Saturday, December 31, 2016

AI LÀM KINH TẾ ĐỂ CHUYỂN HOÁ CHÍNH TRỊ?

Bộ trưởng Công an vừa cho biết đã trình Bộ Chính trị ra Chỉ thị về chống chệch hướng kinh tế nhằm 'ngăn chặn hoạt động thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị'.
Thông tin nghe qua rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế quốc gia, song không rõ ý của Bộ trưởng là gì.
'Thông qua kinh tế để chuyển hoá chính trị' là kiểu làm ăn như Formosa, cố tình tạo ra thảm hoạ để dân chúng có cớ biểu tình, tiến tới chuyển đổi chế độ chính trị?
Hay ý của Bộ trưởng là các doanh nghiệp Trung Quốc mua chuộc quan chức ở ta để thắng thầu, tạo ra hàng loạt dự án lãng phí, ô nhiễm, khiến người dân ác cảm với chính quyền dần sẽ tìm cách chuyển hoá?
Hoặc là Bộ trưởng đang nói tới chuyện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, làm nhanh quá thì nhà nước hết công cụ kinh tế để giữ quyền kiểm soát, cũng như mất lượng lớn ủng hộ viên tự nhiên (là nhân viên các doanh nghiệp nhà nước, luôn có cảm giác mình là người nhà nước), khiến chỗ dựa của chế độ bị lung lay?
Hay có khi nào Bộ trưởng nói về các tập đoàn Mỹ, phương Tây đang đầu tư ở Việt Nam như một vỏ bọc để thực hiện chiến lược diễn biến hoà bình của họ?
Mà nếu thế thật thì Bộ trưởng định tham mưu cho Bộ Chính trị làm gì? Ra lệnh quốc hữu hoá như Hugo Chavez từng làm bên Venezuela à? Hay đuổi họ về nước, rút giấy phép?
Hoặc nếu kinh tế tư nhân phát triển quá có thể gây chệch hướng thì có cải tạo tư sản cho về đúng hướng một lần nữa không?
Thị trường và nền kinh tế rất nhạy cảm với thông tin từ những người cấp cao nhất trong hệ thống chính trị như Bộ trưởng. Do đó nếu không phát ngôn rõ ràng thì sẽ rất tai hại, doanh nghiệp và nhà đầu tư hoang mang mà bỏ chạy hết thì không biết Bộ trưởng chịu trách nhiệm nổi không?

Nguyen Anh Tuan

Cán bộ biến đất công thành đất của mẹ kế: Chỉ vì quá hiếu thảo???


Ông Lê Khắc Thanh – Phó ban Tổ chức huyện ủy Vị Xuyên mới đây bị tố làm hồ sơ biến đất công thành đất riêng của mẹ kế. Đúng là đôi khi hiếu thảo quá cũng… khổ.
Từ xưa đến nay, thứ tình cảm mẹ ghẻ - con chồng luôn được tóm gọn bằng hai chữ “mâu thuẫn”. Hầu như chẳng có mẹ ghẻ nào lại thương yêu người con riêng của chồng và ngược lại, cũng vì bị đối xử lạnh nhạt nên chẳng có người con nào “mặn mà” với vợ bé của bố mình.

Chính vì thế nên dân gian mới có câu: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Và đương nhiên, từ xưa đến nay, tôi vẫn nghĩ câu nói đó là chân lí cho đến khi biết được hành động vô cùng tình nghĩa, cảm động của ông Lê Khắc Thanh – nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vị Xuyên và hiện đang làm Phó Ban tổ chức Huyện ủy dành cho người mẹ kế của mình.
Theo Báo Pháp luật, ông Thanh đã từng bị khiển trách vì hành động chặt, phá giàn giáo của gia đình anh Đỗ Anh Tuấn khi gia đình anh xây dựng nhà ở tiếp giáp với lối đi vào thửa đất của bà Nguyễn Thị Lành – tức mẹ kế của ông Thanh.

