Hôm qua, tôi có đọc bài báo “Tổn thương dân tộc”, bàn về cuộc biểu tình mấy ngày trước. Bài này được viết ra bởi Lê Huyền Ái Mỹ, Tổng Biên tập báo Phụ nữ TP.HCM.
Thật sự phải rất cố gắng mới có thể đọc hết. Bởi vì tôi có cảm giác bài báo ấy sực lên mùi máu...
Đọc xong, tôi muốn được nói rằng: Lê Huyền Ai Mỹ, chị hãy câm miệng lại!
Dù chị là Tổng Biên tập hay có là cái quần gì đi nữa, thì hôm nay, tôi cũng phải tự hạ mình xuống thấp hơn, đưa mắt nhìn xuống và nói với chị vài lời.
Hãy đọc đoạn này xem...
“Lẽ nào, tiếng vọng lại chỉ là bấy nhiêu tiếng la hét, bầy hùa mà không là một thái độ, một hành vi bày tỏ đủ tỉnh táo và kiểm soát, đủ văn minh và công bằng?”
Lê Huyền Ái Mỹ, có vẻ chị không hài lòng với người dân vì cho rằng, Chính phủ đã lùi lại luật đặc khu mà dân vẫn đòi hỏi bỏ hẳn là một sự phản hồi không công bằng?
Hay quá!
Công bằng với ai? Chị nghĩ rằng lùi lại luật đặc khu là một sự ban ơn và người dân phải biết ơn sao? Như thế mới công bằng?
Làm báo mà nghĩ như vậy được à? Nhà báo sao lại có đầu óc ngang với nhóm 423 vậy nhỉ? Ơn nghĩa và đáp lại ơn nghĩa không phải là sợi dây gắn kết nhân dân với chính quyền. Thứ gắn kết duy nhất phải là trách nhiệm và đòi hỏi trách nhiệm. Chị có hiểu được điều này không?
Trong số hàng ngàn người tham gia xuống đường những hôm ấy, tôi không phủ nhận có người quá khích, có người thiếu kiềm chế và cá nhân tôi không ủng hộ điều đó.
Nhưng, dù có như thế thì họ vẫn là con người, vẫn là người dân với đầy đủ ý nghĩa của từ “dân”. Dân chưa đúng thì chỉ cho dân con đường đúng bằng thái độ yêu thương và lo lắng. Thế nhưng, ai? Là ai cho phép chị nói về người dân bằng cái từ “bầy hùa”, hệt như nói về súc vật vậy hả?
Lẽ ra, chị phải đặt tâm thế của mình vào vị trí của người dân để tự hỏi vì sao họ như vậy? Vì sao họ nổi cơn thịnh nộ? Và là một nhà báo, chị phải đi tìm câu trả lời, phải tìm kiếm căn nguyên của vấn đề, từ đó phơi bày lên mặt báo, đặt nó trước mặt các cơ quan chức năng, các nhà lãnh đạo, yêu cầu họ phải giải trình, phải thay đổi.
Chị dùng từ “la hét” ư? Ở đoạn viết khác chị còn nói người ta “nhảy múa”, “quay cuồng” ư?
Chị đã sống cuộc sống của những người khốn khổ ấy chưa? Chị có lắng nghe họ nói không? Trái tim chị có đập cùng nhịp với người dân không? Có lo nỗi lo với người dân, thương niềm thương đất nước này cùng dân hay không mà dám thở ta những chữ bốc mùi đến thế?
Tôi nói, chị có hiểu không?
Còn nữa...
“Những người phụ nữ, mặc nguyên bộ đồ ở nhà, khư khư những tấm bảng, nắng quá, họ tiện tay che nắng, có người thì phe phẩy quạt. Có tiếng xách động, họ ngưng quạt thôi che, miệng la lên…”.
Tôi thấy chị sống thừa mứa, từ nhà cửa, xe hơi, mua sắm trung tâm thương mại 5 sao, du lịch resort cũng 5 sao... Vậy nên chị mới đem chuyện ăn mặc của một người phụ nữ thôn quê lên báo với thái độ có vẻ mỉa mai như thế?
