Monday, June 20, 2016

Indonesia khẳng định tiếp tục bắn đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép


mediaMột quân nhân Hải Quân Indonesia trước tàu đánh cá Trung Quốc "Hua Li-8" tại Belawan, Bắc Sumatra. Ảnh chụp ngày 23/04/2016.ABIMATA HASIBUAN / AFP
Bắc Kinh phản đối tuần duyên Indonesia nổ súng vào một đoàn tàu cá Trung Quốc và bắt một chiếc trong ngày 17/06/2016. Phía Indonesia cho biết sẽ tiếp tục dùng biện pháp mạnh để diệt trừ nạn ngư dân Trung Quốc xâm nhập lãnh hải.
Theo một bản tuyên bố do Tân Hoa Xã công bố ngày 19/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, thứ Sáu ngày 17/06, cho biết, một đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc đang hoạt động ở một vùng ngư trường có tranh chấp đã bị nhiều chiến hạm Indonesia bao vây, nổ súng gây thương tích cho một ngư dân. Hải quân Indonesia còn bắt một tàu cá với 7 thuyền viên. Theo luận điểm của Trung Quốc thì Indonesia « dùng vũ lực quá đáng, vi phạm luật quốc tế, đe dọa hoà bình khu vực ».






Hải quân Indonesia xác nhận với AFP đã chận bắt 12 tàu cá « nước ngoài » họat động bất hợp pháp. Phát ngôn viên Edi Sucipto cho biết có nổ súng bắn cảnh cáo các chiếc tàu bỏ chạy cho đến khi dừng lại cho khám xét và đã bắt một chiếc tàu treo cờ Trung Quốc « kéo về Ranai » cùng với 7 thuyền viên, không một ai bị thương.
Để đáp lại chỉ trích của Bắc Kinh, phát ngôn viên hải quân Indonesia khẳng định là « cho dù tàu cá treo cờ nước nào, một khi vi phạm luật Indonesia thì hải quân chúng tôi sẽ không ngần ngại ra tay ».
Trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc sử dụng ngư dân như một lực lượng bán quân sự để lấn chiếm Biển Đông, Indonesia kiên quyết bảo vệ chủ quyền và ngư trường của mình bằng quân sự. Hàng chục tàu cá nước ngoài từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam đã bị chận bắt và thiêu hủy. Đây là lần thứ ba trong năm nay xảy ra « đụng chạm » giữa Indonesia và Trung Quốc.
Trong cuộc họp với bộ trưởng An ninh Luhut Panjaitan, tổng thống Joko Widodo chỉ thị « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ » cho dù tổng thống cũng muốn duy trì hoà khí với các láng giềng, theo thông báo của phát ngôn viên phủ tổng thống Johan Budi.
Theo RFI

ÔI! BÁC SĨ Ở THIÊN ĐƯỜNG XHCN!!!

Chuyện kỳ lạ ở Bệnh viện 115 Nghệ An: Bác sỹ mổ tay trái để rút đinh ở...tay phải!!!

09:11 | 20/06/2016

Tamnhin.net - “Định không nói ra nhưng em xót con em quá mọi người ạ, em nghi là con em đã bị bác sĩ mổ nhầm tay”. Đó là câu mở đầu một status được đăng tải trên Facebook ngày 16.6.2016. Liên lạc với chủ nhân, PV gặp chị Lê Thị Th, mẹ của cháu Phạm Thành L, bệnh nhân bị bác sĩ...mổ nhầm tay tại Bệnh viện 115 Nghệ An.
Theo đó, ngày 17.02.2016, cháu Phạm Thành L, 6 tuổi, quê ở xóm 6, phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị ngã gãy tay (cổ tay phải), được đóng đinh cố định tại Bệnh viện 115 Nghệ An. Bác sĩ hẹn sau 3 tháng phải quay lại mổ để lấy đinh ra. 
Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, nơi xảy ra sự việc.
Phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải?!
Đến hẹn, ngày 15.6.2016, chị Lê Thị Th, mẹ cháu L đã đưa con đến Bệnh viên 115 Nghệ An để khám lại. Tại đây, sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết nếu cháu ngoan, có thể gây tê thì làm tiểu phẫu xong rồi cho về. Tuy nhiên, khi tiến hành gây tê, cháu L sợ quá nên gia đình buộc phải cho cháu nhập viện để phẫu thuật. 
Về thời gian phẫu thuật cho cháu L, chị Th cho biết: “Phải mất tới hai giờ đồng hồ, cháu L mới được ra khỏi phòng mổ và ở trong trạng thái cả hai tay đều băng bó giống nhau. Chờ con từ phòng mổ mà lòng dạ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Linh tính của người mẹ mách bảo có điều gì đó bất thường bởi vì thời gian mổ rút đinh lần này còn lâu hơn cả thời gian đóng đinh lần trước”.
Cũng theo chị Th, sau khi sự việc xảy ra, chị đã đi tìm bác sĩ để hỏi nhưng không gặp được ai cả. Hỏi y tá thì họ bảo chờ bác sĩ trực tiếp phẫu thuật. Gọi 03 số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện thì 02 số không liên lạc được, 01 số đổ chuông nhưng không ai trả lời.
Được biết, sau hơn một giờ đồng hồ, bác sĩ mới tới gặp gia đình bệnh nhân và giải thích rằng do trong quá trình phẩu thuật, đinh bị lún sâu vào bên trong nên phải đục mới lấy được đinh ra, thế nên bị hổng xốp xương, phải phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải. 
 Cháu Phạm Thành L, người bị bác sĩ mổ nhầm tay
Tham khảo từ một số bác sĩ ở các bệnh viện có uy tín ở Trung Ương và địa phương về việc phải phẩu thuật tay trái để lấy xốp xương đắp sang tay phải thì tất cả đều khẳng định rằng đó là điều dối trá, bịp bợm mà từ cổ chí kim chưa từng có. Đặc biệt là khi muốn can thiệp y tế lên cơ thể bệnh nhân những nội dung khác với yêu cầu ban đầu thì phải thông báo và cam kết với người nhà của họ.
Điều đáng nói là ca phẩu thuật này quá đơn giản, các trạm y tế tuyến xã vẫn có thể xử lý một cách nhẹ nhàng, êm đẹp, vậy mà  bác sĩ Trần Văn Tuấn ở Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An lại để xảy ra sai sót nghiêm trọng về chuyên môn và quy trình kỷ thuật như vậy. 
Không những thế, bác sĩ Tuấn còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Trước việc làm sai trái của mình vẫn dối trá, bịp bợm, kiểu “Cả vú lấp miệng em”, hòng che đậy hành vi thiếu trách nhiệm. Trước việc làm thiếu y đức đó, chị Th bức xúc: “Bác sĩ còn chốt một câu: bây giờ hai tay của cháu đã ổn định bình thường rồi, chị còn gì mà phải thắc mắc nữa”.
Xót xa trước việc đứa con nhỏ bé của mình bị bác sĩ đưa ra làm “vật thí nghiệm”, cùng với thái độ hống hách, trịch thượng, vô trách nhiệm, dối trá, bịp bợm, chị Th cầu cứu: “Mình không quen biết nhà báo nào, mình chia sẻ lên đây, ai có lòng xin hãy can thiệp giúp mình với. Xin cảm ơn cả nhà”.

