Mấy ngày gần đây, trên báo chí cũng như trên diễn đàn mạng, tuyên bố của ca sĩ Thanh Lam về việc cô cho là ca sĩ miền Nam không có học, nổi tiếng nhờ truyền thông đã khiến cho mạng xã hội sôi sùng sục. Đa số lên án và chửi rủa cô ấy thậm tệ và đôi khi tục tĩu. Lại có người mang chuyện bố cô ấy, một nhạc sĩ nổi tiếng đã qua đời để dè bỉu. Nhiều người nhắn tin cho tôi, bảo sao không thấy có ý kiến gì? Tôi nghĩ rằng lửa đang cháy lớn, cũng không nên đổ thêm xăng vào, nên để mọi việc lắng lại, bình tâm mà suy xét thì chữ nghĩa sẽ nhẹ nhàng và thấm thía hơn.
Ca sĩ Thanh Lam là một ca sĩ nổi tiếng ở miền Bắc. Cô có giọng hát đặc biệt, giọng đẹp và sáng tuy không xuất thân từ khoa thanh nhạc, cô chỉ học âm nhạc qua khoa nhạc cụ dân tộc. Nhưng phải công nhận cô có giọng hát hay. Những bài hát đầu tiên khi cô vừa xuất hiện trên sân khấu nước nhà hát những tác phẩm của bố cô ấy viết đã tạo thiện cảm cho người nghe. Đó là điều ta phải công nhận. Nhưng rồi, khi khoác danh hiệu Diva vào người, cô ấy tưởng mình là cái rốn của vũ trụ, đối với mọi người nhất là các đồng nghiệp cô là kẻ hạ mục vô nhân, không xem ai có thể bằng mình. Đó là thói kiêu ngạo của kẻ vô học ngồi đáy giếng nhìn trời.
Mà thật ra cái danh hiệu Diva ấy chỉ là một danh hiệu không chính thức tại Việt Nam và hầu hết chỉ do báo chí Việt Nam phong tặng, không có sự đồng thuận và công nhận của giới chuyên môn âm nhạc. Ngay cả khán giả cũng không bầu cho cô ấy.
Theo Wikipedia thì Diva là một khái niệm ban đầu được sử dụng để mô tả một người phụ nữ nổi tiếng, có tài năng xuất chúng.
Trong thuật ngữ âm nhạc thế giới cũng như Việt Nam ngày nay, diva được dùng để nhắc đến những nữ ca sĩ có giọng hát tuyệt vời, sự nghiệp lâu năm, vững bền, tạo nên được một trường phái âm nhạc riêng và có sức ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật của quốc gia mà người đó đã và đang hoạt động hay rộng hơn là trên toàn thế giới.
Nghĩa của chữ Diva tương tự như chữ Prima Donna.
Diva được dùng theo nghĩa xấu thì là để diễn tả một người phụ nữ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc hay phim ảnh, nhưng có những đòi hỏi cao và cực kỳ khó tính về quyền lợi cá nhân của mình. Từ tương tự trong tiếng Việt là đào "chảnh".
Tạp chí Time (số xuất bản ngày 21 tháng 10 năm 2002) cho rằng "Có thể định nghĩa một diva là một cái tôi nữ nhi điên khùng chỉ bù lại được phần nào nhờ vào chất giọng tuyệt vời".
Từ này ban đầu được dùng để chỉ những giọng ca opera nữ hoàn hảo, nhưng bây giờ thì được dùng để mô tả cả những nữ ca sĩ tài năng ở dòng nhạc đại chúng.. Để đạt tiêu chuẩn một diva, cần phải đạt một trong hai hoặc cả hai tiêu chí: một giọng hát tuyệt vời, âm vực rộng và/hoặc phong thái trình diễn cuốn hút, làm chủ được sân khấu, gây ấn tượng và truyền được cảm hứng tới người khác.
Nếu xét như trên thì Thanh Lam không thể gọi là Diva được, bởi cô chưa có sức ảnh hưởng đến đại chúng ngoại trừ những tuyên bố hạ thấp kẻ khác để tự nâng mình lên.
Âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam và thế giới cho thấy rằng, những nghệ sĩ nổi tiếng không phải ai cũng trưởng thành từ trường lớp. Nhà trường có thể dạy cho họ kỹ thuật thanh nhạc hay kỹ thuật căn bản của ngành nghề chứ không dạy được cái thiên phú trời cho của mỗi người. Nghệ thuật truyền cảm hứng và rung động từ tác phẩm đến người thưởng ngoạn là cái riêng của mỗi người nghệ sĩ mà không ai có thể dạy được. Nó bắt nguồn từ của trời cho cộng với kinh nghiệm dày dạn để trở thành cái riêng của mỗi nghệ sĩ. Ở miền Nam Việt Nam trước đây những ca sĩ trở thành tiếng hát vượt thời gian như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Sỹ Phú, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Anh Khoa, Chế Linh, Duy Trác, Anh Ngọc, Duy Quang, Duy Khánh, Elvis Phương, Julie Quang và nhiều nữa không kể hết đều chẳng có ai qua trường lớp. Họ bắt đầu bằng giọng hát bẩm sinh của mình và sau đó tự học và tự rèn luyện. Và tôi tin họ còn học nhiều và khổ luyện nhiều công sức hơn những người sinh viên nhạc viện. Bởi vậy, cô Thanh Lam ạ, đừng nên đem cái bằng cấp trường lớp để lên mặt xem mình là cái rốn của vũ trụ. Cái ngu nhất của cô là cô cho cái tôi của mình lớn quá. Cô nghĩ cô hát được vài bài công chúng thích rồi cô bắt đầu làm dáng khác người, uốn éo lên đồng trên sân khấu, rú hét như điên dại trên sân khấu, ăn mặc hở hang để khoe thân thể phồn thực của mình và cho đó là sáng tạo, là làm mới âm nhạc. Thực ra cô đang giết tác phẩm một cách tàn nhẫn khiến cho người viết ra nó phải đau lòng. Cô lầm to rồi! Nghệ thuật càng giản dị càng thấm sâu. Mà nhiệm vụ của nghệ thuật là làm người thưởng thức rung động, người ca sĩ là người truyền cảm xúc, là đốt lên ngọn lửa nghệ thuật cho nghệ thuật thăng hoa chứ không phải lên sân khấu để thoả mãn cái tôi điên loạn của mình. Học thuật là cần thiết nhưng nó không phải là yếu tố đủ để trở thành nghệ sĩ.
