Saturday, December 17, 2016

Ông Trần Phương Bình bị bắt vì thất thoát hay do ‘đổi tiền’?

Năm đại hạn
2016 tiếp tục là một năm đại hạn cho giới chủ ngân hàng ở Việt Nam. Vào tháng 12, ông Trần Phương Bình, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank), là người mới nhất bị cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an bắt giam và khởi tố.
Trước ông Trần Phương Bình, hai thành viên cũ trong Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa đã bị cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về các hành vi phạm pháp vào ngày 30/1/2016. Đến đầu tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam và khởi tố bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn do vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Giữa tháng 3/2016, đến lượt ông Phạm Quyết Thắng, nguyên là Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) bị khởi tố bởi Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát 5.500 tỷ đồng.
Nghề làm ngân hàng chưa bao giờ nguy hiểm như lúc này. Nhiều quan chức ngân hàng thầm thì: không rớ vào thì thôi chứ đã rớ vào thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh phạm pháp ấy mà nâng quan điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái,” cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những tay lãnh đạo cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau... Khi đó thì chỉ có chết!
Ngân hàng, một trong những tiêu điểm mà trang blog Chân Dung Quyền Lực nhắm vào, khiến người đọc hoàn toàn có thể nhận thức rằng những nhân vật tự nguyện tham gia vào chiến dịch “sân sau” sẽ chịu số phận bấp bênh như có lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu.
Ai chống lưng cho DongA Bank?
Trong 4 vụ bắt lãnh đạo ngân hàng trong năm 2016, một điểm đồng nhất đáng chú ý là đều do Bộ Công an thực hiện.
Theo thông báo của Bộ Công an, ông Trần Phương Bình bị bắt là vì những sai phạm liên quan đến khoản tiền 2.000 tỷ đồng thất thoát tại ngân hàng này.
Nhưng so với những vụ bắt giam lãnh đạo ngân hàng khác thuần túy liên quan đến những tội danh trục lợi trong phạm vi ngân hàng nơi những người này làm việc, vụ ông Trần Phương Bình lại có vẻ khác biệt và gây ra nhiều luồng dư luận rất khác nhau về phạm vi gây tác động tiêu cực rộng lớn hơn rất nhiều.
Câu hỏi đặt ra là ông Trần Phương Bình đã bị đình chỉ chức vụ từ tháng 8/2015, đúng vào thời điểm DongA Bank bị Ngân hàng nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, nhưng tại sao lại không bị công an bắt vào thời điểm đó mà đến lúc này mới bị bắt?
Một tháng trước khi DongA Bank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đã có một vụ việc đình đám nổ ra là Bộ Công an bắt giam ông Nguyễn Xuân Sơn. Ông Sơn từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), nơi mà vào tháng 10/2014 lãnh đạo của ngân hàng này là ông Hà Văn Thắm đã bị bắt. Nhưng vào thời gian ông Sơn bị bắt, DongA Bank vẫn “vô can”.
Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này.
Tuy nhiên, lại có một luồng dư luận khác cho rằng vào năm 2015, chính thống đốc Ngân hàng nhà nước khi đó là ông Nguyễn Văn Bình đã “chống lưng” cho ông Trần Phương Bình khỏi bị bắt và DongA Bank không bị sụp đổ. Sở dĩ có được kết quả này là do giữa ông Trần Phương Bình và ông Nguyễn Văn Bình có một mối quan hệ rất “đặc biệt”.
Bất chấp bị nhiều dư luận lên án về nhiều dấu hiệu liên hệ mật thiết với các nhóm lợi ích ngân hàng, tài chính, vàng, ngoại tệ, ông Nguyễn Văn Bình lại bất ngờ lọt vào Bộ Chính trị tại Đại hội XII của đảng cầm quyền. Sau đại hội “thành công tốt đẹp” này, ông Bình được bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Trong suốt thời gian từ sau Đại hội XII đến tận gần đây, hầu như không có thông tin nào về việc ông Trần Phương Bình có thể bị bắt.
