Thursday, February 9, 2017

LÀM GÌ KHI BỊ CÔNG AN BẮT ?

ảnh chỉ mang tính minh hoạ
Mấy hôm nay, tôi nhận được rất nhiều ý kiến tư vấn liên quan đến việc: "Nếu bị bắt, phải làm thế nào để tự bảo vệ bản thân và không bị chết...vv". Dưới đây là vài dòng chia sẻ, hi vọng ai đọc được sẽ giúp ích phần nào.
1) Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ bình tỉnh và không nắm chắc luật pháp thì, khi bị bắt, hãy giữ quyền im lặng tuyệt đối, đồng thời đề nghị có luật sư. Lưu ý, ngay cả khi có luật sư tham gia, lúc công an lấy lời khai, người bị bắt cũng hết sức cẩn thận, suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Trước đây (luật hình sự cũ), việc giữ im lặng, không khai báo bị xem là tình tiết "ngoan cố, không thành khẩn" nên không được hưởng giảm nhẹ nếu vụ án được xét xử. Tuy nhiên, hiện nay, các bạn cứ an tâm, im lặng là quyền nên cơ quan thực thi pháp luật không được xem đó là tình tiết "tăng nặng hay giảm nhẹ".
Mọi người cũng biết vì sao trên thực tế, khi luật sư nộp hồ sơ cấp giấy bào chữa, có một số cơ quan họ chậm trễ không ? Là vì, trì hoãn được giây phút nào, họ sẽ tiến hành lấy lời khai người bị bắt lúc đó. Bản thân tôi đã gặp phải chuyện này rồi.
Nhân đây, kể thêm một tình tiết cực quan trọng mà nếu tôi không chú ý và phản ứng kịp thời sẽ gây bất lợi cho thân chủ. Đó là vụ án ở Tây Nguyên mà tôi có status "Gửi anh Công an Tây Nguyên - Đừng đẩy người dân vô tội vào tù". Trước khi tôi tham gia, CQĐT đã hai lần hỏi cung và cả hai lần đó, lời khai của thân chủ đều bất lợi. Sau khi được cấp giấy, tôi trấn an tinh thần và sử dụng các biện pháp "nghiệp vụ " khác nhau, lúc này thân chủ đã khai lại toàn bộ sự việc nhưng khác với trước đây. Buổi hỏi cung ấy, anh điều tra viên hỏi "tại sao, trước đây khai thế này...này..., giờ khác" thì thân chủ bình tỉnh kể bị đánh và do được hướng dẫn khai.
Nghe câu nói đó, lập tức anh công an nhẹ nhàng giải thích rằng "nếu thành khẩn khai báo sẽ hưởng tình tiết giảm nhẹ". Ngay lập tức, tôi phản đối. Tôi nói, thân chủ của tôi hiện là nghi can, không phải là tội phạm nên các anh không thể nói kiểu như vậy (thân chủ vừa bước qua tuổi 18, có chứng bệnh "rối loạn thần kinh") và thử hỏi, nếu tôi không lường trước và phản ứng ngay câu "vuốt ve" của anh công an kia thì hệ quả thế nào đây ? Chắc mọi người rõ.
(Ý kiến trên không cổ xúy cho việc chối tối, cố tình gây khó dễ cho hoạt động điều tra của CQĐT mà chỉ mang tính chất chia sẻ để những người bị bắt trái pháp luật hoặc không hiểu biết có cách mà phòng ngừa).
2) Nếu bị đánh đập, người bị bắt cần báo ngay cho Viện Kiểm Sát nếu, may mắn có VKS đến "hỏi han" hoặc sau khi bị đánh đập, có luật sư tham gia, hãy kể ngay cho luật sư và nêu rõ bị đánh ở đâu, đánh như thế nào hoặc khi người thân vào thăm, kể ngay cho người thân (lúc này người thân cần tìm đến luật sư và thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS... ) báo lại sự việc. Người bị bắt cũng có quyền đề nghị giám thị trại giam cung cấp giấy, bút và làm đơn tố cáo người đánh đập mình lên Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS và gửi cho người thân...).
Lưu ý: Hãy cố nhớ tên, hình dáng, mặt mủi anh công an nào đánh mình để sau này chỉ đích danh và chính xác. Có thể, khi tố cáo bị đánh, công an nói "chứng cứ đâu" thì cứ an tâm, luật sư sẽ có cách để "moi ra cho bằng được", nếu không moi được cũng có phương án bảo vệ....
[Ý kiến (2) chỉ là một phần rất rất nhỏ nhằm hạn chế tình trạng đánh đập thôi bởi, nếu việc giam giữ không do một cơ quan khác mà cứ để cho công an, tôi tin chắc điều đó vẫn xảy ra].
Tôi vẫn muốn nhắc lại một lần nữa để khẳng định rằng, cách tốt nhất tự bảo vệ mình và người thân là ngay từ bây giờ: Phải chuẩn bị cho bản thân và gia đình một Văn phòng Luật sư hoặc luật sư nào đó (tốt nhất có số điện thoại di động của luật sư) có năng lực, đáng tin cậy nếu gặp phải chuyện thì nhờ giúp đỡ.
Trong cái xã hội này, điều gì cũng có thể xảy ra.
P/s: Cá nhân hành nghề, may mắn được các anh công an thương nên việc gây khó dễ thường ít. Có những cơ quan công an khi tôi đến, họ thường ân cần, động viên luật sư và mong muốn cùng họ tìm ra sự thật và tôi biết ơn biết bao nhiêu nhưng có trường hợp thì "chao ôi, sao mà khổ đến thế...".
Bài viết này tôi đã "trả nợ" cho các bạn rồi nhé, đừng "đòi" nữa hen :)
Sài Gòn, ngày 08/02/2016
LS Lê Ngọc Luân

