Thursday, September 15, 2016

CAMPUCHIA ĐƯợC TRUNG QUốC MUA NHƯ THế NÀO?

Một phóng sự điều tra của Financial Times (8-9-2016) cho thấy Bắc Kinh đã mua Phnom Penh như thế nào…
Ở Campuchia, Fu Xianting, 67 tuổi, là một gương mặt quen thuộc. Tay cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc này, được biết đến với tên “đại ca Fu”, có thể được xem là một “đại sứ” Bắc Kinh tại Phnom Penh. Fu thân với Hun Sen đến mức cung cấp cả đội cận vệ cho Thủ tướng Campuchia mà vài người trong số đó từng bị buộc tội tấn công thô bạo các nghị sĩ đối lập. Tập đoàn Unite International của Fu Xianting đang đầu tư vào một trong những bãi biển đẹp nhất Campuchia với dự án du lịch 5,7 tỷ USD. Qua Fu Xianting, Bắc Kinh luồn sâu vào hệ thống chính trị nội bộ Campuchia và đưa nước này vào phạm vi ảnh hưởng của họ, biến Hun Sen thành con rối và giúp ông này củng cố quyền lực nhằm xây một “pháo đài chính trị” cho mình, như nhận xét của Global Witness.
Một lá thư Hun Sen viết vào tháng 10-2009 đã bày tỏ mong muốn Fu Xianting “thành công hoàn hảo” trong dự án phát triển khu bãi biển 33 km2 với thời hạn thuê đất 99 năm, dù trong khu đất có cả một công viên quốc gia. Hun Sen cũng thành lập một ủy ban đặc biệt với đại diện 7 cơ quan bộ để giám sát dự án. “Tôi bày tỏ lòng biết ơn cá nhân trước sự hỗ trợ từ công ty của ngài (Fu Xianting) trong việc thực hiện dự án khu du lịch này” – Hun Sen viết. 9 tháng trước, Fu Xianting đã tặng 220 môtô cho đội cận vệ Hun Sen gồm 3.000 người được trang bị xe bọc thép, súng phóng phi đạn và súng máy được sản xuất từ Trung Quốc. Đó là món quà mới nhất trong loạt quà mà Fu Xianting biếu Hun Sen cùng vợ ông, Bun Rany, được biết chính thức với danh hiệu “con người của thiên tài, uy nghi và lộng lẫy nhất”.
Tháng 4-2010, Unite International thành lập “liên minh thương mại-quân sự” với trung đoàn cận vệ Hun Sen. Một vụ gắn kết không bình thường. Tại buổi lễ thành lập liên minh, tướng Hing Bunheang, tư lệnh quân đoàn cận vệ và là một trong những cánh tay thân tín nhất của Hun Sen, đã ca ngợi Fu Xianting hết lời. “Ngài Fu là anh em của chúng ta trong nhiều năm, người đã đóng góp nổi trội cho sự phát triển của Campuchia. Doanh nghiệp của ngài Fu là doanh nghiệp của chúng ta. Chúng ta sẽ tạo ra con đường an toàn cho tất cả nỗ lực của ngài Fu”.
Đến Campuchia đầu thập niên 1990, Fu Xianting ban đầu chỉ tổ chức một cuộc triển lãm máy móc nông nghiệp Trung Quốc. Fu hiện có chân trong một ủy ban trực thuộc Hội liên kết bạn bè quốc tế Trung Quốc, nơi báo cáo trực tiếp cho Bộ ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên, “hồ sơ doanh nhân” Fu tại Trung Quốc gần như không tồn tại. Kho dữ liệu doanh nghiệp chỉ cho thấy Fu là “đại diện pháp lý” của công ty Beijing Tian Yi Hua Sheng Technology với vốn pháp định vỏn vẹn 300.000 USD.
Tuy nhiên, tại Phnom Penh, đại ca Fu là gương mặt Trung Quốc “có số má”. Là cố vấn chính thức của Hun Sen, Fu là quốc khách trong hầu hết sự kiện quan trọng ở Campuchia. Với lợi thế đó, tập đoàn Unite International của Fu có thể “chiếm” cả công viên quốc gia Ream vốn được bảo vệ bởi luật hoàng gia. Tổ chức nhân quyền Campuchia, Licadho, cho biết, hàng trăm gia đình nông dân đã bị tống đi để “quy hoạch” chỗ cho Unite International. Fu có thể mua được tất. Tháng 5-2010, Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã rút giấy phép đầu tư khu nghỉ mát Golden Silver Gulf; tuy nhiên, vào năm nay, 2016, một chi nhánh của Unite International - Yeejia Tourism - đã tuyên bố một số kế hoạch liên quan dự án trên.
