Saturday, October 28, 2017
KHAI SILK VÀ, ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM VỀ CHỮ "TÍN"
Câu chuyện tấm vải lụa vừa gắn mác Made in Viet Nam vừa Made in China khiến người tiêu dùng cũng như dư luận lên án, bức xúc và thiệt hại dành cho Khai Silk sẽ không dừng lại ở đó. Một điều nghịch lý, là tại sao trên thế giới cũng có nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Pepsi, Samsung...đã từng mắc sai phạm nhưng dư luận lại "rộng lượng vị tha" và tiếp tục đón nhận ?!
Bài viết này, tôi mạn phép vừa đứng ở góc độ là người dân, vừa đứng ở góc độ một người hành nghề luật sư để chia sẻ vài dòng quan điểm.
Khi người mua tấm vải gửi khiếu nại, Khai Silk trả lời: "Chiếc khăn chứa hai nhãn là do nhân viên bộ phận kho, khi soạn lô hàng thấy thiếu 1 chiếc đã lấy trên máy may vốn đang sản xuất một đơn hàng cho khách hàng tại HongKong (Trung Quốc). Đơn hàng này yêu cầu Khaisilk may riêng nhãn mác Made in China vì lý do thủ tục nhập khẩu”.
Đây là sai lầm chết người, thay vì thừa nhận, xin lỗi và bồi thường thì Khai Silk lựa chọn phương án không minh bạch để hòng che lấp vi phạm.
Ngược lại, các thương hiệu nỗi tiếng thế giới, nếu xảy ra vi phạm, họ không đổ thừa mà thẳng thắn thừa nhận và tìm cách khắc phục để bù đắp thiệt hại cho khách hàng.
Chúng ta thường hay bàn và nhắc nhau về chữ Tín không chỉ trong kinh doanh mà trong cả cuộc sống. Quan điểm của tôi, UY TÍN là vấn đề sống còn trong kinh doanh, mất nó coi như là hết và, dù khó khăn như thế nào nếu còn "Tín" thì cứ tin, sẽ có một ngày tươi sáng.
Nói thì dễ và, ta thường nhắc nhau cần giữ chữ Tín nhưng để có nó rất khó và giữ được càng khó gấp bội lần. Kinh doanh, đôi khi, chính lợi nhuận trước mắt khiến ta "cố ý" hoặc "vô ý" để mất.
Nghề nào/người nào cũng có thể có sai lầm, nghề luật sư không ngoại lệ, đừng ai nói luật sư thì không mắc sai sót. Luật sư cũng là một nghề kinh doanh nhưng mang tính đặc thù hơn các lĩnh vực khác. Tôi có đọc một ý kiến trong cuốn sách của LS Trương Quang, chính anh đưa ra lời chia sẻ rằng, nếu luật sư mắc sai lầm, nên thừa nhận và nhanh chóng sửa sai, không cố gắng giấu bởi có thể mang đến hệ luỵ khôn lường không chỉ cho Thân chủ/khách hàng mà ngay cả luật sư/tổ chức hành nghề luật sư.
Tôi cũng chia sẻ một câu chuyện nhỏ mà thực tế bản thân tôi đã trải qua, đó là có nhiều khách hàng đến nhờ mình tư vấn bảo vệ với tranh chấp có giá trị lớn (chứng cứ rõ ràng). Tuy nhiên, khi hỏi thông tin thì biết nếu khách hàng thắng kiện thì bên còn lại không còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ. Lúc này, luật sư có hai lựa chọn, tiếp nhận vụ việc hoặc tư vấn cho khách hàng không kiện.
Trong trường hợp này, tôi khuyên khách hàng không kiện bởi có thể tốn chi phí cho luật sư mà nếu có thắng thì chỉ thắng trên giấy. Có thể, luật sư sẽ "mất" một khoản tiền phí thù lao hiện tại nhưng cái mất đó rất nhỏ so với cái được là "sự chia sẻ và đạo đức trong ý kiến tư vấn của luật sư". Có thể, sau này, khách hàng đó cần luật sư, họ sẽ lại tìm đến mình.
Tôi viết bài này không nhằm mục đích đánh giá hay phán xét Khai Silk bởi, bản thân có nguyên tắc và không có thói quen làm việc đó. Chỉ mong và hi vọng các Doanh nhân Việt Nam sẽ luôn giữ được chữ "Tín" trong kinh doanh để vươn tầm Quốc tế.
Sài Gòn, ngày 27/10/2017
LS Lê Ngọc Luân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment