Monday, September 26, 2016

Tham nhũng quyền lực

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020, ảnh chụp hôm 21/9/2016.
Courtesy vnn
Bộ Chính trị vừa công bố việc chỉ định Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 16 uỷ viên, trong đó Ban thường vụ Đảng ủy gồm 7 uỷ viên, có 3 lãnh đạo là: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên Tổng bí thư tham gia Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.

Quyền lực tập trung tuyệt đối?

Xét trên mặt chữ nghĩa có vẻ như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng  ngang hàng với Chủ tịch nước và Thủ tướng trong vị trí Ban thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, nhưng người ta đều biết với chức vụ Tổng bí thư của mình, ông Nguyễn Phú Trong không thể nghe chỉ đạo mà là người chỉ đạo trong bất cứ quyết định quan trọng nào, và việc ông có tên trong Đảng ủy Công an Trung ương là một bước ngoặc quan trọng đối với hệ thống tổ chức của Đảng và chính phủ Việt Nam.
Về mặt Đảng, ông Trọng đương nhiên nắm giữ chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương xem như Tổng tư lệnh quân đội, bây giờ kiêm nhiệm thêm chức vụ Đảng ủy Công an Trung ương thì xem như quyền lực tập trung vào tay là tuyệt đối.
Có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào.
-Nguyễn Khắc Mai
Quyền lực khi tập trung tuyệt đối và không bị chi phối bởi các nhánh khác như lập pháp hay tư pháp sẽ dẫn tới những quyết định độc đoán, chuyên quyền và độc tài không thể tránh khỏi.
Việc một Tổng bí thư kiêm nhiệm luôn vai trò công an được ông Nguyễn Khắc Mai nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Minh Triết nhận xét:
“Chắc là ông ta muốn tham gia vào đấy để mà lãnh đạo chỉ đạo công an cho nó sát, ý kiến chỉ đạo nó trực tiếp, nó không bị quanh co. Hai nữa ở trong Đảng ủy mà nhất là Thường vụ nữa thì lãnh đạo cái đám Ban cán sự, lãnh đạo của Bộ trực tiếp thì đấy có thể là một cách.
Cách thứ hai có khả năng ông ta nhìn thấy đây là một vấn đề xung yếu vừa cần cho ông hiện nay nó đang lộ ra mặt yếu, nó đang có mâu thuẫn nên ông xông vào. Những dù với động cơ gì, mục đích gì thì sự xông vào ấy là lú lẫn dở hơi chứ không hay ho gì.
Muốn củng cố công an thì không nhất thiết phải xông vào đấy. Cách làm này của Trọng là cách làm rất cũ thời Xô viết cũ bây giờ không ai lại làm như thế trong khi thời đại tin học phát triển như hiện nay. Ông ta muốn tuyệt đối nhất nguyên hóa quyền lực và rõ ràng nó mâu thuẫn với tinh thần thời đại và mâu thuẫn ấy sẽ không cho làm được việc gì.
Giống như tổ chức chống tham nhũng, quy về cho Đảng, cho Ban Nội chính để trực tiếp làm. Nó chồng chéo với cái mà gọi là pháp quyền, mọi chuyện lại phải tâu sang bọn chính phủ, quốc hội rồi các Bộ ngành không có được kết quả gì tử tế. Nó là tinh thần cũ rích của tư duy toàn trị Xô viết, tập quyền độc tài của Mao tiếp diễn.”
000_DD9MY-400.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp đầu tiên quốc hội khóa 14 hôm 20/7/2016. (ảnh minh họa). AFP PHOTO.
Với TS Nguyễn Thanh Giang, một nhà bất đồng chính kiến thì cho rằng việc làm của ông Trọng cho thấy sự tham lam quyền lực đã lên tới đỉnh và từ đó không khó để thấy rằng người tham nhũng quyền lực lớn nhất hiện nay là ai:
“Đây là một chuyện chưa từng có ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các Tổng bí thư trước không có ai ngồi vào vị trí đảng ủy công an, bây giờ ông Nguyễn Phú Trong không những là Bí thư Quân ủy Trung ương, nắm quân đội, còn nhảy ra nắm công an sát sườn như vậy thì ông ấy là người tham quyền cố vị.
Người ta có những người lầm tưởng rằng Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch không tham ô nhưng tôi cho rằng Nguyễn Phú Trọng là trùm tham nhũng tại Việt Nam. Tham nhũng tiền bạc chỉ là một cái tham nhũng thông thường nhưng tham nhũng quyền lực mới là tham nhũng tệ hại nhất vì quyền đẻ ra tiền, quyền đẻ ra thao túng một cách phi đạo đức.
Nguyễn Phú Trọng tham nhũng quyền lực trong khi ông ấy đã quá tuổi về hưu rồi nhưng vẫn dùng mọi thủ đoạn để được kéo dài cái ghế Tổng bí thư của ông ấy. Lúc bấy giờ khi lên Tổng bí thư đã hứa chỉ ngồi nửa nhiệm kỳ nhưng bây giờ thì không biết ổng ngồi đến bao giờ trong khi tuổi ổng đã cao.
Khi còn trẻ đã mang tiếng là “Trọng lú” thì bây giờ tuổi cao rất hết sức nguy hiểm cho đất nước cho dân tộc này và kể cả cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ nhảy ra khống chế cả lực lượng công an thì tôi cho rằng là sự tham lam vô độ, một tội ác đối với đất nước con người Việt Nam.”