Chỉ có kẻ lòng dạ hẹp hòi mới soi vào quần áo của người dân nhằm dắt mũi người đọc. Một người có lương tri, một nhà báo còn đạo đức, sẽ không nhìn vào bộ quần áo của người phụ nữ quê mùa, tệch toạc xuống đường để dè bỉu. Thay vào đó, họ sẽ tự vấn đằng sau bộ quân áo ấy là gì? Là gì nếu không phải sự thôi thúc bước chân cấp bách?
Còn đây nữa...
“Vậy mà cũng chính chúng ta, kéo xách những đứa trẻ hồn nhiên ra đường, xuống phố; truyền trao cho các con trẻ bài học gì, cốt cách gì ngoài cái thái độ hung hăng, quá khích, áp chế đó”.
Này Lê Huyền Ái Mỹ, chị muốn bọn trẻ tiếp tục ảo tưởng về thế giới này à? Chị muốn bọn trẻ nhìn xã hội này màu hồng như truyện cổ tích sao? Không đâu, không có cổ tích nào ở một xã hội đã tồn tại quá nhiều bất ổn và những giá trị căn bản đang bị đảo lộn.
Bọn trẻ rồi sẽ lớn. Chúng cần được bảo ban, dạy dỗ. Nhưng không phải từ những sách vở sáo rỗng, xa vời, mà phải từ hiện thực cuộc sống. Cho trẻ nhìn thấy ngổn ngang hiện thực, bọn trẻ sẽ lớn lên với ý thức về trách nhiệm xây dựng đất nước. Các con sẽ có bài học về lòng yêu nước bằng chính những gì mắt mình đã thấy, sẽ biết lắng nghe tiếng đời bằng chính tai mình, bằng những bước chân đồng hành với trái tìm cùng nhịp đập...
Có như thế, những đứa trẻ hôm nay, mới chập chững đi bằng đôi chân của mình, mới đứng thẳng lưng, ngẩng mặt và sống trọn một kiếp người.
Có như thế, mai này lớn lên, đứng trước thời cuộc, đứng trước hiện tình đất nước, thế hệ ấy mới không sống hoài sống phí, không sống mỏi chết mòn.
Nếu mai này bọn trẻ vẫn đi bằng đầu gối, vẫn khom lưng và cúi đầu nhục nhã, vẫn ngậm máu phun vào trang viết, thì đó là một bi kịch quá đỗi đớn đau của dân tộc này.
Là Tổng Biên tập tờ báo dành cho phụ nữ, lẽ ra chị phải dùng bút để mở mang đầu óc, phá bỏ định kiến, để họ nhìn thấy giá trị và sức mạnh phụ nữ, để phụ nữ ý thức được rằng người phụ nữ không hơn nhau ở tấm chồng mà phải là ta đã sống như thế nào, ta đã làm được điều gì...
Là nhà báo viết cho phụ nữ, nếu chị thích chính trị thì hãy viết làm sao để phụ nữ thôi thờ ơ, vô trách nhiệm, thôi sống hèn sống kém, thôi a dua đua đòi lao vào những thú vui vô bổ, nhạt nhẽo tầm thường. Chị phải khai dân trí, chấn dân khí. Chị phải viết làm sao để phụ nữ nâng cao tri thức, rèn luyện tư duy, sống tự tin và ngạo nghễ.
Còn bàn trực tiếp về chính trị, về đạo lý trị quốc, về bổn phận của chính quyền và quyền lực của nhân dân, chị hãy ngậm miệng lại. Chị biết không, trong vài trường hợp, im lặng là một sự đóng góp lớn lao cho tiến bộ của xã hội.
Là vì... về những vấn đề ấy, ngòi bút của chị, tôi thấy giống như nhà văn Vũ Hạnh từng nói, đem sự phù phiếm thay cho thực dụng, lấy việc thiển cận quên điều sâu xa, xuyên tạc chân lý, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người.
“Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao”.
Đó cũng là lời của Vũ Hạnh trong truyện ngắn Bút máu. Nay tôi xin mượn tạm để dạy dỗ chị, Lê Huyền Ái Mỹ.
Bạch Hoàn
Source: A rooster that has a longest cockadoodledoo in over the world by Smallworld
No comments:
Post a Comment