Tuesday, August 9, 2016

Giám đốc Trí bị bắn 6 phát đạn với giá 500 triệu đồng

Giám đốc Trí bị bắn 6 phát đạn với giá 500 triệu đồng
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến thông tin về vụ trọng án - Ảnh: N.QUANG
16g20 chiều 8-8, Công an tỉnh Hà Nam đã công bố thông tin về vụ án giết người, tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép xảy ra tại TP Phủ Lý chiều 4-7, đồng thời nhận thư khen, trao thưởng của Thượng tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - do thành tích phá án nhanh.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an - cho biết Ban chuyên án đã bắt trọn các nghi can gây án gồm Nguyễn Sỹ Đạt (46 tuổi, trú P.Thành Châu, TP Phủ Lý, Hà Nam), Lê Việt Hoàn (35 tuổi, trú Mỹ Lộc, Nam Định) và Lê Thái Duy (28 tuổi, trú TP Lào Cai).
Đạt và Hoàn từng có tiền án về tội cướp giật tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một lần ám sát hụt
Thiếu tướng Tiến cho biết nhóm nghi can gây án đã có thời gian dài theo dõi kỹ đường đi nước bước của ông Trí để lên kế hoạch chi tiết gây án. Nguyên nhân vụ án được xác định do Đạt và ông Trí có mâu thuẫn từ trước.
Đạt thuê Hoàn và Duy giết ông Trí với giá 500 triệu đồng. Sau đó Đạt trực tiếp chuẩn bị súng, đưa Hoàn vào khu vực rừng Ba Sao (Hà Nam) để hướng dẫn cho Hoàn bắn súng thử.
Nắm được thói quen ông Trí thường xuyên đi lễ chùa những ngày mùng 1, ngày rằm nên nhóm nghi can dự tính địa điểm gây án tại Miếu Thần (thôn Bảo Lộc 1, P.Thanh Châu, Phủ Lý, Hà Nam).
Theo kế hoạch, ngày 19-6 (tức rằm tháng 5 âm lịch) Hoàn cùng Duy mang súng đến khu vực Miếu Thần chờ ông Trí để sát hại. Tuy nhiên do hôm đó ông Trí không đến miếu nên các nghi can không thể gây án.
Giám đốc Trí bị bắn 6 phát đạn với giá 500 triệu đồng
3 nghi can bắn chết ông Trí - Ảnh: Công an cung cấp
Bắn thẳng 6 phát đạn vào người ông Trí
Ngày 4-7 (tức mùng 1-6 âm lịch), Hoàn và Duy tiếp tục mang súng đi xe máy đến khu vực miếu chờ ông Trí. Hoàng mang theo khẩu súng K54, mặc áo chống nắng và đeo khẩu trang bịt kín mặt.
Chiều cùng ngày, Duy và Hoàn nấp gần cổng miếu chờ sẵn. Khoảng hơn 15g, ông Trí bước ra khỏi miếu, Hoàn rút súng bắn hết băng đạn 6 viên thẳng vào người ông Trí. Do bị thương quá nặng ông Trí đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Sau khi gây án, Hoàn và Duy thông báo cho Đạt và di chuyển về khu vực hẹn. Cả nhóm đi đến hồ Tam Trúc, tháo các bộ phận của súng vứt xuống hồ, áo chống nắng thì cởi ra vứt gần khu vực gây án.
Ông Tiến cho biết thêm sau khi thu thập đủ thông tin, tài liệu làm căn cứ xác định chính xác 3 nghi can gây án, ngày 6-8 ban chuyên án đã tổ chức bắt khẩn cấp Đạt, Hoàn và Duy.
Đến ngày 7-8 lực lượng chức năng đã vớt được đủ các bộ phận của khẩu súng K54, thu giữ áo chống nắng, 1 xe máy, 1 ô tô mà các đối tượng sử dụng để gây án.
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục các hoạt động điều tra làm rõ nguyên nhân, bản chất vụ án và các tình tiết liên quan khác.
Giám đốc Trí bị bắn 6 phát đạn với giá 500 triệu đồng
Bộ Công an trao thư khen và trao thưởng cho lực lượng phá án - Ảnh: N.QUANG
THÂN HOÀNG

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20160808/giam-doc-tri-bi-ban-6-phat-dan-voi-gia-500-trieu-dong/1151437.html





Bị dọa khởi tố vì mua bán điện thoại "cùi bắp"?

