Hồ Chí Minh bắt tay Marius Moutet sau khi ký tạm ước Việt – Pháp ngày 14/9/1946 ở Hội nghị Fontainebleau |
Việt Nam bước vào thế kỷ 20 với tư cách một xứ thuộc địa của nước Pháp.
Tư cách thuộc địa chấm dứt và Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 11/03/1945 khi Cựu Hoàng Bảo Đại (khi ấy là Hoàng Đế) ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất đất nước. Trong tuyên cáo có đoạn viết : “chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này, Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập”.
Đến ngày 02/09/1945, một lần nữa sau chưa đầy sáu tháng, Ông Hồ Chí Minh lại công bố bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình.
Với Cựu hoàng Bảo Đại, Ông tuyên bố độc lập để khẳng định xứ sở đã thoát khỏi thân phận thuộc địa. Nhưng với Ông Hồ Chí Minh, Ông cũng tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi điều gì ?
Trở lại bối cảnh xứ sở khi ấy, “mẫu quốc” là nước Pháp thì đã không còn quyền lực hoặc vai trò ở Việt Nam sau khi bị Nhật Bản đảo chính ở từ đầu tháng 03/1945. Bản thân Nhật Bản thì tuyên bố đầu hàng đồng minh từ ngày 15/08/1945. Thời điểm ngày 02/09/1945, đất nước đang độc lập trong thực tế lẫn pháp lý, không nằm dưới sự thống trị của ngoại bang, thì chẳng lẽ, Ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập để khẳng định đưa xứ sở thoát khỏi thoát khỏi nền độc lập mà cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên bố trước đó sáu tháng ?
Chưa kể, về phương diện kế thừa nhà nước theo công pháp quốc tế, thì chính quyền sau hoàn toàn thừa kế trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước đó, sự kế thừa không ít hơn và cũng không nhiều hơn. Thế nên, nếu chính quyền của Cựu Hoàng Bảo Đại đã xác lập pháp lý về nền độc lập cho quốc gia, thì chính quyền của Ông Hồ Chí Minh sau đó mặc nhiên kế thừa tính pháp lý của nền độc lập đó.
Việc một quốc gia hai lần tuyên bố độc lập trong khoảng thời gian chưa đầy sáu tháng là tiền lệ chưa từng có trên thế giới, nhất là khi nền độc lập được tuyên bố lần đần đầu vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và chưa từng bị xâm phạm hay được phục hồi sau khi bị xâm phạm !
Nói khác, Ông Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh thực tế của đất nước đang độc lập và đã từng được chính quyền tuyên bố khẳng định bằng một văn bản pháp lý trước đó chưa đầy sáu tháng.
Sau khi Cựu Hoàng Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, chấm dứt chính thể quân chủ, thì ngày 02/09/1945, khi công bố bản Tuyên ngôn độc lập, thì bên cạnh việc tuyên bố độc lập vốn không cần thiết, thì mặt khác, Ông Hồ Chí Minh cũng tuyên bố thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Và chính đây mới là nội dung quan trọng có giá trị lịch sử đặc biệt sau hàng nghìn năm xứ sở sống dưới chính thể quân chủ tập quyền. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập quốc, người dân đã trở thành chủ nhân của đất nước thay vì là một ông vua cho rằng mình là thiên tử, tức con trời “thế thiên hành đạo”.
Ngạn ngữ phương tây có câu “Cái gì của Xê-Da thì trả lại cho Xê-Da”, cũng như thế, chúng ta phải trả lại sự thật vốn có của lịch sử. Không nhất thiết rằng sau “cướp chính quyền”, thì tất cả đều có thể là thành quả của vụ “cướp”, kể cả sự thật lịch sử cũng sẽ bị “cướp” bằng sự mạo nhận, rằng theo đó :
– Nền độc lập hợp pháp hiện nay của xứ sở phải được tính từ ngày 11/03/1945 theo Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” do Cựu Hoàng Bảo Đại ban hành dưới chính thể quân chủ.
– Chính thể dân chủ cộng hòa hợp pháp của xứ sở phải được tính từ ngày thiết lập nên quốc hội đầu tiên thông qua bầu cử tự do, ngày 06/01/1946.
– Còn lại, ngày 02/09/1945 nên mang giá trị kỷ niệm ngày công bố ý định thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa tại Việt Nam; Kỷ niệm ngày ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (chỉ bao gồm thành viên Việt Minh) và là ngày giỗ Ông Hồ Chí Minh (nếu đúng đấy là ngày Ông đã mất !).
LS Đặng Đình Mạnh
No comments:
Post a Comment