Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng. |
‘Việc cần làm ngay’
Chuyện lạ đầu tiên: trong lịch sử hoạt động của mình, VAFI chưa từng có thói quen đứng đơn tố cáo những vụ việc tham nhũng hoặc khuất tất về nhóm quyền lực, mà thường chỉ là địa chỉ phát ra những kiến nghị về cơ chế thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ… Nhưng văn bản của VAFI - xuất hiện cùng thời điểm vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang - đã mang tính “cáo trạng” khi đề cập đến việc ông Vũ Huy Hoàng “điều động” con trai mới 28 tuổi của mình là Vũ Quang Hải về Công ty Sabeco ở vị thế hàm Phó vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là Thành viên hội đồng quản trị, đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc. Trước đó khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí VN (PVFI - trong ngành công thương do ông Vũ Huy Hoàng phụ trách), chỉ trong 2 năm ông Vũ Quang Hải trực tiếp điều hành, công ty có vốn điều lệ hơn 300 tỉ đồng này đã lỗ liên tiếp đến 220 tỷ đồng.
Chuyện lạ thứ hai là đã gần ba chục năm, “những việc cần làm ngay” mới tái hiện. Việc nhắc lại cụm từ này dường như thể hiện ý chí của ông Trọng muốn trở thành “Nguyễn Văn Linh thứ hai”.
Cần nhắc lại, “Những việc cần làm ngay” được coi là một khẩu hiệu phục vụ cho cuộc “chỉnh đảng”, khởi đầu vào năm 1987, sau khi ông Nguyễn Văn Linh nhận chức vụ tổng bí thư vào năm 1986 và khởi sự phong trào “Đổi mới”. Từ năm 1986 đến năm 1990, Tổng Bí thư Linh đã viết khoảng 18 bài cho mục “Những việc cần làm ngay” được mở trên báo Nhân Dân, phê phán những vụ việc quan chức và đảng viên dính líu tiêu cực hoặc có lối sống “không lành mạnh”. Chiến dịch “chỉnh đảng” này đã ngay lập tức tạo phản ứng xã hội sôi động và thuận lợi cho đảng. Uy tín chính trị lẫn xã hội của ông Nguyễn Văn Linh cũng bởi thế tăng vọt, cho dù về sau này nhiều người cho rằng thực chất của “Những việc cần làm ngay” là chỉ “tỉa ngọn”, mà cũng rất ít, chứ hoàn toàn không làm bật gốcrễ của bất cứ một nhóm tham nhũng nào (khi đó chưa có khái niệm “nhóm lợi ích” như hiện nay).
Nhưng dù muốn “làm ngay” và lặp lại hình ảnh nổi bật của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Nguyễn Phú Trọng đang vấp phải tình trạng tham nhũng hiện thời gấp hàng trăm lần, nếu không nói là hơn thế, so với cách đây ba chục năm.
Một trong những cơ sở để so sánh là nếu vào thời lạm phát lên đến vài trăm phần trăm và thực phẩm khan hiếm của ông Nguyễn Văn Linh, chênh lệch về mức thu nhập và mức sống giữa quan chức và người dân là không đáng kể, thì đến nay một số chuyên gia phản biện độc lập cho biết khoảng cách biệt giữa 5% có thu nhập cao nhất với 5% có thu nhập thấp nhất trong xã hội đã vọt lên ít nhất hàng trăm lần chứ không phải dưới 10 lần như những con số của Tổng cục Thống kê nhà nước.
Do vậy, không có gì bảo đảm là Tổng Bí thư Trọng có thể làm được một chiến dịch lớn nhằm “xoay chuyển tình thế” cho đảng cầm quyền rất thiết thân của ông. Nhất là khi cái quyền lợi thiết thân ấy từ lâu đã được gắn liền với những cuộc tranh giành lãnh địa tiền - quyền giữa các nhóm lợi ích trong đảng.
Nhắm nhiều mục tiêu?
Với tín hiệu “việc cần làm ngay”, có ít khả năng là trong thời gian tới, Tổng Bí thư Trọng muốn mở ra một chiến dịch “diệt ruồi” như Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc từ năm 2012. Tuy nhiên với chính thể Việt Nam đã dấn quá sâu vào các mối quan hệ chồng chéo, tương lai “đả hổ” chắc chắn sẽ rất khó khăn.
Trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, những quan chức bị “sờ” nặng nhất vẫn chỉ là số đã trở thành cán bộ hưu trí. Tiêu biểu là trường hợp ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng thanh tra chính phủ, với một tòa lâu đài tráng lệ ngự trị ngay tại quê hương của phong trào “Đồng Khởi” những năm 60 của thế kỷ XX nhưng cho đến giờ vẫn nổi bật như một trong những khu vực có tỷ lệ nghèo cao ở Việt Nam. Trong khi đó, người kế nhiệm của ông Trần Văn Truyền là ông Huỳnh Phong Tranh cũng tiêu biểu không kém bởi phát ngôn chưa từng có tiền lệ “Tham nhũng vẫn ổn định”.