TTO - Chỉ nhận mua bán, sửa chữa những dòng điện thoại “cùi bắp” sản xuất hơn 10 năm trước, bỗng một ngày anh Dương Trọng Tiến bị công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp vì kinh doanh trái phép.
Bị dọa khởi tố vì mua bán điện thoại "cùi bắp"?
Anh Tiến lo lắng trước khả năng bị Công an Q.10 xử lý hành vi kinh doanh trái phép điện thoại cũ - Ảnh: A.NHÂN
Đã gần hai tháng trôi qua, anh Dương Trọng Tiến (31 tuổi, tạm trú Q.10, TP.HCM) rất hoang mang, lo lắng bởi quyết định “khởi tố bị can” của cơ quan điều tra Công an Q.10 đang treo lơ lửng.
Kinh doanh trái phép điện thoại “cùi bắp”
“Đó là vào buổi trưa 15-6-2016. Khi vợ tôi vừa bán chiếc Nokia 6700 (sản xuất năm 2009) cho khách thì công an ập vào nhà khám xét” - anh Tiến nhớ lại.
Theo lời anh Tiến, vào thời điểm đó có một vị khách đến mua chiếc Nokia 6700. Mua xong điện thoại, vị khách chưa chịu đi mà cứ nấn ná ở dưới nhà và xin đi vệ sinh hai lần.
Một lúc sau người này vừa bước ra cửa thì có hai người công an mặc thường phục chặn lại. Tiếp đó, gần 10 cán bộ công an mặc cảnh phục ập đến.
Tiến nghĩ có lẽ vị khách này vừa phạm pháp nên bị công an theo dõi, bắt giữ. Nào ngờ đối tượng mà công an muốn làm việc chính là Tiến chứ không phải vị khách kia.
Sau khi khám xét khẩn cấp, Công an Q.10 tạm giữ 40 chiếc điện thoại di động (trong đó có 8 máy khách gửi sửa), 38 sạc điện thoại và sổ sách, biên nhận sửa chữa cho khách. Toàn bộ 40 điện thoại bị tạm giữ hiệu Nokia dòng 6700, 8600 và 8800 đã ngưng sản xuất từ năm 2005 - 2009.
“Đó là toàn bộ kế sinh nhai của tôi, có nhiều chiếc là điện thoại khách gửi sửa, giờ công an giữ hết rồi” - vừa nói Tiến vừa cho chúng tôi xem bảng thống kê vật chứng.
Năm 2010, sau khi xuất ngũ, anh Tiến đi học sửa chữa điện thoại làm kế mưu sinh, lo cho vợ con và cha mẹ già. Do không có vốn mở tiệm, đặt quầy nên Tiến chỉ sửa chữa tại nhà.
Hằng ngày, anh nhận sửa điện thoại hư và mua bán điện thoại cũ, chủ yếu là Nokia cho những người yêu thích dòng điện thoại này. Lần đầu tiên Tiến biết đến giấy phép kinh doanh khi Công an Q.10 đến khám xét.
“Nếu tôi chưa đăng ký kinh doanh thì cơ quan công an nên giải thích và hướng dẫn cho tôi thủ tục đăng ký, sao lại quy tôi tội kinh doanh trái phép?” - Tiến thắc mắc.
Bị dọa khởi tố vì mua bán điện thoại "cùi bắp"?
Lệnh khám xét, bảng kê điện thoại bị thu giữ và quyết định khởi tố bị can. Trong đó, quyết định khởi tố bị can được điều tra viên Võ Quốc Khánh cho anh Tiến xem nhưng không giao quyết định và đã được anh Tiến chụp lại. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ,lãnh đạo cơ quan điều tra Công an Q.10 xác nhận quyết định này là “không đúng, không có” - Ảnh: A.X.
"Chọn hành chính 
hay hình sự?"
Ngày hôm sau Tiến được mời lên làm việc tại đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.10.
