tuỷ…

Hieu Bui

Get paid to share your links!