"Không đồng ý cách giải thích như thế"
Theo thông tin từ chuyên môn thì việc phẫu thuật để lấy đinh ở tay là việc làm đơn giản nhất khi phải đụng đến dao kéo. Bình thường, thời gian để thực hiện chỉ khoảng 15 phút là xong. Tuy nhiên trong trường hợp của cháu L, bác sĩ Tuấn cùng ê kíp đã tiến hành mất 2 tiếng đồng hồ.
Lý giải về vấn đề này Bác sĩ Phạm Văn Dũng, PGĐ bệnh viện 115 Nghệ An cho biết: “Trường hợp cháu L không thể gây tê tại chỗ được mà phải gây mê, phải chờ thời gian đào thải của thuốc. Tùy theo từng trường hợp gây mê và tùy theo bác sĩ gây mê mà có thời gian hoàn thành ca mổ khác nhau”.
Nói về nguyên nhân diễn ra sự nhầm lẫn đáng tiếc này, vị lãnh đạo bệnh viện, chia sẻ: “Trên tay cháu L, dấu vết phẫu thuật cũ không còn. Hơn nữa ê kíp thực hiện lại lấy ven truyền dịch ở tay phải, vì thế phẫu thuật viên mặc định tay trái là tay đóng đinh nên đã tiến hành mổ”.
Phiếu chăm sóc bệnh nhân 
Cũng theo ông Dũng thì sau khi mổ tay trái, tìm mãi không thấy đinh mới biết là mổ nhầm nên tiếp tục chuyển sang mổ để lấy đinh ở tay phải. 
Về cách giải thích của Bác sĩ Tuấn đối với người nhà bệnh nhân, ông Dũng trải lòng: “Tôi không trực tiếp giải quyết ca mổ đó nhưng nghe các bác sĩ trên khoa giải thích như thế nên tôi giải thích lại với các anh vậy thôi. Tuy nhiên, với cách giải thích này, tôi cũng không đồng ý lắm”.
Bàn về giải pháp sắp tới đối với bệnh nhân và ê kíp mổ, ông Dũng cho biết: “Chúng tôi sẽ chịu mọi phí tổn điều trị cho cháu đến khi khỏe mạnh và xuất viện, đồng thời hỗ trợ để đưa cháu ra Hà Nội khám theo nguyện vọng của gia đình”.
“Còn về ê kíp mổ, chúng tôi sẽ họp để xác định nguyên nhân, quy trách nhiệm và mức độ vi phạm để xử lý. Tôi sẽ có hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo khoa và cán bộ đó”, ông Dũng nói thêm.
Có thể nói rằng, để xẩy ra sự “nhầm lẫn” hết sức sơ đẳng này là điều không thể chấp nhận được ở một bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.
Việc làm tất trách đó là do thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi thường thân xác của người bệnh hay do trình độ chuyên môn của phẫu thuật viên chưa ngang tầm. Dù thế nào đi chăng nữa thì cả hai điều đó đều không thể tồn tại được trong môi trường y học hiện nay.
                         Trần Hoàn - Việt Hòa 
theo Tầm nhìn

KHÓC CHA !


