Đứa em làm báo nhỏ nhẹ, anh ơi, rảnh không, giúp em tí đi...
Nó gợi ý, anh nghĩ gì về "cuộc chiến" giành lại vỉa hè hôm nay? Anh
có nhớ kỉ niệm nào về "vụ án" đê Nghi Tàm hơn 20 năm trước không? Lần
này liệu có hi vọng không anh?...
Nhớ chứ.
Nhớ cảnh nhà cửa hai bên đê ngổn ngang gạch, ngói, vôi, vữa, tan hoang như sau
trận B52. Nhớ, dân đã đồn tầm bậy, tầm bạ, rằng trên đê có nhà của con ông này,
cháu ông kia, rồi còn rỉ tai nhau, ối giời, đây là cái cớ để nội bộ choảng nhau
thôi...Giời cũng ạ !
Mà cái mini Hotel Eden khá đẹp, được dân tình đồn nhiều nhất lại
chính là của thằng bạn tôi. Thỉnh thoảng, bạn bè vẫn tụ tập, làm con ba ba,
uống rượu, đánh bài cuối tuần...
Thằng bạn này dân làm ăn năng động, tháo vát, làm khách sạn, vũ
trường đầu tiên ở Vũng Tàu, Hà Nội, Đà Nẵng..., rồi làm cả nhà máy lớn ở Đà
Nẵng, Cần Thơ...Công việc đang rất thành công, bị bệnh hiểm nghèo, mất 12 năm
rồi...
Dân tình cứ đồn láo lếu thế thôi, liên quan gì đến con cháu ông bà nào đâu.
Thực ra, các công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang đê
Nghi Tàm, đã xuất hiện một số vết nứt, ảnh hưởng đến an toàn thân đê. Chính
quyền phường, quận, thành phố Hà Nội sau nhiều năm bỏ lơ, khi nhà cửa của dân
phủ kín hai bên đê thành một khối tài sản quá lớn, đành bất lực, chấp nhận cho
tồn tại.
Trật tự, kỉ cương xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng đến mức báo động.
Thời điểm này, an ninh, trật tự, an toàn xã hội có vấn đề. Sau
cuộc đổi mới năm 86, là dịp kinh tế bị kiềm hãm nhiều chục năm như lò xo bị nén
mãi giờ bung ra, đồng thời nạn xã hội đen hoành hành trở nên phổ biến. Các băng
đảng xã hội đen mọc lên khắp nơi, tranh nhau bảo kê hầu hết các lĩnh vực của
đời sống như kinh doanh nhà hàng, karaoke, nhà nghỉ, chợ búa, cờ bạc, tín dụng
đen.
Đáng ngại nhất là nạn bảo kê như một bệnh dịch truyền nhiễm, bắt
đầu lây sang chính quyền cấp phường, quận..., thách thức ngay cả chính quyền
trung ương.
Chính quyền nào cũng vậy, vốn được sinh ra để phục vụ, bảo vệ
người dân, giúp doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thuận lợi, đúng pháp luật lại bỏ
lơ, thậm chí có nơi, có người còn bảo kê luôn xã hội đen dưới nhiều hình thức
vô cùng tinh vi.
"Vụ án" đê Nghi Tàm năm xưa, nhiều người đã viết.
Nghĩ về "vụ án", rồi liên hệ với "cuộc chiến"
giành lại vỉa hè cho người đi bộ - một chủ đề cực hót tại SG và HN trong những
ngày qua - là điều đáng bàn và sẽ rất thú vị. Hai chữ "vụ án" và
"cuộc chiến" dùng trong thời bình, cùng một chủ đề thiết lập lại trật
tự, kỉ cương, chỉnh trang bộ mặt đô thị, cách nhau hơn hai chục năm có mối liên
hệ gì về bản chất đến vấn nạn "bảo kê" không?
Chuyện "bảo kê" đầy những mờ ám, xấu xa, đáng bàn và thú
vị quá đi chứ.
Người đứng đầu chính quyền thủ đô, một vị tướng công an đã chính
thức tuyên chiến với nạn chính quyền các cấp quận, huyện, các ngành (trong đó
có cả công an) bảo kê cho các bến đậu xe, bãi bia cũng như nạn lấn chiếm lòng
đường, vỉa hè, các diện tích công cộng khác tại Hà Nội.
Tôi tin đợt ra quân lập lại trật tự, kỉ cương, chỉnh trang bộ mặt
đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ...tại thủ đô lần này được chính vị chủ
tịch trẻ khởi xướng, đa số người dân ủng hộ, sẽ thành công.
Tử huyệt đã được thị trưởng chỉ rõ: bảo kê!
Những ngày qua, tôi đã chứng kiến cảnh các lều quán, biển báo, mái
che, vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm đang được tháo bỏ dần trên hầu hết các
tuyến phố nơi tôi đi qua.