“Tại đây, điều tra viên Võ Quốc Khánh hỏi muốn phạt hành chính hay phạt hình sự. Tiếp đó ông Khánh nói nên chọn phạt hình sự đi vì tới ngày 1-7 này điều 159 Bộ luật hình sự (tội kinh doanh trái phép - PV) hết hiệu lực rồi. Giờ em chọn phạt hình sự thì đến lúc đó người ta không truy tố em nữa, coi như em không bị gì hết” - Tiến kể.
Sau đó, ông Khánh đưa Tiến ký vào biên bản ghi giá 40 chiếc điện thoại Nokia đang tạm giữ là 120 triệu đồng.
Ngày 30-6, Tiến trở lại Công an Q.10 và được ông Khánh đưa cho xem quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, phần tội danh bị khởi tố lại ghi “có hành vi mua bán ngoại tệ không có giấy phép kinh doanh”.
Anh Tiến dùng điện thoại chụp lại quyết định khởi tố bị can, đồng thời yêu cầu điều tra viên Khánh sửa lại. Sau đó anh Tiến ra về mà không được cơ quan công an giao quyết định khởi tố.
“Từ đó đến nay tôi sống trong lo lắng, không biết vụ việc của mình rồi sẽ ra sao. Hơn tháng nay tôi nghỉ bán, chẳng dám đi đâu. Hàng xóm đi ngang cứ ngó vào nhà vì người ta nghĩ chắc tôi phạm tội gì nặng lắm” - anh Tiến tâm sự.
Chưa khởi tố bị can
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-7 về lý do vì sao đưa ra hai tình huống pháp lý (chọn phạt hành chính hoặc xử lý hình sự) cho người vi phạm, ông Võ Quốc Khánh cho biết: “Hoàn toàn không có việc đó”.
Về việc định giá 40 chiếc điện thoại Nokia hơn 100 triệu đồng, ông Khánh nói do hội đồng định giá của Q.10 định giá chứ ông không tự quyết định.
Chiều 28-7, ông Phạm Công Hầu, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.10, cho biết vụ việc liên quan đến anh Tiến đang được xác minh, xử lý theo quy định tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.
Khi được hỏi về quyết định khởi tố bị can đối với anh Tiến vào ngày 30-6, ông Hầu khẳng định công an quận chưa ra quyết định khởi tố vụ án hay bị can nào liên quan vụ việc của Tiến.
Khi chúng tôi đưa ra quyết định khởi tố bị can mà điều tra viên Khánh “tống đạt” cho anh Tiến, ông Hầu nói “văn bản này không đúng, không có”.
Về hướng xử lý vụ việc của anh Tiến, ông Hầu cho rằng hiện chưa có kết quả cuối cùng vì vẫn còn trong thời gian xác minh. Công an quận sẽ xử lý đúng quy định pháp luật. Nhất là trong giai đoạn Bộ luật hình sự năm 2015 đang tạm hoãn thì phải áp dụng quy chế có lợi cho người vi phạm.
Trong trường hợp điều tra viên “nhá” quyết định khởi tố bị can nhưng không giao cho bị can (sau đó lãnh đạo cơ quan điều tra Công an Q.10 xác nhận là “không đúng, không có”), dù là động cơ gì, vẫn bị xem là sai và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Một vị nguyên là chánh tòa hình sự TAND tối cao
Nên hướng dẫn người dân làm cho đúng
Trường hợp anh Tiến sửa chữa, buôn bán điện thoại cũ, giá trị không cao, tính chất nhỏ lẻ để mưu sinh, không có cửa hàng, không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh...
Bản thân anh Tiến có nhân thân tốt, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên nên không thể xử lý hình sự, nhất là trong bối cảnh tội “kinh doanh trái phép” đã được bãi bỏ (mặc dù Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực) và có hướng dẫn các cơ quan tố tụng phải áp dụng các quy định theo hướng có lợi cho người vi phạm.
Lẽ ra cơ quan chức năng chỉ cần nhắc nhở (vì chưa vi phạm lần nào) và hướng dẫn anh thực hiện đăng ký hộ kinh doanh cho phù hợp và bảo đảm đóng thuế cho Nhà nước. Như vậy hợp lý hợp tình hơn. 
Luật sư TÔN THẤT HỒ NGHỊ
ÁI NHÂN - TRẦN KIM ANH

Người Việt đang giàu lên hay nghèo đi?

Theo thống kê GDP Việt Nam trong suốt những năm từ sau 1975 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục.
