Friday, July 15, 2016

Chai nước mắm của người Việt sau thảm họa cá chết

Một nhân viên đứng bên cạnh gian hàng nước mắm Long Hải được trưng bày tại một hội chợ sản phẩm chất lượng cao tại Hà Nội, ngày 29/3/2004.
 AFP photo
Kể từ khi biến cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh vùng biển miền Trung hồi đầu tháng 4 năm 2016 cho đến nay, bữa cơm hàng ngày của người Việt bị tác động như thế nào, đặc biệt những món ăn quen thuộc như mắm, muối, nước mắm…bị ảnh hưởng ra sao?
Người dân biết tin vào đâu?
Hàng triệu người ở Việt Nam dù giàu sang hay nghèo khó cùng có chung nỗi lo lắng khi bữa ăn hàng ngày của họ trong nhiều năm qua không được bảo đảm an toàn thực phẩm. Những món ăn được làm từ thực vật, ngũ cốc cho đến gia cầm, gia súc, thủy hải sản…hầu hết bị tiêm nhiễm hóa chất hay thậm chí những sản phẩm này bị chế biến giả mạo gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Sự lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm của dân chúng trong nước càng hoang mang đến mức khủng hoảng khi hàng trăm tấn cá chết ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; thậm chí hàng chục tấn cá nuôi trên các sông, hồ từ Bắc chí Nam cũng bị chết mà không biết lý do vì đâu.
Bây giờ đồ bán trong siêu thị ăn còn hồi hộp chứ đừng nói chi đến đồ bán bên ngoài. Đã vậy mà còn dịch bệnh tùm lum nữa.
- Cô Hai, Đồng Nai 
Trong suốt 3 tháng chờ đợi chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân cá chết, việc ăn uống hàng ngày của người dân luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Đa số người tiêu dùng chọn lựa cá và hải sản vì thịt bẩn tràn lan khắp nơi nhưng kể từ khi biến cố cá chết xảy ra, những sản phẩm này bị hạn chế một cách tối thiểu trong các mâm cơm gia đình. Cô Hai, một cư dân ở vùng Trị An, Đồng Nai chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do rằng mỗi ngày đi chợ thì cứ bị ám ảnh là mình đang ăn những chất độc rồi khi nào sẽ ngã bệnh. Cô Hai nói:
“Lo chứ, chúng tôi lo lắm. Tự nhiên đột xuất rồi cá chết tùm lum hết trơn. Ăn thì dĩ nhiên buộc phải ăn rồi nhưng ăn trong tâm trạng âu lo. Ăn mà hồi hộp bị bệnh này bệnh kia mà biết khi nào nguồn nước bao giờ sạch lại được. Người dân đang hoang mang đủ thứ từ Bắc vô tới Nam, vô tới lòng hồ Trị An luôn rồi. Bây giờ đồ bán trong siêu thị ăn còn hồi hộp chứ đừng nói chi đến đồ bán bên ngoài. Đã vậy mà còn dịch bệnh tùm lum nữa.”
Cô Hai cũng như nhiều người dân ở Việt Nam, Đài RFA tiếp xúc, cho biết tránh không ăn cá thì còn có thể chứ làm sao mà không ăn muối hay nước mắm. Hai loại gia vị quan trọng này này cũng giống như cơm, không thể thiếu được.
Trước thông tin muối biển có thể bị nhiễm kim loại nặng cũng như hàng tấn cá chết không bị tiêu hủy mà được thương lái thu gom làm nước mắm, nhiều người đã mua mắm, muối và nước mắm để tích trữ ăn dần. Tuy nhiên, các sản phẩm nước mắm hiện được bán trên thị trường cũng khó để phân biệt đâu là nước mắm truyền thống hay đâu là nước mắm công nghiệp.
Nước mắm có còn an toàn?
000_HKG2004091513024.jpg-400.jpg
Một hãng nước mắm ở đảo Phú Quốc chụp ngày 14/9/2004. AFP photo
