Chiều nay lúc đón, con gái bảo: "Hôm nay con thành đội viên rồi nhé!"
Nhìn lên thì thấy bạn ấy quàng khăn đỏ. Mấy năm trước bạn ấy quên không viết đơn xin vào đội do các bạn không báo, lần khác thì bị các bạn bỏ phiếu không xứng đáng làm đội viên.
"Thế con có thấy vui không?"
"Chẳng thấy vui lắm, chỉ thấy nóng cổ, và giờ lại cứ phải đeo thêm cái khăn."
"Thế con có tự hào không?"
"Không ạ!"
"Sao thế? Không tự hào thì con vào làm gì?"
"Thì cô nào cũng bảo không vào đội thì không được lên cấp 2."
"Sao lại thế nhỉ, thế con có hỏi cô tại sao không phải đội viên thì không được lên cấp 2 không?"
"Không ạ, lúc ấy là giờ ngủ trưa, con thấy cô bảo các bạn thế, mà giờ ngủ trưa phải trật tự, nên con không hỏi."
"Bố nghĩ là con nên hỏi khi có thắc mắc, việc gì cũng nên hỏi rõ ràng. Thế chẳng lẽ con không thấy có gì khác biệt khi mình đeo khăn quàng đỏ à?"
"Chỉ thấy ngứa cổ thôi ạ."
Nghe thế, cậu anh thêm vào:
"Thực ra không liên quan việc lên cấp 2 đâu bố ạ. Đấy là cách các cô hù thôi. Lên cấp 2, ai không đeo khăn quàng là phạm quy. Lớp Năm không là đội viên, lên cấp 2 không đeo khăn, có bị hỏi thì có cớ trả lời em không là đội viên nên không đeo. Cho nên phải cho học sinh vào đội thôi."
"Đúng đấy," con gái bảo. "Cô cũng thừa biết là chẳng ai thích vào đội."
Ở đây tôi chỉ muốn động viên ở trẻ tư duy phản biện, thấy điều gì gợn thì nên đặt câu hỏi. Ở Việt Nam, trẻ em không được khuyến khích tư duy phản biện mà điều ấy lại rất cần thiết để phát triển tư duy, nhận thức xã hội. Việc chấp nhận những điều đang diễn ra một cách thờ ơ, không đặt câu hỏi, không thắc mắc đã thành một quán tính sống của người Việt và quán tính này sẽ còn lăn dài dài khi ngành giáo dục không nhìn ra sự cần thiết của việc xây dựng tư duy phản biện cho học sinh.
Tất nhiên, nếu trẻ em ở Việt Nam có tư duy phản biện thì sẽ khiến người lớn chúng ta rất mệt. Chúng sẽ đặt câu hỏi kiểu như: "Tại sao bố lại đưa tiền cho chú cảnh sát giao thông? Tại sao lại đưa phong bì cho cô giáo? Tại sao các bác lãnh đạo ai cũng giầu mà lương thì ít? Tại sao... tại sao..."
Nghĩ đã thấy toát mồ hôi. Hỏi bố thế thì bố biết hỏi ai hả con?
Vậy nếu trẻ không cảm thấy tự hào thì tại sao chúng cần phải vào? Cái sai là ở đây. Trẻ bắt đầu phải làm theo quán tính, theo quy định hay một sự ước lệ không có nhiều ý nghĩa.
Ở đây tôi không phản đối trở thành đội viên nhưng sinh hoạt đội phải có ý nghĩa thực sự, thú vị và khiến trẻ thích thú, muốn được vào, và quan trọng nhất là trẻ phải cảm thấy tự hào khi được đứng trong hàng ngũ đội.
Nếu những điều ấy không có, mà chỉ đơn thuần là hình thức thì nên bỏ. Bởi làm thế là gây cho trẻ một quán tính xấu, một thói quen mặc nhiên chấp nhận những điều xung quanh, một thái độ sống nhợt nhạt thụ động.
Chau Doan
No comments:
Post a Comment