Tuesday, June 28, 2016

Thủ tướng: TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông


 "TP.HCM phải phát huy được vai trò đầu tàu. Là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đề cập tới những kiến nghị của TP.HCM với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho hay, sau hơn 40 năm giải phóng, TP luôn là đầu tàu, nhưng trong bối cảnh hiện tại, TP đã chậm lại so với cách đây 5 năm nên cần phải có cơ chế mới tạo nguồn năng lượng cho TP phát triển.
hòn ngọc viễn đông, nguyễn xuân phúc, đinh la thăng, thí điểm, ngân sách
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với TPHCM 
“Đầu tàu này không thể chạy mãi bằng than đá hay dầu diesel mà phải chạy bằng năng lượng nguyên tử” - Bí thư Thăng nói. 
Người đứng đầu Thành ủy TPHCM khẳng định: "TP.HCM là của cả nước, vì cả nước thế nên giải quyết cơ chế cho TP cũng là cho cả nước".
Theo ông Đinh La Thăng, những kiến nghị của TP với Thủ tướng Chính phủ là dựa vào Nghị quyết 16 Bộ Chính trị; những kiến nghị nào được thì Thủ tướng giải quyết còn những cái gì chưa được thì cho thực hiện thí điểm.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng mà TP.HCM đạt được trong 6 tháng đầu năm.
TP HCM đã thực hiện rất hiệu quả chương trình kích cầu đầu tư, cải cách hành chính. Chính phủ đánh giá cao sự ổn định chính trị xã hội của TP HCM.
"Tuy nhiên môi trường đầu tư chưa thật sự tốt như mong đợi của nhân dân. Trung tâm khởi nghiệp chưa đạt, chưa xứng với tiềm năng thế mạnh. Thực tiễn của chúng ta sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu.
So với Bangkok (Thái Lan), một thủ đô với diện tích nhỏ hơn, dân số tương đương nhưng GDP cao gấp 3 lần TP.HCM", Thủ tướng nói và cho biết TP phải có tầm nhìn xa, có một nền kinh tế đổi mới, sáng tạo, là đầu tàu của cả nước.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải phát huy những kinh nghiệm đã có để đưa TP là nơi năng động, hiện đại, phát huy được vai trò trung tâm nguồn lực chất lượng cao, là điểm nhấn thu hút đầu tư. Xứng đáng là đầu tàu cả nước.
"TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông chứ không phải hòn ngọc Viễn Đông thông thường", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đồng ý cho phép TP.HCM tiếp tục thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh, luật chưa quy định nhưng đặt ra trong thực tế cuộc sống.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, TP sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Thủ tướng và sẽ triển khai khi Chính phủ cho phép.
theo Văn Đức/ VN Express