Không thể nào con ngủ được đêm nay
Trời sắp sáng sao con còn trăn trở
Cha ơi ! vì con biết trên đời nầy hiện tại
Con đã mất cha rồi !
Đêm nay giữa thinh lặng
Một mình con đối diện
Tấm tình cha ôi sao quá bao la
Giờ nhận biết thì cha xa vời vợi
Mãi không còn cha nữa ở trên đời
Mãi không còn gọi nữa tiếng “ Cha ơi ! “
Vành tang trắng, chỉ một vành lụa mỏng
Mang trên đầu sao nặng quá ngàn cân
Dòng nước mắt cả ngày không thể khóc
Giờ lại tuôn như dòng suối khôn vơi
Đêm nay, cha nằm đó
Mắt khép hòai vĩnh viễn
Bao ưu tư cha bỏ lại giữa đời
Bao yêu thương đâu còn nữa, cha ơi !
Bao trìu mến làm sao con tìm được
Đêm nay,
Những giọt lệ nến sưỡi vầng trán cao lạnh giá
Và lệ con sưỡi ấm linh hồn cha.
Đêm nay,
Khóc cha bằng giọt lệ thầm
Bằng muôn vạn nén hương trầm con dâng.
Kim Lệ

Đáp án bài toán 'lạ' trong đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên



Trong đề toán chung (dành cho tất cả thí sinh thi vào Phổ thông năng khiếu) của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, có một bài toán gây bất ngờ cho thí sinh, phụ huynh và cả thầy cô giáo về cách đặt câu hỏi… không giống ai.

Bài toán hay trong đề thi tuyển sinh lớp 10 chuyên  /  Đề thi chuyên toán lớp 10 nên ra như thế nào


Dù vậy, đa số chuyên gia đánh giá đây là bài toán hay, cách đặt vấn đề thú vị và bất ngờ, học sinh tỉnh táo một chút có thể xử lý tốt. Mời bạn đọc cùng thử sức.

Đề bài:
Lớp 9A có 27 học sinh nam và 18 học sinh nữ. Nhân dịp sinh nhật bạn X
(là một thành viên của lớp), các bạn trong lớp có rất nhiều món quà tặng X.
Ngoài ra, mỗi bạn nam của lớp làm 3 tấm thiệp và mỗi bạn nữ xếp 2 hoặc 5 con hạc để tặng bạn X.
Biết số tấm thiệp và số con hạc bằng nhau, hỏi bạn X là nam hay nữ?
Giải
Gọi x là số bạn nữ tặng 2 con hạc, y là số bạn nữ tặng 5 con hạc.
Giả sử bạn X là nam, ta có hệ phương trình 26.3 = 2x + 5y, x + y = 18.
Giải ra được y = 14, x = 4 (thỏa).
Giả sử bạn X là nữ, ta có hệ 27.3 = 2x + 5y, x + y = 17
Suy ra y = 47/3 (loại vì y là số nguyên).
Vậy bạn X là nam.
TS Trần Nam Dũng
ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM

Theo VNExpress


Làm thế nào để người có tài có cơ hội cống hiến?

Ông Vũ Quang Hải và quyết định điều động về làm thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc Tổng Cty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hồi đầu năm 2015.

Báo chí và mạng xã hội đang ầm ĩ chuyện ông Vũ Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sau khi du học ở nước ngoài về, dù còn rất trẻ và mới chỉ làm việc trong thời gia ngắn, nhưng liên tục được sắp xếp và bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo có nhiều bổng lộc trong các cơ quan và doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương.

“Một người làm quan, cả họ được nhờ”

