Thursday, November 9, 2017

SAO KHÔNG VẬN ĐỘNG DÂN KHÔNG BỎ PHIẾU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHO QUAN CHỨC?

Lưng của quan nhọ, nên quan vận động đại biểu không được vạch áo là đúng. Loại quan này đang nắm quyền sinh quyền sát, hiển nhiên cái quyền vận động này nhỏ như con muỗi.
Nếu những người đứng đầu có ý chí và tâm nguyện như ông Lê Như Tiến, sự việc sẽ được giải quyết khá đơn giản. Mỗi kỳ bầu cử, những người đứng đầu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra công khai vận động toàn dân không bỏ phiếu cho quan chức được đề cử và khuyến khích dân ứng cử tự do.
Điều này hoàn toàn đúng với Hiến pháp, vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất gồm đại biểu của dân chứ không phải đại biểu của quan.
Đại biểu của quan thì bấm nút cho quyền lợi của quan, cho nên một vài cá nhân như ông Tiến chất vấn cũng chẳng có tác dụng gì.
Tham nhũng quyền lực là cha đẻ của tham nhũng tài sản, tiền bạc. Thay vì tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, theo tôi, nên tăng cường sự lãnh đạo của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, cũng có nghĩa là Quốc hội phải đủ quyền năng giám sát quyền lực, không để tình trạng bị quyền lực thao túng, điều hành, sai khiến như một thứ công cụ.
Làm đi chứ kêu ca thì có ý nghĩa gì? Khi nào Quốc hội đúng là cơ quan quyền lực cao nhất gồm toàn đại biểu của dân thì may ra mới chống được tham nhũng.
Quan vận động, đe dọa được đại biểu quốc hội, khác nào quan lãnh đạo Quốc hội và Quốc hội chỉ là cái loa phát ngôn của quan? Không chừng quan cố tình cơ cấu đại biểu toàn những người như Châu Thị Thu Nga ấy chứ?
Chu Mộng Long

CHÍNH PHỦ ĂN HỐI LỘ SAO KHÔNG ĐUỔI HỌ XUỐNG?

Ông anh dưới Tiền Giang lên chơi, ổng nói sống cái kiểu như mấy thằng Tây tao hông chịu đâu mầy.
Hỏi sao?
Ổng kêu ai mà thằng hai con chị năm nó zìa, ngồi uống cafe gặp ai nó cũng hế lô rồi rủ zô uống cafe. Bà con lối xóm, anh em họ hàng thấy cái thằng Tây nhưng lại nói tiếng Ziệt ngộ ngộ nên tập trung ngồi uống.
Đã đời cái nó đứng zậy tính tiền một ly của nó. Bà mẹ. Thiệt tình.
Tao nói nó con làm zầy là hông có được đâu. Con mời người ta thì con phải trả tiền chớ.
Nó nói hông. Ai uống thì người nấy trả chớ, bên con là zậy không hà.
Giải thích bao nhiêu nó cũng hông chịu.
Nó kêu mỗi người đều có 24 giờ như nhau, con cũng phải đi làm như họ thì sao con phải trả tiền giùm họ. Trừ trường hợp con mời họ zô nhà giỗ ngoại thì ok, con lo hết. Còn đây là quán kia mà.
Cái tao nói bên đó con làm có tiền nhiều, tính mấy trăm ngàn cafe có đáng gì đâu. Dân mình bên này người ta khổ lắm, mưa gió zầy thất nghiệp không hà.
Nó hỏi khổ sao hông kiện lên chính phủ để ăn trợ cấp. Lúc làm mình đóng thuế rồi, giờ thất nghiệp chính phủ phải lo cho mình chớ.
Tao mới nói cái chính phủ này nó hông có lo đâu, nó chỉ ăn hối lộ thôi hà. Con thấy mấy thằng bên này qua bên con mua nhà triệu đô đó, toàn là quan chức chớ dân ai có tiền mua.
Mầy biết nó nói sao hông?
Sao?
Nó kêu chính phủ ăn hối lộ, hông lo cho dân sao còn để họ làm. Sao hông đi biểu tình đuổi họ xuống đi.
Tao nói tại dân mình người ta sợ, hơn nữa dân trí còn thấp nên người ta đâu có biết đòi quyền lợi của mình.
Nó nói chỉ mỗi việc kêu lên khi bị đói mà hông dám làm thì khổ ráng chịu chớ. Con hông tính tiền cafe đâu. Nói rồi nó xách đít bỏ đi.
Mẹ. Cháu ở Tây zìa tao phải bỏ tiền túi ra đãi cafe cho cả xóm.
Trương Quang Thi

CHUYỆN VÙNG MIỀN

Chắc ai cũng biết rất nhiều người miền Nam kỳ thị người miền khác, đặc biệt người miền Bắc. Ngoài một nguyên do lớn về chính trị, phần còn lại là bởi tính cách. 

Người Bắc thật ra rất hay. Họ văn minh, khiêm nhường, lịch thiệp và lễ độ lắm (điều này, cứ nhìn những người Bắc 54 sẽ rõ). Nhưng sau khi thế hệ ấy mất đi hoặc tha hương khắp nơi, những cái hay ho ngoài ấy giờ đã phôi phai ít nhiều. Người Bắc bây giờ hay đao to búa lớn trong ăn nói và cư xử. Điều này cũng dễ hiểu. Có thể những người chúng ta gặp, họ xuất thân từ nông thôn, họ ít học hoặc họ giàu lên quá nhanh đến nỗi văn hoá không trang bị kịp với túi tiền. Người miền Nam vốn nhỏ nhẹ nên khi tiếp xúc những thành phần ấy (mà hiện giờ rất đông), họ thấy khó chịu. Tui có rất nhiều đối tác và bạn bè ngoài Bắc. Ui chao, họ dễ thương lắm luôn. Văn minh, hiền hậu, rộng lượng và chơi-đẹp lắm luôn. 

