Câu chuyện này liên quan đến miếng cơm manh áo của của hàng triệu nông dân Việt Nam. Nó là một câu chuyện mà tôi không biết nên gọi là hài hước, cay đắng, hay đây là một vở bi hài kịch với sự tham gia của hàng loạt bộ ngành từ trung ương xuống địa phương.
2 tỉ USD, tức khoảng 45.000 tỉ đồng là con số mà nền nông nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại mỗi năm vì phân bón giả, kém chất lượng hoành hành. Không ai khác, những người nông dân khốn khổ đã bị tước mất toàn bộ số tiền mồ hôi nước mắt mà lẽ ra họ phải được hưởng ấy. Kẻ tước đoạt, đương nhiên là gian thương và người tiếp tay cho chúng (nếu có).
Công ty phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) là một trong số những gian thương ấy. Tôi đã làm tới hơn 20 phóng sự phát trên VTV1 về thực trạng phân bón giả, trong đó nội dung chính được kể là câu chuyện Thuận Phong.
Giữa năm 2015, Công ty Thuận Phong bị bắt quả tang đang sản xuất phân bón, trong đó nhiều loại phân bón đóng chai dán nhãn “Made in USA”, tức xuất xứ Mỹ, thay vì đúng thực tế là ở Đồng Nai. Đoàn kiểm tra gồm Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống hàng giả và gian lận thương mại và 389 Đồng Nai đã lập biên bản có dấu hiệu sản xuất hàng giả. Kết quả kiểm nghiệm mẫu tang vật cho thấy có đến 19/29 sản phẩm không đạt chất lượng.
Công an Đồng Nai vào cuộc điều tra, sau đó cả Bộ Công an xem xét vụ việc rồi kết luận không có dấu hiệu tội phạm, không đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt hành chính và tháo dỡ niêm phong hàng hoá.
Ngược lại, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đều cho rằng Công ty Thuận Phong sản xuất và buôn bán hàng giả và đề nghị khởi tố vụ án hình sự vì lượng hàng vi phạm lớn.
Tôi biết, cơ quan điều tra có những lý lẽ của mình. Nhưng dù là gì thì mọi kết luận cũng phải dựa trên nguyên tắc áp dụng các quy định của pháp luật. Hàng giả gồm giả về xuất xứ, giả về nhãn hiệu, giả chất lượng…
Xuất xứ hàng hoá là nơi thực hiện công đoạn cuối cùng. Sản phẩm của Công ty Thuận Phong đóng chai tại Đồng Nai nhưng ghi Made in USA. Vậy có phải là giả xuất xứ Mỹ hay không? Giả xuất xứ gồm giả nơi sản xuất, nơi đóng gói, lắp ráp.
Về chất lượng, sản phẩm phân bón vi lượng kẽm, thành phần chất chính đương nhiên phải là kẽm. Trên bao bì, Thuận Phong công bố hàm lượng là 15.000 ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có 1.310 ppm. Tức thành phần chất chính thực tế chỉ đạt khoảng 8,7%.
Theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hoá có hàm lượng định lượng chất chính HOẶC tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt 70% trở xuống so với quy định hoặc công bố trên bao bì nghĩa là hàng giả. Ở đây dùng chữ “Hoặc”, chứ không phải chữ “Và”. Nghĩa là, chỉ cần một trong hai quy định trên thì đã bị coi là hàng giả.
Như vậy, nếu cuối cùng vẫn kết luận Công an tỉnh Đồng Nai làm đúng, thì 6 Bộ Ngành Tư Pháp, Công thương, Nông nghiệp, Quốc Phòng, Khoa học công nghệ và 389 Quốc gia đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Tôi đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách chức lãnh đạo các Bộ ngành này vì năng lực yếu kém, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tất nhiên, như đã nói, tôi có cùng quan điểm với các bộ ngành này nhưng tôi lại chẳng có chức vụ gì để xin từ chức.
Tôi nhớ, khi làm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo về vụ việc này vì cho rằng đây là vấn đề ảnh hưởng tới sản xuất của người dân, có thể làm ảnh hưởng uy tín quốc gia. Tôi không biết thế giới sẽ nghĩ gì khi chúng ta đưa xuất xứ Mỹ về tận Đồng Nai.
Thưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mong Thủ tướng nhớ mình đã từng chỉ đạo vụ việc này và đừng quên nếu không xử lý được một doanh nghiệp như Thuận Phong, thì ngành phân bón sẽ còn rất nhiều Thuận Phong khác, hậu quả là nền kinh tế mà Thủ tướng đang điều hành chịu thiệt hại nặng nề. Nhưng, quan trọng nhất, nó cho thấy sự bất lực của một hệ thống ban ngành trong quản lý trật tự xã hội. Và cuối cùng, thêm một lần nữa người dân sẽ phải hỏi công lý thực chất là cái thứ gì?
Bạch Hoàn