Saturday, February 24, 2018

Những mùi hương năm cũ

Ðến Tết này là 9 năm rồi tôi không có Tết. Những năm đầu, cứ vào những ngày từ sau Giáng Sinh cho tới trước Tết là tôi lại nôn nao, quay quắt nhớ Sài Gòn, nhớ Tết. Nhớ cái thời tiết mát dịu, dễ chịu nhất trong năm, nhớ cái không khí lười biếng, trễ nải, mặt khác lại nhộn nhịp, hối hả chờ đón Tết trong những ngày này, của Sài Gòn. Nhớ những con đường thân thuộc, những buổi chiều tà tà chạy xe không mục đích chỉ để ngắm phố xá, nhớ những quán café quen, những chỗ ngồi quen, những khuôn mặt bạn bè, đồng nghiệp, tình nhân… Nhớ những vạt nắng đổ trên một mái ngói cũ, một bức tường phủ rêu phong, ngay cả nắng vàng như cũng lười biếng hơn, bâng khuâng hơn trong những ngày chờ Tết.
Nhưng tôi lại chỉ thích, chỉ nhớ Sài Gòn trước Tết. Qua mồng Một với tôi là đã hết Tết. Ngại nhất là phải mua sắm, bày biện, cúng kiếng, đi chúc Tết người này thăm viếng người kia, mệt cả người. Chỉ có sự vắng vẻ, yên tĩnh trong ngày mồng Một và cảm giác thảnh thơi không phải đi làm, không phải chạy sô là làm tôi thích Tết. Còn ăn uống, quanh năm cũng ăn đủ thứ rồi, có thèm khát gì nữa đâu.


Pháo Tết, thứ không thể thiếu ở mỗi nhà lúc Giao thừa.. Nguồn: nguoithanglong.wordpress.com

Ði xa, những năm đầu nhớ Sài Gòn, nhớ Tết lạ lùng. Những năm đầu còn siêng, còn mua sắm, bày biện, cúng kiếng đủ ba ngày Tết. Còn đi ăn Tết với người Việt (do các Hội, đoàn người Việt tỵ nạn tổ chức, để phân biệt với Tết do Sứ quán VN tổ chức với những người còn giao thiệp, còn có mối quan hệ với Sứ quán VN). Rồi dần dần lười, bỏ hết. Nhà ít người, con gái lại đi học xa, bạn bè khách khứa không có mấy ai, nấu nướng, cúng kiếng làm gì cho cực. Cũng không đi ăn Tết Việt nữa. Ngày Tết nếu không có facebook, báo chí Việt nhắc thì cũng như mọi ngày bình thường khác trên nước người. Na Uy lại không được như khu Little Saigon có khu người Việt, có Tết hẳn hoi. Nên trừ người Việt Nam, chả ai biết đó là những ngày Tết của VN.

Dần dần nỗi nhớ chìm xuống, tạm ngủ ở một góc nào đó của ký ức. Ðến nỗi bây giờ thấy mấy gói mứt, kẹo xanh xanh đỏ đỏ, dưa hấu, bánh chưng bánh tét, củ kiệu dưa món, phong bì đỏ lòe loẹt… bày bán ở mấy siêu thị do người Việt làm chủ, lòng cũng không rộn ràng bao nhiêu. Chẳng phải đã mất gốc, chẳng phải đã quên. Khi sinh ra, lớn lên và đã sống quá nửa đời người ở một đất nước nào đó làm sao có thể quên? Với tôi, dù sống ở bất cứ đâu, tôi biết, mình chỉ có một Tổ quốc là VN.
Chỉ là cảm giác nhớ nhà đã chuyển sang một trạng thái khác. Thật lạ lùng là thời gian sau này đôi khi nhớ Tết tôi lại không nhớ Tết Sài Gòn như trước nữa. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ những cái Tết rất xa, từ hàng chục năm trước, thời tôi còn nhỏ. Không nhớ những cái Tết no đủ lại nhớ những cái Tết thời đói kém, không nhớ những kỷ niệm vui lại nhớ những kỷ niệm buồn. Nhớ những hình ảnh, và nhớ những mùi vị khác nhau.

nhung-mui-huong-nam-cu2
Múa lân giáp Tết ở Sài Gòn trước 1975. nguồn: OVV – WordPress.com

Nhớ tiếng pháo đêm Giao thừa, hồi đó còn cho đốt pháo, mùi pháo thơm nồng hăng hăng, xác pháo hồng rải rác trước nhà mọi người, không ai nỡ quét đi, đợi xong ba ngày Tết mới quét. Nhớ bếp lửa củi nổ lép bép, ánh lửa đỏ bập bùng nồi bánh chưng tỏa mùi thơm phức, hoặc mùi mứt dừa, mứt gừng đang sên trên bếp thơm lừng, ngọt ngào. Những năm sau biến cố 1975 một thời gian, Sài Gòn và miền Nam bị nghèo đi nhanh chóng, một miếng bánh chưng, một nồi thịt kho, miếng mứt dừa xanh xanh hồng hồng, nồi cơm gạo trắng không độn đã là niềm vui không nhỏ đối với bọn trẻ con vì ngày thường cứ phải ăn cơm gạo mốc, hẩm độn khoai mì, độn bo bo, cao lương hay ăn bánh canh nấu suông, ăn bột mì luộc phi hành mỡ chấm nước mắm vì phải mua bột mì mỗi tháng.
Nhớ mùi vải mới của bộ quần áo Tết mẹ sắm cho, Mồng Một Tết là mặc ngay đi khoe hàng xóm! Có một dạo Sài Gòn nghèo, nhiều gia đình trong đó có nhà tôi, áo quần mặc ở nhà toàn loại vải trắng sợi thô, đem đi in, nhuộm hoa văn, mua về phải giặt nước lạnh một lần rồi mới mặc nếu không màu thuốc nhuộm phai ra người. Nhớ mùi bồ kết gội đầu hăng hăng, mùi chanh, sả dìu dịu rất dễ chịu làm nước tắm “tẩy trần” ngày cuối cùng trong năm. Nhớ mùi nhang trầm thơm ngào ngạt trên bàn thờ tổ tiên ba ngày Tết. Nhớ mùi than tổ ong nồng nồng, dạo đó Sài Gòn nghèo, nhiều gia đình phải tự nặn than tổ ong làm chất đốt. Ôi chao Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Ðông, chỉ sau khi kết thúc chiến tranh chừng dăm ba năm đã nghèo hẳn đi! Và nhớ hình ảnh cả nhà tôi, nhà dì tôi ngồi quây quần chơi bài cào, domino, cờ triệu phú, cờ cá ngựa… ăn tiền, say sưa ba ngày Tết.
Ðã xa quá rồi những ngày đó. Ngay cả Tết Sài Gòn mấy mươi năm sau cũng đã trở thành xa xôi.