Wednesday, February 8, 2017

Phú Quốc – Từ Mạc Cửu đến Mr. X


Đối với việc phân chia ranh giới lãnh thổ tranh chấp, từ trước đến giờ, tất cả đều phải thông qua một cuộc chiến tranh, bất kể lớn hay nhỏ. Đừng nghĩ rằng Việt Nam cứ ngồi nói với phản đối kịch liệt thì Trung Quốc (và các nước khác) sẽ trao trả Trường Sa và Hoàng Sa, hoặc Trung Quốc cứ dọa dẫm thì sẽ chiếm được Senkaku từ tay Nhật, muốn thì cứ giơ súng lên.
Phú Quốc có một lịch sử êm đềm hơn, và nó hiện thuộc về Việt Nam, dù nhìn trên bản đồ có hơi lệch lệch một chút, nhưng không sao, ván cũng đã đóng thuyền, gạo nấu thành cơm rồi, thích thì giơ súng lên.
Về lịch sử xưa cũ, lãnh thổ Việt Nam là quá trình mở rộng (đánh chiếm) không ngừng nghỉ từ Chiêm thành cho đến Thủy Chân Lạp (Campuchia), mới thành một dải từ nam chí bắc như hiện nay. Trong đó, vùng đất miền Nam vốn do người Tàu khai khẩn, bắt đầu từ Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình nguyên là tướng nhà Minh dẫn 3000 quân chạy xuống quy phục nhà Nguyễn. Chúa Nguyễn thấy hay quá, tự nhiên có thằng làm không công cho mình, cho đi khai hoang miền Nam luôn.
Mạc Cửu vốn cũng là người tàu, không thích cạo nửa đầu quy phục nhà Thanh nên xuống Chân Lạp sinh sống từ năm 17 tuổi. Mạc Cửu quan hệ khéo léo với vua quan Chân Lạp nên được cho đất Hà Tiên (lúc này thuộc Chân Lạp) để khai thác. Sau một thời gian thì vùng này trở nên trù phú, lại bị Xiêm La (Thái Lan) quấy phá, muốn chiếm lấy. Mạc Cửu thấy chúa Nguyễn mạnh hơn Chân lạp nên đem đất Hà Tiên (bao gồm cả Phú Quốc) dâng cho chúa Nguyễn, tự nhiên có thằng dâng đất, ngu gì không nhận, chúa Nguyễn nhận đất Hà Tiên, phong cho Mạc Cửu làm tổng binh cai quản.
Dù có “đại ca” bảo kê, nhưng 1717, Xiêm La vẫn tiến đánh và tiêu diệt vùng đất Hà Tiên (bao gồm cả Phú Quốc). Năm 1735, Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ lên thay. Mạc Thiên Tứ với sự trợ giúp từ Đàng Trong đã đánh bại và giết Hoắc Nhiêu, kẻ cầm đầu giặc cướp, và chiếm lại tất cả các đảo kể cả đảo Kokong vào năm 1767. Lịch sử đó cho thấy, đảo Phú Quốc từ thời Mạc Cửu đã được sáp nhập vào Việt Nam mà không vấp phải bất cứ phản ứng nào từ Campuchia (yếu quá thì phản ứng mẹ gì).
Từ năm 1770, nhà truyền giáo người Pháp Pierre Pigneau de Béhaine khi đến Phú Quốc xây dựng chủng viện cũng đã mô tả nơi này đa số người Việt (cả người gốc Hoa) sinh sống và có rất ít người Khmer. Năm 1782, Nguyễn Ánh (Gia Long) khi bị quân Tây Sơn (Nguyễn Huệ) săn đuổi đã chạy ra Phú Quốc, và đảo này trở thành “thành trì kháng chiến” của Nguyễn Ánh, cho đến năm 1802, thì quay lại tiêu diệt nhà Tây Sơn, giành lại ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long.
Từ năm 1862, đảo Phú Quốc thuộc quản lý của Pháp. Năm 1874, thực dân Pháp trong một thiết lập về phạm vi lãnh thổ vùng này đã từng quyết định: “"Đảo Phú Quốc và tất cả các đảo nằm giữa kinh tuyến 100° Đông và 102° Đông và giữa vĩ tuyến 9° Bắc và 11°30’ Bắc (kể cả quần đảo Nam Du) đều thuộc Nam Kỳ”.