Trong 20 năm, 1992-2012, khi phương Tây bắt đầu chiến dịch viện trợ Campuchia, các nước đã đóng góp khoảng 12 tỷ USD bằng các chương trình cho vay và trợ cấp. Trong khi đó, chỉ 10 năm, 2003-2013, Trung Quốc đã đầu tư 9,6 tỷ USD và chừng 13 tỷ USD nữa thời gian sắp tới. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các tổ chức khác đổ tiền vào các dự án hạ tầng bất chấp phản ứng liên quan nhân quyền hoặc môi trường. Đập Hạ Sesan 2 (800 triệu USD) đang được xây bởi HydroLancang, một công ty nhà nước Trung Quốc. Dù bị phản đối bởi hàng ngàn dân làng khi đất đai và nhà cửa họ bị giải tỏa, con đập 400 MW này vẫn tiến hành theo đúng kế hoạch và sẽ hoàn thành năm 2019. Dư luận Campuchia, không phải tự nhiên, ngày càng oán thán.
Trong khoảng 8 triệu ha đất được cấp cho các công ty từ 1994-2012, gần 60% (4,6 triệu ha – một diện tích lớn hơn Hà Lan) đều rơi vào tay Trung Quốc. Trong hai dự án lớn khác của Trung Quốc, có sự “tham gia đầu tư” của cá nhân Hun Sen. Dự án thứ nhất liên quan việc tịch thu 360 km2 đất để giao cho một vụ đầu tư 3,8 tỷ USD của Union Development Group, chi nhánh thuộc tập đoàn bất động sản khổng lồ Wanlong Group; dự án kia là 430 km2 đất, giao cho một vụ đầu tư 1 tỷ USD của Heng Fu Sugar, một trong những công ty sản xuất đường lớn nhất Trung Quốc. Diện tích hai dự án này cộng lại to hơn thủ đô Phnom Penh. Cả hai dự án đều bị nông dân phản đối quyết liệt và đều phạm luật (quy định một công ty chỉ được khai thác 100 km2). Tuy nhiên, lách luật là chuyện đơn giản: Heng Fu Sugar lập ra 5 công ty con.
Không chỉ đầu tư, Bắc Kinh cũng sẵn sàng chi tiền cho các thương vụ chính trị đặc biệt. Tháng 7-2016, để mua chuộc ủng hộ Campuchia trong hồ sơ biển Đông, Bắc Kinh đã “nhá” cho Phnom Penh một “phong bì” 600 triệu USD. Để tăng uy lực kim tiền, vài ngày sau, Bắc Kinh cho biết họ sẽ xây một “nhà hội nghị” cho Quốc hội Campuchia với chi phí 16 triệu USD. Mức độ hiện diện Trung Quốc ngày càng dày đặc. Một công ty Trung Quốc với hỗ trợ của quân đội nước họ đang gần hoàn thành một cảng nước sâu trên dải đất 90 km duyên hải Campuchia. Cảng này, đủ sâu để đón khu trục hạm và tàu chiến 10.000 tấn, nằm tại Vịnh Thái Lan, cách các quần đảo tranh chấp tại biển Đông chỉ vài trăm kilomet. Tianjin Union Development Group (UDG) từ Thiên Tân, công ty xây dự án cảng nước sâu Dara Sakor nói trên, cũng là nơi đầu tư vào 360 km2 tại tỉnh Koh Kong trong 99 năm. Tháng 7-2015, Liao Keduo, chính ủy Bộ tư lệnh doanh trại Thiên Tân, đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Tea Banh tại Thiên Tân. Hai bên tỏ ra rất ăn ý và hiểu nhau.
Họ hiểu gì? Trong rất nhiều cách nhìn về việc họ hiểu gì, điều họ hiểu nhất có lẽ là đồng tiền Bắc Kinh đang mua chuộc được cả hệ thống chính trị cầm quyền Campuchia. Họ biết ai cần ai. Nói thẳng ra, sự tồn tại của sức mạnh chính trị Hun Sen đang dựa vào thế lực kim tiền Trung Quốc, dù khi nhận những đồng tiền ấy để gia cố cho vị thế chính trị, Hun Sen phải bán tài nguyên quốc gia và thậm chí đè đầu cỡi cổ chính đồng bào mình. Buông tay khỏi Trung Quốc thì chết có lẽ là “nhận thức chính trị” đáng kể nhất trong chính sách, đối ngoại lẫn đối nội, của Hun Sen. Để giữ ghế, cho mình và cho hậu duệ, chế độ Hun Sen sẽ tiếp tục mở rộng cửa cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm, tiền ngoại bang có thể củng cố được hệ thống chính trị giới cầm quyền nhưng không bao giờ có thể mua được lòng dân. Giới chính trị cầm quyền có thể dùng tiền ngoại bang để nuôi hệ thống mình nhưng dân mới là những người quyết định rằng hệ thống đó có cần tồn tại nữa hay không.

Manh Kim

No comments:


Get paid to share your links!