nhung-mui-huong-nam-cu3
Chợ hoa ở Sài Gòn. nguồn: Hội thân hữu Gò Công

Hơn 8 năm, thời gian đủ dài để cuộc đời trước đó đã trở thành quá khứ. Sài Gòn, Việt Nam đã là quá khứ xa xôi không biết đến bao giờ “gặp” lại, trở về… Cuộc sống ở Na Uy nói chung và cuộc sống của tôi ở Na Uy lại khác hẳn với phần đời ở VN, nên phần đời trước càng chìm sâu vào ký ức.
Như những ngày này, tháng Một, Sài Gòn vẫn nắng, nóng, dù có dịu đi đôi chút, ồn ào, bụi bặm, xô bồ, náo nhiệt suốt ngày suốt đêm. Dòng người và xe cộ lúc nào cũng tuôn chảy ngược xuôi đủ mọi hướng, trên đường. Con người lúc nào cũng hối hả chạy đuổi theo đời sống, chạy theo những cái gì đó. Và càng gần Tết thì cái không khí tất bật, hối hả càng tăng. Ở Sài Gòn thì chỉ muốn chui vào những quán café máy lạnh để thư giãn một chút và trốn cái nắng nóng cho đến khi chiều xuống mới có thể ngồi ngoài trời hay lang thang ngoài phố.
Nhớ Sài Gòn là nhớ cái bụi bặm, ồn ào, hối hả đó. Mùi bụi nồng, mùi khói xăng khét lẹt cộng với mùi nắng nóng cả ngày, chỉ đến đêm mới dịu bớt. Chen vào đó là mùi café thơm lừng những buổi chiều đi về ngang qua tiệm bán café gần nhà, mùi thơm tỏa ra ngoài đường, những buổi xê xế ngồi quán với bạn bè, ly café nhỏ từng giọt chậm rãi trong lúc tiếng đàn piano của người nghệ sĩ thánh thót vang lên trong một góc quán, hay những bản tình ca quen thuộc của những năm 60, 70, 80… của thế kỷ XX vang lên từ chiếc máy cassette.
Càng gần Tết thì càng lắm mùi, mùi hoa tươi rồi héo rữa, mùi trái cây đủ loại chín tới, mùi mứt đủ loại, mùi thức ăn đủ thứ món trên đời trộn thành một hỗn hợp mùi đa dạng, phong phú, thừa mứa, hòa trong mùi nắng, càng chín nẫu hơn trong nắng, Và không thể thiếu mùi nhang trầm những ngày Tết, nhất là khi đi chùa.

nhung-mui-huong-nam-cu
Karl Johans gate.

Còn ở Oslo, Na Uy này tháng Một đang là mùa đông. Mùa đông ở đây kéo dài đến 5 tháng, chiếm mất cả mùa Xuân. Không lạnh lắm nếu so với…Canada, phía Bắc của Na Uy hay một số vùng của Nga, nhưng so với VN thì chắc là người Việt… hết hồn khi nghe lạnh nhất ở đây khoảng -12, -13 độ C, còn -5, -6 là bình thường. Và tuyết. Tuyết trắng trời trắng đất. Một màu tuyết phủ trắng xóa khắp nơi, tuyết phủ trên mái nhà, trên những chiếc xe hơi, trên những băng ghế, những pho tượng ngoài đường, tuyết dày dưới chân, tuyết đọng trên những thân cây trông như những bộng hoa… Tuyết rơi rơi trên mũ, trên áo quần… Cộng thêm vào sự tĩnh lặng, trông như những bức tranh. Không có mùi gì rõ rệt trong một bức tranh tĩnh lặng như vậy. Không khí lạnh buốt, trong lành và sạch. Có những buổi tối đi làm về khuya, con đường trước mặt dài hút, tuyết trắng sáng lên trong đêm, và cũng không có mùi gì, ngoài một mùi thanh sạch của tuyết!
Hình như năm tháng qua đi, ký ức con người cũng thay đổi. Nỗi nhớ cũng khác.
Nhiều người bảo nếu bây giờ về lại Sài Gòn, VN, có khi tôi lại bị sốc, chịu không nổi cái nóng, cái bụi bặm, xô bồ ồn ã của Sài Gòn. Có thể. Những con người xa quê hương sống trên xứ người luôn lơ lửng không thuộc hẳn về đâu, quê nhà hay quê hương thứ hai, là vậy. Nhưng tôi biết, mình vẫn muốn có ngày trở về, để một lần nữa chìm trong cái ồn ào, và cái mùi phong phú pha trộn đó của Sài Gòn, của Tết VN.
Song Chi/ Baotre

No comments:


Get paid to share your links!