Cụ thể là lúc mới 25 tuổi ông Hải đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) và đã làm công ty này lỗ hơn 220 tỷ đồng. Khi PVFI hoạt động đình trệ và có nguy cơ phá sản, thì ông Hải lại được điều về Cục Xúc tiến thương mại của Bộ, nhận chức Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu (cấp Vụ Phó). Và chỉ sau một thời gian ngắn, theo đề nghị của ông Phan Đăng Tuất - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn-Sabeco, ông Vũ Quang Hải đã trở thành thành viên HĐQT kiêm chức Phó tổng giám đốc Sabeco - một doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu tới 12.000 tỷ đồng, khi mới có 28 tuổi. Sự việc này có liên quan đến ông Võ Thanh Hà-Chủ tịch HĐQT Sabeco, sinh năm 1974 nguyên là thư ký của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Trước khi về Sabeco, ông Võ Thanh Hà giữ vị trí Chánh Văn phòng Bộ Công Thương từ tháng 2/2015. Toàn bộ việc bê bối này lđược giao cho tân Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh là người chủ trì giải quyết.
Chỉ một vụ việc "bé bằng móng tay" như thế, mà thấy xuất hiện hàng loạt gương mặt con ông, cháu cha. Đó là các ông Vũ Quang Hải - con trai cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; ông Võ Thanh Hà - con trai Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc; ông Phan Đăng Tuất - chú vợ ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Dũng và ông Trần Tuấn Anh con trai Chủ tịch Nước Trần Đức Lương.
Phải chăng dư luận giận dữ bởi lý do này?
Câu trả lời là không! Vì thực ra trong một xã hội còn mang nặng tư tưởng "một người làm quan, cả họ được nhờ" như Việt nam hiện nay, thì việc các lãnh đạo cất nhắc con cái vào các vị trí béo bở thì cũng là chuyện bình thường. Vì mỗi chúng ta nếu ở cương vị lãnh đạo, thì cũng tìm mọi cách lách luật để thu vén cho lợi ích của cá nhân mình mà thôi. Khó mà làm khác được. Nhất là cơ chế hiện tại không chỉ thiếu chặt chẽ, mà họ không cấm hay ngăn chặn tình trạng này.
Vì thế trong nhiều năm trở lại đây, việc các cán bộ cao cấp bố trí, cất nhắc cho con cái của họ vào những vị trí thăng tiến tốt mặc nhiên trở thành một cái quyền của họ và chả riêng gì các ông lớn mà ai cũng vậy. Nếu nhìn lên trên người ta sẽ thấy, những cái tên của các cô cậu "tuổi trẻ tài cao" như: Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Tô Linh Hương, Lê Trương Hải Hiếu, Nguyễn Xuân Anh... trùng trùng, điệp điệp kể không hết. Nếu kể đến cả cấp lãnh đạo cỡ cấp huyện và tương đương, thì có đến hàng ngàn, hàng vạn trường hợp. Nếu nhìn xuống dưới thì không chỉ có con cái các sếp lớn nhỏ, mà cả con cháu của bạn bè sếp (đôi khi cũng chả cần), miễn là có tiền thì cũng được nhận vào làm viên chức nhà nước hay mấy chỗ dễ kiếm tiền. Chỉ lạ một điều, những người ấy không phải những người có tài cán đặc biệt, ngoài việc là có bố mẹ làm to.
vu-quang-hai-1465978986.jpg
vu-quang-hai-1465978986.jpg
Vậy mà, ông Vũ Quang Hải vẫn nói với báo chí rằng "Tôi được xin về Sabeco đúng quy trình". không chỉ thế, ông Hải còn khẳng định rằng: “Trong một đất nước do Đảng lãnh đạo, mọi thứ bình đẳng hết, cơ hội của mọi người là như nhau. Thật sự tôi không nghĩ đây là sự ưu ái, vì tất cả chúng ta đều bình đẳng hết”. Cũng như thế, ông bố của ông - cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, việc bổ nhiệm con trai của mình là ông Vũ Quang Hải và thư ký - ông Võ Thanh Hà không phải ông đề xuất mà là do Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng quy trình. Thậm chí Cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco Phan Đăng Tuất giải thích rằng ông Vũ Quang Hải được chọn làm phó tổng giám đốc vì là người "trẻ tuổi, tài cao, nói tiếng Anh câu nào hiểu câu ấy". Người ta đã đặt ngay câu hỏi rằng "Nếu như người khác có tiêu chuẩn như ông Vũ Quang Hải nhưng không có bố là Bộ trưởng thì liệu có được quan tâm như thế hay không?"
Dư luận xã hội hết sức phẫn nộ vì những cái đó, họ coi đó là sự biện minh của những kẻ tham lam và vô liêm sỉ, là điều không  thể chấp nhận được và thấy rằng chính quyền đã quá coi thường dân chúng trong việc chia chác quyền lực. Tiến sĩ Hà Văn Thịnh, Trường Đại học Khoa học Huế tỏ ra hết sức bức xúc khi viết trên trang facebook cá nhân rằng: "Tàn tệ hơn cả thời phong kiến, mục ruỗng hơn cả ngôi nhà mục nát nhất, là sự thật không thể nào chối cãi!". Đây là nhận xét hoàn toàn chính xác.

“Cha truyền con nối”

Dưới thời phong kiến, khi mà sự thừa kế "cha truyền con nối" được coi trọng, thì việc tuyển người làm quan có thể lệ gọi là tập ấm, tức là các con cái quan lại thì có tiêu chuẩn để bổ nhiệm làm quan, mà không phải qua thi cử. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này chỉ mang tính động viên, chứ không phải nguồn chính để tuyển dụng người vào bộ máy nhà nước. Để phát hiện và sử dụng nhân tài, các triều đại phong kiến thường áp dụng hai phương thức chính là tiến cử và thi cử và chế độ thi cử là chủ yếu. Đồng thời trong chế độ phong kiến bên cạnh chức vị thì còn có tước vị để dành cho những người có công nhưng không có đủ năng lực làm quan, giúp họ có một tước vị cho rạng ranh với xã hội. Những kẻ có tiền thì cũng có thể công khai mua tước. Nhưng ở chế độ hiện nay, người có chức quyền là đi kèm theo hàng loạt các quyền lực, quyền lợi và được đa số các quan chức tận dụng để đục khoét núi ngân sách (vốn đã vô chủ) từ tiền thuế của người dân. Trong khi ấy, không có đủ các thiết chết giám sát và điều chỉnh quyền lực cần thiết. Khi quyền lực được trao cho những người không đủ nhân cách, thì đã trở thành công cụ phục vụ cho việc tìm kiếm lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm.
Việc một số người được giữ các chức vụ cao từ lúc còn ít tuổi, điều mà những công chức mẫn cán, có tài và có quá trình công tác trên dưới 40 năm cũng không dám mơ đến là điều bất hợp lý. Với cơ chế như hiện nay đã không khuyến khích và tạo điều kiện cho người có tài có điều kiện đóng góp cho đất nước. Đây là sự bất bình đẳng về cơ hội. Vấn đề đặt ra là, chúng ta cần phải xây dựng được một một thể chế chính trị mà trong đó cơ chế giám sát và điều chỉnh quyền lực với những cơ quan giám sát hoàn toàn độc lập phải được hoàn thiện. Với thiết chế tam quyền phân lập rõ ràng, cộng với việc thừa nhận đa nguyên và cạnh tranh chính trị. Và chỉ có như thế thì mới ngăn chặn và đi tới chấm dứt được tình trạng những kẻ có chức có quyền nhưng thiếu nhân cách lộng quyền và bất chấp pháp luật như hiện nay. Có như thế mới có thể tạo điều kiện cho người có tài có được cơ hội để cống hiến cho xã hội.
Ngày 15/06/2015
Theo Kami, RFA