Tăng thời gian hỗ trợ cho ngư dân


Vào ngày 25 tháng 6 năm 2016, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 1138/QĐ-TTg sẽ tăng thêm thời gian hỗ trợ cho các ngư dân ở khu vực miền Trung, theo quyết định này chính phủ sẽ hỗ trợ cho các ngư dân khu vực miền Trung mỗi nhân khẩu 15kg gạo trong 6 tháng, thay vì 1,5 tháng như lúc trước.
Vậy ngư dân đã nhận được những gì và họ có thể sống nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền?
Cuộc sống hiện nay của ngư dân miền Trung
Tính đến nay, từ khi sự việc cá chết xuất hiện ở khu vực miền Trung đã gần 3 tháng, ngư dân khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế không thể đi đánh cá, các thuyền đánh bắt xa bờ được đi đánh cá nhưng khi đánh cá về cũng không ai mua, còn ngư dân đánh cá gần bờ từ 15 hải lý trở vào thì chính quyền cấm đoán.
Gần 3 tháng cá chết cũng là khoảng thời gian 3 tháng mà các ngư dân không thể đi đánh cá được, trong khi nghề nghiệp cũng như nguồn thu nhập chính của gia đình họ là từ việc đánh bắt cá, nên cuộc sống của họ hiện nay rất khó khăn, trong khi nhà nước lại chỉ hỗ trợ gạo cho các ngư dân.
Anh Hoa, một ngư dân ở Vũng Áng cho biết trong 3 tháng nay gia đình rất khó khăn, cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào sự trợ giúp của các đoàn từ thiện.
Gạo thì mỗi tháng mỗi khẩu là 15 ký mà nhận một khẩu rưỡi là 22 ký, tiền thì người ta hỗ trợ bên tàu trực tiếp sản xuất thôi, còn người dân thì không.
- Anh Giáp
Anh Hoa chia sẻ:
Nói chung là gần 3 tháng nay thì cuộc sống tất cả gia đình chú cũng như mọi gia đình khác bởi vì sống phụ thuộc vào đi biển, nghề biển là chủ yếu mà không có thu nhập thì khổ và vất vả. Cho nên tất cả trong những tháng này, phải nhờ các đoàn từ thiện về cứu trợ, khi thì gạo, khi thì tiền mắm, đoàn thì gạo, đoàn thì tiền bà con để sống chứ ngồi chờ hầu hết là thất nghiệp.
Ông Hanh ở Hà Tĩnh cũng cho biết giờ mọi người thất nghiệp, không có việc làm nên không những ông mà nhiều gia đình trong khu vục cũng đang gặp muôn vàn khó khăn.
Các gia đình, cả tập thể rồi cá nhân gặp phải muôn vàn khó khăn. Không có nghề nghiệp để làm ăn vì chuyên sống về nghề biển mà bây giờ biển thì đã chết rồi. Với hoàn cảnh bây giờ như gia đình của tôi đây gặp phải rất nhiều khó khăn. 
Ông Sịa, một ngư dân ở Quảng Bình than thở về cuộc sống khó khăn của gia đình ông:
Ôi trời ơi! Khổ không thể nói được mà người dân ở đây không có nghề gì khác hết.
Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu?
Gần 3 tháng nay, nguyên nhân cá chết chưa được làm rõ, các ngư dân không đi đánh cá được, các thuyền đi đánh cá xa bờ thì bị nhiều con buôn ép giá, nên gia đình của các ngư dân rất khó khăn.
Cuộc sống của họ phải nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền, các hội đoàn từ thiện, các tổ chức tôn giáo, Nhưng trách nhiệm chính phải là chính quyền, tuy nhiên nhiều ngư dân cho biết chính quyền trợ giúp rất ít ỏi.
000_9Y4W5-622.jpg
Cá chết ở bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
Ông Sịa ở Quảng Bình cho biết, gia đình ông chỉ còn 2 ông bà già, nên nương theo đứa con thì 1 tháng 2 ông bà mới nhận được 100 ngàn và 1 yến gạo, nhưng khi nhận về cân lên thì được 7,5kg.
Nhà tôi là hai ông bà già, mà họ cho được 5 chục nghìn nhờ nương theo tiền của con. Hai ông bà mà 100 nghìn nếu mà không có nương theo tiền của con chắc hai ông bà không có đồng nào. Một người được 1 yến gạo, nhưng đem lên cân chỉ được 7,5 kg, bởi vì nó thất thoát, hao hụt.
