Friday, September 2, 2016

HẠN PHÚC CỦA MỘT DÂN TỘC


Phải chăng với bà, chỉ người tàn tật mới là người thất nghiệp? Nhưng không, trên phố tôi vẫn gặp những người què quặt, câm, điếc kiếm sống bằng rất nhiều nghề tự do. Họ không bao giờ ngồi một chỗ để dựa dẫm vào ai, khi tôi cho họ chút tiền mà không mua sản phẩm họ bán họ còn lắc đầu và nói "ai lại làm thế chứ, không được đâu". Họ từ chối không nhận không, vì tự trọng.
Với nhận thức khiếm khuyết và tật nguyền của bà, bà đáng ra mới phải là người thất nghiệp. Và để thống kê lực lượng lao động có việc làm hùng hậu, bà chỉ cần cho người đuổi dân ra đường chạy đi chạy lại vòng vòng để coi đó là có việc làm. Như vậy thì bà đã thành công về chỉ tiêu và con số việc làm quốc gia mà hưởng danh vọng và bổng lộc cho riêng bà rồi.
Và hãy nhớ, ngư dân đáng ra là đổ ra biển để làm việc, thì nay họ đổ ra đường là để biểu tình vì đói khổ, sự bế tắc cùng cực đè lên đầu họ và con cái họ, chứ không phải vì cái thứ suy nghĩ tồi tệ của bà.
(http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/ba-nguyen-thi-hai-van-tai-khang-dinh-mat-bien-di-khuan-vac-tuc-la-khong-that-nghiep-41811.html)
-------------------
Theo bình diện Pháp lý - Kinh tế thì có thể tham khảo định nghĩa của ILO (luật quốc tế về lao động). Và Điều 13 Bộ luật Lao động hiện hành của Việt Nam.

Và "Việc làm" phải đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành sau:
1. Là hoạt động lao động: thể hiện sự tác động của sức lao động vào tư liệu sản xuất để tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. YẾU TỐ LAO ĐỘNG TRONG VIỆC LÀM PHẢI CÓ: TÍNH HỆ THỐNG (TRONG CẤU TRÚC XÃ HỘI), TÍNH THƯỜNG XUYÊN (ỔN ĐỊNH VỀ MẶT THỜI GIAN) VÀ TÍNH NGHỀ NGHIỆP (YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH CÔNG VIỆC). Vì vậy người có việc làm thông thường phải là những người thể hiện các hoạt động lao động trong phạm vi nghề nhất định và trong thời gian tương đối ổn định.
2. Tạo ra thu nhập: Là khoản thu nhập trực tiếp và khả năng tạo ra thu nhập.
3. Hoạt động này phải hợp pháp: hoạt động lao động tạo ra thu nhập nhưng trái pháp luật, không được pháp luật thừa nhận thì không được coi là việc làm. Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, tập quán, quan niệm về đạo đức của từng nước mà pháp luật có sự quy định khác nhau trong việc xác định tính hợp pháp của các hoạt động lao động được coi là việc làm. Đây là dấu hiệu thể hiện đặc trưng tính pháp lí của việc làm.
Luân Lê

