Luật sư Võ An Đôn vừa tường thuật phiên toà phúc thẩm xử hai em Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An tại Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng hôm nay, có chi tiết thú vị như sau:
Sau 5 phút nghị án chớp nhoáng, chủ toạ phiên toà mang ra bản án dài 10 trang A4 đọc và tuyên y án 3 năm tù và 2 năm tù lần lượt cho hai bị cáo.
Về phương diện tố tụng, nghị án là công việc phức tạp và quan trọng nhất mà hội đồng xét xử, gồm các thẩm phán và hội thẩm nhân dân, thường phải dành nhiều thời gian đánh giá chứng cứ và cân nhắc lượng hình, sau một phiên xử dài lắng nghe ý kiến tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Tất cả điều đó phải được ghi nhận trong bản án.
Trong nhiều phiên xử các tội thường phạm, thường đơn giản hơn những vụ án chính trị, việc nghị án mất cả giờ đồng hồ, thậm chí các thành viên hội đồng xét xử còn tranh luận nhau trong lúc đánh giá chứng cứ và lượng hình, rồi biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Việc tuyên án nhiều khi phải dời sang ngày hôm sau, để thư ký phiên toà có đủ thời gian viết một án văn mà vị chủ toạ sẽ tuyên đọc.
Vụ án hôm nay tại Đà Nẵng làm tôi nhớ lại hai phiên toà xử chúng tôi tại Sài Gòn năm 2010. Cả hai lần, việc nghị án cũng diễn ra khá nhanh chóng và các vị chủ toạ cũng cầm đọc một bản án dài lê thê, mà tôi tưởng phải mất cả ngày mới đánh máy hết.
Khi sắp đến phần tuyên hình phạt cho từng bị cáo chúng tôi, cánh cửa sau lưng hội đồng xét xử bỗng khẽ mở ra, một người không thuộc ban thư ký phiên toà, với thái độ gần như lén lút, cúi đầu lặng lẽ bước vào, trao mẩu giấy nhỏ, khoảng 1/2 trang A4, đặt trên bàn cho vị chủ toạ.
Sau khi người bí ẩn ấy lui ra bằng chính cửa hậu đó, vị chủ toạ thò một tay xuống bàn cầm mẩu giấy lên, rồi tuyên đọc hình phạt cho từng người trong Tứ Nhân Bang chúng tôi, theo những gì mẩu giấy bí ẩn ghi sẵn.
Có lẽ nghị án là thời gian nghỉ giải lao của hội đồng xét xử, thay vì họ phải tất bật đánh giá chứng cứ và lượng hình cho vụ án phức tạp năm nào chăng?
Và những ai khác, có thẩm quyền hơn cả toà án, đã thay hội đồng xét xử lượng hình, tất nhiên "chứng cứ" thì không cần đánh giá, và chỉ sau khi vị chủ toạ đọc gần hết và gần chết án văn dài lê thê, ông ta mới biết hình phạt áp dụng cho từng bị cáo đứng trước mặt mình.
Lê Công Định
No comments:
Post a Comment