Sự việc đó đã gây bức xúc cho nhiều người bởi sự vô lí của nó. Không rõ ông Thanh cản trở việc xây, sửa nhà của dân như vậy có mục đích, động cơ gì. Và đương nhiên, với hành động gây mất trật tự nơi công cộng và gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Xây, ông Thanh đã phải “trả giá” bằng cách bị khiển trách – một cái giá mà quá hời cho những lồi lầm của ông.
Nhưng rồi sự việc ngày càng phát triển, tôi mới càng hiểu ra tấm lòng hiếu thảo của ông Thanh. Có lẽ, ông cũng chỉ muốn bù đắp những thiệt thòi, những ngang trái mà người mẹ kế của mình phải chịu đựng nên “bất đắc dĩ” ông cùng anh chị em trong gia đình mới phải làm những việc “chướng tai gai mắt” như thế.
Không chỉ vậy, sự “báo hiếu” của ông còn có một quy trình khá dài hạn và đúng tầng bậc. Năm 2004, bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của ông Thanh) đã có mong muốn biến 137m2 – con đường dân sinh mà nhiều hộ gia đình sử dụng làm… đất riêng. Bà đã nộp đơn đăng kí và đương nhiên, được cậu con trai – ông Lê Khắc Thanh, lúc đó đang làm Chủ tịch UBND thị trấn Vị Xuyên xác nhận ngay lập tức.
Cứ thế, năm 2007, bà Lành được cấp sổ đỏ đứng tên thửa đất đó. Năm 2009, thửa đất 137m2 đã có vinh dự được sáp nhập vào mảnh đất phía trong của bà Nguyễn Thị Lành thành một. Mặc cho trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình liền kề, miếng đất của bà Lành có diên tích 137m2 “của bà Lành” đều được thể hiện là đường giao thông.
Thế mới thấy, sức mạnh của đám đông cũng chẳng là gì khi đứng trước tượng đài của tình mẫu tử.
Bất chợt, tôi lại nhớ đến những người con hiếu thảo khác, một người đã đầu tư xây hẳn biệt phủ nguy nga (nhưng không có phép) ở Huế cho mẹ vợ mà lại rất khiêm tốn, không hề khoe khoang bao giờ. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì tấm lòng thơm thảo đó của ông mới được trưng ra cho bàn dân thiên hạ trầm trồ.
Đúng là chuyện “con nuôi cha mẹ, con kể từng ngày” chẳng còn sát thực trong thời đại này nữa rồi! Bởi giờ đây con cái báo hiếu cha mẹ nào có dám “kêu”, dám “ầm ĩ” lên đâu. Cứ thế lặng thầm, khiêm tốn, làm lụng chắt chiu cả đời để dành tặng những món quà khổng lồ cho bố mẹ. Thật đáng ngưỡng mộ!
Ông bà ta đã bảo: Tấc đất tấc vàng. Thử hỏi trên đời này có ai dám bứt phá mọi quy tắc ứng xử xã hội, mọi quan niệm về đạo đức, dám quay lưng vào dư luận để tặng mẹ kế 137m2 vàng như ông Thanh?
Thế mới thấy, hiếu thảo quá cũng khổ tâm lắm!
Trịnh Nguyên