Anh Giáp cũng cho biết, là mỗi tháng 1 khẩu nhận được 15kg gạo, gia đình anh có 3 người nhưng lại chỉ nhận được 1,5 khẩu, còn tiền thì không có.
Gạo thì mỗi tháng mỗi khẩu là 15 ký mà nhận một khẩu rưỡi là 22 ký, tiền thì người ta hỗ trợ bên tàu trực tiếp sản xuất thôi, còn người dân thì không.
Ông Hanh cũng cho biết thêm.
Trong ba tháng chính quyền chỉ cho một khẩu 20 cân gạo. Nói cho 20 cân gạo mà trong đó phải có thức ăn, thực phẩm để mà ăn với gạo, chẳng lẽ nuốt gạo thì ai nuốt được. Cho nên 20 cân gạo thì thử hỏi nuôi được một khẩu mà nuôi ba tháng được không. Một khẩu 20 cân gạo mà gia đình tôi có 9 khẩu, 1,8 tạ gạo ăn trong ba tháng, rồi tiêu pha hằng ngày, rồi đau ốm các thứ mà tôi chưa tính. Đó là gạo, còn tiền thì được một đầu thuyền tức là thuyền ghe, được 4,5 triệu. Ai có thuyền thì khi đó mới có tiền chứ còn không có thuyền thì làm sao mà có tiền, mà thuyền thì không phải ai cũng có.
Bên cạnh đó, thì nhiều gia đình đánh bắt cá lại không nhận được gạo, dù 3 tháng nay họ không thể đi đánh cá. Trước đó vào cuối tháng 5 nhà nước đã có quyết định sẽ thu mua cá cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, tuy nhiên nhiều ngư dân đánh bắt cá xa bờ cho biết khi đánh bắt về lại không có ai thu mua.
Anh Hoa cho biết:
Gia đình chú nằm trong diện gọi là đánh bắt xa bờ, thành thế là gạo cũng không được chính quyền hỗ trợ, tiền cũng không được nhà nước hỗ trợ.
Trông chờ nhà nước hỗ trợ
Nhiều ngư dân không đi đánh cá được, nghề nghiệp lại không có, cuộc sống của ngư dân ngày càng khó khăn, trong khi gần 3 tháng nay nguồn thu nhập của người dân lại không có.
Anh Hoa cho biết, gạo nhà nước có thể hỗ trợ cho ngư dân được, nhưng những khoản chi tiêu khác của gia đình sẽ như thế nào, họ sẽ sống ra sao khi sự việc này còn kéo dài.
Gia đình chú nằm trong diện gọi là đánh bắt xa bờ, thành thế là gạo cũng không được chính quyền hỗ trợ, tiền cũng không được nhà nước hỗ trợ.
- Anh Hoa
“Bây giờ mà ngồi chờ nhà nước hỗ trợ gạo thì về chuyện ăn thì không nói, nhưng mà mới được trong chuyện ăn thôi, còn việc con cái học hành, rồi lỡ đau ốm, bệnh tật, rồi các nhu cầu khác thì lấy gì mà sống. Nên giờ mà ngồi trông chờ vào nhà nước thì cũng không được, bởi vì nhà nước họ có nhòm ngó gì đến dân đâu. 3 tháng cho tới giờ có thấy họ quan tâm chi đến dân đâu, chỉ có lần một khẩu được 22kg gạo cho đến bây giờ.”
Anh Giáp cho rằng việc cứu trợ của chính quyền chỉ giống như việc cứu đói, còn trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền sẽ không sống nổi:
“Ăn gạo sống sao nổi, biển thì không ăn được, suốt ngày rau, thịt cá thì ăn sao được, làm sao mà sống nổi. Bây giờ người ta hỗ trợ như vậy chỉ gọi là đúng nghĩa là cứu đói thôi.”
Ông Hanh cho biết, lúc đầu chính quyền còn quan tâm không biết sau này thì thế nào.
Với cái mức trợ giúp của chính quyền như vậy ai mà sống được. Đó là mới bước đầu họ đang còn quan tâm, còn sau này không biết họ có quan tâm được như thế nữa hay không.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều ngư dân cho biết chính phủ đã hứa trong tháng 6 này sẽ công bố nguyên nhân cá chết, nên họ đang trông chờ vào câu trả lời của chính quyền một cách thỏa đáng. Họ cũng chia sẻ sau khi công bố nguyên nhân cá chết thì việc tiếp theo họ sẽ làm cho ngư dân miền Trung là gì, trong khi ngư dân không thể cứ mãi thất nghiệp thế này được.
theo RFA