Năm 1949, khi Trung Hoa Dân quốc thua trận trước Cộng Sản Trung Quốc, Hoàng Kiệt là tướng lĩnh Quốc dân đảng, dẫn hơn 30.000 quân chạy sang Việt Nam lánh nạn. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp cho họ ra đóng quân tại phía Nam đảo Phú Quốc (đảo này có vẻ được ưa chuộng làm thành trì). Sau đó, năm 1953, về lại Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Đội quân Trung Hoa này bỏ lại nhà cửa, đồn điền,... Pháp thấy vậy tận dụng nhà cửa có sẵn, lập ra nhà tù rộng khoảng 40 hecta gọi là "Trại Cây Dừa", có sức giam giữ 14.000 tù nhân.
Dù rằng suốt mấy trăm năm từ khi xác lập, đảo Phú Quốc đã thuộc về Việt Nam nhưng nhiều người Campuchia không nghĩ vậy, nhất là Pol Pot (đứng đầu Đảng Cộng Sản Campuchia). Nên ngay sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt (ngày 30/4/1975), thì ngày 4/5/1975, Pol Pot đã cho quân đột kích đảo Phú Quốc. Tiếp đến, ngày 10 tháng 5 năm 1975, Khmer Đỏ dùng tàu đổ bộ LSM và 3 tàu tuần tra PCF đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu, dồn hơn 500 người dân Việt Nam trên đảo đưa về Campuchia và tàn sát toàn bộ. Chỉ hơn 2 tuần sau, 27/5/1975, quân đội Việt Nam đã đem quân ra chiếm lại hoàn toàn cả Phú Quốc lẫn Thổ Chu, yên bình đến tận ngày nay, dù rằng những đảng đối lập cực đoan ở Campuchia lâu lâu lại đem con bài “đòi lại Phú Quốc” để đẩy cảm xúc.
Ở hiện tại, Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang, Bí thư tỉnh Kiên Giang hiện tại là Nguyễn Thanh Nghị, con trai lớn của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nguyễn Thanh Nghị vốn là nhân tài hiếm có, trăm năm trước không trăm năm sau chẳng, du học về chỉ sau 2 năm ngồi vị trí hiệu phó trường ĐH Kiến Trúc. 3 năm sau, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quả là đáng cho người đời ngưỡng mộ. 3 năm sau nữa, theo chính sách luân chuyển cán bộ, về làm Phó Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang. Hơn 1 năm sau, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, tại thời điểm được bầu, Nguyễn Thanh Nghị là bí thư tỉnh ủy trẻ nhất Việt Nam, tài đến thế là cùng.
Từ khi nhậm chức ở Kiên Giang, Nguyễn Thanh Nghị tuyên bố chiến lược kinh tế “đặc khu Phú Quốc”, biến nơi đây thành “trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm tài chính của khu vực”.
Hôm trước có ra Phú Quốc, thấy nơi đây đúng là một “đại công trường”, đâu đâu cũng đang xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, sân bay quốc tế đã hoàn tất, cảng biển An Thới cũng đã hoạt động, thêm nhiều con đường chạy dọc đảo. Với sự chú trọng đặc biệt, có vẻ như Phú Quốc lại là “thành trì kinh tế” mới.
Trong một dịp cao hứng, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi về làm người tử tế đã đến đây nghe Đàm Vĩnh Hưng hát “Thành phố buồn”, nghĩ cũng thanh tao trào lộng.
Vài tấm hình chụp Phú Quốc bằng #Huawei #GR52017, chụp tự động, xóa phông và phơi sáng.