Theo chân Tập Cận Bình?

TS kinh tế, nhà báo Phạm Chí Dũng nhìn sự kiện này qua lăng kính  kinh nghiệm của Tập Cận Bình mà ông Trọng đang theo:
“Khả năng là ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay là đang rất muốn thực thực hiện nước cờ và bước đi của Tập Cận Bình từ hồi năm 2013- 2014 Tập Cận Bình đã mở ra chiến dịch lớn đầu tiên triệt Bạc Hy Lai và sau đó là diệt Chu Vĩnh Khang Bộ trưởng Bộ công an.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.
-Phạm Chí Dũng
Sau khi diệt Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình nắm luôn Bộ công an và xử dụng Ủy ban Kỷ luật Trung ương của Vương Kỳ Sơn như là một vụ then chốt, từ đó vai trò của Bộ công an trở nên yếu hẳn đi và vai trò của Ủy ban Kỷ luật Trung ương nâng hẳn lên. Sau khi diệt xong Chu Vĩnh Khang thì Tập Cận Bình xoay sang quân đội và chính thức trở thành tư lệnh và nắm tất cả quân đội Trung Quốc. Hiện nay Tập là người quyết định tất cả vận mạng của lực lượng vũ trang, công an và quân đội.
Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng ham muốn vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình nhưng vấn đề là ông Trọng có thể hiện rằng ông có thể làm được chuyện đó hay không, vì đó là bản lĩnh của lãnh đạo.”
Bên cạnh đó, khi vụ Trịnh Xuân Thanh nổ ra dư luận cho rằng ông Tổng bí thư đang quyết tâm triệt hạ tham nhũng nhưng tầng nấc của nó nhiều đến nỗi một mình Ủy ban Kiểm tra Trung ương không thể làm nổi trong khi công an thì ông Trọng không nắm được. Nhận định về ý kiến này TS Phạm Chí Dũng cho biết:
“Cho tới nay đã hơn ba tháng mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của ông Trần Quốc Vượng chưa tìm ra bất kỳ bằng chứng tham nhũng nào của Trịnh Xuân Thanh trong khi toàn bộ hồ sơ nằm tại T46 của Bộ công an. Như vậy khi không tận dụng, không phát huy được vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì có lẽ ông Trong phải tính tới ván bài vào Đảng ủy Công an Trung ương để quyết định, thậm chí thay cho ông Tô Lâm là Bộ trưởng công an.
Ông Tô Lâm mới được “phong chức” trở thành Bí thư Đảng Ủy công an Trung ương vào tháng 5 năm 2016. Thế bây giờ nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương có quyền quyết định mọi thứ thì ông Tô Lâm coi như sẽ bị ra rìa.
Nếu ông Trọng trở thành Bí thư Công an Trung ương thì đã đi theo con đường Tập Cận Bình rồi, tức là vừa nắm công an vừa nắm quân đội và thực chất đấy là người trong lực lượng vũ trang chứ không phải ông Trần Đại Quang. Như vậy vai trò Chủ tịch nước của ông Trần Đại Quang sẽ rất là mờ nhạt và có thể nói chẳng biết làm gì nữa.”
Chỉ một ngày sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào Đảng ủy Công an Trung ương, Tuần Việt Nam của VietnamNet đăng ngay bài báo có tựa: “Có những người bán rẻ tổ quốc vì quyền lợi cá nhân” của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương, trong đó có đoạn:
“Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và lực lượng an ninh Caribê còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.”
Xin mượn nhận xét này làm kết luận cho tiêu đề “tham nhũng quyền lực” và cũng xin cám ơn ba vị Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Thanh Giang và Phạm Chí Dũng đã cho nhận xét về một vấn đề rất quan trọng của đất nước hiện nay.
Theo Mặc Lâm - RFA