Chuyện Thường Ngày Ở Nhà Sản


Chuyện lạ và không lạ

TTO - Bữa rày rộ lên mấy chuyện lạ kỳ quá: nhiều vị đứng đầu công ty này, tổng công ty kia làm ăn thua lỗ, nợ nần ngập đầu nhưng vẫn thăng quan tiến chức vùn vụt, thậm chí được bổ nhiệm làm quan hàng đầu tỉnh nơi này nơi nọ...
- Chuyện đó đâu có gì lạ?
- Lỗ lã nợ nần Nhà nước gánh, nhưng mấy ổng đất đai nhà cửa nghinh ngang, con cái tung tăng du học châu Âu, châu Mỹ...
- Chuyện đó cũng đâu có gì là lạ?
- Nhiều vị còn bổ nhiệm con cháu vào những chỗ thơm tho, quyền cao chức trọng làm dân tình mắt tròn mắt dẹt...
- Chuyện đó cũng thường thôi, đâu có lạ! Người lãnh đạo cao nhứt nước mình cũng thấy chuyện đó rồi. Ông từng cảnh báo: tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo tha hóa, biến chất là có; một số ra sức vơ vét, đục khoét; có tình trạng lũng đoạn tập thể, đưa con cháu thân thích vào một số vị trí; tình trạng hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu xảy ra ở nhiều nơi; có tình trạng cán bộ phè phỡn hưởng thụ, sống như “ông vua con” ở địa phương... Ôi trời, kể sao cho hết!
- Những chuyện kinh khủng tréo cẳng ngỗng vậy mà ông nói không lạ?
- Không!
- Vậy thế nào mới lạ?
- Những vị chức sắc cấp to mà nhà cửa dân dã, không có đất đai tài sản gì, con cái vã mồ hôi phấn đấu, mấy ổng đi xe máy đi làm chớ hổng mượn xe lắc-xợt...
- Ồ, chuyện này lạ à. Ở đâu, chỉ coi?
- Biết ở đâu mà chỉ!
theo BÚT BI/ Tuổi Trẻ

Làm gì khi rút phải tiền giả ở ngân hàng?