Bui An

GỬI ANH CÔNG AN TÂY NGUYÊN - ĐỪNG ĐẨY NGƯỜI VÔ TỘI VÀO TÙ

Không biết những dòng chữ này anh có đọc được không nhưng tôi tin đồng nghiệp cùng cơ quan của anh đọc được nó. Trước hết, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn riêng đến anh khi anh đã dành cho tôi những lời khen ưu ái (tôi biết điều này khi mẹ của thân chủ kể lại). Tuy nhiên, tôi hoàn toàn bất ngờ, sau lời đó, anh và một số đồng nghiệp của anh lại nói với người mẹ của thân chủ rằng: "nhờ luật sư làm gì, luật sư có giỏi thế nào cũng vậy thôi...". Và hiện nay, các anh đang tìm mọi cách để kết tội thân chủ (18 tuổi) dù tôi đã rất chân thành ngồi phân tích và mổ xẻ các tình tiết với anh để chứng minh sự vô tội.
Trước khi tôi tham gia vụ án, các anh đã đánh đập thân chủ tôi và em của thân chủ tôi đến cấp cứu ở bệnh viện. Tôi vẫn chưa nêu vấn đề này ra bởi, con người ai cũng có thể mắc phải sai lầm và tôi tin, lương tri tình người không thể mất hết.
Thiết nghĩ, dù ở cương vị nào, luật sư, công an, viện kiểm sát, tòa án thì, với trách nhiệm nghề nghiệp, chúng ta là người góp phần giúp cho sự thật và lẽ công bằng được thực thi. Tôi không bao giờ quên một người đồng nghiệp cùng cơ quan với anh gọi và mời tôi uống nước rồi tâm sự, chính anh đồng nghiệp ấy nói với tôi là công an, ngoài trách nhiệm đấu tranh với tội phạm thì phải luôn suy nghĩ tìm mọi cách chứng minh cho bị can/bị cáo không phạm tội nếu có dấu hiệu oan sai. Đây là bài học mà tôi đã học được từ chính người đồng nghiệp cùng ngành công an với anh đó.
Tôi biết, với chức vụ của mình, anh không thể là người quyết định nhưng là điều tra viên, anh cần có ý kiến chính thức với lãnh đạo để trả lại sự tự do cho người dân. Anh cũng như tôi, không ai mong muốn một người bình thường lại phải đối diện với mức án lên đến 15 năm tù giam khi chứng cứ được lập do bị đánh đập và lời khai hết sức mơ hồ, không vật chứng, không hiện trường...
Chắc anh cũng biết, những vụ án oan sai xảy ra được phát hiện trong thời gian qua, hồ sơ ở giai đoạn điều tra nó khớp và hoàn toàn phù hợp "logic" nhưng thực tế thế nào thì ai cũng rõ.
Hơn ai hết, việc đánh đập, ép cung, ngoài tôi biết ra còn có cả nhà báo biết và, dù quý mến khi làm việc với anh vì tôi nhận thấy anh là một người tốt. Tuy nhiên, vì thân chủ, vì trách nhiệm mà người Thầy dạy luật của tôi đã giao, không còn cách nào khác, tôi buộc phải công khai tất cả, nếu anh và đồng nghiệp của anh tìm mọi cách đẩy thân chủ của tôi vào 4 bức tường oan nghiệt kia.
P/s: Tâm sự về một vụ án đang làm ở Tây Nguyên

LS Lê Ngọc Luân

Get paid to share your links!