Trên mạng xã hội mọi người đang chia sẻ với nhau rất nhiều về một bài viết của một blogger với nhan đề “người Việt giàu lên để làm gì?”, trong đó tác giả có nhắc đến những mặt trái của xã hội đang làm con người ta trở nên đau đáu, nhức nhối.
Tôi thì nhìn nhận cuộc sống này có chút khác hơn, bởi xung quanh ta xã hội vẫn đang có những bước chuyển động đáng ghi nhận. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi tất cả những nguy cơ to lớn không kém so với những cơ hội mà người Việt đang có. Vậy người Việt đang giàu lên, hay nghèo đi?
Theo thống kê GDP Việt Nam trong suốt những năm từ sau 1975 đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng liên tục. Người dân từ chỗ nghèo khổ, khó khăn, cơ chế bao cấp cũ kỹ, lạc hậu đã chuyển sang nền kinh tế thị trường (dù chưa toàn diện và còn nhiều chuyện phải bàn). Việc tiếp cận với giáo dục, y tế, an sinh xã hội cũng tốt hơn và có xu hướng cải thiện thứ hạng chỉ số phát triển con người (HDI) đáng kể. Đó là chưa kể việc nâng cao hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất cũng có nhiều cải tiến đáng ghi nhận. Nhìn nhận một chút, xu hướng tiêu dùng những mặt hàng cao cấp; nhà hàng, khách sạn, du lịch... đều phát triển. Sự cải thiện đáng kể của khu vực dịch vụ trong cơ cấu GDP cho thấy mức sống của người dân cũng có tăng, và đó là những dấu hiệu tích cực, không thể phủ nhận.
Tuy nhiên sự cải thiện đó có thật sự vượt trội so với những cái tụt hậu mà người dân phải chịu trận? Trước hết là người Việt dường như ngày càng trở nên nghèo niềm tin với nhau. Mỗi ngày, tình trạng lừa lọc, tham nhũng vẫn cứ xuất hiện đều đều trên mặt báo, đến mức từ tin tức nóng, trở thành đề tài thường xuyên đến nhàm chán. Người dân, hay đúng hơn là rất nhiều người dân nghi ngờ về mọi thứ: chính sách, con người, lãnh đạo... Biểu hiện của việc khủng hoảng niềm tin chính là các dự luật, chính sách cải cách... thường xuyên bị dư luận công kích nhiều hơn là tán thưởng. Các vấn đề lớn của xã hội thường được dân chúng đặt ra hàng loạt câu hỏi “tại sao?”, “mục đích gì?”, “động cơ gì?”, nhưng rồi mọi chuyện đâu cũng vào đấy, rất khó giải quyết triệt để. Khủng hoảng niềm tin là khi một bộ phận trí thức, như một vị đại biểu Quốc hội từng lên tiếng báo động trước đây, đang kéo ra nước ngoài làm việc mặc dù ở Việt Nam, họ cũng sẽ có được mức lương tương đương. Họ sợ môi trường giáo dục không có lợi cho thế hệ con cháu của họ; sợ môi trường pháp lý không an toan – ví dụ, khi ngay cả bộ Luật hình sự đến ngày sắp có hiệu lực thì bị phát hiện ra hàng loạt sai sót nghiêm trọng không thể chấp nhận. Họ còn sợ họ không thể tiến thân vì ‘con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa’.
Cái tụt hậu thứ hai đối với người dân chính là cái nghèo về sức khỏe. Các trường hợp tử vong tăng cao vì mọi lý do hiển hiện xung quanh con người: vì lý do cơ sở hạ tầng yếu kém, dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn; thực phẩm bẩn tràn lan đe dọa bữa cơm cho dù đó là bữa cơm của nhà giàu hay nhà nghèo; những ống nước thải đen ngòm tại các nhà máy (như Formosa chẳng hạn) đang hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng, đe dọa sinh kế của hàng triệu người dân; những công trình thủy điện đang âm thầm dìm chết con người ở hạ nguồn vào mùa mưa và hút cạn nguồn nước của người dân vào mùa nắng; hay những hàng cây xanh tăm tắp che mát cho những con đường nay bị tàn phá ghê gớm mà người ta vẫn không biết lý do vì sao.
