Như theo nhiều bài báo đã đưa tin về việc hãng nước chấm Masan liên tục quảng cáo "không trung thực", như khẳng định sản phẩm không có chất cấm thì xét nghiệm lại có chất cấm, nói sản phẩm được làm từ thịt xương hầm nhưng lại toàn chất siêu ngọt, quảng bá rằng mì Omachi làm từ khoai tây nhưng chỉ 5% thành phần là khoai tây,...
Trước đó, là chuyện Tân Hiệp Phát xuất hiện nhiều chai nước có ruồi, gián, cặn bẩn và vẩn đục, liên tục ở nhiều nơi và trong một thời gian khá dài, nhưng lại không đứng ra chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình mà sẵn sàng đẩy khách hàng vào tù bằng những hành xử của kẻ trọc phú coi trời bằng vung.
Rồi lại đến chuyện của công ty đồ uống URC với C2 hay nước tăng lực chứa chất độc hại là kim loại nặng (chì) vẫn được tuồn ra thị trường tiêu thụ trước sự thản nhiên của nhiều người trong cuộc và trước sự sợ hãi đến bàng hoàng của người dân toàn xã hội.
Và đến nay, hãng Taxi Mai Linh cũng lại rơi vào tình trạng bị tẩy chay trên toàn quốc chỉ bởi cho rằng đã từ chối phục vụ nhu cầu chính đáng đối với khách hàng của mình vì một quyết định ngoài luật pháp và hợp đồng từ trước.
Nhưng, bất chấp tất thảy, có những lập luận xằng bậy cho rằng, việc tẩy chay các hãng nước chấm, đồ uống hay dịch vụ vận chuyển nêu trên chỉ là dân Việt đang tiêu diệt các thương hiệu Việt, và họ cho rằng việc tẩy chay đó có nghĩ đến tình trạng mất công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân, người lao động cho các công ty đó hay không?
Đến đây, tôi tự hỏi, từ khi nào mà ở cái xứ này lại tồn tại một loại tư duy cho rằng, sự thương cảm về cuộc sống của một nhóm người làm công lại quan trong hơn sự an nguy của cả một cộng đồng mà bỏ qua những hành vi không được phép (bất hợp pháp) của một doanh nghiệp, lại sẵn sàng được dung túng và chấp nhận để đánh đổi trong quan điểm của một vài con người nào đó? Họ định tiếp tay cho những hành vi gian manh, dối trá và gây hại cho con người, cho cộng đồng từ các doanh nghiệp bằng cách đưa ra mặc cả về những lợi ích sinh tồn của vài cá thể làm cho những doanh nghiệp bất chấp trong kinh doanh mà kiếm chác lợi ích đó để cốt sao cho nó được tiếp tục tồn tại trên thị trường?
Kinh tế, các yếu tố và những quy luật vận động của thị trường, tự nó quyết định số phận của một doanh nghiệp thông qua sản phẩm và sự an toàn của thứ mà xã hội có thể đặt niềm tin khi sử dụng, đương nhiên không thể loại bỏ trách nhiệm kiểm soát chất lượng mang tính bắt buộc từ nhà nước trước khi được lưu hành để tiêu dùng. Làm ăn mà bất chấp thủ đoạn, gian manh, dối trá và cả dùng những hành động bất nhẫn, trái luân lý thông thường thì hẳn nhiên phải dẹp bỏ và hơn thế là cần phải đưa ra trước luật pháp để xử lý nghiêm minh những hành vi bất chính ấy. Công nhân, không làm ở doanh nghiệp này thì sẽ tìm đến công ty khác, không ở nơi này thì sẽ đến vùng kia.
Nhưng tuyệt nhiên, không thể lấy miếng cơm, manh áo của một nhóm người để che lấp hay đưa ra để mặc cả cho những sai phạm của kẻ mà nếu được chấp nhận cho nó tồn tại thì chính họ, những người công nhân, cũng đang tiếp tay làm điều ác, tạo ra những thứ xấu xa, nguy hại cho xã hội, và cũng chính họ đang tham gia chung tay vào việc tạo nên những độc tính có thể giết chết con người, tổn hại sức khoẻ, tàn phá nhân cách, sự an toàn và cả sự lành mạnh của thị trường của một quốc gia.
Quan trọng hơn lợi ích, đó là an nguy của dân tộc và nòi giống của những thế hệ tiếp sau. Hãy chung tay để gây dựng nên một đất nước, quê hương đáng tự hào về những điều tử tế, văn minh, chứ không phải để sống như những kẻ sẵn sàng bán rẻ mọi thứ, chỉ để có được lợi tức tức thì của mình.
Luân Lê
No comments:
Post a Comment