Monday, December 12, 2016

LÀM SAO ĐỂ MINH BẠCH HÓA HOẠT ĐỘNG TỪ THIỆN CỦA PHAN ANH?


Cho đến nay, các hoạt động phân tích và rà soát trong nỗ lực minh bạch hóa các con số thu và chi trong hoạt động quyên góp từ thiện nhằm ủng hộ đồng bào bị bão lũ ở miền Trung của MC Phan Anh chỉ dựa vào duy nhất bản sao kê do chính MC Phan Anh cung cấp trên website www.tuthiendelamgi.comvà đối chiếu với các văn bản và tuyên bố khác của Phan Anh. 

Các tranh luận và phản biện cũng chỉ diễn ra trên môi trường mạng xã hội facebook. Chưa có một cơ quan truyền thông chính thức nào lên tiếng về vụ việc này và cũng chưa có một cơ quan chính phủ nào thụ lý về vụ việc này. 

Có một vài lí do. 

Thứ nhất đó là sự hạn chế về khả năng xử lý dữ liệu của một số cơ quan báo chí và việc không được tiếp cận với bản sao kê gốc các thu chi trong tài khoản ngân hàng của Phan Anh để đối chiếu. Một số nhà báo muốn tiếp cận sự việc nhưng không có các con số rõ ràng. Phan Anh thì đã đóng tài khoản nhận tiền. 

Đúng ra thì Phan Anh không cần phải đóng tài khoản này. Nếu anh không muốn nhận các khoản tiền gửi về tài khoản này thì chỉ cần báo với ngân hàng để phong tỏa tài khoản như cách mà một người gọi báo ngân hàng rằng anh ta bị mất thẻ tín dụng. Chỉ cần tốn nhiều nhất là 20 phút để làm việc này. 

Giờ đây khi tài khoản nhận tiền của Phan Anh đã bị đóng như anh ta tuyên bố trên website tuthiendelamgi.com thì muốn kiểm tra sao kê gốc, không qua bất cứ chỉnh sửa nào, để đối chiếu với các nghi ngờ thì phải cần đến vai trò của một bên thứ ba là cơ quan điều tra hay tòa án dân sự. Chỉ khi có sự can thiệp của chính quyền thì ngân hàng mới có thể mở lại tài khoản dù đã bị đóng và xuất ra bản sao kê gốc để đối chiếu với các khoản thu chi. Cho đến nay không ai có thể tiếp cận với bản sao kê gốc, kể cả các nhà báo, nên họ không có phương tiện để đối chứng.

Tại sao Phan Anh lại nhanh chóng đóng tài khoản nhận tiền này đó cũng là một câu hỏi đáng để đặt ra. Nếu như những mạnh thường quân và chính quyền không can thiệp nhanh chóng để ngăn ngừa khả năng ngân hàng có thể hủy các dữ liệu của một tài khoản ngân hàng đã bị đóng thì sẽ dẫn đến tình trạng không ai có thể xem xét lại bản sao kê gốc được. Và như vậy, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không ai biết một cách chắn chắn là các con số thu chi được công bố có chính xác hay không. 

Thứ hai, cho đến nay cũng chưa có một mạnh thường quân nào gửi tiền cho Phan Anh đưa đơn kiện ra tòa án dân sự nên cơ quan điều tra cũng chưa thể tự ý đi điều tra và yêu cầu ngân hàng mở lại tài khoản đã bị đóng. 

Và thứ ba, khi các nhà báo và các cơ quan truyền thống không thể tiếp cận với dữ liệu một cách chắn chắn, còn e dè trong việc đưa tin thì dẫn đến một hiện tượng là các cơ quan điều tra cũng chưa có áp lực mở hồ sơ về vụ từ thiện Phan Anh.

Do đó, để có thể kết luận một cách trắng đen rõ ràng nhằm minh bạch hóa các con số thu chi trong hoạt động từ thiện của Phan Anh, cộng đồng và các mạnh thường quân cần có sự can thiệp của một bên thứ ba là chính quyền để mở sao kê gốc của ngân hàng, sau đó đối chiếu và kiểm soát các khoản chi tiêu. Đây là một hoạt động minh bạch, đúng pháp luật của một xã hội văn minh. Các tổ chức gây quỹ và chi tiêu trong xã hội, không chỉ riêng gì của Phan Anh, cần phải được minh bạch, chịu sự kiểm tra và kiểm soát của cộng đồng. 

Để làm được điều này, các mạnh thường quân gửi tiền cho hoạt động từ thiện của Phan Anh cần phải làm các việc sau:

Một, thông qua một cơ quan thừa phát lại để lập vi bằng làm bằng chứng trước khi có thể dùng bằng chứng đó để tiến hành việc kiện. Lưu ý một điều rằng chỉ có các vi bằng do thừa phát lại cung cấp là được thừa nhận đối với các trường hợp tranh chấp hay nói xấu nhau trên mạng. 