Công hay tội?

ảnh minh hoạ
Lâu rồi tôi không quan tâm đến việc các lãnh đạo CSVN cũng như đám dư luận viên tay sai phát ngôn điều gì, vì sự nguỵ biện, dối trá và vô sỉ là điểm chung của họ. Nhưng tôi không thể không lưu tâm đến ảnh hưởng của các phát ngôn tai hại như thế đối với người dân, đặc biệt là giới trẻ, chưa hiểu rõ những nguỵ biện đó. Rất nhiều lần đám dư luận viên tấn công cá nhân tôi bằng luận điệu đó trên Facebook và còn không ít người cảm thấy cách đặt câu hỏi như bà Kim Ngân là hữu lý. Vì vậy, tôi xin góp vài ý kiến sau đây về chuyện "làm được" hay "chưa làm được":
1/ Về phần các lãnh đạo CSVN:
Làm lãnh đạo chính trị không có nghĩa là đã hoặc đang đóng góp nhiều cho đất nước, còn làm dân thường thì không. Thực ra, ở các nền dân chủ càng lành mạnh, khối XHDS (tức khối dân thường có tổ chức) đảm nhận và tự quản hầu hết các công việc của cộng đồng và quốc gia. Hệ thống lãnh đạo chính trị (nhà nước) chỉ đóng vai trò điều phối các hoạt động ấy trong một trật tự luật pháp nghiêm minh để đảm bảo tự do của người hay cộng đồng này không đè bẹp tự do của những người, cộng đồng khác. Hệ thống nhà nước càng gọn nhẹ, XHDS càng trưởng thành, nền dân chủ càng chất lượng. Đó là nói trong các chế độ dân chủ.
Trong các chế độ độc tài, lãnh đạo chính trị không do dân bầu mà chỉ là những nhân vật do các phe cánh trong đảng cầm quyền sắp xếp đưa lên, nhằm bảo vệ quyền lợi chính trị của đảng; hoặc chỉ là sự chia chác ghế cầm quyền dựa trên sức mạnh kinh tế. Ở đó, các lãnh đạo chính trị không đủ tư cách lãnh đạo quốc gia và càng không có khả năng bảo vệ quyền lợi đất nước và người dân. Nghiêm trọng hơn, họ dùng chức vị để tham nhũng, đục khoét ngân quỹ quốc gia, xâu xé tài nguyên thiên nhiên, chia chác lợi ích kinh tế đáng lẽ thuộc về người dân, bán đất bán rừng cho ngoại bang lấy tiền bỏ túi...gây ra các thảm hoạ cho người dân như: Bauxite Tây Nguyên, Formosa Vũng Áng, thuỷ điện sông Đà và các công trình quốc gia quan trọng bị rút ruột khác... Nguy hiểm hơn cả, các lãnh đạo cộng sản hiện nay còn mưu đồ bán nước cho Trung cộng, đó là tội phản quốc. Như vậy họ không những không có chút công lao nào, mà còn là tội phạm đáng bị xử những mức án nặng nhất trong một nền pháp luật công minh.
Bởi vậy, mỗi một cá nhân trong chế độ độc tài CSVN là những tên tội đồ bán nước, họ không hề có tư cách để nói chuyện "làm được gì" hay "không làm được gì" với người dân chúng ta. Đội ngũ an ninh và dư luận viên làm tay sai cho những tên tội đồ cũng hoàn toàn không có tư cách kể công mà đáng lẽ ra phải ngồi trước vành móng ngựa.
2/ Về phần những người đấu tranh cho dân chủ và XHDS:
Họ chỉ bày tỏ quan điểm đối lập một cách ôn hoà đối với các chính sách quốc gia. Điều này bình thường trong các nền dân chủ. Trong chế độ độc tài, những người dám lên tiếng phản đối chính quyền phải chấp nhận nhiều rủi ro, nhiều mất mát cho bản thân và gia đình nhằm đấu tranh cho các giá trị tiến bộ. Việc thực hiện trách nhiệm công dân trong bối cảnh nguy hiểm như thế có thể được xem là có công, không nhiều thì ít.
