Thursday, December 8, 2016

TRUNG QUốC VÀ GIấC MộNG HARVARD


Với người Trung Quốc, Harvard là hình ảnh không chỉ là biểu tượng của giáo dục. Trên Harvard Magazine (20-7-2015), tác giả Zara Zhang (một sinh viên Harvard người Trung Quốc) viết:
“Bất cứ khi nào thấy đám đông du khách Trung Quốc tranh nhau chụp ảnh tượng John Harvard, tôi cũng liên tưởng đến những ngôi chùa tại Trung Quốc mà tôi thỉnh thoảng viếng hồi nhỏ. Chạm vào đầu chiếc giày bóng láng của John Harvard cũng gần giống như quỳ trước một tượng Phật bằng vàng. Trong cả hai trường hợp, tín đồ đang tỏ bày tỏ sự tôn kính với hy vọng việc mình làm sẽ mang lại may mắn. Với người Trung Quốc, Harvard tương tự như Mecca của giáo dục đại học… Họ muốn hít thở bầu không khí được hít bởi những sinh viên giỏi nhất thế giới… Mỗi centimet của mảnh đất thần thánh này phải được bước lên với sự kinh ngạc thú vị và mỗi tòa nhà phải được chụp lại…”.
Không phải tự nhiên mà Trung Quốc phiên âm Harvard là “Ha Fu” – “Cáp Phật”. Harvard, với người Trung Quốc, gần như là một thiên đường. Nó được nhìn ngắm bằng một ẩn ức thèm khát, đặc biệt khi nó phản chiếu một hình ảnh mà không ngôi trường đại học nào ở Trung Quốc có được: sự tự do. Harvard không chỉ bảo chứng cho tương lai. Nó cũng là một “American dream” cho những khát khao thay đổi mà Trung Quốc không thỏa mãn được cho chính thế hệ trẻ nước mình.
Năm 2000, “Harvard Girl Liu Yiting: A Character Training Record”, được một cặp vợ chồng Trung Quốc viết sau khi con gái họ vào Harvard, đã trở thành quyển sách bán chạy như tôm tươi. “Harvard Girl” làm bùng nổ loạt sách khác viết về Harvard, trong đó có “Harvard 4:30am- Harvard Universitys Gift to Young People” (2012) của tác giả Wei Xiuying mà ngay khi nó ra mắt đã có một số bài viết cho thấy đó là sách bịa (chẳng hạn bài “Lies and legends fuel China’s Ivy League dream” trên Asia Sentinel 6-8-2012). Điều đó, dù sao, cũng giúp người Trung Quốc thỏa mãn phần nào cơn thèm. Nó gián tiếp trở thành động lực khiến họ trở nên quyết liệt hơn trong việc tìm cách chạy trốn khỏi nền giáo dục nước nhà. Họ có một trường hợp điển hình thuyết phục: con gái của “chủ tịch Tập” – Tập Minh Trạch – đã từng học ở Harvard!
Du học sinh Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về số lượng tại Mỹ (gần 330.000 – theo Quartz 30-11-2016), tăng gấp năm trong một thập niên qua. Hầu hết đều xuất thân từ gia đình giàu có và thành phần “cán bộ cao cấp”. Họ sẽ không trở về. 92% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp vẫn tiếp tục ở Mỹ 5 năm sau khi lấy bằng tiến sĩ, so với 41% sinh viên Hàn Quốc (New Yorker 6-4-2015). Du học, với nhiều người Trung Quốc, là một tấm vé “vượt biên”, để thoát khỏi đất nước ngập ngụa với môi trường bẩn và sống ác như trong địa ngục. “Giấc mơ Trung Hoa”, với họ, còn dối trá hơn cả những quyển sách bịp viết về Harvard. Họ muốn một giấc mơ thật. Một cuộc sống thật. Một tương lai thật.
Manh Kim

No comments:


Get paid to share your links!