Wednesday, November 2, 2016

BẤT THƯỜNG


Tham nhũng là nguyên do chính yếu tàn phá và làm tan nát, suy kiệt đất nước, nó cũng cướp đi cơ hội của rất nhiều con người, trong đó là những nhân tài và những người muốn làm ăn chân chính hoặc cống hiến cho những giá trị tốt đẹp của xã hội.
Vậy mà một ông Chánh án toà án nhân dân tối cao, nơi đại diện cho công lý và dùng pháp trị, lại nhận định một cách nhẹ nhàng rằng, đất nước không giàu, nghèo đi do tham nhũng. Có nghĩa rằng, ông ấy đang có tư duy bảo vệ cho tham nhũng và chẳng quá quan trọng sự nguy hiểm của loại tội phạm này đối với sự phát triển và văn minh của quốc gia.
Một đất nước mà chính quyền vừa điều hành kiểm soát kinh tế lại vừa đi làm ăn thì đã là một điều trái quy luật tự nhiên. Nay lại thêm tham nhũng cũng là một điều bình thường thì quả lã xã hội bất thường thực sự. Với cách vận hành hiện thời, nó biến nền kinh tế trở thành nơi thao túng và thị uy của quyền lực chính trị, nơi trục lợi và tìm kiếm cơ hội đục vét tài nguyên, lợi ích cho những nhóm cá nhân có quyền hành.
Đến nay, nền kinh tế của chúng ta không có chỗ đứng cho những sáng chế và sáng tạo, từ kẻ giàu nhất cho đến bé nhất, đều không tạo ra giá trị sản phẩm nào cho xã hội, đặc biệt là về khoa học và công nghệ. Vậy tìm kiếm lợi ích mà không tạo ra sản phẩm hay giá trị sáng chế thì đó đơn thuần là con buôn đúng nghĩa. Nền kinh tế đó không thể lớn mạnh và bình thường được. Chúng ta nhắc đến người giàu nhất Việt Nam hầu như toàn thấy bất động sản, tài chính hay chứng khoán, bán tài nguyên và kèm theo một nỗi nghi ngờ sân sau của quyền lực, chứ không thấy ai đại diện cho khoa học hay công nghệ mà vươn mình lên cả.
Đất nước nào càng làm ra nhiều sản phẩm công nghệ, càng sáng chế ra nhiều phát minh khoa học, nơi đó tiền bạc có giá trị nhất và con người cũng là trung tâm nhất của sự phát triển quốc gia.
Luân Lê

PHÉP VUA THUA LỆ LÀNG


Cuối cùng thì tôi cũng được Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận bào chữa cho em Nguyễn Hữu Quốc Duy, bị kết án 03 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật hình sự.
Trước đó, Tòa án tỉnh Khánh Hòa từ chối cấp giấy cho tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành tham gia bào chữa em Nguyễn Hữu Quốc Duy tại phiên tòa sơ thẩm.
Hôm qua 31/10/2016, tôi và luật sư Thành đến trại tạm giam Sông Lô xin gặp em Duy để hỏi một số vấn đề liên quan đến việc bào chữa, nhưng lãnh đạo trại giam không cho gặp và nói rằng chờ ý kiến của cấp trên, tôi biết đây chỉ là cách nói từ chối khéo.
Em Nguyễn Hữu Quốc Duy bị bắt giam từ ngày 27/11/2015 đến nay hơn 11 tháng nhưng vẫn chưa một lần được gặp mặt gia đình. Đến mức khi mở phiên tòa sơ thẩm, tòa án cũng không cho gia đình em Duy vào xem.
Theo luật định thì luật sư muốn gặp người đang bị giam giữ chỉ cần trình giấy chứng nhận người bào chữa là được gặp, nhưng trường hợp này trại giam Sông Lô cố ý gây khó khăn cho chúng tôi và xem thường luật pháp nhà nước.
Khi ra khỏi trại giam chúng tôi muốn chụp với mẹ em Duy một tấm hình kỷ niệm nhưng cán bộ trại giam không cho, rồi cuối cùng cũng chụp được một tấm hình trong vội vàng.

Đôn An Võ

Và sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng dài dài.


Bao nhiêu năm nay rồi, năm nào VN nói chung và miền Trung nói riêng cũng gặp bão lũ, không chỉ có thế, mỗi năm lũ càng nhiều hơn, lớn hơn, và thiệt hại vì thế cũng nặng nề hơn. 
Nhưng chả thấy nhà nước này nghĩ ra được cách gì để đối phó ngoài chuyện để mặc dân trong tình trạng sống chung với lũ, rồi lại cứu trợ và kêu gọi dân cùng cứu trợ. 
Song cứu trợ có đủ bù đắp được phần thiệt hại, mất mát mà dân phải gánh chịu? Đó là chưa nói đến bao nhiêu người bị mất tích, bị chết do lũ cuốn, năm nào cũng thế! Cái giá nào bù đắp nổi sinh mạng con người?
Còn đứng ở góc độ quốc gia thì thiệt hại do lũ lụt gây ra hàng năm là bao nhiêu tiền, đất nước đã nghèo càng nghèo thêm. 
Trong khi đó, những kẻ phá rừng lấy gỗ chả bị gì, những kẻ xả lũ chỉ bị “giơ cao đánh khẽ” nên gần như ngay sau đó chúng lại tiếp tục xả lũ. Dân khốn khổ tang thương vì lũ, nhưng cả một chính quyền từ trên xuống dưới chả ai vì sự bất lực ấy mà bị mất ghế thì có gì phải lo.
Chỉ mỗi người dân phải chịu, sức chịu đựng vô bờ bến! 
Và sẽ còn phải tiếp tục chịu đựng dài dài. 
Thiên tai chỉ là một phần, khi nào còn nạn phá rừng bừa bãi, còn xây đập thủy điện bừa bãi rồi các đập thủy điện lại xả lũ khi có lũ thì còn lũ lớn.
Sâu xa hơn, khi còn cái chế độ bất lực, vô lương tâm này thì người dân còn phải sống chung với đủ loại tai ương khác nhau mà thôi.

Song Chi

Get paid to share your links!