NGÀY QUỐC KHÁNH

Khi Tôi viết những dòng này là lúc hơn một giờ sáng ngày 02.09.2016, theo đúng tờ lịch treo tường hay trên chiếc đồng hồ đeo tay, nó đã nhảy sang để báo về ngày Quốc Khánh được xác lập vào 71 năm trước, 02.09.1945.
Ngày này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình với việc trích dẫn những dòng chữ là những lời mở đầu bất hủ của Tuyên ngôn dân quyền Pháp và Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ.
Ấy là, bất kỳ ai sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền con người như nhau mà không ai có thể phủ nhận được, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Những quyền ấy là bất khả xâm phạm, được Hiến pháp bảo hộ và nhà nước thực thi.
Ông Hồ Chí Minh cũng nói, cả nước sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ tự do và độc lập của tổ quốc. Nhưng Ông cũng dặn dò, nếu có độc lập mà không có tự do thì chẳng có nghĩa lý gì.
Vì độc lập, cả dân tộc đã phải đánh đổi hàng triệu sinh mệnh, trong những cuộc chiến tranh liên tiếp, trường kỳ và khốc liệt, sai hay đúng, chúng ta còn phải chờ lịch sử xét lại. Giống như cụ Phan Chu Trinh có một cách nghĩ khác với tư tưởng của cụ Phan Bội Châu về đường hướng cách mạng (cụ Châu chủ trương bằng bạo lực), cụ Phan thì có tư tưởng "ỷ Pháp cầu tiến bộ", tức dựa chính vào người Pháp để "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Tất nhiên điều đó đã không được lịch sử dung nạp, mà đó thực sự cũng là một cách hữu hiệu để giải thoát dân tộc khỏi cả hai thứ, cả giặc ngu dốt và chiến tranh bạo lực đẫm máu. Và nếu cụ Phan Chu Trinh thành công thì có thể đất nước ta giống như con đường thịnh vượng của Hồng Kông hoặc Đài Loan sau vài thập kỷ "giao thương" với các quốc gia phát triển để đi lên. Vì bởi lẽ, chiến tranh khôn ngoan nhất là chiến tranh đẩy đối thủ đến bàn đàm phán (Ytzhak Rabin, Thủ tướng Israel, đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1994).
Tuy nhiên, bánh xe lịch sử lại chuyển vận theo một cách khác, và có thể nhân vật đã được lựa chọn là ông Nguyễn Ái Quốc, sinh ra ở miền Trung nghèo khó nhưng hiếu học, dấu mốc quan trọng trong hành trình mấy chục năm lưu lạc khắp năm Châu ấy, chính là Ông đã may mắn được cứu thoát bởi chính luật pháp của đế quốc Anh và bởi một vị luật sư người Anh - Loseby, nếu không có vị luật sư bản lĩnh và tài trí này thì có lẽ lịch sử đã có thể viết lại mà chắc hẳn là có thể hoàn toàn không có "Bên thắng cuộc" như ta đã thấy.
Những năm đầu và nửa đầu thế kỷ 20, chiến tranh không chỉ ở bình diện quốc gia mà liên tiếp là các cuộc chiến tranh thế giới và sự bành trướng của các chủ nghĩa cực đoan đầy chết chóc, chính là hai cuộc thế chiến khởi sự từ chủ nghĩa phát xít diệt chủng. Và trong những thời điểm đó, thế giới cũng vùng lên sự đấu tranh của thứ chủ thuyết mới mang tên cộng sản, mà thực chất, theo Marx, đó là chủ nghĩa cộng đồng, nhưng do Mao Trạch Đông dịch biến tướng thành chủ nghĩa cộng sản và từ đó được phổ biến với tên gọi này cho đến ngày nay.
Khi thế giới còn chưa phẳng bởi công nghệ thông tin như bây giờ, để cứu quốc, ông Nguyễn Sinh Cung đã phải rời bỏ quê hương và đi vào chính giữa lòng các nước đế quốc để tìm hiểu và liên kết lực lượng. Ông ấy đi mới có thể lĩnh hội tri thức và khai sáng chính mình. Còn bây giờ, bất cứ một chủ thuyết hay sự liên kết nào, chắc chắn không cần phải lên tàu làm đầu bếp để "đi tìm hình của nước" mà chỉ cần một cú click chuột là đủ. Vì, vũ trụ chỉ như trong một hạt dẻ (Stephen Hawking).
Tôi sinh ra, vào năm giữa thập niên của đêm trước đổi mới, cái đêm mà như ông Phùng Gia Lộc ví von là cái đêm gì ấy, khi mà một nhà thơ cổ vũ bạo lực và hành động giết chóc đồng bào trong cải cách ruộng đất những năm 1953-1957 lại làm Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và gánh vác trọng trách đi làm kinh tế (những năm 1980s). Đến nỗi ông ta đã phá nát nền kinh tế quốc dân vốn đã tiêu điều vì kế hoạch tập trung kiểu bao cấp và biến tiền tệ trở thành mớ giấy vụn. Cũng may rằng người ta kịp nhận ra "Đêm giữa ban ngày" nên đã phải thay đổi, nhưng vẫn còn bị kìm kẹp bởi quá nhiều thứ cổ hủ, lạc hậu và trong đó chính là vị thế độc tài chính trị của đảng cộng sản.