Ví dụ khi có ai nói xấu bạn, hay vu cáo bạn trên mạng, bạn có thể yêu cầu văn phòng thừa phát lại lập vi bằng và sau đó khởi kiện người nói xấu ra tòa. Khi ra tòa, tòa hỏi bằng chứng đâu thì vi bằng thừa phát lại được pháp luật Việt Nam công nhận được dùng làm bằng chứng.

Vì lí do đó mà các mạnh thường quân muốn khởi kiện Phan Anh ra tòa dân sự cần phải liên lạc với văn phòng thừa phát lại để lập vi bằng về các thông tin đưa ra trên website www.tuthiendelamgi.com, facebook của Phan Anh, và các thông tin trên các website của các tờ báo khác đăng lại thông tin từ tài khoản facebook của Phan Anh để làm bằng chứng.

Hai, sau đó các mạnh thường quân có thể gửi đơn để tiến hành khởi kiện dân sự, yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật quyền lợi của người gửi tiền thiện nguyện, mà ở đây là gửi tiền thiện nguyện miền Trung cho Phan Anh. Nội dung đơn kiện có thể tham khảo thêm với luật sư. Ở đây, để cộng đồng được minh bạch hóa những lùm xùm trong từ thiện, có lẽ các luật sư chuyên về dân sự nên đứng ra hỗ trợ các mạnh thường quân. 

Khi nộp đơn kiện thì các mạnh thường quân nên lưu ý lấy giấy nhận đơn, để làm mốc cho thời gian tiến hành khởi kiện.

Ba, gửi đơn cho các cơ quan báo chí để nhờ lên tiếng về sự việc. Hiện nay một số nhà báo và cơ quan báo chí đang chuẩn bị để vào cuộc. Các cơ quan báo chí mà các mạnh thường quân có thể tham khảo gồm có báo Pháp Luật Tp. Hồ Chí Minh (website: http://plo.vn/; địa chỉ tòa soạn: 34 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, Tp. HCM), báo Tuổi Trẻ (website: http://tuoitre.vn/tin/thong-tin-toa-soan; địa chỉ trụ sở tòa soạn: Số 60A, Hoàng Văn Thụ, Phường.9, Quận Phú Nhuận, Tp. HCM; các địa chỉ chi nhánh xem trong link trên), báo Người Lao Động (website: http://nld.com.vn/; địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, Phường 6, Quận 3, Tp.HCM), ngoài ra các bạn có thể tìm đến các trụ sở và chi nhánh các tờ báo khác mà bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet. 

Dù kết quả cuối cùng ra sao thì mục đích cuối cùng của việc kiện và kêu gọi sự can thiệp của các cơ quan chính quyền đó là đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng trong các thu chi cho hoạt động từ thiện, điều mà cho đến nay còn nhiều điều nghi vấn mà đúng ra là chính Phan Anh nên trả lời cho nhiều người thay vì im lặng và để những người ủng hộ mình đi vận động dư luận. Nếu thực lòng, để trả lời những nghi vấn này, Phan Anh có thể chỉ cần làm một live stream chừng 20-30 phút. 

Và thứ tư, các mạnh thường quân cũng như các cá nhân khác trong cộng đồng mong muốn một sự minh bạch trong từ thiện cũng nên khởi lập một chiến dịch thu thập chữ ký trên mạng (petition), nhằm tạo áp lực để các cơ quan điều tra và báo chí quan tâm nhiều hơn đến sự kiện. Cuộc thu thập chữ ký này nên tập trung vào hai điều là: Một, kêu gọi ngân hàng Vietcombank không xóa đi các dữ liệu trong tài khoản ngân hàng của Phan Anh. Tài khoản ngân hàng này của Vietcombank có số 0451001581766, người đứng tên là Hoàng Phan Anh, và hiện đã bị Phan Anh đóng. Và hai, kêu gọi chính quyền, các cơ quan điều tra, và báo chí, yêu cầu ngân hàng Vietcombank mở lại tài khoản của Phan Anh và xuất sao kê gốc để đối chiếu nhằm minh bạch hóa các khoản thu chi trong các hoạt động thiện nguyện. 

Một trang web có thể giúp việc thu thập chữ ký như vậy là: https://www.change.org/start-a-petition 

Cần nhắc lại một điều rất quan trọng là tài khoản nhận tiền của Phan Anh đã bị đóng và một sự chậm trễ trong mở lại tài khoản có thể dẫn đến việc ngân hàng Vietcombank xóa hết các dữ liệu liên quan đến tài khoản đã bị đóng. 

Nguyen Huy Vu

No comments:


Get paid to share your links!