Monday, August 8, 2016

6 năm học Y chẳng nhẽ tôi lại phải đi xách vữa

ảnh minh hoạ

Từ bệnh viện công tới phòng khám tư, từ trung tâm y tế dự phòng huyện đến trạm y tá xã, không nơi nào cho tôi được thực hiện giấc mơ thành bác sĩ.

Tháng 6 vừa qua, sau 6 năm vất vả học hành, cuối cùng tôi cũng cầm được trên tay mảnh giấy chứng nhận tốt nghiệp từ trường đại học Y Thái Bình. Mảnh giấy mỏng manh ấy là công sức 6 năm rèn giũa, là giọt mồ hôi của bố trên mỗi nẻo đường chạy xe ôm, là công lao của mẹ một nắng hai sương trên cánh đồng mỗi vụ gặt thuê cho người ta dù nhà không làm nông và mẹ có lương hưu. Nhưng tấm bằng bác sĩ dự phòng không cho tôi được trở thành bác sĩ mặc áo blouse, đeo ống nghe như người đời vẫn tưởng.

Tấm bằng ấy lại oằn lên tấm lưng gầy của mẹ của cha khi mà không nơi nào nhận một bác sĩ dự phòng. Từ bệnh viện công tới phòng khám tư, từ trung tâm y tế dự phòng huyện đến trạm y tá xã, bố mẹ cùng tôi vất vả ngược xuôi mang hồ sơ tới gõ cửa từng nơi, cầu cạnh từng người mà tất cả nhận về chỉ là cái lắc đầu. Có khi đó là cái lắc đầu đầy ái ngại rằng chỗ họ đã đủ người, có lúc lại là cái lắc đầu đầy khinh miệt rằng bác sĩ dự phòng là cái gì, ở đây chỉ tuyển bác sĩ đa khoa thôi. Không nơi nào cho tôi được thực hiện cái giấc mơ từ những ngày còn thơ là chữa bệnh cứu người.
6 năm học là cả một chặng đường chông gai, thức bao đêm trực bệnh viện, học bao nhiêu kiến thức cứu người. Không lẽ chữa bệnh thì cần mà phòng bệnh thì không? Tôi đọc báo thấy Việt Nam mình còn thiếu 9.000 bác sĩ y học dự phòng, ấy vậy mà mặc cho chạy đôn chạy đáo bao nơi, chẳng nơi nào họ cần mình. Cảm giác là người vô dụng làm tôi bao phen muốn rơi nước mắt, nhưng nghĩ đến bố mẹ dù vất vả đến mấy vẫn cố gắng động viên mình, tôi không dám khóc để bố mẹ thêm buồn lòng. Vừa ra trường, chưa có kinh nghiệm, chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng không nơi nào nhận thì đào đâu ra kinh nghiệm. Tôi cũng không mong ước cao sang là một bước là trở thành bác sĩ tay nghề cao hay lương lậu này nọ, chỉ không nỡ để 6 năm kiến thức của mình tan thành bọt nước, đổ sông đổ bể hết cả.
Trong lớp y dự phòng có tới 1/3 bạn học vừa ra trường đã được nhận ngay vào bệnh viện này trung tâm khác. Không phải vì họ giỏi hơn hay lành nghề hơn mà vì họ có mối quan hệ; những cái đó tôi - con của bố xe ôm mẹ công nhân nghỉ hưu làm sao mà có được? Ngày tôi trúng tuyển vào đại học 6 năm về trước, nhận giấy báo của cả đại học công nghệ thông tin, bố mẹ đã không tiếc công sức để thuyết phục tôi từ bỏ đại học công nghệ thông tin với mức học phí thấp hơn và thời gian học ngắn hơn, chỉ với ước mong tôi có thể trở thành bác sĩ theo đúng giấc mơ. Tôi bắt đầu đi học với ước vọng có thể trở thành người con mà bố mẹ tự hào, trở thành người có ích. Cả tuổi trẻ nhiệt huyết đều dành hết cho học tập, bạn bè cùng trang lứa đã tốt nghiệp đi làm từ lâu, tôi vẫn miệt mài với những sản, nhi, khoa nội khoa ngoại.
Hiện thực phũ phàng trước mắt đập tan mọi hy vọng, ước mơ và hoài bão của bản thân. Hồ sơ gửi đi nhiều nơi, hoặc là bặt tăm, hoặc là bị trả về thẳng thừng. Không lẽ 6 năm học thành bác sĩ, giờ tôi nên gác bằng đi xách vữa?
Văn