Ông chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải thống nhất đất nước chứ không thể để chia cắt làm hai miền Nam-Bắc như Triều Tiên và Nam Hàn bây giờ. Ông quyết đưa đất nước theo chủ nghĩa cộng sản mà ông đã đọc từ Marx, sau này là Stalin và Mao, người mà ông nhận định rằng, "ai thì có thể sai, chứ Mao và Stalin thì không sai bao giờ". Những gì Ông áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử khi còn sống và có quyền bính trong tay, một cách rất khôn khéo và mềm mỏng, nhưng là trước mặt, còn đằng sau là áp dụng chiến lược "Cây gậy lớn" (của ông Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ). Điều đó đã dẫn tới sự thành công của Ông trong chính trị và chiến tranh trên các mặt trận.
Sau 71 năm tuyên bố theo Xã hội chủ nghĩa, và sau 41 năm hoàn toàn thống nhất về mặt lãnh thổ cũng như đồng nhất về mặt chính thể/chính trị, người dân nước Nam đến nay đã có được những điều gì?
Quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận và tự do hội họp (mang tính đảng phái chính trị) đều là những thứ quyền xa xỉ, mà thực chất đó chính là thứ quyền tự do đã được chủ tịch Hồ Chí Minh ấn định trong Tuyên ngôn độc lập, và sau đó là bản Hiến pháp (năm 1946) được coi là tiến bộ nhất trong tất cả các bản Hiến pháp đã tồn tại cho đến bây giờ, đó là người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, bầu trực tiếp nghị sỹ vào Nghị viện nhân dân và cũng có quyền biểu tình, hội họp một cách tự do. Vì với Ông, độc lập mà không có tự do thì chẳng có nghĩa lý gì (Hồ Chí Minh toàn tập). Quả đúng là như vậy.
Nhưng có lẽ ông Hồ Chí Minh đã không thể lường trước được, tự do, ở mỗi thời điểm và mỗi giai đoạn lại được hiểu và áp dụng hoàn toàn không giống nhau, tuy rằng với thế giới, đó là những giá trị phổ quát và vĩnh hằng, nhưng một phần, mà ắt hẳn là phần lớn, là với lý do dân trí thấp nên khó thể nào áp dụng cho thứ tự do mà họ đổ cho rằng - dễ gây ra những sự hỗn loạn mơ hồ nào đó.
Mục tiêu của nhà nước là xã hội văn minh, nhưng họ lại sẵn sàng từ chối áp dụng văn minh khi khinh khi trình độ dân trí của dân tộc mình thấp. Một vòng luẩn quẩn mà đó là chiến thuật "sau vạt áo chính trị".
Và đến hôm nay, khi nhìn vào tấm bảng bằng giấy trên đôi tay một phụ nữ người miền Trung trước thảm cảnh biển chết này, người ta thấy xót xa thêm, ngoài thương cảm thân phận người đàn bà trong xã hội vốn vẫn bị đè ép bởi thứ tư tưởng nho giáo cổ hủ một cách nặng nề và tiêu cực, thì người ta còn đau đớn hơn cho những mệnh phận đang phải tìm lấy cho mình một sự lựa chọn, hoặc quyền được sống tử tế trên chính quê hương mình, hoặc phải tranh đấu tiếp cho bản thân và cho cả thế hệ con cháu mai sau, bằng cách đặt một câu hỏi mà tự mình không được quyền lựa chọn, và họ lại chính là đối tượng của sự chọn lựa đầy khắc nghiệt ấy.
Quốc Khánh, nhưng nhiều vạn, triệu người dân đang phải gồng gánh trên vai mình quá nhiều những món nợ và chi phí của cuộc sống mưu sinh dồn đẩy lại, mà phần lớn là bởi từ sự vận hành méo mó của nền kinh tế bệ rạc và sai lầm, như người ta vẫn đang cố bảo thủ và mù quáng ngày đêm đi tìm và mày mò một con đường không thể định hình hoặc có bất kỳ chỉ dấu mục tiêu nào, ngoài những sự sụp đổ mang tính hệ thống từ lịch sử đến hiện tại, từ nơi khởi sinh đến nơi dung dưỡng. Tất thảy đều chỉ là sai lầm và đổ vỡ tất yếu.
Quốc Khánh, chắc chắn sẽ rộn vang khắp các phố phường bài hát Tiến Quân Ca của cố nhạc sỹ Văn Cao với giai điệu quen thuộc và đầy hào hùng: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc! Những câu hát cất lên trong lúc thù trong (tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu cùng sự tụt dốc về văn hoá, con người) và giặc ngoài (Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, chi phối kinh tế và du nhập cư dân) hoành hành khốc liệt.
Cũng thật may, đêm qua đã trút một trận mưa lớn đủ làm úng ngập nhiều nơi, và làm sạch bầu trời đang ô nhiễm và oi ả phủ khắp.
Nhưng cuộc đời, vẫn còn nguyên những nan đề hiện rõ, phải lựa chọn. Mà còn bỏ ngỏ.

