Người Việt Nam hình như có một thông lệ, hoặc một lối cư xử bất thành văn, là không luận bàn chuyện đúng sai trong đời một con người khi ông/bà ta vừa nằm xuống, nhất là không bàn nhắc đến những sai lầm, tội lỗi của ông/bà ấy; nếu có đánh giá thì chỉ nên là sự tôn vinh, xiển dương công trạng, thành tích mà thôi.
Tất nhiên, với đảng Cộng sản thì luôn có ngoại lệ, chẳng hạn cựu Chủ nhiệm VP Quốc hội Vũ Mão từng đọc điếu văn luận tội Trung tướng Trần Độ ngay trước linh cữu ông Độ, rằng "về cuối đời, ông Độ đã phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng...".
Đảng thì làm được như thế vì đảng là đảng Cộng sản, là lực lượng lãnh đạo toàn diện và duy nhất mà. Còn dân thường thấp cổ bé họng (kể cả nhà báo) cứ thử mở miệng nhận xét tiêu cực về hai nhà cựu lãnh đạo Lê Đức Anh và Phan Văn Khải lúc này xem có bị anh em DLV "đấu tranh" cho không. Cần phải hiểu rằng đây là thời điểm tốt nhất để ca ngợi hai đồng chí ấy đấy, nếu không ca ngợi ngay thì lại phải chờ tới kỳ giỗ đầu, giỗ hai, rồi giỗ ba, kỷ niệm bao nhiêu năm ngày mất... Nói chung ở Việt Nam thời xã nghĩa này thì ca ngợi lãnh đạo là một cách làm báo tuyệt vời, vừa thể hiện mình có thông tin, có quan hệ, từng gần gũi với quan chức, hiểu hệ thống, vừa cho thấy mình là người rất cấp tiến, lại vừa an toàn.
Thế nên mình cũng muốn nhận xét, nói vài lời gì đó gọi là xét lại về ông Anh ông Khải, nhưng mà sợ lại bị phê phán là "nghĩa tử là nghĩa tận, không để cho người đã khuất nhắm mắt", "vô đạo đức", "hỗn láo", "biết gì mà nói xằng", v.v. Mình chả dám nói gì đâu.
Chỉ có một thắc mắc nho nhỏ là: Thời ông Anh, ông Mười, ông Kiệt, ông Khải cầm quyền, mạng xã hội chưa ra đời (riêng ông Khải hết nhiệm kỳ vào tháng 7/2006, tức là gần một năm sau khi Yahoo 360! vào Việt Nam). Giả sử nó phát triển từ lúc đó rồi thì sao nhỉ, liệu số người bị bỏ tù vì Điều 258 với 88 có nhiều như bây giờ không?
Phạm Đoan Trang
No comments:
Post a Comment