Giáo viên tố tiêu cực, bị nhận lương 100.000 đồng/tháng


Câu chuyện bi hài đến mức kinh tởm này tiếc thay lại là điều có thực, xảy ra ở thành phố Thái Bình.

Sáng 28-7-2016, Hà Nội chìm trong mưa và cây đổ bởi cơn bão số 1, còn Thái Bình vẫn đang bão giật cấp 14,15. Vậy mà thầy giáo Bùi Hồng Hà, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh TP Thái Bình vẫn đội mưa đến toà soạn Báo QĐND để kêu cứu tình cảnh đau lòng của thầy:

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhạc hoạ Trung ương, thầy Hà về quê xin làm giáo viên hợp đồng môn mỹ thuật cho Trường Lương Thế Vinh với thù lao 25.000 đồng/tiết học. Ròng rã 8 năm trời làm giáo viên hợp đồng đến năm 2015, trên thông báo có đợt thi viên chức kèm quy chế kỳ thi do UNND TP Thái Bình ban hành có điều khoản, cộng 3 điểm/năm cho những giáo viên đã có thời gian tập sự.
Với năng lực của mình, khi báo điểm thi, thầy Hà vui mừng biết mình có số điểm cao nhất trong danh sách thi môn mỹ thuật cầm chắc đỗ.

Thế nhưng, ít ngày sau, chính UBND TP Thái Bình lại tự "sửa" quy chế thi, bỏ phần cộng điểm năm tập sự khiến cho thầy Hà cùng mấy gv khác từ đỗ thành trượt.
Uất ức, thầy Hà đâm đơn kêu cứu thì thành phố im lặng, rồi giải thích lòng vòng và cuối cùng là chấm dứt hợp đồng, đuổi thầy ra khỏi trường. Kêu cứu mãi lên tận Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình và nhiều cơ quan chức năng khác, thầy được chiếu cố cho dạy học tiếp với mức 1 tiết/ tuần x25k= thu nhập 100.000 đồng/ tháng!

Vụ việc, theo điều tra sơ bộ của chúng tôi ẩn chứa nhiều dấu hiệu tiêu cực, sai phạm nhưng các cán bộ liên quan đều trả lời hết sức vô cảm, dửng dưng trước cuộc sống và danh dự của những ngừoi thầy. Họ thản nhiên nói "đúng qui trình", công văn "có sai có đúng".

Là nhà báo đã từng nhiều năm công tác trong các nhà trường quân đội, tôi rất đau lòng khi chứng kiến tình cảnh thầy Hà. Chắc rằng tới đây, tôi sẽ về TB để làm việc với các quan chức. Có một câu hỏi, chỉ một câu thôi, tôi muốn hỏi tất cả số họ:
- Thưa đồng chí Trưởng phòng Giáo dục, Nội vụ, Tổ chức; thưa các đồng chíChủ tịch UBND Thành phố TB, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nếu được nhận mức lương 100k/ tháng, đồng chí sẽ nghĩ gì?
Tôi cũng muốn chuyển câu chuyện này tới các nhà báo theo dõi giáo dục và báo Lao động của các anh Trần Duy Phương, Công Thắng, Chị Hue Pham với bản tin...khó tin!
P/s: 100.000 đồng đủ mua hơn 6 lít xăng, chắc gần đủ đổ xăng cho thầy Hà đi dạy tuần một buổi!

Get paid to share your links!