Mới những tháng đầu năm 2018 mà cái lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nóng hừng hực. Dự báo năm nay, sẽ còn nhiều củi tiếp tục được đưa vào lò.
Nhìn vào công cuộc đốt lò, tức xử lý sai phạm của cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, có vẻ như mọi thứ đang sục sôi, hừng hực. Thế nhưng, nếu nhìn tới gốc rễ của vấn đề thì rõ ràng, đây là chuyện đáng buồn.
Quá nhiều cán bộ sai phạm, tiền bạc bị thất thoát, nguồn lực quốc gia bị lãng phí, doanh nghiệp khốn khó đủ đường, còn người dân thì sống mỏi chết mòn, căn nguyên là bởi cơ chế kiểm soát lỏng lẻo và công tác nhân sự đã thất bại hoàn toàn.
Nếu cơ chế kiểm soát quyền lực tốt, hệ thống vận hành minh bạch, thì mọi quyết định đưa ra sẽ chuẩn mực và thuyết phục. Nhưng, thực tế hoàn toàn ngược lại. Một vụ việc tôi đã từng đề cập trước đây là bổ nhiệm chức danh Cục trưởng Cục hải quan TP.HCM cho thấy rõ điều này.
Những người phụ trách việc bổ nhiệm đã chuẩn bị để đưa ông Đinh Ngọc Thắng, phó cục trưởng lên vị trí cục trưởng bằng những việc làm mà lẽ thường không thể. Trong đó, đặc biệt là việc bỏ phiếu tín nhiệm bất chấp ý kiến của Thành uỷ TP.HCM không đồng thuận. Năm ngoái, kết quả ông Thắng không có đủ phiếu. Chiếc ghế vẫn để dành. Đầu năm nay, tôi nghe rằng, có thể sắp tới lại bỏ phiếu cho ông Thắng!? Nếu điều này là sự thật thì rõ ràng bộ máy này vận hành kì lạ.
Căn nguyên thứ hai là công tác nhân sự. Lại lấy ví dụ tiếp về vụ bổ nhiệm Cục trưởng Cục hải quan TP.HCM. Chẳng có lý do gì phải bổ nhiệm ông Đinh Ngọc Thắng cho bằng được. Khi toà xử vụ án công chức hải quan Nguyễn Tường Duy nhận hối lộ vào tháng 9-2017, ông Thắng còn bị toà án triệu tập ra toà vì “có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Chưa kể, ông Thắng từng bị Thành uỷ TP.HCM yêu cầu chấp hành nghiêm túc về việc đi nước ngoài khi ông vi phạm quy định đi nước ngoài, báo cáo không đúng sự thật.
Dư luận thường đặt hàng loạt câu hỏi trong những trường hợp bổ nhiệm thần tốc như Trần Vũ Quỳnh Anh, Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Minh Hoàng, hay Đinh Ngọc Thắng. Đó là những điển hình về thực trạng những đứa trẻ được bế vào ghế, được nâng đỡ không trong sáng, hoặc có dấu hiệu bảo kê của nhóm lợi ích.
Source:
What a stupid game! by
Smallworld
Tôi không lý giải được về trường hợp kỳ lạ của ông Đinh Ngọc Thắng. Có luồng thông tin rằng, ông ấy là người của đương kim Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, tôi không tin điều này, tuyệt đối không tin. Bởi vì, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang miệt mài tạo ra một chính phủ liêm chính và kiến tạo. Thủ tướng sẽ không dùng quyền lực của mình để cố nhét một cá nhân có nhiều vấn đề như ông Đinh Ngọc Thắng vào vị trí lãnh đạo một đơn vị quan trọng và nhạy cảm.
Những vụ đốt lò hiện nay là kết quả của những quyết định bổ nhiệm mang màu sắc lợi ích nhóm không thể chối cãi của vài năm trước. Hậu quả của nó là bộ máy rệu rã, nguồn lực quốc gia bị tàn phá, đất nước mất nhiều cơ hội, và niềm tin của người dân bị bào mòn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi tạo công cuộc đốt lò, chắc hẳn không mong muốn những việc ấy tái diễn. Nếu ông Trọng biết những trường hợp bổ nhiệm như bổ nhiệm ông Đinh Ngọc Thắng, thì ông ấy sẽ phản ứng thế nào? Hôm qua có người hỏi tôi câu đó. Đó là câu hỏi thú vị nhưng tôi không trả lời. Chỉ nghĩ, nếu các quyết định bổ nhiệm vẫn được ban hành kiểu như vậy, thì vài năm nữa, ai sẽ phải gánh vác trọng trách đốt lò? Và nghĩ, nếu cứ như thế, thì vài năm, vài năm tiếp nữa, đốt hết, đất nước này sẽ còn lại thứ gì?
BẠCH HOÀN
Source:
What a stupid game! by
Smallworld