 Luân 

Em biết, thầy sẽ im lặng.

ảnh mang tính minh hoạ
Thưa thầy Nguyễn Thiện Nhân, nếu là thí sinh dự kỳ thi đại học vừa qua, em sẽ làm đề văn này như dưới đây. 
Và em cứ băn khoăn tự hỏi, nếu thầy là người chấm, thầy có đủ dũng cảm cho điểm em không?
Em biết, thầy sẽ im lặng.
Vì trung thực rất cần sự dũng cảm và giá của nó không hề rẽ.
Lời nói thật đã hơn một lần chết chém.
Nhưng may mắn thay, được sống một cuộc sống trung thực đang, đã và sẽ là khát vọng lớn nhất của nhân loại.
Vâng, nhưng em biết thầy sẽ… im lặng!

ĐỀ BÀI
Câu II (3 điểm):
Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.135).
Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

BÀI LÀM:
Trong thư Ngày 20/11, Bộ trưởng đã cảnh báo: “sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và trong xã hội”. GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học nổi tiếng bởi sự chính trực đã từng kêu lên: “Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối. Bệnh giả dối là một nỗi quốc nhục”.
Vâng. Giả dối là nỗi quốc nhục nhưng buồn thay, chúng ta đang phải sống chung với sự giả dối dù trong sâu thẳm, mỗi người đều khao khát được sống trung thực với mọi người, trung thực với chính mình. Thế nhưng ai cho họ sự trung thực? Làm sao có thể sống trong sự trung thực khi xung quanh tràn lan sự lọc lừa, dối trá?
Thưa thầy, em hoài thai vào cái đêm giao hoan của hai “kẻ trộm”: “Ngủ với vợ mà như ăn trộm – Không cái sợ nào bằng cái sợ có con” – Thơ Nguyễn Duy.
Khi cái bào thai ba tháng tuổi là em ngo ngoe trong bụng đã thấy mẹ vo vo tờ polime dúi vào tay ông bác sĩ siêu âm để mua lấy câu trả lời lách luật: “Cháu đái ngồi hay đái đứng ?”. Ngày em chào đời, hình ảnh đầu tiên mà em nhận thấy bà em gấp gấp tờ polime đút vào tay cô hộ lý để “tắm cho cháu nhẹ nhàng”. Hai tuổi, em đi mẫu giáo, ba em cầm cuốn “Sổ vàng” mặt nghệt như người vừa bị trấn lột. 6 tuổi, em đi học. Đó là cuộc đua chạy trường, chạy lớp mà phương tiện là những chiếc “phong bì” loặc lè ngoại tệ.
Em vào đại học. Em đi xin việc. Em làm dự án. Em sinh con. Con em đến trường… Rồi mai này khi em mất đi, chắc chắn con em sẽ làm như bố em ngày ông em mất: Lo lót cái phong bì để có chỗ nằm trong nghĩa địa.
Hành trình làm người là hành trình giả dối.
“Dân tộc Việt Nam không có truyền thống giả dối”. Thạch Sanh 3 lần bị phản bội vẫn ơn Lý Thông như một ân nhân. Mị Châu mất đầu vẫn giữ niềm tin ở tên gian phu Trọng Thủy. Cô Tấm ba lần bị lừa vẫn tin ở tình yêu thương nơi mụ dì ghẻ độc ác. Dân tộc Việt Nam không chỉ trung thực mà thành thực đến ngây thơ. Sự dối trá đến với dân tộc ta từ bao giờ? Ai đầu têu và nuôi dưỡng sự dối trá này, thưa thầy?
Sống trong đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng. Nếu không muốn bị coi là dị dạng, bị cộng đồng xua đuổi đương nhiên không gù cũng phải còng xuống thành gù. Ai cho họ thẳng lưng? Ai cho họ trung thực? Có nơi đâu mà sự trung thực bị coi như một nhược điểm, thậm chí ngu xuẩn, điên rồ, thưa thầy?
Dù muốn có một kỳ thi trung thực nhưng làm sao em trung thực được khi bên cạnh em là sột soạt tiếng mở bài dưới sự che chở của giám thị? Khi cho thi đề này, một lần nữa thầy lại bắt chúng em phải nói dối bằng những lời sáo rỗng, không phải của mình bởi nếu viết trung thực suy nghĩ của mình, chắc chắn em sẽ bị điểm 0.
Trung thực rất cần sự dũng cảm. Thầy có đủ dũng cảm để cho bài thi này dù chỉ là 1/2 điểm?
Nhưng em biết, thầy sẽ… im lặng!