Nhưng ngay sau khi ông Trần Phương Bình bị Bộ Công an bắt, một luồng dư luận đặc biệt hơn nhiều đã rộ lên trên mạng xã hội về nguyên nhân sâu xa của vụ bắt bớ này: ông Trần Phương Bình không chỉ làm thất thoát 2.000 tỷ đồng, mà còn là nhân tố cố ý để lộ kế hoạch đổi tiền của Ngân hàng nhà nước, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2017. Mục đích của hành vi để lộ kế hoạch đổi tiền này là ông Trần Phương Bình đã cho cấp dưới tung tin đồn đổi tiền để đầu cơ vàng và ngoại tệ. Chiến dịch đầu cơ này còn bị đồn đoán liên quan đến ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Kinh tế Trung ương hiện thời là ông Nguyễn Văn Bình với vai trò “đứng sau”.
Dương Vũ?
Luồng dư luận rất đặc biệt trên có xuất xứ từ một bài viết rất nhiều chi tiết của tác giả có bút hiệu Dương Vũ.
Trong khoảng thời gian vài năm trước Đại hội XII, Dương Vũ lại là tác giả của loạt hàng chục bài viết mang tựa đề “Ai đang làm khánh kiệt đất nước?”. Loạt bài này công kích một nhóm lợi ích kinh tài, trong đó đề cập sâu đến hành vi của thống đốc Ngân hàng nhà nước khi đó là Nguyễn Văn Bình. Những bài viết của tác giả Dương Vũ có đặc điểm rất ấn tượng là tràn ngập thông tin “ruột rà” có thể được hiểu như nguồn nội bộ, kể cả một số thông tin “thâm cung bí sử” trong đảng. Cách hành văn của Dương Vũ cũng thuần văn phong chính luận và báo chí nhà nước, thậm chí còn chêm vào phong cách hành văn báo cáo, càng khiến không ít người đọc có cảm giác rằng tác giả Dương Vũ chính là người trong ngành… công an.
Có ít nhất một cơ sở đáng quan tâm về bài viết của Dương Vũ sau khi ông Trần Phương Bình bị bắt: ngày Bộ Công an bắt ông Bình là 9/12/2016, tức ngay sau thời gian xuất hiện tin đồn đổi tiền và cùng lúc là chiến dịch “đánh lên” USD của các nhóm đầu cơ.
Trong thực tế, tin đồn đổi tiền đã lan ra thị trường tiền tệ và một phần xã hội từ khoảng giữa tháng 11/2016. Dù chỉ là tin đồn, nhưng đã tác động mạnh đến giới doanh nghiệp và cả người dân. Những cuộc thăm dò bỏ túi cho thấy rất ít người tin vào thông báo “không đổi tiền” của Ngân hàng Nhà nước. Giá vàng và giá USD tăng vọt: vàng trong nước chênh cao hơn giá thế giới đến 5 triệu đồng/lượng, còn USD chợ đen có thời điểm vọt đến gần 24.000 đồng/USD.
Vấn đề đặt ra hiện thời là nếu ông Trần Phương Bình bị bắt là do gây thất thoát 2.000 tỷ đồng của DongA Bank, vụ việc này sẽ khá “đơn giản” và quy trình điều tra - xét xử sẽ gần tương tự những vụ truy án đối với giới chủ ngân hàng ở các ngân hàng Xây Dựng, Đại Dương và Dầu Khí Toàn Cầu.
Nhưng nếu những dư luận ngoài lề về ông Trần Phương Bình bị bắt là do “cố ý để lộ kế hoạch đổi tiền” có một phần cơ sở hoặc thậm chí chính xác về một số chi tiết (hợp đồng in tiền mới với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, thời điểm tiền mới tập trung về Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thời điểm sẽ diễn ra đổi tiền, chiến dịch tung tin đổi tiền và đầu cơ ngoại tệ…), thì sự việc sẽ trở nên ghê gớm hơn rất nhiều nếu kèm thêm tội danh “phá hoại kinh tế quốc gia”. Vụ việc đáng được gọi là biến cố kinh tế - chính trị nội bộ này sẽ khiến không chỉ một số quan chức, kể cả quan chức ở cấp rất cao, phải “xộ khám”, mà còn có thể dẫn đến thị trường tiền tệ và đời sống dân chúng bị đảo lộn không thể lường trước trong năm 2017.
Dương Chí Dũng


No comments:


Get paid to share your links!