Có những bãi xe tự phát trên vỉa hè, lòng đường tồn tại nhiều năm như một sự
đương nhiên trước những khách sạn, nhà hàng lớn, hay trước một cơ quan nhà
nước, đã bị dẹp bỏ. Kể ra, muốn uống cà phê, ăn sáng ở Phan Chu Trinh, Ngô
Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo...tìm được chỗ đậu xe hôm nay, không hề
đơn giản chút nào.
Thành công của "cuộc chiến" lần này, có thể tin là chắc
chắn, khỏi bàn cãi.
Có giữ được không và sẽ duy trì bao lâu, mới là vấn đề quan trọng
!
Một số tuyến đường trong khu phố cổ, như Hàng Ngang, Hàng Đào,
Hàng Buồm, Chả Cá, Lương Văn Can..., vỉa hè quá nhỏ, xe máy - một phương tiện
đi lại chủ yếu của người dân thủ đô truyền thống không có thói quen đi bộ - vẫn
xếp đầy vỉa hè, liệu có dẹp được không?
Khó và phải chờ.
Dẹp nạn bảo kê cấp phường, cấp quận, cấp sở, ngành đương nhiên là
gay go, phức tạp nhưng không phải quá khó, không thể. Thị trưởng trẻ, từng là
giám đốc công an, ra tay, khả năng là sẽ dẹp được.
Trường hợp bảo kê xuất phát từ cấp cao hơn sẽ sinh ra những
"vụ án" phức tạp hơn, dai dẳng hơn. Công trình 8B Lê Trực, đại dự án
148 Giảng Võ, tổ hợp căn hộ cao tầng không phép Linh Đàm của đại gia điếu
cày...là ví dụ.
Đây mới thực sự là "cuộc chiến" cam go, phức tạp, có kết cục khó
lường.
Chợt nhớ Ông Thủ tướng Sáu Dân (1992 - 1997).
Hơn hai chục năm trước, để giải phóng nhà cửa xây dựng trái phép
dọc hành lang đê Nghi Tàm, Ông đã cải trang làm dân thường, trực tiếp thị sát
thực tế, trước khi phát lệnh chiến dịch. Ông cũng kiên quyết chỉ đạo các cơ
quan có liên quan từ trung ương đến địa phương làm đến cùng, khi hai con đường
ven đê Nghi Tàm hình thành, chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang và thân đê.
Đơn độc trong quyết định làm đường dây 500KV dài gần 1500km, một
vị bộ trưởng trong chính phủ của Ông đã vướng vào vòng lao lí, một thứ trưởng
dính án treo. Đường dây 500 KV khởi công ngày 01/03/1992, đóng điện thành công
19.07' ngày 27/05/1994. Sáng hôm sau, 5 giờ sáng, chính Ông đã vào tận trại
giam Thanh Xuân, gắn chiếc huy hiệu đường dây 500KV đầu tiên cho vị bộ trưởng
đang thụ án.
Việc ban hành chỉ thị 406 ngày 08.08.1994, "kể từ ngày 1
tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc
pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo
hoa)…", đã xoá sổ tất cả mọi cơ sở sản xuất, buôn bán pháo không phải chỉ
một làng nghề nổi tiếng chuyên sản xuất pháo Bình Đà. Chấm dứt một thói quen
truyền thống hàng trăm năm của người dân.
Điều khó khăn này, có lúc đã tưởng không thể làm được.
Ông cũng quyết định làm con đường thẳng từ sân bay quốc tế Nội Bài
về Hà Nội qua cầu Thăng Long, về trung tâm chính trị Ba Đình. Hơn hai chục năm,
con đường chỉ thẳng khi qua cây cầu, đoạn tiếp vẫn quanh co, chật chội, không
tương xứng.
Giờ, 20 năm rồi, có cầu Nhật Tân hiện đại, thêm một tuyến đường mới khang
trang, rộng rãi, qua cây cầu mới, muốn về trung tâm Hà Nội, vẫn phải đi qua
đường đê Nghi Tàm, hoặc qua ngả Hoàng Hoa Thám chật chội, không thể mở rộng.
Tạo một con đường ngay thẳng, đồng bộ, đẹp, xem ra khó thật.
Ngay cả quyết tâm của một vị Thủ tướng nổi tiếng hành động, quyết
đoán, mạnh mẽ cũng từng bị thách thức khi phải đối diện với thực trạng
"bảo kê".
Hi vọng "chính phủ kiến tạo, liêm chính, chuyển mạnh từ quản
lý sang phục vụ", hôm nay sẽ hành động, không chỉ là khẩu hiệu.
P/S. Dùng quyền lực được nhân dân trao, để bảo kê cho một cá nhân
hay một nhóm lợi ích nào đấy, trước sau cũng phải trả giá.
Bởi đất đai, sông núi..., tất cả mọi tài nguyên của đất nước này thuộc về nhân
dân, không phải của riêng bất kì ai, dù đang tạm ngự bất cứ chức vụ nào.
Chữ "bảo kê", bất luận được dùng trong trường hợp nào cũng chỉ gợi
nên những xấu xa, mờ ám!
(còn nữa.)
No comments:
Post a Comment