Cái tụt hậu thứ ba chính là nghèo trí thức. Sau Thế chiến thứ Hai lực lượng trí thức ở Nhật Bản ra đi nhưng rồi quay về phụng sự đất nước, nâng nền kinh tế nước này lên vị trí thứ hai thế giới. Singapore sau năm 1963, từ một làng chài heo hút đã biết thu hút lực lượng trí thức xây dựng thành đảo quốc sư tử, trung tâm kinh tế - tài chính của cả châu Á. Hãy nhìn rất nhiều quốc gia khác nữa, trí thức ra đi rồi quay về phụng sự quốc gia. Còn ở Việt Nam thì sao? Sự tỷ lệ thuận của số lượng bằng cấp và số lượng người thất nghiệp và tỷ lệ nghịch của số lượng tiến sĩ, thạc sĩ đối với sự đóng góp thiết thực của họ vào việc quản lý nhà nước, xây dựng quê hương. Có quá bi quan không?
Cái cuối cùng mà người Việt Nam đang nghèo đi chính là đạo đức. Tôi không dám nói tất cả mọi người đang dần mất đạo đức, nhưng phần đông người ta vẫn đang bị suy giảm đạo đức. Đây cũng chính là căn nguyên cho những cái nghèo niềm tin, nghèo sức khỏe và nghèo tri thức. Sự xuất hiện dày đặc của tội phạm, từ những xó xỉnh chợ búa đến những tòa cao ốc chọc trời; từ những tên lưu manh xăm trổ đầy người đến những anh chàng ăn vận complet lịch sự... Một bức tranh xã hội kì quặc và đáng sợ. Hay như những kẻ vì lợi lộc sẵn sàng biến bữa cơm thành bữa ăn đầu độc dân tộc mình; những kiện thực phẩm bẩn đi thẳng vào nhà hàng, siêu thị, rồi nhẹ nhàng được đặt lên bàn ăn. Quả thật là có quá nhiều thứ làm cho người ta sợ hãi. Còn nữa, những quan chức sử dụng ô dù thiếu đạo đức, nâng đỡ con cháu, chiếm những vị trí lẽ ra dành cho những người có năng lực cũng khiến lực lượng trí thức (đáng lẽ ra) của xã hội này ngày càng vơi dần, đổ về Âu châu, thung lũng Silicon, hay những quốc gia khác - những nơi họ được trân trọng và trả công xứng đáng về vật chất lẫn tinh thần theo đúng năng lực của mình.
Mọi thứ đang dần dần tồi tệ hơn, chẳng phải vì có người bảo rằng người Việt sẽ chết sớm trước khi họ giàu có. Vì đơn giản với tôi, nó tệ hơn vì người Việt đang nghèo nàn, tụt hậu cho đến ngày tạ thế.
Cao Huy Huân

‘Người ta chơi tôi!’: Giờ thì chẳng còn mấy quan chức ‘an toàn’

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng – bắt đầu từ tháng 6/2016 - đang có triển vọng gây chấn động lớn trong giới chính trị gia nửa mùa nhưng thậm tham.
Tháng Bảy năm 2016, không hiểu vì lẽ gì mà “bỗng dưng” gia đình Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc công an Đắc Lắc, lại bị một tờ báo nhà nước là Dân Việt lôi ra với một bài báo có tựa đề “Cơ ngơi ngàn tỷ” – ám chỉ ngôi nhà chứa đầy gỗ quý của con gái tướng Rơi, cũng là dân công an. Ngay sau đó, ông Trần Kỳ Rơi đã phải thanh minh trên mặt báo: “Người ta chơi tôi!”.
“Người ta” nào?
Giờ thì chẳng còn mấy quan chức, dù là cấp trung hay cả cấp cao, được “an toàn”.