Vụ giết bò bằng búa tạ ở Việt Nam gây chấn động Úc

Giám đốc của tổ chức “Animals Australia” cho biết đoạn video là hình ảnh kinh khủng nhất mà bà từng xem.
Đoạn clip giết bò nhập từ Australia bằng búa ở Việt Nam đã khiến chính quyền Úc tạm ngưng xuất khẩu gia súc sống sang quốc gia Đông Nam Á này.
Video do tổ chức bảo vệ động vật “Animals Australia” công bố cho thấy bò được cho là nhập khẩu từ Úc đã bị đập cho tới chết bằng búa tạ.
Tổ chức này cho biết đoạn phim quay tại Việt Nam tháng trước, và Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Barnaby Joyce gọi đây là việc làm “ghê tởm”.
Quan chức này nói rằng dù chưa xác định là bò trong đoạn băng có phải xuất xứ từ Australia hay không, nhưng Úc đã ngưng xuất khẩu gia súc sang các lò mổ đã được xác định là tàn bạo với động vật.
Trong khi đó, giám đốc của tổ chức “Animals Australia” cho biết đoạn video là hình ảnh kinh khủng nhất mà bà từng xem.
Thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia súc sống và thịt Australia, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Úc.
Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300 nghìn gia súc từ Australia để vỗ béo rồi mổ lấy thịt.
Năm ngoái, “Animals Australia” cũng đã khiếu nại lên Bộ Nông nghiệp liên bang Australia về việc gia súc xuất khẩu từ nước này bị giết bằng búa tạ trong các lò mổ ở Việt Nam.
Việt Nam sau đó tuyên bố sẽ điều tra vụ việc, nhưng tới nay chưa công bố kết quả.


Theo VOA, ABC, VNA, VNE

Hãy cài nhân quyền vào 22 tỷ USD vốn ODA chưa giải ngân cho Việt Nam!