CUỐI NĂM NGHE LS LÊ CÔNG ĐỊNH KỂ CHUYỆN

Kể chuyện cuối năm

Năm 2008 Đoàn Luật sư Sài Gòn lần đầu đảm nhận điều hành Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Sài Gòn giao trách nhiệm tổ chức hội nghị cho Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm, và tôi là Phó Chủ nhiệm.
Nhiều luật sư đoàn ở châu Á đã liên lạc với tôi đăng ký tham gia. Sự kiện làm tôi nhớ nhất là cuộc tranh cãi xung quanh việc tham gia của Luật sư đoàn Đài Loan. Tôi gửi thư mời đến tất cả các luật sư đoàn trong vùng, trong đó có Đài Loan, nhưng cố tình phớt lờ Liên đoàn Luật sư Trung Quốc.
Các thủ lĩnh Luật sư đoàn Đài Loan đồng ý tham gia ngay, nhưng sau đó vấp phải sự rắc rối do Liên đoàn Luật sư Trung Quốc gây ra. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc cử người liên lạc với tôi bày tỏ ý muốn đăng ký cho Liên đoàn Luật sư Trung Quốc tham gia hội nghị, đồng thời yêu cầu ban tổ chức phải đặt bảng tên ghi rõ “Đài Loan (Trung Quốc)” trên bàn của các luật sư Đài Loan trong suốt thời gian hội nghị, nhằm nhấn mạnh rằng Đài Loan là lãnh thổ thuộc Trung Quốc.
Tôi ghi nhận ý kiến của phía Trung Quốc và hỏi các đồng nghiệp Đài Loan xem họ đồng ý không, thì nhận câu trả lời phản đối. Họ chỉ chấp nhận ghi tên “Đài Loan” mà không kèm theo chữ “Trung Quốc” bên cạnh. Tôi viết thư cho Liên đoàn Luật sư Trung Quốc thông báo sự phản đối của các luật sư Đài Loan và nói rõ không thể làm theo yêu cầu vô lý về việc đặt bảng tên như vậy.
Sau khi nhận thư của tôi, Liên đoàn Luật sư Trung Quốc lập tức gọi điện thoại từ Trung Quốc đe dọa sẽ không tham gia Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á năm đó. Đáp lại, tôi nhã nhặn cám ơn họ và mời họ lần sau tham dự nếu lần này bất tiện. Chủ đích của tôi muốn mời các đồng nghiệp Đài Loan hơn, vì đa số thành viên điều hành Luật sư đoàn Đài Loan đều làm việc tại những hãng luật danh giá của Mỹ và châu Âu, mà tôi tin họ sẽ đóng góp nhiều hơn cho cuộc thảo luận nghề nghiệp giữa các luật sư.
Sau đó, một viên chức của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc lại gọi điện thoại cho tôi cương quyết yêu cầu tôi chấp nhận đặt bảng ghi “Đài Loan (Trung Quốc)”. Ông ta bảo Đài Loan là lãnh thổ thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và hỏi tôi biết chính sách “một nước Trung Hoa” hay không, rồi nhấn mạnh nếu tôi không làm thế sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tôi vẫn nhã nhặn giải thích rằng đây là hội nghị chia sẻ hoạt động nghề nghiệp của các luật sư, không liên quan đến chính trị hay ngoại giao tầm quốc gia, nên tôi thấy chính sách “một nước Trung Hoa” chẳng liên quan gì đến công việc tổ chức mà tôi đảm nhiệm, rồi cho ông ấy biết yêu cầu của phía Trung Quốc rất vô lý. Tôi cũng nói rằng nhà nước Việt Nam rất chú trọng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng trong vị trí của một luật sư tôi không quan tâm mối quan hệ ngoại giao đó.
