Khi Tôi viết những dòng này là lúc hơn một giờ sáng ngày 02.09.2016, theo đúng tờ lịch treo tường hay trên chiếc đồng hồ đeo tay, nó đã nhảy sang để báo về ngày Quốc Khánh được xác lập vào 71 năm trước, 02.09.1945.
Ngày này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình với việc trích dẫn những dòng chữ là những lời mở đầu bất hủ của Tuyên ngôn dân quyền Pháp và Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ.
Ấy là, bất kỳ ai sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền con người như nhau mà không ai có thể phủ nhận được, đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Những quyền ấy là bất khả xâm phạm, được Hiến pháp bảo hộ và nhà nước thực thi.
Ông Hồ Chí Minh cũng nói, cả nước sẵn sàng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ tự do và độc lập của tổ quốc. Nhưng Ông cũng dặn dò, nếu có độc lập mà không có tự do thì chẳng có nghĩa lý gì.
Vì độc lập, cả dân tộc đã phải đánh đổi hàng triệu sinh mệnh, trong những cuộc chiến tranh liên tiếp, trường kỳ và khốc liệt, sai hay đúng, chúng ta còn phải chờ lịch sử xét lại. Giống như cụ Phan Chu Trinh có một cách nghĩ khác với tư tưởng của cụ Phan Bội Châu về đường hướng cách mạng (cụ Châu chủ trương bằng bạo lực), cụ Phan thì có tư tưởng "ỷ Pháp cầu tiến bộ", tức dựa chính vào người Pháp để "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Tất nhiên điều đó đã không được lịch sử dung nạp, mà đó thực sự cũng là một cách hữu hiệu để giải thoát dân tộc khỏi cả hai thứ, cả giặc ngu dốt và chiến tranh bạo lực đẫm máu. Và nếu cụ Phan Chu Trinh thành công thì có thể đất nước ta giống như con đường thịnh vượng của Hồng Kông hoặc Đài Loan sau vài thập kỷ "giao thương" với các quốc gia phát triển để đi lên. Vì bởi lẽ, chiến tranh khôn ngoan nhất là chiến tranh đẩy đối thủ đến bàn đàm phán (Ytzhak Rabin, Thủ tướng Israel, đoạt giải Nobel Hoà Bình năm 1994).
Tuy nhiên, bánh xe lịch sử lại chuyển vận theo một cách khác, và có thể nhân vật đã được lựa chọn là ông Nguyễn Ái Quốc, sinh ra ở miền Trung nghèo khó nhưng hiếu học, dấu mốc quan trọng trong hành trình mấy chục năm lưu lạc khắp năm Châu ấy, chính là Ông đã may mắn được cứu thoát bởi chính luật pháp của đế quốc Anh và bởi một vị luật sư người Anh - Loseby, nếu không có vị luật sư bản lĩnh và tài trí này thì có lẽ lịch sử đã có thể viết lại mà chắc hẳn là có thể hoàn toàn không có "Bên thắng cuộc" như ta đã thấy.
Những năm đầu và nửa đầu thế kỷ 20, chiến tranh không chỉ ở bình diện quốc gia mà liên tiếp là các cuộc chiến tranh thế giới và sự bành trướng của các chủ nghĩa cực đoan đầy chết chóc, chính là hai cuộc thế chiến khởi sự từ chủ nghĩa phát xít diệt chủng. Và trong những thời điểm đó, thế giới cũng vùng lên sự đấu tranh của thứ chủ thuyết mới mang tên cộng sản, mà thực chất, theo Marx, đó là chủ nghĩa cộng đồng, nhưng do Mao Trạch Đông dịch biến tướng thành chủ nghĩa cộng sản và từ đó được phổ biến với tên gọi này cho đến ngày nay.
Khi thế giới còn chưa phẳng bởi công nghệ thông tin như bây giờ, để cứu quốc, ông Nguyễn Sinh Cung đã phải rời bỏ quê hương và đi vào chính giữa lòng các nước đế quốc để tìm hiểu và liên kết lực lượng. Ông ấy đi mới có thể lĩnh hội tri thức và khai sáng chính mình. Còn bây giờ, bất cứ một chủ thuyết hay sự liên kết nào, chắc chắn không cần phải lên tàu làm đầu bếp để "đi tìm hình của nước" mà chỉ cần một cú click chuột là đủ. Vì, vũ trụ chỉ như trong một hạt dẻ (Stephen Hawking).
Tôi sinh ra, vào năm giữa thập niên của đêm trước đổi mới, cái đêm mà như ông Phùng Gia Lộc ví von là cái đêm gì ấy, khi mà một nhà thơ cổ vũ bạo lực và hành động giết chóc đồng bào trong cải cách ruộng đất những năm 1953-1957 lại làm Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và gánh vác trọng trách đi làm kinh tế (những năm 1980s). Đến nỗi ông ta đã phá nát nền kinh tế quốc dân vốn đã tiêu điều vì kế hoạch tập trung kiểu bao cấp và biến tiền tệ trở thành mớ giấy vụn. Cũng may rằng người ta kịp nhận ra "Đêm giữa ban ngày" nên đã phải thay đổi, nhưng vẫn còn bị kìm kẹp bởi quá nhiều thứ cổ hủ, lạc hậu và trong đó chính là vị thế độc tài chính trị của đảng cộng sản.