Hơn nữa, ngoài những người lên tiếng phản đối chính quyền cách này cách khác, còn có những người vừa đấu tranh với chính quyền độc tài bằng cách lên tiếng, vừa từng bước khó nhọc xây dựng XHDS tại Việt Nam. Những người này vừa là nạn nhân nhân quyền của chính quyền cộng sản, vừa là người thực hiện các công tác XHDS hướng đến các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội. Một lãnh đạo cộng sản ít tội nhất cũng không thể so sánh với một Trần Thị Hồng (vợ mục sư Nguyễn Công Chính đang ngồi tù vì đấu tranh cho tự do tôn giáo trong cộng đồng sắc tộc) vừa phải nuôi chồng ngồi tù oan khuất với năm con nhỏ vị thành niên, vừa hỗ trợ những cộng đồng sắc tộc nghèo khổ nhất Tây nguyên.
Còn nhiều những anh chị em khác, hằng ngày, công khai hoặc âm thầm, giúp đỡ những người vì các đấu tranh cho các giá trị tiến bộ mà phải chịu đàn áp, ngồi tù. Khi chính quyền coi những người đối kháng là kẻ thù, thì có nhiều người khác làm nhiệm vụ bảo vệ họ với tư cách những human rights defenders. Một bên gây tội với những người dân lương thiện, một bên bảo vệ họ. Ai có tội, ai có công? Trong khi đảng cộng sản Việt Nam đang từng bước bán nước, những người dân thường như chúng tôi kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dưới nhiều hình thức biểu tình dân vận và vận động quốc tế để rồi phải chịu sự trù dập từ chính quyền. Ai có công, ai có tội?
3/ Còn vô số những người vô danh khác đóng góp cho xã hội bằng nhưng công việc vô cùng tử tế như: người khuyết tật vượt lên những trở ngại cá nhân để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, những thanh niên mở các lớp dạy học miễn phí cho người nghèo, những gia đình Phật tử hằng ngày vẫn tặng cơm cháo cho các bệnh nhân nghèo, các nhóm thanh niên Công giáo bảo vệ sự sống... Họ âm thầm nhưng bền bỉ, chứ không giống các pha diễn trò của lãnh đạo cộng sản trước máy quay.
Ngay cả một người dân không tham gia XHDS, mà chỉ chăm lo đời sống cá nhân và gia đình họ cũng vẫn có công đóng góp cho quốc gia những đứa con có thể làm nhiệm vụ cầm súng bảo vệ đất nước khi quốc gia cần đến họ. Chính những người dân thường này sẽ bám chặt và gìn giữ mảnh đất chữ S này chứ không ai khác. Lãnh đạo cộng sản đi đêm với ngoại bang, con cái họ thì ra nước ngoài lập nghiệp hoặc học hành. Họ sẽ ngồi ở nơi an toàn nhất khi có chiến loạn xảy ra trên đất nước. Như thế, các tên tham nhũng, bán nước và tay sai làm sao đủ tư cách luận công với dân thường chúng tôi?
Vì thế, hỡi những người dân Việt Nam cần lao, hỡi những bạn trẻ đang siêng năng dựa trên sức mình mà vươn lên trong cuộc sống, chúng ta có công với đất nước này hơn bất cứ tên tội đồ cộng sản nào.
Huỳnh Thục Vy