Suu Tam
FB Chau Ho

Độc lập là độc lập nào ?

Hồ Chí Minh bắt tay Marius Moutet sau khi ký tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 ở Hội nghị Fontainebleau
Việt Nam bước vào thế kỷ 20 với tư cách một xứ thuộc địa của nước Pháp.
Tư cách thuộc địa chấm dứt và Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 11/03/1945 khi Cựu Hoàng Bảo Đại (khi ấy là Hoàng Đế) ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất đất nước. Trong tuyên cáo có đoạn viết : “chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này, Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập”.
Đến ngày 02/09/1945, một lần nữa sau chưa đầy sáu tháng, Ông Hồ Chí Minh lại công bố bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình.
Với Cựu hoàng Bảo Đại, Ông tuyên bố độc lập để khẳng định xứ sở đã thoát khỏi thân phận thuộc địa. Nhưng với Ông Hồ Chí Minh, Ông cũng tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi điều gì ?
Trở lại bối cảnh xứ sở khi ấy, “mẫu quốc” là nước Pháp thì đã không còn quyền lực hoặc vai trò ở Việt Nam sau khi bị Nhật Bản đảo chính ở từ đầu tháng 03/1945. Bản thân Nhật Bản thì tuyên bố đầu hàng đồng minh từ ngày 15/08/1945. Thời điểm ngày 02/09/1945, đất nước đang độc lập trong thực tế lẫn pháp lý, không nằm dưới sự thống trị của ngoại bang, thì chẳng lẽ, Ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi thoát khỏi nền độc lập mà cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên bố trước đó sáu tháng ?
Chưa kể, về phương diện kế thừa nhà nước theo công pháp quốc tế, thì chính quyền sau hoàn toàn thừa kế trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước đó, sự kế thừa không ít hơn và cũng không nhiều hơn. Thế nên, nếu chính quyền của Cựu Hoàng Bảo Đại đã xác lập pháp lý về nền độc lập cho quốc gia, thì chính quyền của Ông Hồ Chí Minh sau đó mặc nhiên kế thừa tính pháp lý của nền độc lập đó.
Việc một quốc gia hai lần tuyên bố độc lập trong khoảng thời gian chưa đầy sáu tháng là tiền lệ chưa từng có trên thế giới, nhất là khi nền độc lập được tuyên bố lần đần đầu vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và chưa từng bị xâm phạm hay được phục hồi sau khi bị xâm phạm !
Nói khác, Ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh thực tế của đất nước đang độc lập và đã từng được chính quyền tuyên bố khẳng định bằng một văn bản pháp lý trước đó chưa đầy sáu tháng.
Sau khi Cựu Hoàng Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, chấm dứt chính thể quân chủ, thì ngày 02/09/1945, khi công bố bản Tuyên ngôn độc lập, thì bên cạnh việc tuyên bố độc lập vốn không cần thiết, thì mặt khác, Ông Hồ Chí Minh cũng tuyên bố thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Và chính đây mới là nội dung quan trọng có giá trị lịch sử đặc biệt sau hàng nghìn năm xứ sở sống dưới chính thể quân chủ tập quyền. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập quốc, người dân đã trở thành chủ nhân của đất nước thay vì là một ông vua cho rằng mình là thiên tử, tức con trời “thế thiên hành đạo”.
Ngạn ngữ phương tây có câu “Cái gì của Xê-Da thì trả lại cho Xê-Da”, cũng như thế, chúng ta phải trả lại sự thật vốn có của lịch sử. Không nhất thiết rằng sau “cướp chính quyền”, thì tất cả đều có thể là thành quả của vụ “cướp”, kể cả sự thật lịch sử cũng sẽ bị “cướp” bằng sự mạo nhận, rằng theo đó :
– Nền độc lập hợp pháp hiện nay của xứ sở phải được tính từ ngày 11/03/1945 theo Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” do Cựu Hoàng Bảo Đại ban hành dưới chính thể quân chủ.
– Chính thể dân chủ cộng hòa hợp pháp của xứ sở phải được tính từ ngày thiết lập nên quốc hội đầu tiên thông qua bầu cử tự do, ngày 06/01/1946.
– Còn lại, ngày 02/09/1945 nên mang giá trị kỷ niệm ngày công bố ý định thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa tại Việt Nam; Kỷ niệm ngày ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (chỉ bao gồm thành viên Việt Minh) và là ngày giỗ Ông Hồ Chí Minh (nếu đúng đấy là ngày Ông đã mất !).
LS Đặng Đình Mạnh

Get paid to share your links!