Ông chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phải thống nhất đất nước chứ không thể để chia cắt làm hai miền Nam-Bắc như Triều Tiên và Nam Hàn bây giờ. Ông quyết đưa đất nước theo chủ nghĩa cộng sản mà ông đã đọc từ Marx, sau này là Stalin và Mao, người mà ông nhận định rằng, "ai thì có thể sai, chứ Mao và Stalin thì không sai bao giờ". Những gì Ông áp dụng trong suốt chiều dài lịch sử khi còn sống và có quyền bính trong tay, một cách rất khôn khéo và mềm mỏng, nhưng là trước mặt, còn đằng sau là áp dụng chiến lược "Cây gậy lớn" (của ông Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ). Điều đó đã dẫn tới sự thành công của Ông trong chính trị và chiến tranh trên các mặt trận.
Sau 71 năm tuyên bố theo Xã hội chủ nghĩa, và sau 41 năm hoàn toàn thống nhất về mặt lãnh thổ cũng như đồng nhất về mặt chính thể/chính trị, người dân nước Nam đến nay đã có được những điều gì?
Quyền tự do biểu tình, tự do ngôn luận và tự do hội họp (mang tính đảng phái chính trị) đều là những thứ quyền xa xỉ, mà thực chất đó chính là thứ quyền tự do đã được chủ tịch Hồ Chí Minh ấn định trong Tuyên ngôn độc lập, và sau đó là bản Hiến pháp (năm 1946) được coi là tiến bộ nhất trong tất cả các bản Hiến pháp đã tồn tại cho đến bây giờ, đó là người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, bầu trực tiếp nghị sỹ vào Nghị viện nhân dân và cũng có quyền biểu tình, hội họp một cách tự do. Vì với Ông, độc lập mà không có tự do thì chẳng có nghĩa lý gì (Hồ Chí Minh toàn tập). Quả đúng là như vậy.
Nhưng có lẽ ông Hồ Chí Minh đã không thể lường trước được, tự do, ở mỗi thời điểm và mỗi giai đoạn lại được hiểu và áp dụng hoàn toàn không giống nhau, tuy rằng với thế giới, đó là những giá trị phổ quát và vĩnh hằng, nhưng một phần, mà ắt hẳn là phần lớn, là với lý do dân trí thấp nên khó thể nào áp dụng cho thứ tự do mà họ đổ cho rằng - dễ gây ra những sự hỗn loạn mơ hồ nào đó.
Mục tiêu của nhà nước là xã hội văn minh, nhưng họ lại sẵn sàng từ chối áp dụng văn minh khi khinh khi trình độ dân trí của dân tộc mình thấp. Một vòng luẩn quẩn mà đó là chiến thuật "sau vạt áo chính trị".
Và đến hôm nay, khi nhìn vào tấm bảng bằng giấy trên đôi tay một phụ nữ người miền Trung trước thảm cảnh biển chết này, người ta thấy xót xa thêm, ngoài thương cảm thân phận người đàn bà trong xã hội vốn vẫn bị đè ép bởi thứ tư tưởng nho giáo cổ hủ một cách nặng nề và tiêu cực, thì người ta còn đau đớn hơn cho những mệnh phận đang phải tìm lấy cho mình một sự lựa chọn, hoặc quyền được sống tử tế trên chính quê hương mình, hoặc phải tranh đấu tiếp cho bản thân và cho cả thế hệ con cháu mai sau, bằng cách đặt một câu hỏi mà tự mình không được quyền lựa chọn, và họ lại chính là đối tượng của sự chọn lựa đầy khắc nghiệt ấy.
Quốc Khánh, nhưng nhiều vạn, triệu người dân đang phải gồng gánh trên vai mình quá nhiều những món nợ và chi phí của cuộc sống mưu sinh dồn đẩy lại, mà phần lớn là bởi từ sự vận hành méo mó của nền kinh tế bệ rạc và sai lầm, như người ta vẫn đang cố bảo thủ và mù quáng ngày đêm đi tìm và mày mò một con đường không thể định hình hoặc có bất kỳ chỉ dấu mục tiêu nào, ngoài những sự sụp đổ mang tính hệ thống từ lịch sử đến hiện tại, từ nơi khởi sinh đến nơi dung dưỡng. Tất thảy đều chỉ là sai lầm và đổ vỡ tất yếu.
Quốc Khánh, chắc chắn sẽ rộn vang khắp các phố phường bài hát Tiến Quân Ca của cố nhạc sỹ Văn Cao với giai điệu quen thuộc và đầy hào hùng: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc! Những câu hát cất lên trong lúc thù trong (tham nhũng, nghèo đói, lạc hậu cùng sự tụt dốc về văn hoá, con người) và giặc ngoài (Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, chi phối kinh tế và du nhập cư dân) hoành hành khốc liệt.
Cũng thật may, đêm qua đã trút một trận mưa lớn đủ làm úng ngập nhiều nơi, và làm sạch bầu trời đang ô nhiễm và oi ả phủ khắp.
Nhưng cuộc đời, vẫn còn nguyên những nan đề hiện rõ, phải lựa chọn. Mà còn bỏ ngỏ.
Luân Lê
No comments:
Post a Comment