TTO - Nếu rút tiền ở ngân hàng sau đó phát hiện là tiền giả, người dân có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? 
Làm gì khi rút phải tiền giả ở ngân hàng?
Câu chuyện một người rút tiền ở ngân hàng X với số lượng tiền lớn và đến ngân hàng Y giao dịch thì phát hiện có tờ tiền giả 200.000đ. Người rút tiền không được ngân hàng X bồi hoàn mà còn bị ngân hàng Y tịch thu tờ tiền.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề: "Làm sao người dân có thể phát hiện tiền giả khi nhận số lượng tiền lớn từ ngân hàng? Vì thông thường ít ai ngồi soi chiếu kiểm tra từng tờ tiền để tìm tiền giả khi tổng số tiền nhận được lên đến hàng ngàn tờ".
Người dân khó biết thật - giả
Luật sư (LS) Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết theo quy định tại Điều 9 thông tư số 01/2014/TT-NHNN, người nộp hoặc lĩnh tiền mặt phải chứng kiến khi ngân hàng kiểm đếm hoặc kiểm đếm lại trước khi rời khỏi quầy chi của ngân hàng. 
Quy tắc là thế nhưng trên thực tế nhiều người tin tưởng ngân hàng nên không thực hiện việc kiểm đếm này.
“Đây là một vấn đề rất dễ gây ra các rủi ro cho khách hàng. Nếu có ai đó cố tình dùng tiền giả để giao dịch với khách hàng, hoặc máy đếm tiền, máy kiểm tra tiền giả bị hư hỏng, từ đó các tờ tiền giả lẫn vào trong tiền thật thì khách hàng rất khó để biết được” - LS Lê Cao nói.
Hiện nay theo quy định, người dân có thể đổi lại tiền giả nếu phát hiện ngay khi giao dịch. Khi đã mang ra khỏi ngân hàng rồi, nếu muốn đổi được tiền giả, người dân phải chứng minh số tiền giả đó do ngân hàng phát hành và giao cho mình.
Khi hai bên không thống nhất được với nhau, tranh chấp xảy ra thì chuyện khách hàng chứng minh được việc mình nhận tiền giả từ ngân hàng là rất khó.
Theo LS Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch Công ty Luật Sblaw), trường hợp khách hàng rút tiền tại ngân hàng này, mang sang ngân hàng khác giao dịch mới phát hiện tiền giả thì khách hàng sẽ là người chịu rủi ro bởi ngân hàng đầu tiên đã hết trách nhiệm.
“Tuy nhiên, khách hàng cũng nên quay lại ngân hàng đầu tiên đã giao dịch để thông báo sự việc để ngân hàng kiểm tra lại quy trình xem có lỗi về máy móc hay con người dẫn tới có lọt tiền giả vào giao dịch hay không”, LS Nguyễn Thanh Hà nói.
LS Lê Cao cũng đưa ra lời khuyên đối với những giao dịch lớn, người dân nên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, giao dịch bằng tiền mặt chỉ nên thực hiện với các giao dịch nhỏ.
“Đồng thời nên có quy trình chặt chẽ hơn để quản lý công tác giao dịch tiền mặt của các nhân viên ngân hàng. Không nên để sự gian lận hoặc non kém nghiệp vụ của người vận hành hoặc những hỏng hóc, lỗi kỹ thuật của máy móc gây nên những rủi ro mà người phải gánh chịu thường là khách hàng” - LS Lê Cao nói.
Ngân hàng nên bảo vệ quyền lợi khách hàng
Theo một chuyên gia về ngân hàng, trên nguyên tắc thì ngân hàng luôn phải đảm bảo tiền là thật trước khi niêm, cho nên khó có chuyện tiền từ một ngân hàng lại là giả, trừ khi có những yếu tố bất thường về mặt con người.
Ngân hàng cũng không chịu trách nhiệm với số tiền khách hàng đã đem ra khỏi ngân hàng vì không thể biết được họ có giao dịch phát sinh gì bên ngoài hay không.
“Đó là về mặt nguyên tắc, nhưng nếu ngân hàng có thiện chí bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng có thể xem xét kỹ lại các quá trình của mình xem có sơ suất gì không” – chuyên gia này nói.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng ĐH Tài chính- Marketing, đề xuất các hệ thống ngân hàng nên rà soát lại quá trình kiểm đếm tiền của mình.
“Thường thì khi kiểm đếm chỉ quan tâm về mặt số lượng chứ chưa đặt vấn đề kiểm tra thật - giả làm trọng tâm. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, các ngân hàng nên lưu ý kỹ hơn về vấn đề này” - PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói. 
Theo LS Nguyễn Thanh Hà, tiền của Việt Nam và tiền của các quốc gia khác đều có dấu bảo an và các ngân hàng tại Việt Nam đều đầu tư công nghệ hiện đại để phát hiện tiền giả.
Vì thế, việc có tiền giả tại ngân hàng có thể do một nhóm cá nhân hoặc nhóm người nào đó đánh tráo và trong nhiều trường hợp, người chịu thiệt thòi là khách hàng.
“Vì vậy, theo quan điểm của tôi, khi nhận tin báo từ khách hàng, ngân hàng cũng nên tiếp nhận và tiến hành điều tra nội bộ để xem do lỗi kỹ thuật hay lỗi con người. Nếu là lỗi của con người thì cần rà soát lại nội bộ, xử lý nghiêm và tạo lòng tin cho khách hàng giao dịch.
Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam cũng nên học kinh nghiệm của ngân hàng thương mại nước ngoài về kinh nghiệm chống tiền giả, cải thiện và hoàn thiện quy trình để nâng cao chất lượng dịch vụ”, LS Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
Không nên quá tin tưởng ngân hàng
“Ngân hàng là nơi quản lý tiền thì chính họ phải có trách nhiệm phân loại tiền thật hay giả để giao dịch với khách hàng! Anh B. tin vào việc tiền do ngân hàng phát ra là thật và cũng không ngồi đó kiểm tra từng tờ xem thật hay giả đành chấp nhận hên xui thôi!” - một bạn đọc nói.
Nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng việc yêu cầu khách hàng tự kiểm tra tiền thật-giả là quá sức của người dân bình thường vì họ không có đủ kiến thức lẫn kỹ năng chuyên môn để phân định.
Hơn nữa, nếu có sự tác động bất thường của yếu tố con người trong giao dịch thì người dân cũng khó lòng biết được và có cách bảo vệ quyền lợi của mình hợp lý.
Theo Tuổi Trẻ

Get paid to share your links!