Friday, June 15, 2018

Ông “Phê-Tê-Bốc” Và Huawei



Ông “Phê-Tê-Bốc”, thượng tướng Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, đã đề cập “khả năng” “dịch chuyển đám mây điện toán” nhưng cá nhân ông lẫn các cơ quan liên quan việc soạn và thúc đẩy ban hành Luật an ninh mạng thì chưa hề nhắc đến sự cảnh giác và cần thiết làm thế nào để “dịch chuyển” không gian mạng Việt Nam khỏi hiểm họa an ninh sờ sờ mang lại từ con “chó sói Huawei” đang cắm sâu móng nhọn vào thị trường nội địa…

Huawei (Hoa Vi) luôn nằm trong tầm ngắm của nhiều nước. Tường trình trước Ủy ban tình báo Thượng viện ngày 13-2-2018, viên chức FBI, CIA, NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ) và DIA (Cơ quan tình báo quốc phòng) đều cảnh báo người tiêu dùng Mỹ không nên sử dụng điện thoại được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE (Trung Hưng Thông Tấn). Đầu tháng 1-2018, dân biểu Cộng hòa Mike Conaway (Texas) đưa ra dự luật yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ ngưng mọi giao dịch với bất kỳ thực thể nào dính dáng Huawei. Hai tuần sau, một bản ghi nhớ tạm bị rò rỉ của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ về hệ thống mạng 5G cho thấy rằng sự phát triển của các công ty kỹ thuật Trung Quốc là hiểm họa đối với an ninh Mỹ. Việc xem Huawei như mối đe dọa an ninh ẩn chìm đối với Mỹ không phải mới đây. Ngày 8-10-2012, sau một năm điều tra, Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ từng công bố báo cáo với nội dung tương tự. Chủ tịch ủy ban trên, dân biểu Cộng hòa Mike Rogers, kêu gọi các công ty Mỹ ngưng làm ăn với Huawei.
Trong bài báo ngày 3-2-2015, Thanh Niên cho biết, “theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4.2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này. Riêng trong năm 2009, đã có hơn 5 triệu thiết bị như USB, modem, router của Huawei và ZTE đã được bán ra trên thị trường Việt Nam. Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA) từng nhận xét rằng đây là mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước. Theo một chuyên gia đề nghị không nêu tên, là một quốc gia có quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc việc hạ tầng mạng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các công ty Trung Quốc như Huawei, ZTE đã đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức cho Việt Nam. (Chuyên gia trên nói): “Mạng viễn thông Việt Nam liệu có bị nghe lén, giám sát, theo dõi hoặc bị đánh sập trong trường hợp xấu? Ngoài mạng viễn thông các hệ thống khác như ngân hàng, hệ thống điện lưới quốc gia… có nguy cơ bị tấn công hay không?”…
Ba năm sau khi báo Thanh Niên cảnh báo, Huawei thậm chí phát triển mạnh hơn tại Việt Nam, bất luận những thông tin tràn lan thế giới về nguy cơ mất kiểm soát an ninh mạng quốc gia mang lại từ Huawei. Huawei thâm nhập Việt Nam từ lúc nào? Năm 1998, họ mở văn phòng đại diện; 10 năm sau, họ thành lập công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam. Đến nay, sản phẩm Huawei được quảng bá đầy các phương tiện truyền thông và mức độ cắm sâu của họ vào Việt Nam ngày càng mạnh. Họ tạo ra chương trình học bổng “Hạt giống Viễn thông Tương lai” (“cơ hội dành cho các bạn sinh viên xuất sắc chuyên ngành điện tử-viễn thông, tham gia khóa học bổng công nghệ trong hai tuần tại Trung Quốc”). Họ “cam kết trở thành thương hiệu số hai tại Việt Nam vào năm 2020” – như phát biểu của đại diện Huawei vào tháng 10-2017. Họ thậm chí áp dụng công cụ quyền lực mềm, khi mới đây, trung tuần tháng 6-2018, họ ra mắt bộ phim ngắn có chủ đề “Áo dài - Hạnh phúc đến từ sự sẻ chia”, “giới thiệu những hình ảnh đặc sắc về một biểu tượng văn hóa truyền thống của người Việt”.
Chẳng ai còn quan tâm và lo ngại Huawei nữa. Dĩ nhiên trong đó có ông “Phê-Tê-Bốc”-Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, người chịu trách nhiệm lập ra hàng rào luật nhằm bảo vệ không gian mạng nội địa.
Thật khó có thể tưởng tượng Huawei có thể lọt sâu vào Việt Nam với sự thờ ơ kiểm soát như vậy của “an ninh mạng” nội địa. Một bài báo gần đây (Wired, 11-6-2018), dẫn lại từ bài viết trên Le Monde tháng 1-2018, cho biết, người ta vừa phát hiện rằng, Trung Quốc, khi “giúp” xây tổng hành dinh Liên minh châu Phi (AU) tại Addis Ababa (Ethiopia) vào năm 2012, trong đó có hệ thống máy tính, đã theo dõi AU suốt từ đó đến nay. Hoạt động đột nhập và truy xuất thông tin diễn ra thường từ giữa đêm đến 2g sáng mỗi ngày. Điều tra cho thấy thêm, có hai cánh “cửa hậu” được bí mật cài sẵn vào hệ thống máy tính để gián điệp mạng Trung Quốc lẻn vào và chuyển dữ liệu về Thượng Hải.
Có bao giờ lực lượng an ninh mạng giám sát và theo dõi các hoạt động của Huawei tại Việt Nam? Sáu trong bảy hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE – như bài báo Thanh Niên cách đây ba năm – đã có lần nào được kiểm tra? Hệ thống mạng Việt Nam đã không chỉ bị đánh sập một lần. Và chưa lần nào mà an ninh mạng cho biết chính xác nguyên nhân đến từ đâu và ai thật sự là thủ phạm! Những thông tin như thế này vẫn luôn bị bưng bít. Không chỉ hệ thống mạng. Tháng 6-2016, một chiếc Su-30MK2 của quân đội bỗng dưng mất tích. Chiếc CASA-212 được phái đi tìm sau đó cũng mất tích. Những thông tin chính xác nhất về hai vụ mất tích bí hiểm cũng nhanh chóng… “mất tích”. Với kỹ thuật hack ngày nay, muốn tấn công hệ thống điện tử của máy bay là điều không dễ cũng chẳng phải quá khó, có khi chỉ bằng một cú nhấp chuột.
An ninh quốc gia, trong đó có không gian mạng, đang đứng trước rất nhiều hiểm họa. Sự đe dọa an ninh sống còn của đất nước không phải đến từ người dân mà từ những kẻ ẩn mặt đã đặt chân vào trong nhà mình, những kẻ đang thọc sâu móng vuốt vào mọi ngóc ngách, trong đó có “huyết mạch” mạng. Luật an ninh mạng lẫn lực lượng an ninh mạng có thể đảm bảo được việc bảo vệ quốc gia khỏi các cuộc tấn công khống chế mạng quy mô không? Các cuộc tấn công thời gian qua dường như chỉ là màn dằn mặt.

Mạnh Kim@ Trí Việt News



Source: I have not seen it for over 10 years. Now it appears by Smallworld

No comments:


Get paid to share your links!