ảnh chỉ mang tính minh hoạ |
Mấy hôm nay, tôi nhận được rất nhiều ý kiến tư vấn liên quan đến việc: "Nếu bị bắt, phải làm thế nào để tự bảo vệ bản thân và không bị chết...vv". Dưới đây là vài dòng chia sẻ, hi vọng ai đọc được sẽ giúp ích phần nào.
1) Nếu không đủ bản lĩnh, không đủ bình tỉnh và không nắm chắc luật pháp thì, khi bị bắt, hãy giữ quyền im lặng tuyệt đối, đồng thời đề nghị có luật sư. Lưu ý, ngay cả khi có luật sư tham gia, lúc công an lấy lời khai, người bị bắt cũng hết sức cẩn thận, suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Trước đây (luật hình sự cũ), việc giữ im lặng, không khai báo bị xem là tình tiết "ngoan cố, không thành khẩn" nên không được hưởng giảm nhẹ nếu vụ án được xét xử. Tuy nhiên, hiện nay, các bạn cứ an tâm, im lặng là quyền nên cơ quan thực thi pháp luật không được xem đó là tình tiết "tăng nặng hay giảm nhẹ".
Mọi người cũng biết vì sao trên thực tế, khi luật sư nộp hồ sơ cấp giấy bào chữa, có một số cơ quan họ chậm trễ không ? Là vì, trì hoãn được giây phút nào, họ sẽ tiến hành lấy lời khai người bị bắt lúc đó. Bản thân tôi đã gặp phải chuyện này rồi.
Nhân đây, kể thêm một tình tiết cực quan trọng mà nếu tôi không chú ý và phản ứng kịp thời sẽ gây bất lợi cho thân chủ. Đó là vụ án ở Tây Nguyên mà tôi có status "Gửi anh Công an Tây Nguyên - Đừng đẩy người dân vô tội vào tù". Trước khi tôi tham gia, CQĐT đã hai lần hỏi cung và cả hai lần đó, lời khai của thân chủ đều bất lợi. Sau khi được cấp giấy, tôi trấn an tinh thần và sử dụng các biện pháp "nghiệp vụ " khác nhau, lúc này thân chủ đã khai lại toàn bộ sự việc nhưng khác với trước đây. Buổi hỏi cung ấy, anh điều tra viên hỏi "tại sao, trước đây khai thế này...này..., giờ khác" thì thân chủ bình tỉnh kể bị đánh và do được hướng dẫn khai.
Nghe câu nói đó, lập tức anh công an nhẹ nhàng giải thích rằng "nếu thành khẩn khai báo sẽ hưởng tình tiết giảm nhẹ". Ngay lập tức, tôi phản đối. Tôi nói, thân chủ của tôi hiện là nghi can, không phải là tội phạm nên các anh không thể nói kiểu như vậy (thân chủ vừa bước qua tuổi 18, có chứng bệnh "rối loạn thần kinh") và thử hỏi, nếu tôi không lường trước và phản ứng ngay câu "vuốt ve" của anh công an kia thì hệ quả thế nào đây ? Chắc mọi người rõ.
(Ý kiến trên không cổ xúy cho việc chối tối, cố tình gây khó dễ cho hoạt động điều tra của CQĐT mà chỉ mang tính chất chia sẻ để những người bị bắt trái pháp luật hoặc không hiểu biết có cách mà phòng ngừa).
2) Nếu bị đánh đập, người bị bắt cần báo ngay cho Viện Kiểm Sát nếu, may mắn có VKS đến "hỏi han" hoặc sau khi bị đánh đập, có luật sư tham gia, hãy kể ngay cho luật sư và nêu rõ bị đánh ở đâu, đánh như thế nào hoặc khi người thân vào thăm, kể ngay cho người thân (lúc này người thân cần tìm đến luật sư và thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS... ) báo lại sự việc. Người bị bắt cũng có quyền đề nghị giám thị trại giam cung cấp giấy, bút và làm đơn tố cáo người đánh đập mình lên Thủ trưởng CQĐT, Viện trưởng VKS và gửi cho người thân...).
Lưu ý: Hãy cố nhớ tên, hình dáng, mặt mủi anh công an nào đánh mình để sau này chỉ đích danh và chính xác. Có thể, khi tố cáo bị đánh, công an nói "chứng cứ đâu" thì cứ an tâm, luật sư sẽ có cách để "moi ra cho bằng được", nếu không moi được cũng có phương án bảo vệ....
[Ý kiến (2) chỉ là một phần rất rất nhỏ nhằm hạn chế tình trạng đánh đập thôi bởi, nếu việc giam giữ không do một cơ quan khác mà cứ để cho công an, tôi tin chắc điều đó vẫn xảy ra].
Tôi vẫn muốn nhắc lại một lần nữa để khẳng định rằng, cách tốt nhất tự bảo vệ mình và người thân là ngay từ bây giờ: Phải chuẩn bị cho bản thân và gia đình một Văn phòng Luật sư hoặc luật sư nào đó (tốt nhất có số điện thoại di động của luật sư) có năng lực, đáng tin cậy nếu gặp phải chuyện thì nhờ giúp đỡ.
Trong cái xã hội này, điều gì cũng có thể xảy ra.
P/s: Cá nhân hành nghề, may mắn được các anh công an thương nên việc gây khó dễ thường ít. Có những cơ quan công an khi tôi đến, họ thường ân cần, động viên luật sư và mong muốn cùng họ tìm ra sự thật và tôi biết ơn biết bao nhiêu nhưng có trường hợp thì "chao ôi, sao mà khổ đến thế...".
Bài viết này tôi đã "trả nợ" cho các bạn rồi nhé, đừng "đòi" nữa hen :)
Sài Gòn, ngày 08/02/2016
LS Lê Ngọc Luân
No comments:
Post a Comment