Monday, July 25, 2016

Cải cách... hành dân!

Ngõ vào các khu dân cư nghèo luôn sình lầy, ngập nướcẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Đ
iều nghịch lý là nguyên nhân gây ô nhiễm lại bắt đầu từ dự án… vì dân nghèo!
Đó là dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiểu dự án TP.Mỹ Tho) với tổng mức đầu tư 1.152 tỉ đồng, tương đương 56,22 triệu USD. Trong đó, vốn vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới (WB) là 39,71 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TƯ và địa phương, do UBND TP.Mỹ Tho làm chủ đầu tư.
Cải cách... hành dân! - ảnh 1
Sau cơn mưa thì dân nghèo phải sống chung với ngập Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sống cho cư dân nghèo đô thị. Nhưng từ khi triển khai, nhiều con hẻm bị xới tung lên nhưng thi công kéo dài, chậm chạp. Khi trời mưa, hẻm biến thành “bãi chiến trường” nhầy nhụa, xe cộ không lưu thông được, người dân phải lội bộ trên con đường trơn trượt. Cán bộ, công chức mỗi sáng đi làm phải mang dép, vì sợ lội nước… ướt giày.
Đặc biệt, nhiều con hẻm chưa “nâng cấp” xong nhưng người dân đã thấy trước hậu quả nhãn tiền là nhà nhà phải… nâng nền. Bởi vì nền đường (hẻm) và các hố ga thoát nước đang thi công đều cao hơn nhà dân ít nhất từ 0,5 mét đến 1 mét. Vì vậy, khi hẻm làm xong, mỗi khi trời mưa nhà dân sẽ biến thành… túi chứa nước!
Cải cách... hành dân! - ảnh 2
Hẻm luôn ngập nước nên cỏ mọc xanh tươi Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Trước bức xúc của người dân, tôi gọi cho ông Đức, Trưởng phòng Quản lý đô thị Mỹ Tho, nhưng ông Đức cho biết dự án này do Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho, quản lý. Tuy nhiên, khi tôi tới Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho, trình thẻ nhà báo, chờ khoảng 15 phút thì một nữ nhân viên đòi “phải có giấy giới thiệu của cơ quan tới làm việc”. Không thể chạy ngược về tòa soạn để… xin giấy giới thiệu, vì vậy tôi “đi tắt” bằng cách gọi cho ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, để cầu cứu, nhưng ông Hồng bảo phải liên hệ với ông Hoàng, Phó chủ tịch…
Thấy hơi bị nhiêu khê nên tôi liên hệ với ông Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho. Ông Phương yêu cầu tôi tới gặp ông Thanh, Phó giám đốc, và cho biết ông sẽ báo với ông Thanh trước.
Thế nhưng, khi tôi trở lại Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho, đề nghị gặp ông Thanh, thì cô nhân viên lúc nãy vẫn tiếp tục yêu cầu “phải có giấy giới thiệu của cơ quan” mới được gặp.
Cải cách... hành dân! - ảnh 3
Cũng là dự án vay vốn của WB nhưng TP.Cần Thơ đã cải tạo những con kinh nước đen, ô nhiễm, thành xanh sạch đẹp Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG
Không còn cách nào, tôi đành mở máy ghi âm, hỏi cô ai quy định như vậy, thì lập tức cô chạy vào phòng, đóng cửa lại và bốc điện thoại lên gọi. Nhờ vậy mà sau đó ông Thanh mới ra tiếp, nhưng tôi vẫn không được tiếp cận dự án nâng cấp đô thị. Ông Thanh hỏi tôi muốn biết nội dung gì và hẹn sẽ cung cấp thông tin tóm tắt bằng văn bản, vào hôm sau.
TP.Mỹ Tho đã triển khai cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa từ nhiều năm nay. Gọi là cải cách, một cửa, nhưng cửa cứ đóng im ỉm và tìm mọi cách làm khó dễ thì đúng là cải cách… hành dân! 
Hoàng Phương

Hãy đọc luật hình sự trước khi mua bánh mì

V
ụ việc hai thanh niên bị tuyên án tù vì hành vi cướp bánh mì và một số tài sản vặt vãnh trị giá mấy chục ngàn đồng đang gây xôn xao trên mạng gần đây.
Mức án đã tuyên và nhiều người cho rằng đang có điều gì đó bất ổn khi có những kẻ sâu mọt lấy tiền tỉ từ ngân sách nhẹ tênh mà chưa ai xử lý, hay có những chuyện to bằng cái đình mà xử lý nhẹ nhàng như gẩy cái móng tay.
Nhưng tôi lại nghĩ rằng chuyện nào ra chuyện đó. Pháp luật là pháp luật, với chức năng là công cụ điều chỉnh xã hội - pháp luật không dành riêng chương nào, điều nào ưu tiên cho những công dân thích ăn bánh mì nhưng không yêu lao động.
Và với chuyện này, tôi sẽ tiết kiệm nước mắt vì tôi luôn còn muốn sống trong một xã hội không cho phép xuất hiện tình trạng ai đó thích là sẽ cướp bánh mì trên tay của tôi.
Hãy đọc luật hình sự trước khi mua bánh mì  - ảnh 1
Đối với tôi, bản án dành cho hai bị cáo là chuyện đáng tiếc, nhưng đâu thể vì điều đó mà quên đi rằng chúng ta đang sống ở một đất nước có đầy đủ luật phápBÙI THƯ
Mọi bi kịch trong cuộc đời này, tôi nghĩ, đều do việc thiếu thông tin mà ra. Bộ luật hình sự tất nhiên coi việc giật tài sản trên tay người khác là cướp. Đã là cướp thì phải bị trừng phạt.
Nhiều người bạn tôi cho rằng pháp luật hoặc dư luận nên rộng lượng với hai bạn trẻ vì hai bạn không ý thức được sự nghiêm trọng trong hành vi của mình. Nhưng chuyện đó chỉ có thể là một yếu tố để các vị quan tòa đem ra lượng hình trước khi tuyên những bản án đủ sức răn đe.
Tất nhiên không ai đọc luật hình sự trước khi đi mua bánh mì, nhưng đó không nên là một lý do hợp lý để bào chữa cho những bị cáo. Vì lý do công việc, tôi đã từng dự nhiều phiên tòa, mỗi bị cáo, mỗi bị hại, mỗi thân nhân đều mang những tâm sự mà khi viết ra có thể thành một loạt phóng sự đủ khiến độc giả rơi cả lít nước mắt. Nhưng vì sự an toàn với xã hội, vì sự an toàn của những người bán bánh mì và vì sự công bằng với những bị cáo phạm tội cướp giật khác, tôi nghĩ đạo đức mạng cần công tâm hơn khi nhìn nhận bản án dành cho hai bị cáo.
Có thể, trong một số trường hợp nếu ngừng ban phát một cách hào phóng lòng vị tha để cuốn sổ tiết kiệm trong ngân hàng nước mắt của chúng ta dày lên đôi chút, thì biết đâu cuộc sống này lại bình yên, hạnh phúc hơn nhiều.
Đặng Sinh

Get paid to share your links!