Cuối cùng, tôi nói ra một điều khiến vị viên chức lãnh sự Trung Quốc nổi giận, rằng “tôi có biết chính sách “một nước Trung Hoa” mà ông nhắc đến và cũng rất ủng hộ chính sách đó, nhưng theo quan điểm cá nhân của mình tôi chỉ công nhận chính quyền Đài Loan là đại diện hợp pháp của nước Trung Hoa duy nhất mà thôi.” Ông ta dập máy cái rầm. Tôi tưởng bên kia đầu dây chiếc điện thoại vỡ toang.
Tôi báo cáo lại sự tình cho luật sư Chủ nhiệm. Ông cười thích thú, và nhận xét rằng thế nào phía Trung Quốc cũng dùng đường ngoại giao can thiệp. Quả nhiên, khoảng độ một tuần sau, ông báo tôi biết Bộ ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Thành ủy ĐCS TPHCM và yêu cầu chúng tôi phải chấp nhận theo ý muốn của phía Trung Quốc. Luật sư Chủ nhiệm đề nghị tôi phải làm theo quyết định chung của Ban Chủ nhiệm căn cứ chỉ thị của Thành ủy ĐCS TPHCM, dù bản thân ông cũng không muốn. Tôi đành thông báo điều đó cho Luật sư đoàn Đài Loan.
Sau đó vài ngày, ông Trưởng Văn phòng Kinh tế-Văn Hóa Đài Bắc tại Sài Gòn (tương đương với tòa tổng lãnh sự Đài Loan) đích thân đến văn phòng luật của tôi trao đổi sự việc vừa xảy ra. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với quyết định của Đoàn Luật sư Sài Gòn, nhưng thông báo rằng các luật sư Đài Loan không tham gia để phản đối sự áp đặt vô lý của phía Trung Quốc.
Tôi tường thuật hết các cuộc trao đổi giữa tôi và phía Trung Quốc cho ông Trưởng Văn phòng Kinh tế-Văn Hóa Đài Bắc nghe, kể cả quan điểm của tôi về chính sách “một nước Trung Hoa” nói trên, và nhấn mạnh với ông rằng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ xem chính quyền cộng sản Trung Quốc là bạn, tương tự như nhân dân Đài Loan. Ông rất cảm kích sự ủng hộ của tôi đối với chính quyền Đài Loan. Từ đó chúng tôi trở thành bạn. Mỗi lần trở về từ Đài Loan ông đều mang theo một gói trà ngon dành tặng tôi.
Hội nghị các Thủ lĩnh Luật sư đoàn châu Á vẫn diễn ra tốt đẹp vào tháng 8/2008. Liên đoàn Luật sư Trung Quốc cử ông Chủ tịch của liên đoàn cùng một phiên dịch viên sang tham dự. Trong 3 ngày hội nghị, mà tôi chịu trách nhiệm điều hành các buổi thảo luận chung, vị Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Trung Quốc chỉ phát biểu đúng một lần bằng cách cầm giấy đọc bằng tiếng Trung và được phiên dịch sang tiếng Anh, trong khi các thủ lĩnh luật sư đoàn những nước khác đều trao đổi thoải mái với nhau qua lại bằng tiếng Anh.
Vị chủ tịch đoàn Trung Quốc dáng vẻ giống y một quan chức nhà nước, rất quan liêu khệnh khạng, nhưng lại thiếu tự tin giao tiếp quốc tế. Trong suốt các buổi thảo luận về nghề luật sư, tôi luôn hướng ánh mắt và đưa tay mời để khuyến khích ông phát biểu cho chúng tôi mở rộng tầm mắt, nhưng tiếc rằng ông luôn ngậm hột thị sau khi đã cầm tờ giấy đọc xong trong ngày đầu tiên.
Tiếng “lành” của tôi trong việc xử lý vấn đề đặt bảng ghi “Đài Loan (Trung Quốc)” khiến phía Trung Quốc phiền muộn đã đồn xa đến mức Thành ủy ĐCS TPHCM cương quyết gây áp lực với Đoàn Luật sư Sài Gòn loại tôi khỏi chức vụ Phó Chủ nhiệm trong cuộc bầu cử Ban Chủ nhiệm vào cuối năm 2008. Họ thừa biết rằng nếu có cơ hội ở cương vị nào đó, tôi sẽ lại “chơi” bọn Trung Cộng tới bến, mà điều đó thì bất lợi cho quan hệ tốt đẹp giữa hai đảng và hai nhà nước.

