Monday, October 24, 2016

XUNG ĐỘT HIẾN PHÁP


Toà án, theo quy định của Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, đều quy định rằng, luôn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.
Tuy nhiên, cũng lại chính Hiến pháp, đã vô hiệu hoá những điều luật trên bởi Điều 4 - mọi hoạt động của nhà nước và xã hội đều nằm dưới sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy, công lý và toà án, đều nằm dưới và chịu sự chi phối, kiểm soát của đảng. Vậy thì, sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử sẽ tồn tại khi nào trước những quy định mâu thuẫn đến tréo ngoe như thế?
Bởi lẽ đó, công lý (tức lẽ phải) và sự lãnh đạo của đảng là hai đại lượng tỷ lệ nghịch với nhau trong cùng một phương trình có tính bất bình đẳng, đặc biệt, khi lợi ích của đảng không trùng khớp với lợi ích của người dân hay cộng đồng, thì điều đó càng xảy ra quyết liệt hơn.
Mệnh lệnh lãnh đạo của đảng, ắt hẳn sẽ lớn hơn mọi giá trị khác, dù rằng biểu hiện bề ngoài có thể sẽ khác với những hành xử quyền lực ẩn sâu phía trong, mà nhìn từ phía ngoài nó sẽ được trưng ra và tôn vinh như một sự đại diện tối cao cho những điều tốt đẹp của số đông.
Giải quyết được vấn đề mâu thuẫn này, giữa quyền lực chính trị trong việc đảm bảo vị thế độc tôn của đảng với nhiệm vụ duy trì thực thi luật pháp văn minh trên cơ sở lợi ích của nhân dân là tối thượng, chính là phương cách duy nhất để giải thoát công lý khỏi vòng luẩn quẩn, và cũng sẽ tìm được sự công bằng theo luật pháp khoa học thực sự.
Nếu không, dưới một mệnh lệnh bất kỳ nào đó được khởi phát để đảm bảo sự lãnh đạo của đảng, toà án sẽ trở nên không còn nguyên nghĩa khi xét xử nữa.

Luân Lê

No comments:


Get paid to share your links!