Hồi cuối tháng 6 năm nay, báo giới trong nước đăng tải thông tin mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ 200 triệu lít nước mắm, trong đó số liệu thống kê cho thấy có đến 75% là hàng công nghiệp. Trong khi nước mắm truyền thống là loại nước mắm lọc ra từ hỗn hợp cá và muối được ủ trong thời thời gian từ 6 đến 12 tháng thì nước mắm công nghiệp bao gồm nước, tinh chất cá hoặc hương cá, đường, muối, chất điều vị, chất bảo quản, chất tạo ngọt…Và chất lượng của các sản phẩm nước mắm công nghiệp chưa hề có cuộc thanh tra chuyên đề nào trong hơn 10 năm qua, theo lời của chánh Thanh tra Bộ Y Tế, ông Đặng Văn Chính.
Nước mắm được sản xuất ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là sản phẩm nước mắm được các nhà phân phối nội địa yêu chuộng. Tám mươi phần trăm nước mắm Phú Quốc bán dạng nguyên liệu nhưng khách hàng mua về, trước khi bán ra thị trường có chế biến gì thêm thì không ai biết. Trao đổi với Hòa Ái qua điện thoại, anh Duyệt, một chủ cơ sở sản xuất nước mắm nhà thùng ở Phú Quốc cho biết suốt thời gian sau khi xảy ra hiện tượng cá chết, nước mắm được sản xuất tại Phú Quốc đắt hàng:
“Đợt này ở Phú Quốc, tụi em bán tốt lắm. Mọi nơi đổ về Phú Quốc mua. Em bán cho Thành phố Hồ Chí Minh là nhiều nhất. Các cơ sở đóng chai đều mua của tụi em nhưng về đến Thành phố Hồ Chí Minh có pha chế hay không thì em không rõ nhưng nước mắm của tụi em là làm từ cá cơm.”
Mặc dù anh Duyệt cho biết sản lượng cá cơm ở vùng biển Kiên Giang không có dấu hiệu bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển miền Trung nhưng bà Nguyễn Thị Thanh, chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, nói rằng trong tương lai nguồn nguyên liệu cá cơm ở vùng biển này để làm nước mắm có xu hướng giảm.
Tự làm nước mắm tại nhà
Trong khi người dân tại Việt Nam loay hoay trong mớ bòng bong liên quan đến loại muối và nước mắm nào thực sự bảo đảm an toàn chất lượng thì cộng đồng người Việt hải ngoại có xu hướng tự làm nước mắm để ăn. Chúng tôi liên lạc với ông Tiến Nguyễn, ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, là người làm nước mắm trong nhiều năm. Ông Tiến cho biết vì sống ở vùng biển có nhiều cá nục nên ông tự câu và tự làm nước mắm. Quá trình làm nước mắm không khó, cứ 4 phần cá và 1 phần muối, ủ trong một cái hũ kín, để ngoài sân khoảng một năm là có nước mắm thơm, ngon, nguyên chất để dùng.
Các cơ sở đóng chai đều mua của tụi em nhưng về đến Thành phố Hồ Chí Minh có pha chế hay không thì em không rõ nhưng nước mắm của tụi em là làm từ cá cơm.
- Anh Duyệt, Phú Quốc
“Tôi thấy ở chợ bán lẻ giá khoảng 2 USD/1 pound thì một chai 20 lít thì cần khoảng hơn 30 pounds cá, tức là khỏang 60 USD. Thêm một số muối thì tổng cộng khoảng 65 USD. Khi lọc ra thì nước mắm nhất được khoảng 3 lít. Còn nước mắm nhì là đổ thêm nước hòa với muối vào chai đó thì lọc được thêm 5 lít nữa. Nước mắm nhất thì ngon lắm. Nước mắm nhì thì ăn cũng được mà nêm cũng được. Nếu ai tiết kiệm lắm thì làm thêm nước mắm ba nhưng tôi nghĩ 2 lần là đủ. Tức là khoảng 7, 8 lít nước mắm tốn chừng 60 USD thì một lít nước mắm không tốn bao nhiêu tiền.”
Ông Tiến cho biết thêm trong mấy tháng qua kể từ khi cá chết hàng loạt tại Việt Nam, nhiều người Việt từ khắp nơi đã kết nối, liên lạc với ông qua Facebook, hỏi thăm cách tự làm nước mắm như là một cách an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho gia đình.
Hòa Ái xin được kết thúc bài phóng sự này với lời chia sẻ vui của nhiều người rằng khía cạnh tích cực duy nhất từ thảm họa môi trường biển do Formosa gây nên có lẽ là nhờ đó mà cách làm nước mắm truyền thống của người Việt không bị mai một về sau.
Theo RFA

No comments:


Get paid to share your links!