Một phút suy tư: Chữ TÂM

ảnh internet
Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng, nên người ta mới gọi là tâm điểm.
Tâm của con người càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người:
- Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngả đảo điên.
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù..
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …
Cho nên , ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:
- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân.
- Đặt trên trán để mau mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác.
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em chị em.
*** Thân xác không tim thì thân xác chết, làm người không có tâm thì cuộc sống chỉ có hận thù và là mối nguy hiểm cho mọi người.

Sưu Tầm

5 Nghịch Lý Không Thể Ngược đời Hơn Của Người Việt.

1. Cần nhà hơn là tổ ấm
Người Việt chúng ta với tâm lý “an cư lạc nghiệp” nên luôn muốn sở hữu một căn nhà. Vì vậy, ai cũng phấn đấu kiếm tiền tậu được ngôi nhà mơ ước. Có người vay nợ để mua cho được căn nhà rồi ráng làm lụng kiếm tiền trả dần.

Có nhà rồi, chúng ta vẫn dành phần lớn thời gian ở ngoài đường chứ không phải ở nhà. Chúng ta vẫn tiếp tục ra đường “cày bừa” vất vả ngoài đường để có thể đổi nhà khác to hơn, mua sắm cho nhà nhiều vật dụng tiện nghi hơn. Lẽ nào chúng ta cần một “căn nhà” hơn là một “tổ ấm”?


2. Đẻ con cho người giúp việc
Vợ chồng ở với nhau chỉ mong có đứa con cho vui cửa vui nhà. Cặp vợ chồng nào chẳng may vô sinh hiếm muộn thì quáng quàng đi bác sĩ Đông Tây đủ thể loại mong kiếm được mụn con. Trông mong vậy nhưng đến khi có con, chúng ta mặc nhiên giao con của mình cho người giúp việc trông nom, chăm sóc.
Việc dạy dỗ con cái cũng khoán luôn cho người giúp việc. Còn chúng ta – những người đã sinh ra những đứa trẻ thiên thần ấy thì mải mê đi làm kiếm tiền. Mỗi ngày gặp con chưa được 1, 2 tiếng đồng hồ. Vậy, chúng ta đẻ con để người giúp việc có được niềm vui nâng niu ẵm bồng chớ đâu phải cho ta?

3. Người nghèo sang hơn người giàu
Chúng ta ở thành phố, mức sống cao, thu nhập cao nhưng mấy khi chúng ta sắm được cho cha mẹ ở quê những thứ tốt nhất. Hầu hết những gì chúng ta gửi về nông thôn là những thứ đồ cũ chúng ta không xài nữa, đã hư hỏng hoặc không hợp thời.
Ngược lại, những người “nghèo khó” ở nông thôn luôn chọn những thứ tốt nhất gửi lên cho người thành phố. Con gà béo nhất, buồng chuối to nhất, trái mít ngọt nhất… Chẳng phải dân nhà quê “chơi sang” hơn người thành phố sao?