Hồi xưa ở Sông Mê, tui có tuyển hai anh em cậu kia quê Nam Định vào làm phục vụ bàn. Siêng năng chịu khó hết mực. Một đứa làm bằng ba thằng người Nam gộp lại. Nhưng ngặt nỗi không thuận với đám kia. Nghe phong thanh chuyện lủng củng, tui tổ chức họp. Trong cuộc họp, tui nói vầy "Hai bạn thật ra rất dễ thương và tốt bụng nhưng có thể giọng nói và cách nói làm tụi em khó chịu. Có thể tụi em chưa tiếp xúc nhiều nên nghe hơi sốc chứ hai bạn không như tụi em nghĩ đâu. Mình người phương Nam nổi tiếng hào sảng, mình phải mở lòng ra một chút. Các bạn xa quê, vào đây thân cô thế cô mà. Nếu tụi em ngược ra Bắc hoặc đến xứ khác, chắc gì người ta đã thích mình?". Rồi tui gọi riêng hai anh em vô phòng, chỉ bày đủ cách để tiết chế mình, để hoà nhập hơn với đồng nghiệp, với vùng đất mới. Một năm sau, ngoài quê được đền bù giải toả nhiều tiền, hai bạn trở về ngoài ấy lấy vốn liếng làm ăn. Ngày chia tay, tiệc tùng linh đình, quyến luyến thắm thiết. 

Với người miền Trung. Tuy hiền lành nhỏ nhẹ khác hẳn người Bắc nhưng người Nam cũng không thích. Họ cho rằng ngoài ấy, người ta hay tính toán, thậm chí keo kiệt. Thật ra là vầy, tính cách con người được quyết định bởi môi trường sống rồi dần dà, được truyền qua giáo dục, nó thành tính cách vùng miền. Miền Nam trù phú, làm hôm nay ăn hết hôm nay, chẳng cần nghĩ tới bữa cơm ngày mai, cũng không đói. Nhưng miền Trung mà vậy là chết. Họ làm hôm nay nhưng phải tích góp cho mùa tới, năm tới nữa kìa. Thiên tai bão lũ mỗi năm mỗi đổ xuống đầu vậy, phải tặn tiện chứ. Tui cũng có nhiều anh chị em, bạn bè người Trung. Tất cả họ đều hiền lành, nhiệt tình và rộng rãi. (Duy chỉ có một điều tui chưa ưng là đàn ông miền Trung vẫn còn nhiều người gia-trưởng quá, cái này không được).

Vào tới miền Nam của tui. Ngoài chuyện hào sảng, phóng khoáng, hiền lành, ruột để ngoài da thì so với hai miền ngoài, người Nam thua nhiều về sự chịu thương chịu khó, siêng năng cần cù. Nói ra mong các bạn đừng tự ái vặt chứ thử nhìn xem, đi khắp Việt Nam hay qua Singapore, Malaysia, Hong Kong, các cô gái làm-nghề, nghe ra toàn giọng miền Tây. Và chuyện lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, cũng phần lớn mấy cô em quê mình. Tui không kỳ thị điều này, thậm chí không chút xem thường nhưng kể nó ra để thấy rằng ở nông thôn miền Tây, không nhiều người quan trọng lắm cái-chữ. Còn đàn ông ở đó, tuy không gia trưởng nhưng nhậu nhẹt dữ quá, đánh vợ dữ quá. 

Xét cho cùng, trừ mấy dân tộc thiểu số, người Kinh nào ở miền Trung hay Nam, truy ngược vài đời, cũng đều có gốc Bắc cả. Nhưng khi thay đổi môi trường sống, tính cách cũng thay đổi theo ít nhiều. Thành thử, nói ra những điều này, để người Việt với nhau nhìn nhau ấm áp hơn bởi dù có thế nào, cũng là đồng bào. Nên nhớ thêm rằng trước khi buông lời kỳ thị ai đó, hãy tự vấn thật chân thành rằng mình đã vẹn tròn chưa. Khi người Việt còn kỳ thị nhau thì sức-mạnh-nước-Việt vẫn là một ý niệm hết sức mơ hồ. Và, đạo đức cùng sự tử tế, tự thân nó không bao giờ chia miền. 

Điều cuối cùng tui muốn nói là trong đời sống này, việc gì cũng vậy, chỉ tốt khi ở đúng chừng mực của nó mà thôi. 

Tiết kiệm là tốt nhưng quá lên, sẽ thành keo kiệt. 
Rộng rãi là tốt nhưng quá lên, sẽ thành hoang phí. 
Hiền lành là tốt nhưng quá lên, sẽ thành nhu nhược. 
Cá tính là tốt nhưng quá lên, sẽ thành mất dạy. 
Ít thể hiện là tốt nhưng quá lên, sẽ thành ghim gút. 
Thẳng thắn là tốt nhưng quá lên, sẽ thành hồ đồ. 
Và còn nhiều thứ tương tự vậy. Cái khó là xác định chừng-mực ở đâu. 

P.S. Nói thật, bạn bè tui rải dài khắp Việt Nam, khắp mặt địa cầu nhưng với tui, ai cũng hiền cũng tốt cũng rộng. Có thể do cách họ đối xử với mình là tấm gương phản chiếu cách họ nhận được chăng?
Hồng Hải 

Get paid to share your links!