Tháng Năm 2016 - trùng với một thông tin trên mặt vài tờ báo nhà nước về “Chính phủ Mỹ nợ Việt Nam 12 tỷ USD” và chuyến “vay tiền giảm nghèo” ở Nhật của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết nhà nước vẫn còn một nguồn ngoại tệ cực kỳ dồi dào. Đó là số vốn ODA mà các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết (hoặc chưa giải ngân) với Việt Nam lên đến 22 tỉ USD!
Trong bối cảnh nợ đến hạn phải trả cho nước ngoài - khoảng 20 tỷ USD cho năm 2015 và cũng có thể chừng đó hoặc hơn trong năm 2016 - là quá lớn so với nguồn thu ngày càng èo uột của ngân sách và tình trạng ngân sách sắp rỗng ruột, con số 22 tỷ USD vốn ODA quả là quá hấp dẫn. Nếu toàn bộ số vốn này được giải ngân ngay lập tức theo phương châm mà phía Việt Nam ưa dùng là “linh hoạt” hay “đặc cách”, có thể tưởng tượng gương mặt giới quan chức ăn xổi sẽ sáng bừng đến thế nào, bởi món quà từ trên trời rơi xuống này không những giúp cầm hơi chế độ mà còn tạo “công ăn việc làm” cho các nhóm lợi ích quen đục khoét vốn ODA.
Từ nhiều năm qua, ODA đã trở thành một trong những quốc nạn về tham nhũng. Tỷ lệ thất thoát bình quân tại nhiều dự án ODA được đồn đoán khoảng 20 - 25%. Nhưng đó chỉ là mức “hợp pháp”. Thậm chí tỷ lệ “lại quả” ODA còn vọt đến 40% - được chứng thực bởi một dự án xây dựng trường tiểu học ở Hà Tĩnh và giai đoạn 2009 - 2010.
Có rất nhiều dẫn chứng về lãng phí và “ăn dày” ODA. Năm 2015, báo chí phản ánh công trình cầu vượt Giá Rai (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 290 tỉ đồng rồi... bỏ không khoảng ba năm nay do hết vốn làm đường dẫn, gây lãng phí. Hoặc dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.HCM, dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, chương trình phát triển dâu tằm tơ ở Lâm Đồng và hàng loạt dự án cơ khí, cấp nước, nông nghiệp vay vốn ODA từ Pháp, Đức không hiệu quả...
Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông, chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở TP.HCM...
Rõ ràng đó là lý do vì sao ngay cả những quốc gia được coi là có “thiện cảm” với Việt Nam như Đan Mạch, Thụy Điển, Úc… cũng phải thẳng tay cắt giảm viện trợ ODA đối với chính quyền “ăn của dân không chừa thứ gì.”
40% của 22 tỷ USD bằng bao nhiêu?
Không hẳn là “đói cho sạch”, mà những quốc gia giàu có nhất lại thường có ý thức tự trọng nhất. Người dân ở những nước này khó lòng mà chấp nhận tiền đóng thuế của họ được sử dụng để “giảm nghèo” cho các quan chức của chế độ của nước được viện trợ.
Họ lại càng không thể chấp nhận khi chế độ đó còn ung dung ngự trị bằng tiền viện trợ để đè đầu cưỡi cổ lớp dân chúng lầm than chỉ dám gào lên khi sắp chết.
Liệu các cơ quan như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) và Nhật Bản - những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam – có thấu hiểu được nỗi đau của người dân Việt?
Mặc dầu nhiều lần quốc tế đề nghị Việt Nam phải có cơ chế giám định độc lập về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA, các bộ ngành và chính phủ Việt Nam vẫn nhắm mắt bịt tai. Cứ sau 5-7 năm, một nghị định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA lại được chính phủ ban hành. Nhưng lần nào cũng vậy, chẳng có bất cứ điều khoản nào cho thấy người dân được thông báo đầy đủ những thông tin ODA liên quan đến những dự án liên quan mật thiết đến dân sinh, cũng chẳng có chuyện người dân và Xã hội dân sự được đóng góp ý kiến và phản biện đối với những bất cập, bất công và nạn tham nhũng kinh hoàng trong môi trường ODA của giới quan chức.
Các nước Tây Âu và Bắc Âu cũng tài trợ cho Chính phủ Việt Nam trong vài chục năm qua để “cải cách luật pháp” và “chống tham nhũng”, nhưng việc này dường như cũng không mang lại mấy kết quả. ODA vẫn là miếng mồi béo bở nhất cho có giới chức tham nhũng ở Việt Nam.
Nếu tỷ lệ 40% được “ứng dụng thành công” vào con số 22 tỷ USD vốn ODA còn lại sẽ được ký kết và giải ngân cho Việt Nam, sẽ có ít nhất hàng chục tỷ đô la viện trợ tuồn thẳng vào túi giới quan chức - vốn đang quá bức xúc vì “không biết lấy gì để ăn” trong bối cảnh ngân sách “không biết lấy gì để tiêu”.
Và sẽ lại diễn ra những cảnh “gương người tốt việc tốt” kinh hoàng nhất của quốc nạn ODA như Trưởng ban PMU 18 Bùi Tiến Dũng - tắm bia và ôm gái, hay Trưởng ban PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ - nhận số tiền hối lộ ít nhất 800.000 đô la - suýt nữa đã làm sui với gia đình cựu bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải…
Làm thế nào để ODA không trở thành “giá súng” ở Việt Nam?