‘Mặt trận’ liên tục phát triển
Từ đầu tháng 6/2016 đến nay, “mặt trận” đã liên tục phát triển về chiều sâu ở các địa phương và bộ ngành. Đầu tiên là Hậu Giang với vụ Phó chủ tịch Trịnh Xuân Thanh nhận xe Lexus 5,7 tỷ đồng, kéo theo quá khứ ông Thanh gây lỗ ở Tổng công ty dầu khí PVC đến 3.200 tỷ đồng. Từ “ruồi” Trịnh Xuân Thanh, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng lại bị một số dư luận và báo chí cáo buộc phải chịu trách nhiệm hành chính và kể cả trách nhiệm hình sự. Vũ Huy Hoàng là nhân vật nghe nói “giàu nứt đố đổ vách”, từng được coi là một trong những cánh tay mặt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tưởng như đã “hạ cánh an toàn”. Ông Hoàng còn bị coi là phải chịu trách nhiệm trong việc “bổ nhiệm” con trai còn trẻ của mình làm giám đốc doanh nghiệp và gây lỗ cho doanh nghiệp này.
Sát kỳ bầu bán Quốc hội trong tháng Bảy, bất chợt một đại gia có phạm vi hoạt động liên tỉnh - bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - lại bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có quốc tịch ở tận… Malta. Ngay sau đó, báo chí lề dân lẫn lề nhà nước đã dồn dập lên tiếng tố cáo bà Hường đã thao túng các dự án bất động sản và đẩy đuổi nông dân đến mức khốn quẫn ra sao…
Nhưng vẫn chưa hết. Mỏ Núi Pháo ở Thái Nguyên là một trong những địa chỉ gây ô nhiễm môi trường mà có lần phóng viên nhà nước đến điều tra đã bị côn đồ hành hung tàn bạo nhưng Hội Nhà báo Việt Nam đã không dám có hành động tối thiểu nào để bảo vệ hội viên của mình. Mỏ Núi Pháo có trữ lượng wolfram lớn vào hàng thứ hai trên thế giới, đã bị Bộ Tài nguyên Môi trường thanh tra toàn diện. Chưa biết kết quả thanh tra sẽ ra sao, nhưng ấn tượng lớn nhất liên quan đến vụ này là Bộ Tài nguyên Môi trường - cơ quan hầu như đã không đưa ra một tuyên bố nào sau vụ cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung, nhưng lại đang trở thành một mũi tiên phong trong công cuộc “hồi tố” dự án Núi Pháo mà đằng sau đó ai cũng biết là có bàn tay giao dịch đắc lực của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đến cuối tháng Bảy, vụ Mobifone mua AVG với gần 9.000 tỷ đồng đã chính thức được Ban Bí thư và Chính phủ giao cho Thanh tra chính phủ tổ chức thanh tra. Vụ này từng được một bàn tay bí mật phanh phui đến từng chi tiết trên mạng xã hội mấy tháng trước và còn báo trước là “Thanh tra chính phủ sẽ vào cuộc”. Một lần nữa cái tên Nguyễn Thanh Phượng lại được nêu ra như một “người đứng sau ông Lê Nam Trà ở Mobifone”.
Rồi cũng “không hiểu sao”, một tờ báo nhà nước lại đùng đùng lôi ra vụ một công ty chỉ có vốn điều lệ 3 tỷ đồng nhưng lại tặng siêu xe có giá trị đến 6 tỷ đồng cho Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Trước vụ việc gần như y hệt vụ Trịnh Xuân Thanh này, một số dư luận không khỏi đặt câu hỏi: nếu Hậu Giang được coi là “đất” của ông Nguyễn Tấn Dũng thì Ninh Bình là “lãnh địa” của ai?
Còn có một ẩn ý khác.
Bất an ‘thay máu’
Chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng nhắm đến những “mỏ vàng” như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mỏ Núi Pháo và Mobifone đang khiến dư luận xôn xao với câu hỏi: phải chăng phía sau chiến dịch này là mưu toan thâu tóm thị trường của nhóm lợi ích mới đối với nhóm lợi ích cũ?
Câu hỏi trên là có “cơ sở thực tiễn”.
Ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng mất chức thủ tướng vào tháng Giêng năm 2016, đã có nhiều đồn đoán về một chiến dịch từ tranh giành đến thâu tóm doanh nghiệp và thị phần kinh doanh, xuất phát từ những nhóm lợi ích liên quan mật thiết đến những nhóm quyền lực mới. Lãnh địa của tay chân ông Nguyễn Tấn Dũng lại được coi là vô cùng lớn và vô cùng màu mỡ, bao gồm nhiều ngành nghề trải rộng ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khối tài chính và ngân hàng mà đã có đủ thời gian phát triển thành một thế lực tài phiệt - tức có quyền năng chi phối, can thiệp đáng kể vào không chỉ các chỉ số kinh tế quốc gia mà còn vào cả thế lên xuống của chính trường Việt Nam.