Lần này dường như cũng thế, chiến dịch được coi là “chỉnh đảng” được khởi động với một quan chức đương nhiệm cấp trung nhưng dường như nhắm đến một quan chức cao cấp về hưu. Từ vụ Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe hơi Lexus giá trị đến 5,7 tỷ đồng, báo chí nhà nước bỗng quay ngoắt sang một hướng khác: tấn công vào cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Có những dấu hiệu cho thấy sự tương đồng giữa chiến dịch “chỉnh đảng” đang diễn ra với chiến dịch “tảo thanh” của nhóm ông Nguyễn Phú Trọng đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Đại hội XII: vai trò của báo chí.
Nếu trước Đại hội XII, đơn thư tố cáo tung bay như bươm bướm trên một số trang mạng xã hội và đặ biệt là bức thư của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi Bộ Chính trị và Ban bí thư giải trình về 12 điểm liên quan đến những vấn đề cá nhân, gia đình và “vấn đề chính trị hiện nay”, thì mới đây một số tờ báo nhà nước có vẻ đã được “lập trình” trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng khi phản ứng rất nhanh và đồng loạt phát ra những dấu hiệu khuất tất với lối dẫn dắt được bồi đắp bằng một số tài liệu mang tính chứng cứ.
Một trong những biểu hiện đáng chú ý là văn bản của Văn phòng trung ương đảng về trường hợp phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang sử dụng chiếc xe có giá đến 5 tỷ đồng trên lại được chuyển đến giới báo chí và lập tức được công khai hóa - một động tác khá mâu thuẫn với truyền thống “bảo mật” đối với rất nhiều vụ việc, đặc biệt liên quan đến công tác “phòng chống tham nhũng” của đảng cầm quyền.
Cũng ngay sau khi VAFI phóng ra văn bản “tố cáo” ông Vũ Huy hoàng, một số tờ báo đã lập tức đăng tải, không quên làm đậm đề nghị của VAFI về “Bộ Công Thương cần nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại 1 lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị tại Sabeco và Habeco. Không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá… Hiệp hội này ước tính, số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD, đủ tiền để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội” (báo Dân Trí).
Chi tiết đáng chú ý là sau đó, nguyên chủ tịch Sabeco là ông Phan Đăng Tuất đã phản bác quyết liệt: "Đề xuất của VAFI rất "bậy", đưa lên sàn rồi bán nguyên lô như thế không biết ai mua, và nhà đầu tư lớn sẵn sàng móc tay với nhau đặt giá thấp hơn mà vẫn mua được. Nguy cơ thứ 2 là khi bán xong như vậy không biết ai là người mua được thì liệu sau thương hiệu có giữ được không? Thứ 3 cổ phiếu mua đi bán lại ai kiểm soát, thương hiệu còn không hay một nhà đầu tư nước ngoài mua rồi xoá sổ thương hiệu đi bởi người ta muốn mua thị trường chứ không phải mua thương hiệu" (Dân Trí).
Có vẻ cuộc tranh giành thị phần và lãnh địa đang được khởi sự một cách quyết liệt cùng với chiến dịch “diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng.
Mọi việc rồi sẽ dẫn đến đâu?
Đánh lạc hướng vụ ‘cá chết Formosa’?
Nếu tổ chức thành công chiến dịch “diệt ruồi” đối với Trịnh Xuân Thanh và Vũ Huy Hoàng, lẽ dĩ nhiên Tổng Bí thư Trọng sẽ lấy lại được phần nào uy tín lẫn nâng tầm vị thế chính trị của ông trong con mắt của “đảng viên và quần chúng”. Nhất là sau khi kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5/2016, ông Trọng chỉ đạt phiếu thuận của 86% cử tri (trước đó báoTiền Phong đăng tải kết quả này là 68%), khác biệt lớn so với “Tôi bất ngờ…” - một tán thán của chính ông Trọng khi ông nhận hầu như 100% phiếu thuận cho chức vụ tổng bí thư tại Đại hội XII vào tháng Giêng năm 2016.
Tính “chính danh” nếu có của đảng trong chiến dịch “diệt ruồi” của Tổng Bí thư Trọng là cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từ lâu đã bị dư luận xã hội xem như một nhân vật “mang yếu tố Trung Quốc” và cần bị điều tra về rất nhiều trách nhiệm liên quan đến rất nhiều vụ việc về nạn nhập siêu khủng khiếp từ Trung Quốc, để nhà thầu Trung Quốc thắng thầu đến 90% các công trình trọng điểm quốc gia, dung dưỡng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) liên tục tăng giá và bắt toàn bộ dân chúng Việt phải gánh khoản lỗ tổng cộng lên đến 40.000 tỷ đồng của hai tập đoàn này. Chưa kể một vụ việc khủng khiếp là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung vào cuối năm 2013 đã giết chết đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ, song công lý đã trở nên trơ trẽn nhất khi đã không có bất kỳ một quan chức vô cảm và vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa, mặc dù chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du” ở nước ngoài…
Chỉ có điều, một dấu hỏi rất lớn vẫn lồ lộ: trong khi tỏ ra quyết liệt chỉnh đảng và kéo theo phong trào thôn tính lẫn nhau của nhóm lợi ích mới dối với nhóm lợi ích cũ, Tổng Bí thư Trọng, văn phòng trung ương đảng và cả chính phủ của ông vẫn không có một động tác minh bạch và quyết liệt nào về công bố nguyên nhân vụ “cá chết Formosa” tức tưởi ở 4 tỉnh miền Trung đã kéo dài gần 3 tháng qua.
Phạm Chí Dũng
Phạm Chí Dũng
No comments:
Post a Comment