Monday, March 20, 2017

NHẠC VÀNG, NHẠC ĐỎ

Âm nhạc là tiếng nói của tâm hồn, có tiếng nói riêng của từng thời đại và có tiếng nói của muôn đời. Âm nhạc đi vào lòng người một cách tự nhiên, không thể cưỡng bức. Cưỡng bức âm nhạc tệ hại ngang cưỡng dâm thô bạo. Theo tôi, chuyện cấm nhạc vàng tôn vinh nhạc đỏ hay ngược lại đều tệ hại như nhau! 
Nhạc vàng là tên dòng tân nhạc có từ thời thuộc Pháp, còn gọi là nhạc tiền chiến. Âm điệu chậm, buồn lãng mạn, vừa tiếp thu các điệu bolero, rumba, ballade, slow... của phương Tây vừa đậm đà âm hưởng dân ca Việt.
Màu vàng thời ấy mang nghĩa sang trọng. Nhưng quan điểm của người cộng sản sau cách mạng thì cho rằng đó là thứ nhạc ủy mị, yếu đuối (thậm chí vua dâm họ Mao còn kết tội nhạc dâm dục!). Đây là sản phẩm bình dân, đại chúng, nhưng người cộng sản lại cấm kị như một mặc cảm cội nguồn, tự coi thường nguồn gốc giai cấp của mình. Họ giống như anh nhà quê lên tỉnh học đòi, thấy cái gì của thị dân cũng hay và quay lại chửi vào cha mẹ mình rằng "thị hiếu có vấn đề". Họ dùng chữ “sến” (con sen) ghép thành “nhạc sến” chụp mũ lên dòng nhạc phản chiến của miền Nam trước 1975 với thái độ miệt thị và ra lệnh cấm không dưới một lần.
Dễ hiểu thái độ kì thị ấy xuất phát từ định kiến nhị nguyên giữa nhạc vàng và nhạc đỏ. Nhạc đỏ còn gọi là nhạc cách mạng, cũng ra đời từ thời kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh sau cách mạng. Nhạc đỏ thường theo điệu March (hành khúc), Valse, Slow Waltz hay Boston, Slow Ballad, Slow Surf, Blues, đến Chachacha, Disco, một số là các trường ca giai điệu phức tạp. Dòng nhạc này có ảnh hưởng từ Pháp, nhưng chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp từ Liên Xô và được xem là quý tộc, cao sang. Thì ra ngay sau khi nắm chính quyền, không ít người cộng sản rất nhanh thoát khỏi nguồn gốc đồng ruộng của mình, dù họ vẫn ngồi ỉa hố xí hai ngăn.
Đối với những tác giả âm nhạc lớn như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy, Văn Cao… thì không có chuyện kì thị, bởi họ có thể sáng tác cả hai dòng nhạc vàng lẫn nhạc đỏ tùy theo tâm trạng và thời cuộc. Chỉ có những kẻ tập tễnh như Nguyễn Lưu, Nguyễn Thụy Kha mới có cái máu kì thị kiểu khỉ mà không biết mình là khỉ.
Tôi không cực đoan bênh vực nhạc vàng xổ toẹt nhạc đỏ hay ngược lại. Dòng nhạc nào cũng có bài hay bài dở, và hiển nhiên có hay thì mới đi vào lòng người và sống lâu. Không có ông nhạc sĩ nào sáng tác ca khúc dở ẹc mà lại đi chửi thiên hạ vì sao không hát nhạc của ông ta, trừ phi ông ta bị tâm thần hoang tường.
Âm nhạc là tiếng lòng của con người. Ngôn ngữ âm nhạc không có biên giới. Ranh giới của nó chỉ có thể là lòng người trong mỗi thời đại, mỗi khoảnh khắc khác nhau chứ không phải là ranh giới giữa nhà quê hay đô thị, giữa ta hay địch, giữa miền Nam hay miền Bắc. Những năm chiến tranh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, nhạc đỏ cổ vũ lớp lớp thanh niên phơi phới niềm vui xung trận. Nhưng sau chiến tranh với bao nỗi buồn mất mát bi thương, nhạc vàng lại xâm chiếm hồn người. Các nhạc sĩ miền Nam trước 1975, mặc dù mang danh “tâm lí chiến”, nhưng họ lại là những trí thức nhân văn, hiểu sâu sắc cái giá phải trả của chiến tranh nên mới để lại những tác phẩm không chỉ mang nỗi buồn thời đại mà còn mang nỗi buồn muôn thuở.
Không thể vì đố kị nhạc vàng đang chiếm ưu thế trên thị trường âm nhạc mà ra lệnh cấm một cách tùy tiện.
Kì thị nhạc vàng nhạc đỏ chỉ có thể sinh ra ở những cái đầu hoặc ngu xuẩn hoặc tâm thần phân liệt, vừa mặc cảm cội nguồn vừa ám thị hận thù không hóa giải được. Tôi tin những kẻ ấy chưa tham gia chiến tranh bao giờ nên mới hỏi câu ngớ ngẩn: chiến trường anh bước đi là chiến trường nào? Chiến trường là nơi diễn ra chiến tranh từ cả hai phía với bao mất mát tang thương chứ làm gì có chiến trường của ta hay địch?
Loại nhạc sĩ nấp bóng quyền lực, chỉ biết viết ca khúc với lời ca cổ vũ người ta chém giết, còn mình thì không mất sợi lông, lại còn được vinh danh bằng giải thưởng và tiền nên mới có đầu óc kì thị bệnh hoạn như thế. Không tin thì cứ kiểm tra lí lịch của mấy ông này xem.
Kích động thù địch, gây chia rẽ dân tộc không ai làm tốt hơn những ông nhạc sĩ nhân danh cách mạng này. Chủ trương chống thế lực thù địch là đúng, nhưng mưu toan kích động thù địch, gây chia rẽ dân tộc là một tội ác!
Chu Mộng Long

No comments:


Get paid to share your links!