Cô nên xem lại danh sách những ca sĩ được tôn là Diva trên thế giới, có mấy người xuất thân từ trường lớp. Như các ca sĩ nhạc pop, nhạc đại chúng Diana Ross, Aretha Franklin, Barbra Streisand, Whitney Houston, Celine Dion, Mariah Carey, Toni Braxton, Madonna, Beyoncé...
Các diva của dòng nhạc cổ điển, opera: Birgit Nilsson, Leontyne Price, Denyce Graves, Montserrat Caballé, Kirsten Flagstad, Renee Fleming, Mirella Freni, Kathleen Battle, Anna Moffo, Renata Tebaldi, Victoria de Los Angeles, Dame Joan Sutherland, Maria Callas, Dame Gwyneth Jones, Dame Kiri Te Kanawa, Dame Elisabeth Schwarzkopf, Jessye Norman,...
Họ là những ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc thế giới, họ có những cái quái của họ, nhưng chắc chắn một điều họ không bao giờ xem thường đồng nghiệp như cô, không bao giờ đạp kẻ khác chìm xuống để mình ngoi lên như cô. Cô cho rằng ca sĩ miền Nam do truyền thông mà nổi tiếng. Xin lỗi cô, nếu không có truyền thông khoác cho cô cái áo mỹ miều thì cô cũng chẳng là cái đinh gì vì dân miền Nam chẳng mấy người biết cô là ai và cũng chẳng mấy người ưa cái kiểu hát của cô.
Bởi suy cho cùng, dân miền Nam chuộng cái chân thật, cái giản dị, cái thấm sâu vào đáy lòng đến từ sự gần gũi yêu thương. Mà cái kiểu của cô lại là kiểu giả dối, kiểu đóng kịch, kiểu làm trò chứ không phải hát, cho nên họ không thích cô là phải. Nếu cô cứ giữ cái cách trình diễn và giọng hát như những ngày cô mới xuất hiện, cô đừng kiêu ngạo, cô đừng khinh người, cô đừng đưa mình lên cao quá, tôi tin cũng sẽ có nhiều người ái mộ cô. Tiếc thay, những điều đẹp đẽ đó không có trong tâm hồn cô, một kẻ nổi loạn nhưng không biết mình là ai, nên cô trở thành kẻ lạc lõng. Trời cho cô nhan sắc, trời cũng cho cô tiếng hát, tiếc thay với tâm địa nhỏ nhoi, cô tự bôi xấu mặt mình, với thói kiêu ngạo vô văn hoá cô làm hư tiếng hát của mình.
Sau 42 năm thống nhất, hai miền Nam Bắc vẫn có nhiều khác biệt. Nhiều lúc có cảm giác như hai dân tộc khác nhau dù vẫn là đồng bào. Khác về quan niệm, văn hoá ứng xử, văn minh trong đời sống cho đến tư duy và nhân sinh quan. Có lẽ với tâm lý người thắng cuộc, khi vào miền Nam các người có nỗi tự hào là kẻ thắng, nhưng tiếc thay khi vào Nam, chứng kiến và so sánh, thấy cái gì cũng không bằng ở miền Nam từ đời sống cho đến sinh hoạt văn chương nghệ thuật. Nỗi đau của kẻ thắng trận mà lại thua về mọi mặt khiến cho sự kiêu hãnh đi liền với sự tự ti đưa đến một sự mặc cảm ngấm ngầm. Và chính đó là nguyên nhân của những chính sách tàn bạo đối với miền Nam và những dèm pha không đáng có với nền văn nghệ miền Nam. Chưa kể tuy không học hành trường lớp, nhưng những nghệ sĩ miền Nam sống và làm giàu bằng tiếng hát của mình trong khi những nghệ sĩ miền Bắc thu nhập không cao, đó cũng là nguyên nhân sinh ra đố kỵ. Mà khi con tim đố kỵ thì sẽ đưa ra những ngôn ngữ ngu muội, đó cũng là lẽ thường tình. Đã đố kỵ lại đi với ganh tỵ, cộng với sự ngu muội chắc chắn khiến cho cái tâm tăm tối. Mà tâm như thế thì trí phải cùn thôi.
Trong Phật giáo có từ Đáo bỉ ngạn: quay đầu là bờ. Tôi nghĩ, cô nên thay đổi tính cách, bớt xem thường mọi người, khiêm tốn học cái hay của người khác, sáng tạo những cái mới nhưng phải phù hợp với đại chúng và tác phẩm, xem đồng nghiệp là bình đẳng, xem khán giả là người ơn của mình.. Được như thế thì tiếng hát của cô sẽ được mọi người trân trọng. Chẳng cần những câu tuyên bố huyênh hoang, chẳng cần tạo scandal, chẳng cần PR, người ta vẫn nhớ đến cô.
23.10.2017
DODUYNGOC