Có thể vì quá thất vọng trước thành tích quá yếu kém về “quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA” của Việt Nam, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, lần lượt WB, IMF rồi đến ADB đều thẳng thừng tuyên bố sẽ chấm dứt các khoản cho vay ODA với lãi suất ưu đãi. Đến tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA, mà phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.
Vào đầu năm 2016, đại diện WB gặp chính phủ Việt Nam - cả thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng lẫn thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc - đã nói thẳng là WB chỉ hỗ trợ Việt Nam với điều kiện chính phủ phải chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Nhưng làm thế nào để đạt được “hiệu quả”?
Muốn chống được tham nhũng, ít nhất người dân phải được cất tiếng nói, thay vì bị bóp nghẹt. Không phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 2015, trong một lần dự hội thảo “Phát triểnViệt Nam” do Thủ tướng Dũng chủ trì, phía WB đã trao cho Việt Nam một bản khuyến nghị 7 điểm, với điểm đầu tiên đặc biệt chưa từng thấy: Việt Nam cần sớm ban hành luật Lập hội.
Nếu không có nhân quyền, bài học ODA trở thành “giá súng” cho chế độ độc tài đã từng thấm máu dân chúng ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ lặp lại ở Việt Nam. Nhiều chế độ và nhà độc tài đã vay mượn từ nước ngoài, biển thủ vốn vay cho các mục đích cá nhân, và để lại nhiều khoản nợ cho công chúng mà họ cai trị: chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi vay mượn ODA suốt thập niên 80 trong khi phần lớn ngân sách được dùng tài trợ quân đội và cảnh sát để đàn áp những người dân gốc Phi. Giờ đây, người dân Nam Phi gánh chịu số nợ của những kẻ đã đàn áp họ. Mobutu Sese Seko ở Zaire đã tích lũy hơn 12 tỉ USD nợ công trong khi Mobutu chuyển công quỹ vào các tài khoản cá nhân của hắn tổng cộng lên đến 4 tỉ USD (vào giữa thập niên 80) và sử dụng chúng để duy trì quyền lực thông qua việc nuôi dưỡng thuộc hạ và thanh toán chi phí quân sự. Fernando Marcos của Phillipines khi mất quyền lực năm 1986 cũng để lại khoản nợ nước ngoài 28 tỉ USD, trong lúc tài sản cá nhân của Marcos được ước tính lên đến 10 tỉ…
Không nên có thêm “giá súng” ở Việt Nam. Lực lượng công an tại quốc gia này luôn được dành cho một phần lớn trong cái bánh ODA để nuôi dưỡng mức sắt máu trong việc áp chế nhân dân.
9 trong số 15 chiếc ghế bị bỏ trống tại cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Barack Obama với các đại diện của Xã hội dân sự Việt Nam vào tháng 5/2016 là hình ảnh rõ ràng nhất về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam. Nếu ngay cả những khách mời của Tổng thống Mỹ mà còn bị công an Việt Nam ngăn chặn và câu lưu bất hợp pháp tại nhà riêng và tại đồn cảnh sát, thì cơ chế đàn áp một cách liên tục và có hệ thống của chính thể Hà Nội đối với các quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do báo chí, công đoàn độc lập, tù nhân chính trị là một thực tế hết sức dễ hiểu.
Và nếu ông Obama không phải công du mà đi du lịch Việt Nam, hãy coi chừng một ngày nào đó chính ông sẽ bị công an đất nước này cấm chỉ không cho ra khỏi khách sạn.
Hãy cài nhân quyền vào các khoản cho vay tín dụng!
Đã đến lúc cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đề ra nhân quyền như một trong những điều kiện tiên quyết vào các chương trình cung cấp tín dụng, đặc biệt là vốn ODA.
Và đặc biệt là cài nhân quyền vào kế hoạch cung cấp 22 tỷ USD vốn ODA còn lại cho Việt Nam, dù số tiền này đã được ký theo từng dự án hay mới chỉ là cam kết theo lộ trình đến năm 2020 và sau năm 2020.
Nghị định quản lý và sử dụng vốn ODA của Việt Nam phải được cải cách triệt để. Người dân và những tổ chức giám định độc lập ODA của nước ngoài phải được tham gia trong tiến trình hoạch định và phân phối.
Có thế thì viện trợ ODA mới được sử dụng đúng mục đích, và nhất là không bị lạm dụng cho mục đích “chi thường xuyên,” bao gồm chi cho lực lượng công an.
Hiệu quả “chống tham nhũng” trong quản lý vốn ODA phải được Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành, địa phương liên quan chứng minh được trước các nhà tài trợ. Không thể để tái hiện hình ảnh một nhà tài trợ nước ngoài rút khăn mù xoa lau hai lần tay mình sau khi bắt tay một quan chức Việt Nam trong một cuộc hội thảo chống tham nhũng ở Hà Nội.
Nếu từ năm 2014 giới nghị sĩ Mỹ đã cài quyền tự do tôn giáo vào TPP thì tại sao WB, IMF, ADB và những quốc gia như Nhật Bản lại không gắn những khoản cho vay tín dụng với Xã hội dân sự, tự do ngôn luận, tự do thông tin và quyền “dân chủ cơ sở” của người dân để buộc giới quan chức Việt Nam phải sử dụng đúng đắn khoản tiền đóng thuế của công dân các nước viện trợ?
Theo Phạm Chí Dũng

