Khi sang Việt Nam làm việc vào trung tuần tháng 9 về Thỏa ước Tự do Mậu dịch EU-VN (EU-VN Free Trade Agreement), Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) thuộc Nghị viện Châu Âu, ông Bernd Lange đã trả lời một câu hỏi tại cuộc họp báo vào ngày 15/9/2017 liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rằng châu Âu muốn thấy mọi thủ tục điều tra và truy tố ông này phải được tiến hành theo đúng trình tự pháp lý chuẩn mực.
Trong tuyên bố ngày 22/9/2017 về việc dừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và trục xuất thêm nhân viên ngoại giao, Bộ Ngoại giao Đức cũng yêu cầu rằng Trịnh Xuân Thanh phải được điều tra và xét xử theo một thủ tục pháp lý đúng đắn dưới sự giám sát quốc tế.
Như vậy, nếu ban đầu vụ Trịnh Xuân Thanh được khởi động như là một vụ án hình sự nhằm điều tra tội phạm tham nhũng, thì cuộc bắt cóc ngoạn mục tại Berlin đã biến vụ này thành một vấn đề nhân quyền trong quan hệ giữa Việt Nam với Đức nói riêng và châu Âu nói chung.
Trịnh Xuân Thanh từ kẻ tình nghi phạm pháp hình sự đã trở thành nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền trắng trợn bởi nhà cầm quyền Việt Nam. Càng theo dõi vụ án này càng thấy thêm nhiều điều lý thú về phương diện luật pháp quốc tế.
Lê Công Định
No comments:
Post a Comment