4. Kiếm tiền mua sức khỏe
Chúng ta muốn kiếm thật nhiều tiền, vì thế chúng ta phải làm việc thật nhiều. Làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, tuần làm 40 giờ không đủ tranh thủ thêm cuối tuần. Hậu quả là cơ thể không một phút nghỉ ngơi khiến cho mắt mờ chân run, đầu óc mụ mị, lục phủ ngũ tạng rệu rã… phải vào bệnh viện.
Lúc đó, bao nhiêu tiền do làm lụng vất vả mà có lại đưa hết cho thầy thuốc để mua sức khoẻ. Liệu có mua được không?

5. Thế giới ảo “thực” hơn thế giới thực
Công nghệ càng phát triển, chúng ta càng kết nối được nhiều người, khoảng cách địa lý không còn là vấn đề nữa. Ngồi một chỗ, chúng ta có thể trò chuyện với bạn bè khắp thế giới, kết nối mọi thông tin thông qua cái điện thoại bé xíu cầm trên tay. Nhiều quan hệ quá, nhiều thông tin quá nên chúng ta không còn thời gian cho quan hệ thật, đời sống thật nữa. Bữa cơm gia đình mỗi người bưng một tô ăn với một cái điện thoại.
Gặp gỡ cà phê cũng mỗi người cầm một điện thoại hí hoáy chấm quẹt, thỉnh thoảng ngước lên nhìn nhau gượng gạo cười lấy lệ rồi lại cắm cúi chấm quẹt. Thế giới ảo hấp dẫn hơn thế giới thật mất rồi!

Internet

DẠY CON

ảnh minh hoạ
Anh chồng nhà nọ tan làm về nhà, nhìn thấy vợ đang đánh con trai, không ngó ngàng gì đến họ, đi thẳng vào nhà bếp, nhìn thấy nồi hoành thánh nghi ngút khói trên bàn, bèn múc một bát để ăn.
Ăn xong nhìn thấy vợ vẫn đang đánh con trai, không nhìn nổi nữa, nói: “Giáo dục con cái không thể lúc nào cũng dùng bạo lực được em ạ, phải giảng giải đạo lý cho nó hiểu!”.
Chị vợ nói: “Em mất công nấu nồi hoành thánh ngon là thế, mà nó lại tè một bãi vào, anh nói xem có điên không chứ?”.
Anh chồng nghe thấy thế, lập tức nói: “Bà xã, em nghỉ ngơi chút đi, để nó cho anh!”.

sưu tầm




Nhà báo, nhân dân, và lũ du côn

Nhà báo. Thôi khỏi nói nữa. Nhục. Vâng. Mấy hôm rồi. Chia không hết nhục cho đồng nghiệp. Vậy mà hôm nay, vẫn còn thấy báo đem “lời thề danh dự Công an nhân dân Việt Nam” ra, để kêu gọi sự “kính trọng lễ phép” nơi những kẻ du côn
Cái “lời thề” ấy đây:
“Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”.
Khốn.
Mấy lời răn dạy sáo mòn, xưa cũ của ông Hồ, đem dùng cho đám học sinh trẻ nít đã nghe chưa? Lại dùng để răn dạy một lũ du côn.
Tôn trọng luật pháp, theo luật mà hành xử. Nhà báo, nhân dân, hay công an công iếc chi, cũng vậy. Vì luật, chứ không cần “vì dân”. Câu “vì dân phục vụ” nghe sống sượng và bố láo! Đến… bố chúng nó nghe cũng không trôi, nữa là nhân dân.
Không nhân dân nào lại đi chờ trông, vào sự “kính trọng lễ phép” của một lũ du côn.
Trương Duy Nhất

Get paid to share your links!