'Sạch' thì khác gì với 'an toàn' thưa ông giám đốc?


Có lẽ chưa bao giờ câu chuyện hải sản nhiễm độc lại nóng như năm 2016. Trước đây, khi xảy ra những vụ bê bối có liên quan đến thịt heo, thịt bò hay thịt gà như thịt lượng kháng sinh, thuốc tăng trọng ở quá mức cho phép,... thì người dân thường chuyển sang ăn cá. Nhưng mới đây, sau vụ cá miền Trung chết hàng loạt chưa rõ nguyên do, thì phát hiện ra thêm hàng chục tấn cá nục nhiễm độc nặng, và nhà chức trách đã đưa ra những lời tuyên bố gây hoang mang.
Theo tin tức báo chí thì trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng Quảng Trị phát hiện 25 tấn cá nục đông lạnh tại một kho đông lạnh của một hộ kinh doanh ở thị trấn Cửa Tùng và đã tiến hành niêm phong. Lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Trị tiến hành lập biên bản niêm phong 25 tấn cá nục bị nhiễm chất Phenol cực độc. Số cá nục thuộc lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Một lãnh đạo của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết Phenol là một chất cực độc và tuyệt đối không được có trong thực phẩm. Chính ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết trên báo VTC News của Việt Nam, rằng chất phenol là loại chất cực độc, có thể gây chết người trong khoảng thời gian sau 10 ngày sử dụng. Đây là loại chất cấm khi đóng gói bao bì thực phẩm và tuyệt đối không được có trong thực phẩm.
Trước tin này, không một người dân nào không hoang mang, ngay cả những người không có thói quen ăn cá nục nói riêng và hải sản nói chung. Tôi cho rằng mọi người dân cần được biết thông tin chính xác, minh bạch về nguồn gốc của lô cá thu này, cũng như xác minh của ngành chức năng về khả năng dính líu đến vụ cá chết xảy ra sát thời điểm lô cá được thu mua. Ngoài ra, việc giải thích tại sao lô cá được cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn cũng cần được giải thích một cách thỏa đáng.
Bản thân người dân không hề muốn quy chụp trách nhiệm, với điều kiện thông tin phải hoàn toàn hợp lý, có cơ sở, có chứng cứ, có điều tra. Còn nếu chưa có, thì ngành chức năng phải lên tiếng để người dân biết và chờ đợi trong một thời gian hợp lý, trước khi thông tin trên các trang mạng xã hội nhiễu loạn khiến dân chúng đã lo lại càng lo hơn. Bài học xử lý khủng hoảng truyền thông từ vụ cá chết ở miền Trung mới đây cần được các ngành chức năng ghi nhớ: đó là trong khi người dân khát thông tin từ phía ngành quản lý, thì thông tin một chiều về cá chết, nguyên nhân (được đồn đoán) cá chết,... tràn lan, trên khắp các tờ báo, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thông tin, khiến dân chúng rối loạn, hoảng sợ.
Trở lại câu chuyện cá nục nhiễm độc, trong khi nhiều đại diện ngành chức năng liên quan khẳng định chất Phenol là cực độc và là chất cấm, tuyệt đối không được có trong thực phẩm thì trả lời phóng viên VTC News chiều ngày 11-6, ông Võ Văn Hưng, Giá đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Quảng Trị lại cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận hải sản đánh bắt xa bờ và giấy chứng nhận hải sản an toàn chỉ mang tính tương đối. Tôi không thể hiểu ông suy nghĩ như thế nào, dựa vào căn cứ gì, lập luận ra sao mà lại cho rằng: “Cấp giấy để chứng nhận cá sạch chứ an toàn hay không thì chưa biết”. Đã vậy, vị này còn nói rằng “ngành Nông nghiệp không theo dõi về tiêu chí phenol trong thực phẩm. Theo quy định đối với ngành nông nghiệp và chi cục quản lý chất lượng thì không theo dõi về tiêu chí này”.
Tôi xin phép hỏi lại ông giám đốc, rằng “sạch và an toàn khác nhau như thế nào?” Tại sao nói là sạch nhưng không thể an toàn? Tôi chưa từng nghe (hay do khả năng của tôi giới hạn) rằng thực phẩm sạch thì chưa chắc đã an toàn. Hay cơ quan ông chỉ quản lý sạch, còn an toàn thì phải chuyển cho một cơ quan khác thẩm định, thưa ông? Một số Facebooker nói đùa khi hỏi ông “tại sao sạch chưa chắc ăn toàn? Ông nói vậy là có... động cơ gì?” Hay khái niệm thực phẩm sạch của ông nằm ở chỗ mắt nhìn thấy cá tươi, tay sờ thấy cá tươi là đủ, còn việc mổ xẻ và kiểm định thì không cần hay lại là chuyện khác.
Cũng giống như lời phát ngôn (vạ miệng) rằng “chọn cá hay chọn thép”, việc nói rằng “sạch chưa chắc an toàn” như ông giám đốc không khéo lại sinh ra thêm một khâu cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn, thay vì chỉ cần cấp chứng nhận thực phẩm sạch là đủ. Hay ngay như việc ông giám đốc nói ngành Nông nghiệp không theo dõi nồng độ Phenol trong cá, vậy nhiệm vụ này là của ai, mong ông phải thẳng thắn chỉ ra, chứ không thể phủ nhận trách nhiệm và rồi để ngỏ câu trả lời để người dân phải tự kiếm tìm, tra cứu.
Về các ngành chức năng, thiết nghĩ phải giải quyết rốt ráo hai vấn đề quan trọng. Một là điều tra nguồn gốc thực tế của số cá nục nhiễm độc, chỉ ra nguyên nhân nhiễm độc (cá tự nhiên chức chất phenol, hay do tẩm ướp bảo quản, hay do nhiễm từ môi trường nước, hay vì bất kỳ một nguyên nhân nào đó được tìm thấy). Hai là phải làm sáng tỏ tại sao “cá sạch nhưng không an toàn,” tức là cá có giấy chứng nhận hẳn hoi nhưng lại nhiễm độc cực nguy hiểm. Tôi không đồng tình rằng việc cấp giấy đánh bắt xa bờ và chứng nhận thực phẩm an toàn lại mang tính tương đối như lời ông Hưng đã phân trần. Tại sao ư? Tại vì như kết luận, chất phenol cực kỳ nguy hiểm, 30 tấn cá nục có thể giết chết biết bao nhiêu người trong vòng 10 ngày sau khi ăn phải, như vậy không thể lấy nhân mạng số đông để đánh đổi hai chữ nhẹ như lông hồng – “tương đối” – mà ông Hưng nói ra. Mọi thứ phải tuyệt đối, nhất là sinh mạng của con người, mà nhất là dân mình, đồng bào mình.
Người ta hay bảo nhau rằng “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Không rõ trường hợp ông giám đốc Hưng có như vậy hay không, nhưng rõ là việc nói “sạch nhưng chưa chắc an toàn” thì không còn gì để bàn về “miệng quan” khi phát ngôn. Ông giám đốc làm tôi nhớ cũng từng có vị quan khác nói “đa số thực phẩm là an toàn nhưng người dân không biết”. Không chừng đến khi có người nhiễm Phenol gặp nạn, lại nghe đến kết luận của ông giám đốc rằng cá đó sạch nhưng chưa được kiểm định an toàn thì có lẽ chỉ còn ngẩn mặt lên than trời khi biết rằng họ chết vì...số mạng.

Get paid to share your links!