LÊ CÔNG ĐỊNH

CHUYỆN HÀI NHÀ SẢN CUỐI NĂM


Chồng: "Này, em đừng phàn nàn nhiều quá về mấy bác quan chức, hôm nay có một bác bộ trưởng bảo có gì không hay xảy ra với dự án gì đấy là bác ấy từ chức đấy!" 
Vợ: "Ôi trời ơi, thế thì chết, bác ấy mà từ chức thì nguy cho đất nước quá!" 
Chồng: "Ừ, thì đúng thế, anh đọc báo xong là phải vội gọi điện cho em ngay." 
Vợ: "Thôi, ông ngốc ạ, em nói đùa mà cũng không hiểu. Nguy cái gì mà nguy. Thế nếu dự án mà gây ra vấn đề nhớn như Phò Mò Xà, làm biển nhiễm độc, người dân khốn khổ mà bác ấy từ chức không thôi thì có vẻ không hợp lý lắm nhỉ. Từ chức rồi, hậu quả người dân lại phải gánh chịu. Bác ấy chỉ đơn giản là xuống chức hay về nghỉ. Em cứ thấy có gì không ổn."
Chồng: "Có gì mà không ổn, từ chức là một văn hoá rất cao của những người lãnh đạo." 
Vợ: "Ờ, nhưng em thấy ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, nếu lãnh đạo một công ty nào đấy làm ăn không được là họ nhẩy lầu tự tử cơ mà!" 
Chồng: "Ôi trời ơi, sao em cứ so sánh lung tung. Thế em sang Hàn Quốc hay Nhật Bủn mà sống. Quan chức nước mình khác, nước họ khác." 
Vợ: "Khác thế nào?" 
Chồng: "Nước mình nhân tài ít, tìm được một người lãnh đạo đâu phải dễ. Họ phải vượt qua bao nhiêu thử thách mới lên được chức ấy." 
Vợ: "Thì người khác lên chứ sao?" 
Chồng: "Trời ạ, nói như em ấy, cứ đơn giản hoá mọi chuyện. Mình phải hiểu các bác ấy không phải là người thường. Từ chức của một bộ không phải như thằng cu nhà mình từ chức lớp trưởng đâu. Thôi, thế đã nhé, tốn tiền điện thoại của anh. Em nhớ nghe lời anh đấy!" 
Vợ: "Anh đúng là hâm, tự nhiên gọi chỉ vì mỗi việc ấy. Này, em nói thật nhé. Em không quan tâm tới việc ông nào từ chức. Điều em quan tâm là khi gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải có người chịu trách nhiệm, vào tù, hay ít nhất là chịu khiển trách trước toàn dân như bác gì ấy. Chứ cứ kí liều, thấy có gì trục trặc là từ chức thì quá dễ. Nghe như một trò đùa ấy nhỉ." 
Chồng: "Trời ơi là trời. Sao em không chịu hiểu nhỉ. Em cứ dùng tư duy của dân đen ra để luận anh hùng. Em phải hiểu người ta là dòng giống đặc biệt, trong hàng triệu triệu triệu triệu hạt giống mới có một con suất sắc như thế. Người ta mà từ chức là một sự khủng khiếp đấy em biết không." 
Vợ: "Thôi, em gác máy đây. Em nói thật là khi gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bác ấy có nhảy lầu tự tử em cũng không quan tâm, huống hồ từ chức. Nếu có đứng đấy thì em bảo bác hãy khắc phục hậu quả đã rồi hẵng nhẩy. Chứ bác nhẩy ngay như thế thì dân oán thán, bác lên cõi trên rồi hồn cũng không mát mẻ được đâu. 
Khiếp, bác ấy nêu vấn đề ấy ra một cách trịnh trọng trước báo chí cứ như thể bác ấy là thánh, là chúa trời, bác ấy từ chức thì sẽ khiến trời sụp, khiến nhân loại tận diệt không bằng. Thế nhé, chào ngốc!"

Chau Doan

CÚNG CUỐI NĂM!



Nam mô lê nin phập
Nam mô hồ bò tót
Hôm nay ngày 30 tháng 12, chỉ còn 1 ngày nữa là bước sang năm mới. Gia chủ Ngô Trường An sắm sửa lễ vật chi nghi: đô la, vàng miếng, sổ đỏ đất dự án, sổ hồng đất mặt tiền, cùng với thẻ xanh, hộ tịch nơi xứ giãy hoài không chết.... thêm món tiêu khiển karaoke, rượu ngoại, chân dài... Kính trình lên các Âm Binh, Cô Hồn chứng giám.
Vì cúng mừng năm Dương Lịch nên Ngô Trường An chỉ cầu khấn các Cô Hồn, Âm Binh còn đang ở trên cõi dương. Các vị nào phát ngôn đúng chất Cô Hồn, Âm binh, quái thai, vong bản như sau thì vào nhậm lễ:
- Cá chết là do âm thanh ồn ào
- Cá chết do tàu thuyền qua lại
- Chứng nhận cá sạch chứ có nhiễm khuẩn hay không thì chưa biết
- Khi xả lũ chỉ lo an toàn cho đập, còn hậu quả ra sao thì chưa nghĩ đến.
- Thủy điện không sinh ra nước, nước lũ là do Trời mưa.
- Điều GV đi tiếp khách là làm nhiệm vụ chính trị.
- Mỗi người dân nên có 1 bác sỹ riêng.
- Nhìn tổng quát, Đất Nước chưa bao giờ được như hôm nay
- Cờ lờ mờ vờ
- ...
-... 
Năm cũ đã hết, năm mới sắp sang. Phẩm vật chi nghi con kính dâng trước án. Kính mời các Cô Hồn, Âm Binh hột vịt lộn về đây thượng hưởng. Cầu mong năm mới 2017 các vị cùng nhau được K59 đưa xuống chốn tuyền đài, nghỉ ngơi vĩnh viễn nơi 9 tầng Địa ngục....
Nam mô hồ bò tót
Nam mô lê nin phập

Ngô Trường An

Get paid to share your links!