Đương nhiên, những lãnh địa đó là điểm nhắm của mọi con mắt thèm thuồng của những kẻ muốn thâu tóm trong bối cảnh đất nước đang gần như cạn kiệt các nguồn tài nguyên.
Khi mà “rừng vàng biển bạc” đã trở nên trơ trụi và kiệt quệ, khi các nguồn tài trợ lãi suất ưu đãi và viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển Á châu, kể cả một số quốc gia như Nhật Bản, Úc, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy… đã tắt dần đến tắt ngấm, thì việc sát phạt nhau về mặt chính trị đang trở thành thủ đoạn bảo đảm mang lại lợi nhuận lớn nhất, chứ chẳng còn phải là kiểu kinh doanh “một vốn bốn lời” trong việc trục lợi các chính sách của nhà nước như trước đây.
Không khó hiểu nếu đảng muốn những quan chức như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng hay đại gia như Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Đăng Quang, Lê Nam Trà… phải “ói ra” - như cách nói rất dung tục của giới giang hồ chính trị chuyên sát phạt lẫn nhau.
Thậm chí, chiến dịch thâu tóm thị phần không chỉ dừng ở các con “hổ nhỏ” mà còn có thể dẫn đến những con “hổ lớn” như Ngân hàng Bản Việt cùng nhiều dự án khác của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu quả chiến dịch thanh tra môi trường mỏ Núi Pháo và Mobifone là muốn nhắm vào vai trò của bà Nguyễn Thanh Phượng, thì chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tổng bí thư Trọng đang tiến một bước dài đáng kể.
Nếu ông Trịnh Xuân Thanh là “lính” của ông Vũ Huy Hoàng, thì ông Vũ Huy Hoàng lại là “lính” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tất cả đều liên quan với nhau, và các “quy trình xử lý” cũng đều có vẻ logic.
Bàn cờ chính trị Việt Nam cũng bởi thế đang sôi động trở lại và trở nên cực kỳ rối rắm sau cuộc đọ sức giữa các kỳ phùng địch thủ trước Đại hội XII vào cuối năm 2015.
Thậm chí bàn cờ chính trị ấy còn diễn ra gay go, ác liệt giữa nhiều phe phái hơn cả thời kỳ đấu đá tranh giành quyền lực vào năm ngoái. Nếu trước Đại hội XII, giới quan sát chỉ tập trung vào hai lực lượng chính trị chủ yếu là “phe chính phủ” và “phe đảng”, gây ra sự xung đột giữa hai nhóm lợi ích lớn - thì hiện nay, chủ thuyết “đa trung tâm quyền lực” đang xuất hiện ngày càng rõ, kéo theo lý thuyết “đa trung tâm lợi ích”.
Vào lúc này, các nhóm lợi ích mới, hoặc nói cách khác là những nhóm lợi ích mới xuất đầu lộ diện theo từng bước chân của những nhân vật quyền lực mới, đang ở thế công. Không chỉ “anh Hai, anh Ba, anh Tư…”, mà tầm lợi ích còn trải rộng ra những trung tâm quyền lực mới như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số tỉnh thành. Chiến dịch “sáp nhập ngân hàng” mà nhóm lợi ích cũ tiến hành vào những năm 2011, 2012 coi chừng sẽ bị “thâu tóm” lại. Những dự án béo bở như mỏ Núi Pháo, Mobifone và hơn thế nữa sẽ không thoát khỏi cặp mắt cú vọ của những kẻ đi sau nhưng muốn “hốt trọn ổ”.
Từ quy luật cùng logic “xét lại” ấy, mỗi chiến dịch của nhóm lợi ích mới thanh toán nhóm lợi ích cũ lại có thể gắn liền với một chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, hay gọi nôm na là “quyết tâm chống tham nhũng” nổ ra ở những cấp, ngành và địa phương liên hệ. Những chiến dịch này tất yếu sẽ dẫn đến việc “thay máu” về nhân sự ở các cấp, ngành, địa phương đó.
Giờ thì chẳng còn mấy quan chức “an toàn”.
Phạm Chí Dũng

Get paid to share your links!